Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
18:03 (GMT +7)

Lượn Cọi - “Bùa yêu” giữa núi rừng Việt Bắc

Người Tày vùng Việt Bắc lớn lên trong vòng tay của ông bà, cha mẹ và lời ru của dân tộc mình. Có lẽ ở đời ai cũng vậy, ngoài quê cha đất tổ còn có những chân trời, góc biển để thỏa nỗi ước mong. Nếu như lời ru đưa bé em vào giấc ngủ để mẹ địu lên lưng lên rẫy thăm ngô, xuống đồng chăm lúa, lời Then trong làn hương thơm tỏa với nghi lễ vòng đời thiêng liêng từ cầu an giải hạn đến tìm vía, vun hoa, nối tơ hồng, Phong slư mở ra cho lòng xốn xang rạo rực, tình đầu cháy hơn lửa đượm đêm đông, Lượn Quan làng đối đáp với bà đón ý nhị, thông minh trong lễ cưới... thì những câu Lượn Cọi được người Tày cất lên có thể được ví như bùa yêu giữa núi rừng Việt Bắc.

Đối đáp Lượn Cọi về tình yêu đôi lứa trong lao động sản xuất
Đối đáp Lượn Cọi về tình yêu đôi lứa trong lao động sản xuất

Lượn Cọi cổ của người Tày cơ bản theo thể thơ thất ngôn trường thiên, mô tả về thiên nhiên, con người, làng bản, những nét sinh hoạt, phong tục tập quán, lễ hội của người Tày; thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của tộc người Tày. Ở Cao Bằng, nhất là vùng Bảo Lạc, Bảo Lâm, Lượn Cọi cổ thể hiện rất rõ trong một số cuốn ghi lại lời hát bằng chữ Nôm Tày với hơn 30 chương, mục, đoạn, gồm: Lượn nải (Lượn mời), Lượn khan (Lượn đáp), Cốc lùng (Cây đa), chồm Pửt (Xem bụt), Nặm tả (Nước sông), Cọn pắn (Guồng nước), Rẩy (Nương), Chồm tổng (Xem cánh đồng), Chiêm khau phja bản cỏn (Xem cảnh), Nòn phăn hăn (Nằm mơ thấy), Lượn kết, Lượn pjảc (Lượn giã bạn chia tay), Than ước, Vuồn slí quý (Buồn tứ quý), Khửn mường bân (Lên trời), Khửn lừa slo sluông (Vào thuyền cùng thầy),....

Lượn Cọi về tình yêu thiên nhiên và cuộc sống
Lượn Cọi về tình yêu thiên nhiên và cuộc sống

Lượn Cọi âm ỉ trong các bản vùng cao được bà con mệnh danh là tiếng gọi tình yêu đôi lứa. Người ở trên đồi đang hái chè hát vọng xuống tận cánh đồng dưới thung lũng. Có khi, trong lễ hội, từng tốp hát cọi với nhau, lần lượt đối đáp giao duyên. Khi môi đã mềm, ngực đã bỏng, họ mới tách thành đôi hát dò hỏi ý tứ, làm quen tên họ, công việc, kể lể niềm vui, nỗi buồn và mong ước của bản thân!

Không cần sân khấu hiện đại, dàn nhạc đi kèm, đôi khi không cần sáo trúc đệm, lắng nghe khúc tình tứ văng vẳng của Lượn Cọi tận đẩu đâu đến tai mình, trong thẳm sâu, ta bỗng nhận ra tiếng lòng người thương được gửi gắm vào tiếng rừng cọ xạc xào, tiếng suối Phú Đình róc rách, tiếng gió hú qua cánh đồng Bình Yên, Điềm Mặc miên man. Cuộc Lượn Cọi của thanh niên nam nữ trong các ngày hội gồm bốn phần: Lượn mời và Lượn đáp, đồng ý hát; Hát đối đáp giao duyên tâm tình; Lượn kết; Lượn giã bạn chia tay và các chương lượn về sau.

