Mảnh ghép
Vết thương quá khứ vẫn ở nguyên đó trong tim chúng tôi, đau đớn âm ỉ cho đến khi thật sự nứt toác trở lại một lần nữa.
VNTN - Xe xóc mạnh, cả nhóm chúi đầu về phía trước. Bác Bảy tài xế rối rít xin lỗi, đường đầy ổ gà. Người ta cứ hô hào cải thiện chất lượng hạ tầng, gỡ “nút thắt” vận tải, rốt cuộc năm này qua năm khác, mọi thứ vẫn chẳng có gì thay đổi. Con đường từ thành phố lên thôn Bạc, tôi đã qua rất nhiều lần, quá hẹp cho hai xe khách cùng chiều, mùa mưa bùn ngập trên gối. Mùa khô bụi tung mù mịt. Một bên vách núi dựng đứng, phía kia là vực sâu, đá lởm chởm. Phụ nữ, trẻ con chân trần cúi gầm, lặng lẽ đi bên vệ đường, bó củi trĩu nặng trên vai. “Xót ruột thiệt”, Huân, anh chàng bác sĩ nhi khoa vừa ra trường nói. Tôi quay sang nhìn cậu, từ lúc đặt chân lên xe, tất cả chúng tôi đều im lặng hướng mắt ra ô cửa. Năm bác sĩ, ba y tá, hai dược sĩ, người phụ trách chuyến đi và tôi - một phóng viên. Theo kế hoạch, sớm hôm sau đoàn sẽ tiến hành khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân thôn Bạc, một vùng đất nghèo nàn, hẻo lánh nằm trên quả đồi hình lưỡi liềm. Tóc Huân hơi xoăn, kiểu tự nhiên không phải uốn. Giọng cười âm âm như điệu nhạc và ánh mắt trong veo thật cân xứng trên gương mặt baby của cậu. Chúng tôi trò chuyện về con đường. Nhìn hai phụ nữ còng lưng cõng củi bên ngoài, Huân nói, ở quê cậu, việc di chuyển vẫn còn dựa vào xuồng ba lá và xuồng máy. Huân rất hào hứng khi nhắc lại lời thề Hippocrates của sinh viên y khoa ngày tốt nghiệp. Niềm hãnh diện của ba má cậu lúc con trai út khoác lên mình chiếc áo blouse. Huân thích trẻ con, điều này phần nào tác động đến lựa chọn chuyên ngành. Giữa chặng đường, Mẫn, nữ bác sĩ có mái tóc ngắn cúp sát vành tai hỏi bác Bảy có thể dừng lại một chút để chúng tôi hít thở. Ông vui vẻ nhận lời, tấp xe vào gốc cây lộc vừng ven đường, dù gì cũng phải tối muộn mới tới nơi. Huân suýt xoa, không biết sao ở chốn heo hút đầy nắng gió này lại có cây lộc vừng lá đỏ gợi hình ảnh mùa thu châu Âu đẹp đến nao lòng. Tôi lôi con Canon quen thuộc ra chụp vài tấm. Dưới tán lộc vừng, mọi người bắt đầu xích lại gần nhau hơn. Bác Bảy chừng ngoài năm mươi, tóc đã nhiều sợi bạc, thân thiện và hài hước. Ông bảo, thật thú vị khi có thể ôm vô lăng cho chuyến xe tuổi trẻ này: “Tôi thích tuổi trẻ của các cháu, dám nghĩ, dám làm và dám thất bại”, ông bảo vậy. Chúng tôi nói về thôn Bạc, về những vùng đồi nơi mình sẽ ở lại trong hai tháng tới. Tiếng cười vang vang dưới nắng trời rực rỡ. Tôi để mặc bản thân hùa theo niềm vui giây lát đó. Thời tiết thành phố dạo gần đây rất thất thường, nóng như nung người ta trên lò lửa, và mưa thì dầm dề. Thưở tôi còn bé, phố rạch ròi hai mùa mưa, nắng. Nắng vàng