Lưỡi câu người
Con không thương Mồi! - mỗi lần Thủy nói vậy, là má lại ôm hũ tro cốt của tía khóc than: “Ông ơi, suốt đời mình đến chết cũng không có đất mà gửi xác hay sao vậy ông ơi!”. Thủy không thể nào hiểu được, chuyện lấy Mồi làm chồng và đất để chôn tro cốt tía, có liên quan gì nhau? Cô càng không hiểu được, má đang kêu tía hay đang mách với ông trời. Cảm giác như má đang lấy cái lưỡi câu mang hình chữ “Hiếu” móc vào lòng Thủy, thách thức. Thủy thở dài, đau cho nắm tro tàn của tía bị xao động trong cái hũ sành. Ắt là tía đang lắc đầu ngậm ngùi: “Không phải ý tía đâu con, không phải tía”.
Hình như má đã chán chường kiếp sống hàng bông lang bạt kỳ hồ, coi ghe là nhà, coi sông là đất. Nỗi lòng như mớ lục bình trôi, một bữa giữa cơn mưa, thấy sắp tấp vào bờ, chỉ cần níu lấy là an yên suốt quãng đời còn lại, có thể vậy mà trổ bông. Nhưng dường như trong má còn có một cái bến mông lung khác rất mù khơi và mang tên nỗi sợ…
Nỗi sợ ấy thấp thoáng dáng hình của tía, hay ùa về mỗi lần con cá Hổ quẫy đuôi động nước ngoài vực xoáy lòng sông. Thế nào trong chập chờn, má cũng mường tượng thấy tía lấy cái neo nhọn như lưỡi câu, cùng cọng xích sắt quấn quanh bụng, từ từ lặn chìm xuống đáy sông; mắt nhắm, tay lần mò cưa từng miếng sắt tàu bị thủy lôi đánh chìm hồi kháng chiến. Má hét ú ớ trong lúc nửa mơ nửa tỉnh, “ông ơi lên đi, cá động, về đi ông?”. Tía ngó lại bằng ánh mắt bén ngót và lạnh lùng như một lưỡi câu, rồi lặn chìm xuống sâu hơn và biến mất; không một dấu vết nào trên sông, phẳng lặng.
Qua cơn mơ, má sẽ kể lại cho Thủy nghe kèm theo mấy câu: “Đời tía đến từ sông, thì tía trở về lại với sông. Cũng như má, má đến từ đất thì khi về, má nhất định cũng phải trở về với đất”. Tuổi già làm má thấy rung rinh, trái tim mấy lần loạn nhịp thì sẽ có ngày nó lặng lẽ, không huênh hoang co đập nữa. Tim sẽ chiến thắng má sau những tháng ngày ngang ngược. Và má sẽ bất lực xuôi tay, như tía; buông trong lúc cố với lấy cái ly nước, hay nhắm mắt ngã vào sông khi nghe con cá Hổ quẫy sát bên sườn.
Nỗi sợ làm má ủ ấm ước mong, dù gì trước giây phút lặng lẽ đó, má phải được vài bữa an yên trên mảnh đất của mình. Ngày đó chập chờn vừa gần vừa xa, như cái roi quất vào mông con ngựa chứng, chạy bán sống bán chết trên chiếc đồng hồ tít tắt liên hồi. Má lại thấy con sóng mỗi lúc một hung, mà bờ sông cứ không thôi rơi ùy ầm, ùy ầm… Má nghèn nghẹn không nên lời, nhưng Thủy biết má muốn nói rằng, “má sợ”…
Nhìn sông nổi sóng lưỡi búa, mỗi mùa nước lớn lại kéo về thêm đông. Má không thể nào bình tĩnh được; nói vu vơ bằng mấy câu: “Thằng Mồi coi vậy mà thương con, hay là con về với nó, bán ghe gom góp đưa tía con lên bờ”. Hoặc câu kinh điển hơn như: “Năm sau vào tuổi ba mươi, tuổi đó Bà Cậu sẽ đãi cho thằng Mồi cá Hổ, đủ bỏ nghề hạ bạc để lên bờ, cất nhà, trồng rẫy. An yên!”.
