Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
09:04 (GMT +7)

Mái hiên

Truyện ngắn. Quyên GAVOYE

1. Tôi tên là Hiên. Bố tôi kể, ngày mẹ trở dạ sinh tôi là lúc ông đang cố gắng hoàn thiện mái hiên che cho ngôi nhà mới của họ và đó là hoàn cảnh ra đời của tên tôi. Sau này khi tôi lớn hơn, bằng những từ ngữ mộc mạc, ông giải thích thêm rằng trong mỗi ngôi nhà, mái hiên rất quan trọng. Đó là nơi người đến chơi nhà đặt chân trước khi vào nhà, là nơi cho những người cơ nhỡ ngoài đường trú ngụ, là nơi che mưa, che nắng cho cửa nhà. Và vì thế, mái hiên thể hiện tính rộng lượng của chủ nhà. Ở mỗi ngôi nhà, dù to hay nhỏ và ở bất cứ đâu trên trái đất này đều tồn tại một mái hiên. Mái hiên giống như mái nhà, là phần không thể thiếu của mỗi ngôi nhà, là hồn cốt của ngôi nhà.

Lần đầu nghe bố giải thích, tôi ngồi há hốc miệng lắng nghe. Người đàn ông vốn tính cục mịch nhưng có những triết lý thật sâu sắc. Càng nghe ông nói tôi càng thấy tự hào về cái tên mà bố chọn đặt cho mình. Câu chuyện của ông tô điểm cho tên tôi đẹp thêm gấp bội phần, lời giải thích của bố khiến tôi từ bỏ ham muốn tìm cho mình một cái tên khác.

2. Cây bàng ấy được cha tôi trồng khi hoàn thành mái hiên. Ban đầu đó chỉ là một cái cây mọc hoang ở góc vườn cao vừa độ vài gang tay lúc được bố đánh về trồng bên cạnh thềm nhà. Sau vài năm cây bàng lớn vượt, tán bàng xòe rộng phủ lên già nửa mái hiên. Những đàn chim kéo nhau về làm tổ líu lo suốt mùa hè bên hiên nhà. Buổi tối, sau bữa cơm bố con tôi thường mang chiếu ra ngoài hiên ngồi hóng mát.

Lẽ ra không có cây bàng thì hiên nhà tôi sẽ rất nóng. Những năm tôi còn thơ bé, mái hiên được lợp từ những phiên liếp. Nhưng liếp thì không bền. Một vài thời gian ngấm mưa nắng, những sợi nan bục gãy rơi lả tả để lại những khoảng trống hoác. Buổi tối ngửa cổ lên trời nhìn thấy cả trời sao. Sau bố tôi dùng tấm bờ rô xi măng để lợp thay phiên liếp. Không còn bầu trời sao nhưng bù lại những hôm mưa gió, cửa nhà chúng tôi luôn khô ráo. Cho đến bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn tự hỏi liệu có lúc nào bố tôi tiếc vì đã đánh mất những ánh sao lấp lánh vào những buổi tối đẹp trời khi ngồi trước hiên nhà?

Đã có lúc tôi thấy cây bàng thật vô vị vào mùa đông khi những chiếc lá cuối cùng lìa cành để lại những cành khô khốc tua tủa đâm lên nền trời như những ngón tay cong queo của mụ phù thủy già miết vào khoảng không. Mỗi đợt gió lùa qua, cây bàng vẫn đứng im không chịu nhúc nhích. Buổi chiều lúc trời nhập nhoạng tối, ngồi nhìn từ phòng khách, cây bàng thẫm một màu đen lặng lẽ, ám ảnh. Ngay cả những cơn giông gió cũng không đủ sức lay động. Hay là cây bàng đã chết? Chỉ có cái chết mới khiến vạn vật trở nên im lặng. Những suy nghĩ khiến tôi rùng mình.

Thực ra cây bàng vẫn sống. Từng chùm rễ của cây lan tỏa đến tận mép thềm, lách qua lớp móng làm bung một vài viên gạch. Lũ trẻ trong xóm rất thích cây bàng. Chỉ cần leo lên thềm nhà rồi đu mình là chạm vào cành lớn của cái cây, từ đó có thể leo lên các cành khác để hái những trái vàng suộm. Thỉnh thoảng một vài quả bàng chưa kịp hái đã chín rũ rơi xuống trúng đầu. Cú va không thực sự đau nhưng thường bất ngờ khiến người ta giật mình đâm ra bực tức. Tôi thường xuyên là nạn nhân của những cú thả dù bất chợt ấy, cây bàng khiến tôi bực tức và chán ghét.

Năm ấy sau trận bão khủng khiếp, cây bàng trở lên xác xơ. Những chiếc cành gẫy lả tả rơi xuống hiên nhà ram ráp bàn chân. Ngước nhìn cây bàng sau bão tôi thấy nó thật thảm hại. Giá mà nó bật gốc rồi chết thì chắc hẳn bố sẽ trồng một cây mới thay thế. Nhưng cây bàng vẫn đứng đó, xơ xác, tiều tụy nhưng nó vẫn sống. Tôi muốn bố chặt nó đi và trồng một cái cây vừa cho hoa, vừa cho quả. Một cái cây sẽ khiến khung cảnh của ngôi nhà vui tươi hơn ít nhất là vào mùa đông. Nhưng bố tôi không đồng ý. Ông bảo cây bàng ấy là linh hồn của ngôi nhà, không còn nó, ngôi nhà của chúng tôi cũng sẽ mất. Ông cũng bảo với tôi rằng ngôi nhà của chúng tôi còn thì cây bàng cũng còn. Cuối cùng cây bàng vẫn lặng lẽ tái sinh và bây giờ nó bằng tuổi tôi.

Tôi không biết chính xác ngày sinh của mình. Mẹ tôi bỏ đi khi tôi còn rất nhỏ, bố tôi thì chỉ nhớ mang máng vào ngày tháng... vậy nên, tôi sinh ngày hai mươi hay hay hai mươi mốt, không ai trong nhà có thể nói chính xác cho tôi biết. Điều đó cũng không thay đổi được cuộc đời của tôi ngoại trừ việc mẹ tôi không còn quan tâm đến sự có mặt của tôi trong cuộc đời.

Tôi rất tò mò về mẹ, về người đàn bà đã sinh ra tôi rồi bỏ mặc tôi từ ngày ấu thơ. Những ký ức hình ảnh về mẹ cứ mờ dần, mờ dần rồi nhạt hẳn cho đến khi tôi không thể hình dung ra mẹ tôi giống như thế nào. Khi tôi hỏi bố về mẹ, bố chỉ bảo tôi giống mẹ, nhưng giống như thế nào thì bố cũng không thể nói ra bằng lời, chỉ là giống thôi, không phải là sự hiện hiển chính xác của những đường nét. Từ ngày bố bảo tôi giống mẹ, tôi chăm chỉ soi gương mong tìm ra những đường nét gợi lại trong ký ức xa xưa của tôi một chút dáng hình thân quen. Và có lẽ do nhìn rất lâu trong gương, tôi thấy mình giống cây bàng, khẳng khiu và lặng lẽ. Có lẽ mẹ tôi cũng đã từng giống như cây bàng và đó là lý do khiến bố tôi muốn giữ lại cái cây dù nó không đẹp vào mùa đông.

3. Mẹ tôi bỏ đi sau một cuộc cãi vã với bố. Lúc đó tôi còn quá nhỏ để hiểu được nội dung của cuộc cãi vã đó. Tôi chỉ nhớ mang máng hình ảnh một người đàn ông đến đón mẹ ở cổng trên chiếc xe Cub 50. Mẹ đi nhẹ tênh với độc bộ quần áo trên mình. Mẹ đi vội vàng đến nỗi không ôm tôi và cũng không nói lời tạm biệt với đứa con duy nhất của bà. Đêm hôm đó bố con tôi đã đợi mẹ ở trước cửa rất lâu, hi vọng rằng mẹ sẽ quay trở lại lấy ít đồ để ông có cơ hội xin lỗi và làm lành với mẹ.

Nhưng mẹ không trở về dù chỉ là một lần. Bố tôi sau vài tháng chờ đợi không tin tức của mẹ thì gom hết đống quần áo của bà mang ra triền sông đốt. Khói từ đám cháy tỏa vào mặt ông làm cho đôi mắt ông đỏ lựng, mồ hôi nhỏ từng giọt từ khóe mắt của ông rớt xuống. Từ đó, người ở xóm đồn rằng mẹ tôi đã theo người đàn ông đi xe Cub 50 ra Quảng Ninh rồi trốn sang Trung Quốc. Cũng chỉ là tin đồn bởi mẹ không gửi về một tin nhắn nào nên cả tôi và bố đều không biết chính xác mẹ đang ở đâu.