Khi tiếng sáo trúc được chàng trai đưa lên môi thổi réo rắt trong đêm rằm, dù màn sương giăng mờ ảo không nhìn thấy mặt nhau nhưng người con gái bắt đầu bằng câu Lượn Cọi. Phần Lượn Cọi nào cũng đều mở đầu bằng tiếng “Hứ hợi” cao vút đến nao lòng, riêng Cọi vùng Định Hóa, tiếng “Hứ hợi” ngân làm 3 cung bậc từ cao xuống thấp nên còn gọi là “cọi ba khoang”:

Hứ hợi... ời... hứ... hợi... hứ... hợi... Bươn Chiêng ngòi hăn bjoóc lẻ than/ Bjoóc phéc bjoóc phông ban tềnh cáng/ Hứ hợi... hờ hứ... hờ hứ... ời. Mèng điếp bân cấn cản tứn xa/ Mẩt mèng bân pây mà tím nhị/ Bằng ca than noọng nhỉ bấu hăn/ Ước lừ hẩ ư mì bạn tin thâng... (Hứ hợi... ời... hứ... hợi... hứ... hợi... Tháng Giêng trông thấy hoa là than/ Hoa chen hoa nở ban trên cành/ Hứ hợi... hờ hứ... hờ hứ... ời... Ong bướm bay rộn ràng tìm thăm/ Kiến ong cùng siêng năng tìm nhị/ Làm sao tìm được bạn đưa tin/ Trông thấy hoa vàng kim nở rộ... (Trích Lượn Cọi: Than ước).

Lượn Cọi nói về tình cảm gia đình được biểu diễn bên cầu thang nhà sàn người Tày
Lượn Cọi nói về tình cảm gia đình được biểu diễn bên cầu thang nhà sàn người Tày

Theo Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Luận ở huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, làn điệu Lượn Cọi của vùng Định Hóa mang hơi thở của nhiều vùng miền như Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang,... nhưng có nét độc đáo riêng, đó là tiếng Tày ở Định Hóa ngắn gọn hơn. Theo các tài liệu lịch sử còn ghi chép lại, sau khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn xong 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế, ông cho phép các địa phương, vùng miền thành lập đình, chùa, miếu mạo để thờ Thành hoàng bản thổ. Người Tày thuê người Kinh lên trạm trổ hoa văn trên gỗ. Quá trình làm việc, hai dân tộc đã có sự giao lưu về dân ca.

Cho nên, trong 14 làn điệu dân ca của các dân tộc vùng Định Hóa có 3 làn điệu: hát Ví, hát Ả đào và hát Cửa đình (tức hát Xoan) được bà con người Tày thể hiện bằng tiếng Kinh, còn hát Then, Cọi và Quan làng là thể hiện bằng tiếng Tày. Có những đoạn Lượn Cọi ngang tầm văn chương bác học; giai điệu mượt mà như tiếng gió rào rạt qua tán lá trong rừng, tiếng chim gọi bầy chiều nghiêng về tổ, tiếng suối ngàn róc rách tấu nhạc họa bài thơ, sắc màu của non ngàn Việt Bắc hùng vĩ, sơn thủy hữu tình và lòng người sắt son, chung thủy:

Nhỏt liềng phiêng nhỏt cọ

Pỉ cả chê noọng khỏ bấu au

Pỉ cả tham lườn chàu liệng mé

(Ngọn cọ xẻ bằng ngọn cọ nếp

Anh chê em nhà nghèo không lấy

Anh tham lam nhà giàu nuôi mẹ)

(Trích lượn cọi Vuồn slí quý (Buồn tứ quý))

Kết hợp giữa Lượn Cọi và sáo để tỏ lòng mình vào nỗi nhớ người yêu
Kết hợp giữa Lượn Cọi và sáo để tỏ lòng mình vào nỗi nhớ người yêu

Là một trong 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của huyện Định Hóa, Lượn Cọi hiện nay không chỉ là làn điệu giao duyên mà còn được nhiều soạn giả đặt lời ca ngợi công cuộc xây dựng nông thôn mới như làm đường giao thông, kéo điện lưới, hiến đất làm công trình cộng đồng, phát triển du lịch, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, Định Hóa giàu đẹp,... Bà Nguyễn Thị Xuyến, quê ở Định Hóa, hiện công tác tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) cho biết: Năm 2015, bà đại diện đoàn Thái Nguyên thể hiện bài Lượn Cọi: “Than ước” đã giành giải A trong Cuộc thi Tiếng hát Truyền hình toàn quốc tổ chức tại tỉnh Nghệ An.