ươm, căng tràn nhựa sống như cô gái mới lớn, mưa đỏng đảnh, thoắt đến thoắt đi. Giờ, hiếm khi nghe ai đó ví von thời tiết với tính tình thiếu nữ. Biến đổi của đất trời đã hiện hữu trong mưa, nắng. Có những buổi trưa chạy xe ngoài đường, bất giác thấy bầu trời giăng sương mù mờ ảo, nhiệt độ xuống rất thấp. Đó không phải khung cảnh lãng mạn gì, đi trong màn sương một lúc, cảm giác mệt mỏi, khó thở sẽ phủ kín cả người. Ô nhiễm bập vào đời chúng tôi, không cưỡng được.
Ngày tôi nhận quyết định theo xe y tế, tổng biên tập vẫn phân vân. Ông nói: “Nếu cháu đổi ý, bây giờ vẫn kịp”. Một phóng viên nam sẽ đi thay và tôi chỉ cần xách balô lên đường du lịch. Tôi đang có cái quyền đó, sau bảy năm chưa một ngày nghỉ phép. Tổng biên tập là một nhà báo kì cựu, giỏi nghề, từng lăn lộn đưa tin từ chiến trường vùng Vịnh, đến xung đột kéo dài tại miền Nam Thái Lan, những thành phố đổ nát trong lòng Afghanistan. Ông giữ chân chúng tôi ở lại tòa soạn ngay cả những thời điểm vô cùng khó khăn, lương bổng cắt giảm nhiều, bởi cái tính thẳng thắn, chính trực và chân thành. Đào xới nỗi đau trên nỗi đau là hành động vô cùng nhẫn tâm, phải vậy không? Đồng nghiệp báo bạn đã làm thế, với tôi. Mỗi ngày phải nghe những câu hỏi tựa như có ai cầm dao chém vào tim, thật bức bối. Tôi nhủ thầm đó là công việc mà thôi, đồng nghiệp cần tin, cần giật tít, cần giữ chén cơm, mình cứ im lặng, rồi sẽ ổn. Nhưng, chẳng có gì ổn. Rốt cuộc, chịu đựng hay bất cứ cảm giác nào rồi cũng có giới hạn. Khi một người trong đám đông thốt lên: “Cô biết cha mình là ai không?”. Tôi đã bùng nổ: “Làm ơn, để tôi yên”. Tôi không biết cha mình là ai. Từ nhỏ đã mặc định chỉ có má. Không bạn bè. Luôn bị quở trách vì phụ huynh chẳng chịu đi họp. Qũy thời gian chia làm hai nửa, học ở trường và luyện piano, không công viên nước, không sở thú, không cả những bữa cơm nhà. Nữ y tá Gia Hân hất mặt về phía Tân, thì thào: “Dáng ngồi sao mà cô đơn”. Cô bảo ngán nhất là phụ việc bên cạnh một người lạnh lùng và gai góc như Tân. Gia Hân kể, Tân từng là vận động viên Judo quốc gia, nổi lên từ năm mười tuổi. Điều này thì tôi biết, bởi tính chất công việc nên trước khi theo đoàn đã tìm hiểu một chút về từng thành viên. Huống hồ là Tân, người tôi đã đi tìm suốt ba năm. Tân được gọi là “thần đồng Judo”. Cũng như má tôi “thần đồng piano” Thiên Phụng. Danh xưng mỹ miều bám riết cuộc đời bà, đến nỗi muốn bước chân ra đường ăn chén chè đậu đỏ ưa thích bên vỉa hè cũng phải dáo dác sợ lọt vào ống kính của một tay paparazzi nào đó. Chỉ một lời chê bai mông lung “nay tiếng đàn thiếu âm sắc quá” cũng khiến bà hoang mang, căm ghét bản thân. Tôi không muốn sống cuộc đời na ná má. Tôi nổi loạn. Má bắt buộc, năn nỉ rồi dọa nạt thế nào, tôi vẫn cứ ghét piano. Tốt nghiệp phổ thông, mặc má lên kế hoạch đưa sang Học viện âm nhạc Lübeck, Đức, tôi âm thầm thi vào ngành báo chí với ý nghĩ cứ tiền trảm hậu tấu. Ngày đứa con gái duy nhất mang giấy báo trúng tuyển về, má lạnh lùng: “Muốn học báo thì ra khỏi nhà và đừng mang theo bất cứ thứ gì”. Tôi choáng váng, đứng đó nhìn má, băn khoăn tự hỏi có phải bà đang thử thách mình hay không rồi ra khỏi nhà, chỉ có quần jean, sơ mi đang mặc cùng tờ giấy báo nhập học, tài sản duy nhất của riêng tôi. Mất hút mười lăm năm, Tân xuất hiện trở lại. Lần này là một bác sĩ góp mặt trong các êkíp ghép tim và phẫu thuật lồng ngực kỹ thuật cao. Những ca phẫu thuật nghẹt thở, báo chí ào vào đưa tin. Tân lướt qua ống kính máy ảnh lẫn máy quay phim, gương mặt lạnh băng. Không một phóng viên nào đặt được lịch hẹn phỏng vấn anh dù đời tư của thần đồng Judo và giờ là “bác sĩ thiên tài” luôn gây tò mò. Huân trao cho Tân lon nước lấy từ trên xe: “Hy vọng chúng ta có một chuyến đi tốt lành”. Tân không mở miệng nói cảm ơn. Gia Hân bực, cô hơi nhăn mặt. Hình như Huân chẳng để ý gì, cậu hỏi mượn con Canon của tôi, lia ống kính ra tứ phía. Những đường nét non nớt trên gương mặt cậu, không hiểu sao lại khiến tôi nghĩ nhiều đến bất trắc. Cuộc đời Huân rồi đây hẳn chẳng dễ dàng gì đâu. Hay thật ra, vốn đã nhiều bất trắc, chỉ không bộc lộ. Cô bạn đồng nghiệp tôi đùa, thứ cảm tính của đàn bà, cứ phải mang màu sắc u ám như vậy. Một tiếng nổ chát chúa từ đâu đó ập vào màng nhĩ chúng tôi. Âm thanh nghe thật kì quái, rít lên chói lai, sau đó vài giây lại ken két. Mặt đất rung chuyển. Cả nhóm đứng phắt dậy. Tân chạy trước, tiếp đến là Huân. Tôi xách máy ảnh lao đi, trống rỗng trong vài phút. Đôi lần tác nghiệp, tôi không sao giơ máy lên chụp hình hay quay phim được. Cảm giác đó, nỗi bất lực hiện hữu trong từng tế bào khi đối diện thảm họa, và mình là kẻ đưa tin. Chụp hình, gõ bàn phím rào rào, xài 3G điện thoại chuyển tin, bài cho tòa soạn. Chúng tôi trở về, chếnh choáng trên hành lang như người say, sợ hãi, đớn đau, tan vỡ, không cách nào mở nổi cửa vào nhà. Đồng nghiệp tôi sau những ngày lăn lộn tại hiện trường một vụ tai nạn, một vụ thảm sát hay một vụ cháy đều trở nên rệu rã, quá khó để dỗ dành giấc ngủ. Nhiều người đã dời xa nghề như một cách cứu rỗi bản thân. Tổng biên tập từng thở dài, kết luận, nghề báo là một trong những công việc mà người làm dễ rơi vào trạng thái sang chấn tâm lý nhất. Hai chiếc xe ngã kềnh ra giữa đường, đầu nứt toác. Ở vài ô cửa sổ có những cánh tay yếu ớt giơ lên. Từng cuộn khói bốc cao. Tiếng kim loại vỡ chà xát mặt đường răng rắc. Máu tràn ra. Gương mặt ba đột ngột xuất hiện trước mắt tôi, rắn rỏi, nước da sạm đen cùng nụ cười buồn bã. Mãi cho đến những ngày cuối khi căn bệnh Parkinson làm mục ruỗng cơ thể, hai mắt mờ dần và cử động tay chân rất chậm chạp má mới cho tôi biết về ba, một phóng viên mảng quốc tế. Ông đã nằm lại đâu đó trên chiến trường vùng Vịnh những năm 1991. Má không tin, bà chờ đợi hết nửa sau cuộc đời mình. Rằng, cũng như thuở mới yêu, ba bận rộn với những đợt công tác dài ngày, còn bà thì đi lưu diễn. Má chơi piano, sau lấn sân sang điện ảnh. Bà là con nhà nòi nghệ thuật. Chuyện tình của ba má được giữ kín bưng, như cách má giữ tôi. Không ai biết bà có một cô con gái. Tôi hét lên: “Anh làm cái gì vậy?”. Tân không nhúc nhích, đôi đồng tử giãn ra hết mức. “Anh không phải bác sĩ sao, cứu người đi chứ”. “Cứu người đi chứ”, tôi lặp lại lần nữa, bối rối và sốt ruột: “Chuyện gì với ảnh vậy? Ở bệnh viện, ảnh luôn ào vào kiểm tra tình trạng bệnh nhân trước tiên”, Gia Hân thảng thốt. “Rò rỉ nhiên liệu, xe có thể bốc cháy”, giọng bác Bảy nghe như sấm. Tân bừng tỉnh, nhưng lại bước thối lui. Môi mấp máy. Chúng tôi không có thời gian. Mười ba người. Hai chiếc xe có thể cháy trong tích tắc. Mấy mươi sinh mạng đang gào thét kêu cứu. Tôi lay người Tân trong khi các thành viên khác lôi toàn bộ máy móc, thuốc men, băng ca trên xe xuống. Biết mình không có quyền tức giận với Tân, tôi cúi gầm mặt trong vài giây. Vết thương cũ của anh hẳn đang bị một bàn tay vô hình xé toạc trở lại. Tôi cũng chẳng thể nói với Tân chuyện đó không phải lỗi của anh. Nghe thật kì cục trong tình huống này. Chúng tôi chưa từng nói chuyện trước đó. Giải Judo trẻ thế giới tổ chức tại thành phố chúng tôi vào một ngày mùa hè năm 2003. Đó là sự kiện lớn, không quá “nóng” như bóng đá những cũng khiến giới trẻ lên cơn sốt. Tân là ứng viên sáng giá nhất đại diện quốc gia thi đấu. Tôi đã mặc cả với má: “Cho con đi coi Judo, rồi con sẽ học piano”. Bà “à” một tiếng, không biết vì quá ngạc nhiên hay buồn cười. Đứa con gái vẫn thường ngày ngồi gõ phím đàn, giờ lại tăng động đánh với đá. Chưa lần nào tôi hỏi xin má cho đi xem các chương trình biểu diễn hay ra mắt phim của bà. Má không sống cùng tôi, thi thoảng mới ghé qua. Chúng tôi như hai thế giới song song lặng thinh. Bà bảo đó là cách duy nhất bảo vệ tôi khỏi ống kính truyền thông và sự soi mói của mọi người. Tôi chỉ nói chuyện với chị Mạc giúp việc. Có phải là khoảnh khắc đó, lúc nhìn thấy một phóng viên chạy tới chạy lui quanh sàn đấu cùng chiếc máy ảnh của anh, tôi đã mơ ước trở thành giống như vậy. Nó khởi đầu cho giai đoạn nổi loạn sau này của tôi. Chị Mạc giấu má cho tôi học Judo và tập tành viết lách. Những bài quyền, những mẩu tin nho nhỏ được đăng trên mấy tờ báo học trò thu hút tôi hơn hẳn phím đàn. Làm một cái gì đó có