Những buổi tối ngồi trên hiên nhà cùng với bố, tôi bắt đầu học đếm. Tôi đếm bất cứ thứ gì lướt qua trước mặt, và tôi đếm những chiếc lá bàng rơi. Những chiếc lá to như chiếc quạt nan rất đượm nắng nên chóng khô. Chỉ sau vài giờ rơi xuống hiên nắng, chiếc lá bàng đã khô cong chuyển từ màu đỏ quạch sang màu nâu rồi khô quắn lại. Lũ trẻ hàng xóm chơi đồ hàng thường lấy lá bàng làm quạt nhưng chiếc lá rất chóng rách vì quá khô và giòn. Những chiếc lá bàng khô thì tốt nhất dùng để nhóm lửa, vừa đượm mùi lại vừa dễ bén lửa. Thông thường bố tôi lấy chổi đót quét gom lại dồn vào góc bếp trộn với vô vàn những lá cây khác gom được trong vườn để nấu nướng. Tôi rất thích nấu bếp bằng lá cây dù đôi khi một vài chiếc lá chưa đượm nắng bốc khói bay mù mịt làm mắt tôi cay xè. Cách tốt nhất để tránh khói bếp là vèn một đống lá ngay cửa bếp kiềng khi đun để lửa cháy hong lá trước khi cho lá vào bếp. Sau này, tôi gom từng chiếc lá, xếp chúng lại và lấy một chiếc gậy xuyên qua thành xâu rồi xếp gọn vào góc bếp đợi chúng khô cong rồi mới đốt. Từ khi phát hiện ra cách hong lá, tôi thấy hứng thú với những xâu lá.

Với tôi, những xâu lá không đơn thuần là sự thu gom những chiếc lá khô, đó là sự góp nhặt một kho báu. Mỗi xâu lá hoàn thành, trước khi xếp vào bếp tôi thường thầm đưa ra một điều ước. Thực ra tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại thấy hứng thú với những chiếc lá bàng. Những lá cây còn lại trong vườn, tôi bắt chước bố lấy một chiếc cào, cào gọn thành đống rồi hót vào thúng bưng vào bếp. Trong trí tưởng tượng non nớt, những chiếc lá bàng khô cong vênh nhìn tôi, thương cảm đứa trẻ ngờ nghệch giúp tôi biến những điều ước thành hiện thực.

4. Tôi đã đếm được mười ba mùa lá bàng rụng từ khi mẹ bỏ đi. Mười ba mùa lá rụng với hàng trăm xâu lá mà mẹ tôi vẫn bặt tin. Cũng có thể mẹ đã chết. Lặng im đồng nghĩa với đã chết. Tôi nói với bố như thế khi ông lắc đầu từ chối sự mai mối của bà ngoại tôi, tức là mẹ vợ của ông. Bố tôi bảo bà ngoại, một ngày cũng là nghĩa, huống hồ tôi đã được sinh ra. Ông sẽ chờ cho đến khi có tin chính xác của vợ mới khẳng định bà đã mất hay còn sống, chỉ khi đó bố tôi mới quyết định sẽ tái hôn hay sẽ ở vậy suốt đời.

Năm tôi tròn mười tám, bà ngoại tôi muốn mai mối cho bố tôi cô Ngoan ở huyện bên. Cô Ngoan nhiều hơn tôi hai con giáp đã có một đời chồng nhưng chưa có con. Chồng cô đi buôn chuyến ở bên Trung Quốc và không trở về. Cô Ngoan đã dành cả tuổi thanh xuân để chờ chồng và chăm sóc bố mẹ chồng. Sau cùng người chồng ấy cũng trở về nhưng với một người đàn bà khác, những đứa con khác. Vậy là cô Ngoan phải rút lui khỏi cuộc hôn nhân. Đó là toàn bộ câu chuyện về cuộc đời của cô Ngoan mà bà ngoại tôi tóm gọn trong vài từ để kể với bố tôi và tôi vô tình nghe được. Dù chưa gặp cô Ngoan lần nào nhưng tôi bắt đầu ước người đàn bà đơn côi ấy và bố tôi thành một cặp hạnh phúc. Những buổi chiều đếm lá, tôi mơ về một gia đình đủ đầy, cô Ngoan sẽ là mẹ của tôi.

Nhưng đấy chỉ là những giấc mơ của con trẻ, bố tôi không nghĩ như tôi. Ông gạt ngay ý muốn của bà ngoại ngay khi bà kết thúc câu chuyện. Ông bảo “chừng nào con Hiên chưa lấy chồng thì con sẽ ở vậy nuôi nó. Cái Hiên đã mồ côi mẹ lại vắng cả cha thì khác nào cái nhà không có nóc và không có mái che”. Bà ngoại tôi không nói thêm được câu nào. Câu chuyện mối lái cứ tự nó trôi qua. Căn nhà của chúng tôi vẫn chỉ có hai bố con.

Tôi bắt đầu thấy thích cây bàng vào mùa đông. Không biết từ khi nào tôi chơi lại trò chơi của thời bé. Những chiếc lá khô chính là số tiền tôi trả cho những ước mơ nhỏ nhoi của mình. Bố cười khi tôi nói với bố về ước mơ đó và những chiếc lá mà tôi thu lượm. Tôi ước lời hứa của bố với tôi sẽ phải được thực hiện. Sẽ không có một đám cưới nào dành cho tôi nếu bố tôi vẫn còn độc thân. Mẹ đã bỏ bố đi và không một lần quay về và nếu tôi cũng đi lấy chồng thì chắc chắn bố sẽ chết khô như chiếc lá bàng trước khi tìm được ai đó bầu bạn. Vào những đêm sáng trăng, tôi thường bắt gặp bố ngồi lặng im bên thềm ngửa cổ nhìn tán lá bàng, hình như ông cũng đang học đếm như tôi ngày xưa bởi miệng ông lẩm bẩm những từ mà tôi không nghe rõ. Tôi tưởng tượng ông cũng đang nhẩm tính giá cả của những điều ước. Từ cửa sổ phòng tôi nhìn ra thềm nhà, bóng của ông in rõ mồn một lên hiên nhà, khẳng khiu và đơn độc.

5. Mùa đông năm ấy, trời trở lạnh sớm hơn thường lệ. Bố tôi bị chuẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối. Các bác sĩ chẩn đoán nếu không tìm được thận phù hợp để cấy ghép kịp thời, thời gian sống của bố tôi chỉ còn tính bằng tuần. Điều đó có nghĩa là khi những chiếc lá bàng cuối cùng trút xuống, bố tôi cũng sẽ ra đi. Sự chẩn đoán của bác sĩ khiến tôi hoảng hốt như vừa bị hàng ngàn quả bàng rơi vào đầu cùng một lúc.

Bây giờ mọi thứ trong tôi thật mâu thuẫn, tôi vừa muốn gom thật nhiều những xâu lá, lại vừa mong cho cây bàng đừng trút lá. Tình trạng của bố tôi bây giờ cũng giống như cây bàng. Chút hơi sức cuối cùng đang rời bỏ ông giống như những chiếc lá cuối cùng đang lìa khỏi cành.

Bác sĩ bảo giải pháp nhanh nhất bây giờ là tìm được người ruột thịt hiến thận như thế khả năng tìm được thận phù hợp sẽ nhanh hơn là chờ đợi việc hiến tạng. Trong hoàn cảnh của một cái cây đang chết, chờ đợi là một điều xa xỉ. Bố tôi cần được ghép thận. Thật may, tôi là người ruột thịt duy nhất của ông.

Tôi không biết rõ quê nội của mình ở đâu. Bố tôi cũng không rõ. Bố tôi là một đứa con hoang. Bà nội của tôi sinh ra ông sau những lỡ lầm của tuổi trẻ. Cuộc đời tuổi trẻ của bố tôi nương theo những mái hiên để lớn lên. Và đó là lý do mãi về sau tôi mới hiểu ra vì sao mái hiên nhà chúng tôi luôn được ông dọn dẹp sạch sẽ và tu sửa chỉn chu.

Khi tôi nói với ông mong muốn hiến thận, bố tôi nhất quyết từ chối. Ông không muốn vì căn bệnh mà chúng tôi phải bán đi căn nhà để trả viện phí. Ông càng không muốn tôi hiến cho ông một phần cơ thể của mình. Chỉ có cha mẹ mới phải hi sinh cho con cái giống như chỉ có đất bồi đắp cho cây, vậy nên ông thà chết chứ không muốn nhận quả thận của tôi. Bất chợt, tôi thấy ông thật giống cây bàng, lặng lẽ rủ bóng mát xuống hiên nhà cho đến khô cong những chiếc lá.

6. Sau đợt gió mùa thứ hai, cây bàng trở nên khẳng khiu, chỉ còn lại một vài chiếc lá lưa thưa ở mỗi cành. Sức khỏe của bố tôi cũng yếu dần. Tình trạng của ông không cho phép kéo dài lâu hơn, quả thận của ông đang chết cùng với ông. Sau cùng tôi bàn với bà ngoại sẽ giấu bố tôi sự thật về việc tôi hiến thận cho ông. Tôi có thể sống khỏe mạnh với một quả thận nhưng tôi sẽ không thể bình an nếu không có bố.

Mọi thủ tục nhập viện và làm xét nghiệm diễn ra rất nhanh chóng. Bà ngoại chuẩn bị hành lý nhập viện cho hai bố con tôi trong một buổi chiều. Hôm đó trời đã vào giữa đông, thời tiết lạnh tê tái, cây bàng trút lá ào ào. Chiều qua tôi đã thu gom được rất nhiều xâu lá, những chiếc lá to nhất, lành lặn nhất đủ để tôi thực hiện nguyện ước.

Vài giờ sau khi nhập viện, bác sĩ thông báo với tôi rằng kết quả xét nghiệm cho thấy quả thận của tôi không phù hợp với cơ thể của bố tôi do chúng tôi không cùng nhóm máu. Đó là người bác sĩ già với khuôn mặt phúc hậu tầm tuổi cha tôi. Khi nghe tôi ngạc nhiên thắc mắc tại sao chúng tôi cùng huyết thống lại không cùng nhóm máu. Một cách nhẹ nhàng, ông giải thích việc chúng tôi không cùng nhóm máu là chuyện rất bình thường, hoặc là tôi mang nhóm máu của mẹ, hoặc là tôi không phải là con đẻ của bố tôi. Không thể nào! Tôi hét lên với người bác sĩ. Tôi là con gái của bố tôi, là người ruột thịt duy nhất, dòng máu của bố đang chảy trong cơ thể của tôi. Tôi đã cố khóc thật to nhưng tất cả nước mắt của tôi cũng không thể thay đổi được sự thật rằng chúng tôi không cùng nhóm máu.

Những tia nắng cuối ngày vụt tắt. Bà ngoại ôm tôi nức nở cầu xin tôi tha thứ cho con gái của bà tức là mẹ tôi. Tôi sinh ra từ cuộc tình vụng trộm của mẹ với người đàn ông đã có vợ. Bố tôi thương mẹ nên làm đám cưới khi mẹ đã mang thai tôi tới tháng thứ năm. Từ cuộc hôn nhân với mẹ, bố chỉ lời lãi được tôi, đứa con không cùng huyết thống với ông.

Tôi lặng người nghe bà giải thích. Bây giờ thì tôi hiểu vì sao bố tôi lại yêu thương cây bàng nhiều đến thế. Ông là người trồng cây bàng khi tôi ra đời. Cây bàng đánh dấu mối quan hệ cha con với tôi giống như cái cây với ngôi nhà của ông.

7. Buổi chiều sau khi ra viện, tôi trở về nhà. Trước hiên nhà, những chiếc lá bàng rụng chưa kịp hong khô tạo thành thành một tấm thảm đỏ ối. Gió chiều thổi tê tái, những chiếc lá xoáy tròn rồi nhẹ nhàng đáp xuống bậc thềm. Bà ngoại định dùng chổi quét sạch đám lá, tôi bảo bà để tôi gom lá bằng tay. Tôi đã có một xâu lá bàng hơn trăm lá. Lần đầu tiên tôi xâu một xâu dài. Cũng bởi bây giờ tôi đã lớn nên hiểu rằng mỗi lời ước một giá trị riêng. Lời ước càng cao siêu thì cái giá phải trả càng đắt. Lời ước của tôi lúc này chính là mạng sống của bố tôi. Tôi ước bố tôi khỏe lại để trả lời cho câu hỏi ngày xưa của tôi, thứ gì mà con người ta không thể mua bằng tiền được. Có phải chăng chính là mạng sống của mình? Hay đó là tình yêu của người bạn đời mà ông chưa từng có được?