Thủy không biết lời nguyền của dân hạ bạc có linh nghiệm hay không, nhưng sự thật bốn đời nhà Mồi, hễ cứ đúng vào hai đốt tuổi ba mươi hoặc sáu mươi là bắt được nhiều cá Hổ, có thể phất lên đổi đời. Cho là tin điều ấy đi, thì có ăn thua gì chuyện Thủy về làm vợ của Mồi? Má lại ôm hũ tro cốt của tía, giãy khóc: “Con vì má một lần không được sao Thủy. Hay con muốn má nhảy sông mò tìm hồn vía tía, con mới chịu?”. Lần đó má ngồi ở đuôi ghe, một chân đã đụng mặt nước, sóng như cố đớp lấy chân má. Thủy cảm giác như có cơn lạnh chạy tận xương tủy mình. Bậm môi, Thủy gật đầu mà không biết là vì đâu. Vì đâu?
Thủy làm đám cưới với Mồi, trên chiếc ghe chày bốn đời theo nghề hạ bạc. Đám xong hôm trước thì hôm sau má bán ghe hàng bông. Cùng mớ tiền cưới, má lên bờ mua một xéo đất ở bờ sông, cất một căn nhà nho nhỏ. Vài hôm lại ngó ra sông chăm chú, má coi ngọn đèn câu nào của vợ chồng đứa con gái rượu; rồi thả bao hy vọng lên ngọn đèn ấy, như những phao mồi lấp lánh trong đôi mắt cá Hổ, lung linh. Ngó đèn hồi lâu, thế nào má cũng sẽ nhớ lời Mồi: “Nào con bắt được cá Hổ, con sẽ đem cặp mắt cá hấp bún tàu cho má ăn. Người Chà nói, ăn được mắt cá Hổ thì sẽ tan hết cườm”…
Đêm, sau mỗi lần thả lưới và câu chờ cá động, Mồi ôm Thủy vào lòng rồi kể. Tía Mồi lúc vào tuổi sáu mươi, đã bắt được liên tục ba con cá Hổ nặng gần hai trăm ký. Ông bỏ sông lên bờ, trả nợ, cất nhà. Dúi lại lòng anh em Mồi mấy câu dặn dò gan ruột, “đời tía bắt được bây nhiêu cá Hổ là đã đủ…”. Tía để ghe chày, lưỡi câu đồng đen và lưới cho hai anh em, cùng lời nguyền của dân hạ bạc. Lời nguyền cũng như con cá Hổ, mơ hồ, mê hoặc và thách thức. Lâu lâu vẫn hay trồi lên trong giấc mơ của hai anh em bằng những cảnh hư hư thực thực. Nhà to, đất rộng, vợ đẹp, con ngoan, xe hơi chạy vù vù gió cứa… Lúc mơ tới gió thường sẽ giật mình, nghe thấy gió se cũng giống gió rú bên hông ghe…
Ba năm trước, anh của Mồi bắt được cặp cá Hổ lúc anh đang ba mươi tuổi. Trước hôm cặp cá sa câu, anh chìm vào giấc chiêm bao kỳ lạ. Thấy rằng anh là con cá, sắp đớp lấy lưỡi câu treo từ trên trời, rung rinh trước mặt. Lưỡi câu treo những bó vàng thẻ, căn nhà to và cô vợ đẹp. Căn nhà thắp đèn sáng rực, cô vợ vẫy tay kêu cứu, vàng thẻ sáng lóa mắt. Anh sắp đớp lấy mồi như quán tính thì chợt quẫy đuôi nhớ lấy cảnh hồi ba năm về trước. Ba tía con cầm xâu vàng khâu, khóc ròng khi nhìn thương lái xẻ thịt con cá Hổ. Đôi mắt cá đỏ bầm nhìn chằm chằm uất nghẹn. Cảm giác như người ta xẻ thịt anh em mình, không cách nào chịu được! Nghĩ vậy nên cá quẫy đuôi đi. Cú quẫy đó cũng là cú đạp mạnh vào sườn của thằng em. Mồi đau, la hoảng làm anh thức giấc.
Giấc mơ cá Hổ vẫn chập chờn trong anh cho đến lúc thả câu, anh lầm rầm “chắc cá Hổ sẽ… Nhất định cá sẽ…”. Và đúng hôm đó Bà Cậu đãi anh, cặp cá Hổ sa lưới. Thương lái đến cân được gần ba trăm ký thịt. Lúc cầm vàng trên tay, anh dúi vào tay Mồi mấy khâu, rồi nói nhỏ: “Em lấy mớ này làm vốn hoặc cưới vợ đi, để chờ cá dính câu có khi đã trễ”… Chữ “trễ” của anh mang bao ý nghĩa, mà Mồi cứ nghĩ hoài, nghĩ hoài vẫn không biết mình sẽ trễ điều gì ở trong đời…
Đời Mồi sẽ không bao giờ quên được mùa nước nổi của ba năm về trước. Mùa đó tía treo mình lơ lửng trong vườn xoài sau sòng bài, trong túi vẫn còn một xấp giấy nợ vay nóng chưa trả hết. Mắt trừng trừng như một nỗi hận thù, lá bài không mang hình cá Hổ mà lại mang hình bà đầm già mắt xếch long lanh. Cũng năm đó anh trai vào tuổi ba mươi, bắt được cặp cá Hổ rồi lên bờ trả nợ, chuộc lại căn nhà của tía. Mấy tháng sau thì anh cưới vợ. Mồi ở lại một mình dưới ghe khi vừa bước sang tuổi hai mươi bảy.
Mỗi chiều, khi mặt trời mửa máu ở bờ tây, Mồi đem cái lưỡi câu to như neo ghe lớn, bằng đồng đen, ra chùi sạch. Bên cạnh là nồi thuốc với ba mươi sáu vị dược liệu hái ở Thiên Cấm Sơn. Mồi tỉ mẩn tra mồi vào lưỡi câu, vừa tra vừa tập trung cao độ, nín thở đọc mấy câu phù bùa: “Um la sóc, mờ um sóc, la um um”…
Tra mồi xong, thì phải lấy lọ mỡ người ra thoa vào. Không hiểu sao cứ mỗi lần mở lọ mỡ ra là Mồi lại thấy rờn rợn, lạnh sống lưng. Mồi nghi ngờ mớ mỡ đó, nhưng lại phải tin. Vì lời truyền rằng, mớ mỡ đó có từ đời ông xơ. Lúc ông còn là thổ phỉ, đã tích góp mớ mỡ người để dành câu sấu. Nhưng không may một hôm sa chân, ông bị cá Hổ tấn công, giũ cho đến chết. Từ đó dòng tộc truyền nhau lời nguyền “có vay thì phải có trả…”. Phải diệt cho hết loài cá sát nhân, bằng lưỡi câu đồng, bài thuốc bí truyền và mớ mỡ người mà ông xơ để lại. Đấy là bí kiếp gia truyền, tất cả đều phải nghiêm ngặt và chi ly đúng bài bản mới hy vọng bắt được con cá Hổ tinh ranh. Càng gần tuổi ba mươi, Mồi càng tin điều ấy. Cứ vài ba ngày vào cuộc câu, ngó số vạch trên ghe, Mồi lại thầm vái cụ xơ, xin cụ sống khôn thác thiêng…
Mồi nhẹ nhàng cho ghe ra vùng ổ cá, ở giữa rốn sông. Nơi con nước xoáy dữ nhất. Người ta đồn rằng, dưới con nước quay ấy chính là hang của cá Hổ. Lưỡi câu lìm lịm chìm dần dưới đám lục bình, mỗi lúc một nặng thêm. Mồi nhẹ lui ghe cho lưới bủa quanh, những ánh đèn bắt đầu lấp lánh.