vẻ lén lút lại thường kích thích người ta thật. Tôi biết chị Mạc thương mình như em gái, như con gái, bởi chị không có gia đình. Chuyện theo đuổi bộ môn Judo vì thế vẫn được giữ như một bí mật. Mùa giải đó, trận thi đấu cuối cùng trong sự nghiệp thể thao của Tân, anh giành huy chương vàng. Niềm hãnh diện quốc gia. Niềm tự hào của những đứa trẻ nghèo, có một thần tượng để mình nhìn vào. Gia đình Tân rất khó khăn. Anh lớn lên trong khu chợ gà, ba má đều là những người bán gà hàng mấy chục năm trời. Trên đường về trung tâm thể thao ăn mừng chiến thắng, chiếc xe chở gia đình bốn người, ba má, Tân, em trai anh cùng bác tài bị contairner hấc văng lên vệ đường, lăn thành mấy vòng. Tân là người duy nhất sống sót. Truyền thông lên cơn sốt. Hồi ấy chưa có mạng xã hội như bây giờ. Giả mà có, chắc Tân khó sống nổi. Những lời thương cảm, chia buồn nhiều, lời bới móc nhẫn tâm cũng không ít: “Trời, cả nhà chết hết rồi thì sống chi nữa”, “Nó tự cứu lấy nó thôi sao”. Đội cứu hộ tìm thấy Tân, cách 15m so với hiện trường chiếc ô tô, chân phải gãy, đầu nứt một vệt xuống thái dương, máu lênh láng. Tổng biên tập nói ông tin Tân đã cố lết ra ngoài hòng tìm kiếm sự giúp đỡ. Định mệnh buộc cậu bé mười lăm tuổi ấy sống đơn độc theo kiểu như vậy. Chiếc xe phát nổ ngay trước mắt Tân. Tôi cũng có niềm tin giống tổng biên tập. Và, tin rằng, trong khoảnh khắc cuối cùng khi cơn đau xâm chiếm toàn bộ cơ thể, ba má anh hẳn đã nhẹ nhõm đôi chút, ít nhất có một đứa con của họ, giọt máu của họ đã ra ngoài được, ra khỏi vùng chết. Sau lần đó, tôi chạy khắp các trung tâm huấn luyện Judo, vào bệnh viện, tìm đến đồn công an, nhưng không có tin tức nào về anh. Chị Mạc nói: “Chi cực vậy nhỏ, người dưng mà”. Đúng là người dưng thật, và, chính tôi, thậm chí không biết vì sao mình làm như vậy. Tự dưng nước mắt tôi chảy: “Xin anh tỉnh lại đi, chúng ta phải cứu người”. Trong một giây, ánh mắt Tân chạm mắt tôi. Chúng tôi nhìn thấy nỗi buồn của người kia đang trương phình lên. Tân gật đầu. Anh đã tỉnh. Tôi lôi điện thoại ra khỏi túi, lần đầu tiên trong đời thấy việc bấm số gọi là hành động quá sức, hai tay run cầm cập, tay này phải nắm chặt tay kia mới không làm rơi điện thoại. Hai đầu số 114, 115, cứu hỏa và cấp cứu, khi đã có người nhận tin báo, tôi không nhớ mình đã vứt điện thoại đi đâu. Tân trở lại là một bác sĩ nhanh nhẹn, quyết đoán như tôi thường thấy trong các ca phẫu thuật được truyền hình trực tiếp. Bác Bảy giúp những nạn nhân bị thương nhẹ ra khỏi xe tới nằm dưới bãi đất trống quanh tán lộc vừng. Chúng tôi chạy đua với thời gian. Khi Tân và Huân khiêng được một nạn nhân nam đang bê bết máu ra khỏi đầu xe, hình như tài xế, thì khối sắt phát nổ, vài giây sau, xe thứ hai cháy theo. Cả vùng trời rực lửa. Tiếng nổ đinh tai nhức óc. Mảnh kính vỡ văng ra khắp nơi. Tay Tân bị hai vết cứa, máu loang trên cánh áo sơ mi, nhiều giờ đồng hồ sau tôi mới phát hiện. “Thiên Hy giúp chị”, đó là giọng Mẫn. Chị đang bế ngang lưng một phụ nữ mang bụng bầu lùm lùm. Lúc bình thường, hẳn chị không làm được thế này đâu. Mẫn nhỏ người, chưa tới năm mươi kí lô. Hình như trong thảm họa, trong đớn đau tận tùng của đồng loại, những con người yếu ớt nhất cũng có thể trở thành siêu nhân. Nỗi đau là sức mạnh của chúng tôi. Mẫn sảy thai do làm việc quá sức. Trớ trêu sao một bác sĩ sản khoa, đỡ đẻ cho không biết bao nhiêu người, nhưng lại để mất đứa con của chính mình. Tôi không thể mường tượng được chị đã sống, đã đối mặt ra sao trong những ngày đó. Chị đã muốn dời bỏ bệnh viện? Chị căm ghét bản thân? Chị đổ lỗi hoàn toàn cho chính mình? Phải vậy không? Mẫn mới hai chín, còn rất trẻ. Rồi chị sẽ lại có thai, sẽ sinh con và là một người mẹ. Nhưng, vết thương toang hoác từ mất mát này liệu có lành? Liệu, trong những đêm chập chờn mê tỉnh, có lần nào chị vùng dậy, tự đấm ngực, sỉ vả mình đã không giữ được con. Nhìn các cô, các chị hớn hở khoe mầm sống đang tượng hình trong bụng, chị có xót xa tủi cho mình?
Người mẹ đang trên đường xuống thành phố sinh con. Chị nói, giọng yếu dần: “Con đầu lòng của chúng tôi”. Tôi đã thấy Huân hà hơi thổi ngạt và ấn tim ngoài lồng ngực cho chồng chị liên tục. Anh nằm dưới tán lộc vừng, tim ngừng đập mà hai mắt vẫn mở thao láo. Còn Huân, cậu xoay người ôm một đứa trẻ chừng bảy tuổi trong tay, lại ấn tim ngoài lồng ngực, cứ như thể thời gian ngưng lại, mọi sức lực của cậu đều dồn hết vào đôi tay. Huân vừa làm vừa nói, câu đứt quãng, van nài: “Xin em, xin em”. Thằng bé có tỉnh lại không? Tôi không biết nữa, Mẫn đang gọi. Bác Bảy giúp chúng tôi đưa người mẹ mang thai lên xe, ông xếp ghế ngồi, tạo thành khoảng trống, lót bên dưới tấm khăn xanh. Máu loang ra sàn, tôi có cảm giác nó sắp thành trận lụt, nhấn chìm tất cả chúng tôi. “Nghe chị này, cả cô ấy và đứa trẻ đều không cầm cự được nữa. Chị sẽ phẫu thuật ngay tại đây, và em phải giúp chị, được chứ”, Mẫn nắm bàn tay đang run của tôi. Tôi gật đầu trong vô thức. Đã bao giờ tôi làm cái việc trợ sinh này đâu. Má tôi chơi bản Clair De Lune của Debussy lần cuối cùng trên sân khấu ngoài trời trước khi chìm vào giấc ngủ vĩnh viễn. Cũng như cách yêu ba, tình yêu âm nhạc nơi bà đã vượt qua mọi giới hạn. Ngày tôi ra khỏi nhà, chị Mạc chạy theo dấm dúi ít tiền, dặn: “Kiếm nhà bạn ở tạm, vài hôm má sẽ nguôi giận”. Chị đâu biết tôi làm gì có bạn. Tôi sẽ không trở lại, dù chưa biết đi đâu. Má sống xa gia đình, ông bà ngoại, cô dì đều đã ở nước ngoài. Tôi đọc báo thấy người ta viết vậy. Làm cách nào má có thể mang thai, tự mình sinh nở rồi nuôi tôi? Liệu ba có biết về sự tồn tại của tôi không? Tôi muốn hỏi má rất nhiều. Rốt cuộc lại chỉ im lặng. Tôi từng chẳng muốn ai gọi tên mình, Thiên Hy, bởi nghe giống má quá, Thiên Phụng. Những mẩu tin, bài báo, tôi thường chọn mấy cái tên khác nhau, chẳng ăn nhập gì với bản thân rồi kí phía dưới. Tôi xin được một chân phụ quán cà phê của chị Ngân, rụt rè ứng tiền trước để nộp học phí, chị hơi nhướng mày, rồi cũng đồng ý. Tôi nghĩ, mình thật may mắn, vừa ra đời đã gặp người tốt. Ở lại quán cùng má con chị Ngân được hơn một năm thì tôi chuyển ra ngoài thuê trọ, vừa học vừa phụ bán trong cửa hàng thức ăn nhanh. Chị Mạc không đi tìm tôi. Má thì tất nhiên là không rồi. Bà vẫn xuất hiện trên tivi, lúc nào cũng váy áo lộng lẫy, trang điểm cực kì tỉ mỉ. Tôi thường nhìn bà qua lớp màn hình vô tri, rồi lại ngó mình trong gương. Cái đứa nhem nhuốc, luộm thuộm này sao có thể là con của nghệ sỹ Thiên Phụng được kia chứ. Khi phong trào làm album ảnh gia đình bắt đầu xuất hiện, tôi kí cóp từng đồng, may mắn sao được một đàn anh vốn là dân nhiếp ảnh chuyên nghiệp sang tay con Canon EOS 5D Mark II, gần hai mươi triệu đồng. Giá quá hời, bạn bè cùng khoa xì xào. Tôi lại nghĩ, hẳn số phận đang bù đắp cho tôi gặp được nhiều điều lành khi bơ vơ ngoài đời một mình. Mon men vào nghề chụp ảnh trước cả làm báo chuyên nghiệp, công việc này mang đến một khoản thu, tôi sống được với nó. Đôi khi, ta vẫn cứ tưởng, những gì mình nhìn thấy, nghe thấy và chạm tay vào chính là sự thật. Chúng tôi theo xe cấp cứu đến bệnh viện gần nhất. Nhiều nạn nhân sau đó được chuyển lên tuyến trên. Tôi gọi điện cho tổng biên tập, tòa soạn chúng tôi đưa tin vụ tai nạn đầu tiên. Tin độc quyền, một kiểu độc quyền đau đớn. Tối hôm ấy tôi bắt gặp Tân ngồi một mình, bật khóc như đứa trẻ bên hông bệnh viện. Hai tay buông thõng, gương mặt không sức sống. Cả người Tân đầy vết máu. Huân cũng vậy, phía mảng tường đối diện, người cậu đang rung lên. Tôi đứng đó, giữa hai bức tường, để mặc nỗi buồn. Mẫn kể, Tân lên xe y tế vì ai đó đã cố ý khơi lại vụ tai nạn và họ đánh nhau một trận ra trò: “Chị không tưởng tượng nổi một bác sĩ điềm đạm như Tân lại có lúc kích động đến thế”. Tôi không gặp má cho đến tận cái ngày chị Mạc gọi, báo bà đang cấp cứu. Má đi khi đã thực hiện xong tâm nguyện chơi đàn ngoài trời trong vòng tay người hâm mộ. Bà lặp lại hai lần: “Má xin lỗi con”. Tôi đã nghĩ má thật nhẫn tâm, bà sống lộng lẫy, bỏ mặc đứa con gái từng có lúc phải bới thùng rác kiếm thức ăn thừa. Lắm lúc, chúng ta tin niềm tin chắc chắn rằng mình hiểu ai đó đến tận chân tơ kẽ tóc. Nhìn những thứ phô bày ra bên ngoài, đinh ninh bản chất nó hẳn nhiên như vậy. Hóa ra, mọi thứ đôi khi lại chẳng là gì của sự thật. Tôi oán hận má, dỗi hờn vì bà bắt tôi vào khuôn phép nghệ sỹ. Tôi đã sống như một đứa trẻ không gia đình để rồi khoảnh khắc ấm áp duy nhất có với má chính là vòng tay bà đã rệu rã phút cuối đời. Má ôm tôi, hẳn bà đã mệt nhoài vì chờ đợi một người đàn ông không bao giờ trở lại, đau đớn dõi theo đứa con gái quá đỗi cứng đầu. Phát hiện căn bệnh Parkinson, bà muốn tôi sang Đức học để không cảm thấy có áp lực hay gánh nặng nào. Chỗ làm của tôi, chỗ trọ của tôi, con Canon 5D Mark II tôi hãnh diện. Tất cả đều có bàn tay má. Tôi đã không biết gì cho đến ngày lặng nhìn má ra đi. Trong phòng chăm sóc đặc biệt, Mẫn ôm đứa trẻ còn đỏ hỏn, nước mắt chảy dài trên gương mặt trắng bệch của chị. Người mẹ nằm ép sát tấm lưng vào drap, ngước lên nhìn trần nhà, chị không khóc. Hẳn chị đang nhắc nhớ bản thân phải kiên cường, phải mạnh mẽ, phải gồng gánh nuôi con, phải sống cả phần đời chồng vừa bỏ lại. Chúng tôi mặc trang phục đen, dự lễ tưởng niệm những nạn nhân đã mất vì vụ tai nạn. Bầu không khí đặc quánh buồn thương. Người ta sẽ đào xới mở rộng tuyến đường, sẽ kiểm tra toàn bộ chất lượng xe khách đang hoạt động, sẽ hỗ trợ những nạn nhân bị thương tiếp tục điều trị miễn phí. Ngày mai rồi sẽ thay đổi. Nhưng, những đôi chân giờ phải đi nạng, những đôi mắt giờ chỉ còn bóng tối, những đứa trẻ mất cha, mất mẹ, những vết sẹo lồi lõm vì kính vỡ thì vẫn còn nguyên đó. Hôm sau xe y tế lên đường, kế hoạch bị lùi lại vài ngày, song không thay đổi gì. Đến Bạc, mỗi người sẽ làm công việc chuyên môn của mình. Tân, Huân, Mẫn, Gia Hân và những bác sỹ, y tá khác lại cầm ống nghe, hỏi thăm, ghi chép, phẫu thuật, cấp thuốc, thi thoảng, vai vác thùng đồ y tế, quần xắn tới gối lội qua một dòng nước tìm đến thôn bản xa xôi nhất. Còn tôi, gõ bàn phím tin tức mỗi ngày cho chuyên trang “Chuyến xe y tế vùng cao” của tòa soạn. Tối tối chúng tôi ăn cơm cùng mâm, ngả lưng trên những tấm phản gỗ đã rất cũ. Năm, mười hay mười lăm ngày, sẽ không ai cười đùa, chuyện trò cùng nhau. Xe đã nổ máy. Tân và Huân đứng tựa người trên cầu gỗ, ánh nhìn xa xăm, có lẽ hai người đã nói chuyện với nhau được một lúc. Tôi lầm lũi đi ngang qua, “Cô có ổn không?”, ai đó từ phía sau đột ngột hỏi. Tôi khựng lại. Ngày đưa tang má, phóng viên báo bạn đến viếng, chờ đợi nhiều giờ ngoài hành lang nhà tang lễ để hỏi tôi về căn bệnh Parkinson của bà: “Cô phát hiện ra khi nào?”, “Ngay lúc này cô có muốn nói gì không?”, “Cô đã sống ở đâu từ nhỏ đến giờ”, “Có lý do nào khiến cô không theo đuổi nghệ thuật?”... Chưa một ai hỏi tôi “Có ổn không?”.
Truyện ngắn. Thảo Nguyên0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...