Có lẽ không phải là mạng sống, bởi bố tôi đã từ chối mạng sống của bản thân khi ông biết người cho ông quả thận chính là con gái của ông. Đó chắc hẳn cũng không phải tình yêu của mẹ tôi, bởi ngay từ đầu khi chấp nhận mẹ tôi, ông đã biết bà không yêu ông và đứa con mà bà mang trong người không chung huyết thống với ông. Thứ đó là gì? Tại sao ông lại muốn tôi tự hiểu ra?

Bà ngoại gọi tôi vào viện gấp, người ta đã tìm ra quả thận phù hợp với cơ địa của bố tôi, một quả thận khỏe mạnh. Tôi bỏ lại xâu lá, vội vàng chạy thẳng đến bệnh viện.

Vẫn ông bác sĩ già với khuôn mặt phúc hậu và giọng nói ấm áp, ông giải thích cho tôi rằng người hiến thận cho bố tôi là một người đàn bà ngoại tứ tuần. Bà ấy đến bệnh viện tìm gặp bác sĩ và xin tự nguyện làm xét nghiệm để hiến thận cho bố tôi. Những lời của ông bác sĩ khiến tôi bật khóc một lần nữa. Vậy là lời cầu nguyện của tôi sắp thành hiện thực.

Bà ngoại đến bên tôi, bằng những từ ngữ ngắn gọn nhất bà bảo người hiến thận cho bố tôi chính là cô Ngoan, người đàn bà mà bố tôi đã từ chối khi được mai mối. Cô Ngoan âm thầm yêu bố tôi từ lâu, vì biết bố tôi còn nặng tình với mẹ tôi nên cô chưa từng tìm cách gặp ông nhưng câu chuyện về người đàn ông lầm lũi nuôi con một mình đã khiến cô cảm phục và cô muốn làm gì đó cho bố tôi. Thật may quả thận của cô lại phù hợp với ông.

Tôi ôm bà ngoại nức nở. Không ngờ, một người đàn bà không quen biết với bố con tôi lại có thể dành cho ông một tình yêu cao cả đến thế.

8. Mùa đông năm nay bất thường hơn mọi năm, nó bắt đầu sớm hơn và kết thúc cũng sớm hơn. Thời tiết chỉ vội vã lạnh gần hai tháng rồi ấm dần. Mưa xuân bắt đầu lất phất. Cây bàng trước hiên nhà dường như cũng hồi sinh nhanh hơn. Chiều qua khi phát hiện ra những chồi non đã bắt đầu bật mầm, tôi lại nghĩ mình nhìn nhầm.

Một tháng sau ngày phẫu thuật, sức khỏe của bố tôi và cô Ngoan đều ổn định, cả hai được phép xuất viện. Tôi lấy cớ rằng cô Ngoan sống một mình nên để tiện chăm sóc hậu phẫu cho cô, tôi đón cô về ở cùng nhà với bố con tôi. Bố khẽ xoa đầu tôi. Lần đầu tiên tôi nhận ra ánh mắt của ông thật long lanh.

Chúng tôi trở về nhà trong tiết trời ấm áp của mùa xuân, những chiếc lá bàng bật chồi xanh mướt. Trông chúng thật ngộ nghĩnh. Những búp lá cuộn mình bật lên trên nền trời bung biêng như những ngọn nến ngay trên hiên nhà, trước cửa ra vào của nhà chúng tôi. Tôi dừng lại ngước mắt nhìn thật kĩ cây bàng. Kỳ lạ thật, mọi năm cây bàng thường trút sạch lá, chỉ còn trơ lại những cành cây khẳng khiu tua tủa đâm vào nền trời, nhưng năm nay mọi thứ dường như không còn đúng quy luật. Giữa lốm đốm những mầm xanh, một vài chiếc lá đỏ của mùa trước vẫn còn sót lại rải rác ở mỗi cành. Mỗi làn gió ùa qua, những chiếc lá rung rinh tựa như những chiếc nan quạt đang phe phẩy. Ngày còn nhỏ, khi chúng tôi trải chiếu ngồi trước hiên hóng gió, bà ngoại tôi thường bảo đó là tín hiệu của một cuộc đại hỷ. Những chiếc lá rung rinh chính là ánh mắt gửi trao yêu thương của đất trời.

Năm tháng sau ca phẫu thuật, sức khỏe của bố tôi và cô Ngoan đã hoàn toàn hồi phục. Bà ngoại sang nhà chúng tôi nói chuyện bảo muốn thay mặt ông bà nội đã khuất của tôi mang trầu cau sang nhà cô Ngoan xin cô về ở cùng với bố con tôi. Bố tôi không phản đối nhưng có vẻ như vẫn còn lăn tăn những câu hỏi về mẹ. Sau cùng, bà ngoại tôi gọi hai bố con tôi lại và giải thích.

Người đàn ông đi chiếc xe Cub 50 cũng là cha đẻ của tôi. Họ ở với nhau được một thời gian thì mẹ tôi phát hiện ra người đàn ông đó đã phản bội mẹ để yêu một người đàn bà khác. Mẹ tôi vì quá ghen nên đã nghĩ quẩn. Đích thân bà ngoại tôi đã đứng ra lo hậu sự cho mẹ. Nhưng vì bà ngoại sợ tôi còn hận mẹ và bố tôi còn quá yêu vợ thành ra hận vợ nên bà chọn giữ kín bí mật với chúng tôi.

Nghe câu chuyện bà kể, tôi bật khóc như một đứa trẻ. Tôi hận mẹ. Hận người đàn bà quá lụy tình nên bỏ rơi tôi và không một lần quay trở lại. Mẹ đã biến tôi thành một đứa trẻ mồ côi ngay cả khi mẹ vẫn còn sống. Tôi ước giá như tôi không phải là con của mẹ và người đàn ông đi chiếc xe Cub 50, giá như tôi là con của bố tôi sinh ra. Nhưng tôi có thể làm được gì để thay đổi sự thật rằng tôi là con của mẹ. Tôi thấy mình bất lực trước những sự thật hiển nhiên. Những chiếc lá bàng có thể giúp tôi thực hiện mọi lời ước nhưng lại không thể giúp tôi thay đổi được sự thật. Tôi đã đạt được tất cả những lời nguyện cầu với những xâu lá, cha tôi đã khỏe lại, cô Ngoan bây giờ đã trở thành thành viên của gia đình chúng tôi chỉ riêng lời ước thay đổi hiện thực của quá khứ của bản thân mình là tôi không đạt được. Bất chợt tôi nhớ đến lời của bố tôi khi xưa khi ông nói với tôi về những mong muốn không bao giờ trở thành hiện thực.

9. Cây bàng lại bắt đầu một mùa thay lá mới. Những chiếc lá chuyển từ màu xanh thẫm sang màu đỏ ối vẫy mạnh trước hiên nhà sau mỗi đợt gió. Bà ngoại nhắc lại, đó là tín hiệu của một cuộc đại hỷ, những mắt lá gửi niềm thương từ đất trời.

Tôi đã yêu. Thật hạnh phúc khi được nắm tay cùng người mình yêu ngồi bên hiên nhà ngắm sao. Trong trạng thái lâng lâng, tôi nghĩ về mẹ. Mẹ tôi khi xưa hẳn đã rất yêu người đàn ông đi chiếc Cub 50 ấy nhưng có lẽ bà chưa một lần được hưởng trọn tình yêu của người mà bà đã dành trọn trái tim. Và đó là lý do khiến bà trở nên lụy tình và yếu đuối. Bà cũng giống như tôi, chỉ mong muốn có được một tình yêu trọn vẹn. Bây giờ tôi không còn hận mẹ. Tôi thương mẹ.

Sắp thêm một mùa lá rụng và tôi sắp về nhà chồng, người đàn ông đã ngồi cùng tôi rất nhiều tối bên hiên nhà để ngắm cây bàng. Cô Ngoan muốn dẫn tôi đi mua một sợi dây chuyền từ số tiền cô dành dụm làm của hồi môn cho con gái. Tôi bật khóc trước tấm lòng của cô. Khi đi qua hiên nhà, cô Ngoan cầm bàn tay tôi vuốt ve. Bất chợt tôi thấy bàn tay của cô thật giống những chiếc lá bàng, thô ráp nhưng thân thuộc, những chiếc lá gói trọn những ước mơ của tôi.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chí đại dương

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Lối nhỏ vào đời

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Bố và nắng

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Nhà có hai chị em

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ai chạy nhanh nhất?

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Chuồn chuồn kim

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Hoa mướp bên hiên nhà

Văn xuôi 1 tháng trước