Gạch một gạch vào mạn ghe, Mồi nói với lòng mình sẽ sớm bắt được cá Hổ trước khi qua tuổi ba mươi. Còn không, bao giờ hơn ba trăm lẻ ký lô mồi câu thì mình biết, trời đã không cho bắt được cá, kể như lời nguyền đã giải. Thủy ngó chỗ mạn ghe chi chít lằn gạch dấu, cẩn thận đếm được hơn hai trăm năm chục dấu gạch. Ngó xuống bụng như có con nòng nọc vừa mới tượng hình, em biết, cuộc câu này không còn dài lắm…
Hôm qua, ghé nhà thăm má. Má không ôm hũ cốt tía giãy giụa khóc lóc như mọi khi. Mặt má hơi đăm chiêu, đôi mắt bị cườm nước mờ mờ ảo ảo, ngó ra bờ sông lở sắp tới chân hàng ba, má nói: “Chắc không lâu nữa là sông ngoạm đến nhà mình”. Thủy ngó Mồi đang ngồi vấn điếu thuốc rê, ý hỏi rằng, Mồi có kịp bắt được sự thiêng của lời nguyền, nhanh hơn là dòng sông ngoạm đất?
Lúc hai đứa trở xuống ghe chày để đi, Mồi soạn lưỡi câu và mớ xiệc điện trước bàn thờ Bà Cậu, nói với má, nhưng Thủy biết là Mồi nói luôn với mình: “Má đừng lo nghen, con sẽ kịp bắt cá Hổ!”. Má rưng rưng. Mỗi đêm nghe con cá trúng câu rồi giật thoát ra được. Giận dữ, cá nhảy lên mặt nước rồi rơi một tiếng “ầmmmmmmm” dữ tợn, động cả khúc sông. Không biết lúc vuột con cá Hổ, Mồi đã tức tối cầm cây mác phóng vào bụng sông đâm cho tứa máu như thế nào? Nghĩ vậy, đứng trong hàng hiên nước liếm, ngó phía neo đậu ghe của con gái và chàng rể là má buồn. Căn cớ gì mà sông lại giận dỗi như vậy, ắt là đất sẽ lở thêm và cuộc chạy đi… Đi đến nơi đâu?
Có lần, thấy Thủy đem mớ cá con nhỏ như chân nhang ra chợ bán, má định nói với Mồi rằng, hay là con đừng giăng điện vào lưỡi câu cá Hổ nữa. Nhất phá sơn lâm, nhì đâm Hà Bá… Biết đâu, con ơi! Nhưng má không nói được, không hiểu sao nghĩ thật kỹ càng rồi mà má vẫn không nói được. Có lẽ chục lượng vàng từ thịt cá Hổ sẽ an yên hơn là sông lặng sóng…
Mồi bước qua tuổi ba mươi, số vạch trên mũi ghe cũng quá mức ba trăm. Dân hạ bạc nói, có thể cá Hổ đã bị tuyệt chủng. Lời nguyền rửa hận của Mồi chắc cũng đã hoàn thành. Mồi bần thần rất lâu, ngó lưỡi câu và mớ xiệc điện rồi bấm bụng bán ghe để phóng thích nỗi hận thù truyền kiếp. Ôm lưỡi câu và lọ mỡ người, Mồi cùng Thủy lên bờ ở với má. Cũng căn nhà ở bờ sông, con nước mùa này về, lại sắp liếm đến nền. Tiền bán ghe không đủ trả nợ bấy lâu nay. Nền nhà như bị tứ bề đe dọa…
Mồi xin đi làm bốc vác ở bến cá. Ý nghĩ trong đầu cứ rối bời, không bắt được cá Hổ thì phải làm sao? Mươi bữa nữa là đứa con chào đời, nhà phải chật vật thêm mớ tiền thuốc men bỉm sữa… Lẽ nào lời nguyền đã giải thiêng? Lẽ nào…
Sáng nay má nói đêm qua sóng dữ quá, má sợ nhà mình không chịu được lâu, nên rầu không ngủ được. Thủy lặng im, hai tay ôm bụng nhìn mớ cá hủn hỉn kho đã ba hôm nước sắc cạn queo, ngao ngán… Mồi coi lịch, ba bữa nữa là đến ngày đóng lãi cho chủ nợ… Ý nghĩ về lời nguyền cuộc câu cá Hổ có cơ hội dậy lên, không thôi sinh sôi càng lúc càng đầy như sông đang mùa nước đổ. Mồi lại đem lưỡi câu ra giũa, cảm giác độ bén có thể cứa đứt cả những cơn gió bay qua…
Một bữa vác hàng ban đêm, gió im, sông dát vàng trăng rọi. Mồi lơ mơ nghĩ đến món tiền cần có gấp, miệng lẩm bẩm như đang đọc chú thì chợt nghe vọng từ xa mỗi lúc một gần. Tiếng con cá Hổ quẫy đuôi, ẩn hiện trước mặt, bơi quanh rốn sông, vừa bơi cá vừa thả sóng. Vảy cá Hổ màu vàng nhũ, lấp lánh kỳ bí như một kho báu.
Mồi tức tốc chạy về nhà, đem lưỡi câu đồng ra, quên cả việc tra mồi và thoa mỡ. Ôm lưỡi câu, Mồi phóng xuống chiếc xuồng đậu ở ven bờ, bơi nhanh ra chỗ nước động. Cá Hổ mỗi lúc quẫy mạnh hơn, vảy lấp lánh dưới ánh trăng như thách thức. Ra gần giữa sông thì Mồi ôm lưỡi câu nhảy xuống quần với cá. Tiếng hét của Mồi vang lên, mỗi lúc một vọng đi xa.
Má hoảng hốt đứng trên bờ nhìn sông mà nghe lòng như sôi bọt. Mồi vừa quần vừa hét. Đến một lúc sông hết cuồn cuộn xoáy, sóng đã lặng im thì không thấy đâu Mồi nữa. Mắt má chợt ứa nước, như ngọn suối lòng khô cạn đã lâu giờ vỡ mạch nguồn tuôn. Dòng sông chảy qua đáy mắt mang một màu đo đỏ, không rõ là máu cá hay máu người. Má thất thần thấy con rể lờ đờ trôi giữa bụng sông, hằng hà sa số cá con lúc nhúc rỉa lấy Mồi… “Trời ơi, Mồi ơi, con đã về với sông rồi sao?” - Nơi người đàn bà đau bụng đẻ trên ghe, chờ chồng bắt xong con cá Hổ hối hả vào bờ, và đẻ rớt… Đứa nhỏ nằm trên mớ lưới ẩm, mở mắt khóc dưới ánh trăng, sóng từ từ lặng im, chỉ lời người đàn ông vang động, “Mẹ nó, lại vuột con cá to!”…
Còn Thủy, đứng chết trân trước sông, hai tay ôm bụng, đứa nhỏ chòi đạp đếm lùi ngày chào đời. Em thấy mình man mác cảm giác của chồng, hồi bị vuột con cá Hổ to, bụng mang bầu trứng màu vàng khé, mỗi trứng là một điều ước vọng… Hình như em luôn tin rằng, chỉ là vuột con cá thôi, chồng em đang rượt theo cá hay đang đi câu đâu đó, nay mai lại về đưa em lên trạm xá sinh con chứ gì…
Cuộc đi của Mồi bí ẩn và dài đến ba ngày. Con cá Hổ không xuất hiện trên đoạn sông này từ đó và vĩnh viễn. Mồi như còn luyến tiếc điều chi đó nên trôi đi khá xa, người ta rượt theo tìm thì thấy xác kẹt trong đám chà sắp dỡ, cách đó gần chục cây số đường sông, lờ lững…
Xóm hạ bạc lục đục đem ghe chày ra đón. Mồi nằm im lìm rỉ nước, gồng mình và mang nhiều dấu vết như con cá mắc câu. Đôi mắt đục ngầu không nhắm như lườm trực diện với ông trời đang tung nắng chang nhức nhối. Lúc đó, Mồi vẫn ôm khư khư cái lưỡi câu bằng đồng đen, không dễ gì tháo ra được.
Truyện ngắn. Lê Quang Trạng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...