Quê ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, Nghệ sỹ Ưu tú Mã Minh Huệ, hiện công tác ở Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc, chị có nét đằm thắm, mặn mà, ưa nhìn của cô gái vùng cao. Tiếng hát của chị đã chinh phục nhiều tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên, đem đến các bản làng xa xôi nhất của Tổ quốc các bài Lượn Cọi cổ của người Tày. Chị tâm sự, từ nhỏ, những lời hát cọi của mẹ đã làm chị say mê, khi theo đuổi con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, những bài Cọi cổ mãi là những áng thơ tình mãi tươi nguyên theo dòng chảy thời gian cùng chị thăng hoa trên sân khấu. Chị còn dày công sưu tầm lại các lời Cọi cổ, dàn dựng trong các hội diễn, tạo bối cảnh rất ấn tượng cùng đồng nghiệp, các bài Cọi thu thanh của chị dù ít nhưng đều được mọi người yêu thích, tìm học như: “Lập xuân”, “Gọi anh”,...

“Lập xuân mà nghìn heng queng quý

Đông pù phông phú phí buốt bâư

Tha chiếu pây tỉ hâư cụng quảng

Bjoóc mặn phông nả táng pền khao

(Lập xuân về nghe tiếng chim queng quý

Núi rừng bừng lên lộc lá non

Mắt ngắm nhìn nơi đâu cũng rộng

Hoa mận trắng muốt nở đầu sàn)

(Cọi: Lập xuân)

NSƯT Minh Huệ cùng tốp hát, múa Nhà hát Ca múa dân gian Việt Bắc biểu diễn tác phẩm Lượn Cọi được phiên âm ra tiếng Việt
NSƯT Minh Huệ cùng tốp hát, múa Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc biểu diễn tác phẩm Lượn Cọi được phiên âm ra tiếng Việt

Từ năm 2009, huyện Định Hóa có 18 Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian tập trung hát Ví, hát Sli, Lượn, Then, Phong slư, Quan làng,... nhưng chủ yếu là hát Then. Lời Lượn Cọi dễ thuộc, dễ hiểu nhưng để thể hiện được hay thì rất khó. Người hát Cọi phải dài hơi, trường sức mới đưa câu Cọi lên bổng, xuống trầm. Nếu đưa Lượn Cọi vào dạy trong trường học sẽ rất hiệu quả vì học sinh tiếp nhận nhanh, số lượng đông.

Có một điều đáng buồn là trai thanh gái lịch ở các bản vùng Định Hóa còn mải đi làm công ty, một số bận phát triển sự nghiệp ở thành phố nên chưa thực sự mặn mà với làn điệu dân ca của dân tộc. Các nghệ nhân như NNƯT Hoàng Luận, NNND Hoàng Thị Bích Hồng, Nông Đình Long, Ma Tiến Thậm, Nguyễn Thị Xuyến,... đều đã cao tuổi. Tính đến thời điểm này, ở Định Hóa chưa có một cuốn sách nghiên cứu chuyên về Lượn Cọi nào được xuất bản. NSƯT Hoàng Luận - người luôn dành nhiều tâm huyết cho 14 làn điệu dân ca vùng Định Hóa, Thái Nguyên cũng chỉ có giáo trình truyền dạy Lượn Cọi dày hơn một trăm trang nhưng đang dưới dạng bản thảo. Sáo trúc - nhạc cụ gắn liền với các làn điệu Lượn như Lượn Slương, Lượn Phong slư, Lượn Cọi cũng cần được đào tạo đội ngũ kế cận.

Một buổi sinh hoạt của Lớp truyền dạy làn điệu Lượn Cọi huyện Định Hóa. Những người đến theo học là những người yêu dân ca dân tộc mình ở các Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian các xã trong huyện
Một buổi sinh hoạt của Lớp truyền dạy làn điệu Lượn Cọi huyện Định Hóa. Những người đến theo học là những người yêu dân ca dân tộc mình ở các Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian các xã trong huyện

Qua cuộc Lượn Cọi, người cất tiếng Lượn và người nghe thực sự “say” với những câu hát trữ tình, ví von, ý nhị và sâu lắng khiến trái tim người trẻ trào dâng, người già khắc khoải. Lượn Cọi như nước sông chảy dài, ngàn năm không cạn, câu hát như bỏ bùa lòng nhau, để người yêu nhau “Thắp đuốc thấy mặt rồng mới thôi/ Hai người được thành đôi mới thỏa”, trong thời gian tới được các cấp chính quyền ở vùng Việt Bắc quan tâm, có phương án gìn giữ vốn sưu tầm của các nghệ nhân cao tuổi, đào tạo đội ngũ kế cận để đưa vào nội dung thực hiện đề án Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc gắn với phát triển du lịch. Đến ATK Định Hóa, du khách không chỉ được đắm mình trong lời then, tiếng tính ngọt ngào mà còn được thả hồn theo câu Cọi bay xa.

Kỳ Giang

(Ảnh: A.T)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy