Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
00:24 (GMT +7)

Lửa khuất

LTS - Nhà văn Phan Thái (Chi hội Văn xuôi, Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên) vừa cho ra mắt bạn đọc tiểu thuyết mới với tên gọi “Lửa khuất”. Đây là cuốn tiểu thuyết viết về đề tài Công an nhân dân, lấy bối cảnh một công ty sản xuất gang thép, với nhiều sự kiện nóng, diễn biến bất ngờ xuyên suốt từng trang sách. Bằng bút pháp tả thực, người đọc sẽ thấy rõ những mánh khóe tinh vi, các thủ đoạn đê tiện, sự ăn chơi sa đọa của những kẻ thoái hóa biến chất. Mưu hèn kế bẩn nhân danh quyền lực không dập tắt được ý chí của những con người dám lên tiếng đấu tranh bảo vệ công lý. Trước mọi cám dỗ, người kỹ sư - sĩ quan an ninh vẫn thể hiện được phẩm chất của một người lính chiến đấu trên mặt trận an ninh trật tự vì bình yên cuộc sống.

Sách do nhà xuất bản Công an Nhân dân ấn hành tháng 8 năm 2020, gồm 20 chương, dày 320 trang.

VNTN trích đăng Chương 1 của tiểu thuyết, trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Chương 1 (Trích)

…Chuông điện réo vang, đèn tín hiệu nhấp nháy sáng. Dây chuyền đúc liên tục năm dòng rùng rùng chuyển động. Kiên nhấn nút điều khiển tách lò siêu cao công suất ra khỏi buồng tinh luyện. Dàn cầu trục từ từ tiến đến gương gọng kìm siết đai lò rót thép vào khuôn đúc. Quầng lửa thép bùng lên. Trên sàn đúc, năm thanh phôi thép hiện ra đỏ rực như năm tia nắng mặt trời xuyên qua vòm lá.

Từ ngày về công ty Hào Quang, cùng đồng nghiệp vận hành hệ thống lò điện siêu cao công suất nấu luyện thép, mỗi lần thép ra lò là một lần lòng Kiên ngập tràn những cảm xúc khó tả. Trước giây phút nhấn nút điều khiển hệ thống thiết bị rót thép, Kiên bao giờ cũng nhìn lướt qua một lượt những người thợ bên sàn thao tác. Dẫu đã được trang bị đầy đủ trang bị bảo hộ lao động đặc biệt với quần áo chịu nhiệt, nhưng với một ngàn độ thép sôi, chỉ một tích tắc bất cẩn dù là nhỏ nhất cũng gây ra hậu quả khôn lường. Chính vì vậy Kiên và đồng nghiệp trong kíp điều khiển không cho phép mình sơ sểnh và luôn nhắc nhở nhau thực hiện chỉ lệnh sản xuất theo quy trình kỹ thuật một cách nghiêm ngặt. Chỉ khi những tia nắng mặt trời từ những thanh phôi thép bật lên hình hài, Kiên mới thở phào nhẹ nhõm…

 

Siết lại quai mũ, Kiên bước xuống sàn nguội. Những thanh phôi vẫn còn bốc khói nghi ngút, hơi nóng hầm hập phả vào người nóng rực, mồ hôi tứa ra chảy ròng ròng, nhiều giọt lăn qua trán làm hai mắt anh cay sè. Kiên vừa gạt mồ hôi, vừa chăm chú nhìn từng thanh phôi thép. Anh hài lòng khi thấy bề mặt kim loại nhẵn bóng, ánh lên lấp lánh không hề có dấu vết sủi do bọt xỉ và các hợp chất trong quá trình nấu luyện.

Ông Việt, người thợ già hất lần vải đính kèm kính chịu nhiệt trên chiếc mũ bảo hộ, khuôn mặt đỏ đẫm vì hơi nóng thẩm thấu, cười nhẹ:

- Thép tốt đó chú. Cần quái gì KCS. Nhìn qua tớ biết là tuyệt rồi.

- Vâng! Cháu cũng thấy vậy. KCS họ kiểm tra để biết chất lượng phôi đưa vào cán. Thép mình làm ra, mình phải biết nó thế nào.

Tân, quản đốc phân xưởng ngắm kỹ những thanh phôi thép đầu tiên chất lên giá đỡ, tỏ ra thận trọng:

- Tôi đã giám sát kỹ tỷ lệ gang, fe rô, thạch anh, huỳnh thạch và các hợp chất trong kỳ hoàn nguyên. Ô xy đạt trên 98%. Cốc và điện cực để nâng hàm lượng các bon cũng được tăng tỷ lệ… Quá trình gia tăng nhiệt cơ bản đáp ứng. Mục tiêu chính của ta là độ uốn kéo cho lô hàng vì kèo thép chống lò.

Ông Việt trầm tư:

- Tôi cũng đang băn khoăn về điều ấy. Tại sao thép của ta khi uốn kéo lại nứt rạn?… Thép phế lúc thì xác xe tăng, xác tầu biển, lúc lại toàn đồ vê viên. Mỗi thằng giao thép phế một kiểu. Sao các ông ấy không nhập nguyên liệu đầu vào chất lượng ổn định đi?

- Mình dứt khoát phải đảm bảo chất lượng. Chuyện các quan biết thế quái nào được. Ngay hôm nay công ty sẽ lấy mẫu lô phôi này…

Không để Tân nói hết câu, ông Việt cằn nhằn:

- Vẫn biết phải cố gắng. Làm công ăn lương mà sản phẩm kém cũng chả ra gì. Nhưng thép phế hổ lốn, phôi nó không cứng mới là chuyện lạ.

Tân đấu dịu:

- Chuyện đâu có đó. Lát nữa ta sẽ bàn thêm về tỷ lệ phối trộn và nhiệt luyện. Mình dứt khoát phải đảm bảo chất lượng.

Tan ca, Kiên lững thững tạt qua khu vườn hoa nhà máy về nơi để xe, trong đầu vẫn lởn vởn những những lời nói từ người thợ già. Tại sao phôi thép nhà máy có khả năng chịu lực lớn nhưng độ uốn kéo lại kém? Tại tỷ lệ phối trộn trong nhiệt luyện hay còn nguyên nhân nào khác? Chất lượng thép cán nóng còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có cả vấn đề nung phôi thép trong buồng lò và tốc độ cán, nhưng liệu phôi thép đã thật sự đảm bảo chất lượng? Bấy lâu nay nhà máy chuyên sản xuất phôi thép dùng cho sản xuất thép xây dựng, hầu như khách hàng không hề phản hồi về chất lượng sản phẩm. Khi chuyển sang sản xuất phôi thép dùng cho cán vì kèo thép chống lò phục vụ ngành khai khoáng, yêu cầu về độ uốn kéo được đề cập và tất cả mọi thông số kỹ thuật tập trung vào khâu sản xuất phôi hẳn cũng có cơ sở. Ý kiến của bác thợ về chất lượng thép phế, vậy làm sao có lời giải? Kiên không sao hiểu nổi những lý do mà công ty nhập khẩu thép phế lại đa dạng đối tác và nguồn nguyên liệu đến vậy. Nhiều lần, anh mục sở thị hàng vạn tấn thép phế vê viên, ép bánh là những vỏ lon lẫn cả giẻ rách và nhiều tạp chất phi kim khác. Với những lô hàng nguyên liệu ấy, công nhân nhà máy đã phải căng mình tìm giải pháp phối liệu và nhiệt luyện để giảm tiêu hao, duy trì chất lượng phôi thép. Liệu có điều gì khuất tất đằng sau những bản hợp đồng ấy?

Nắng chiều như mật ong vàng sánh. Dãy hoa cẩm tú cầu phơn phớt tím. Lũ chim bồ câu thấy anh ùa tới nghiêng ngó đòi ăn. Kiên ngồi xuống xòe tay giả làm mồi nhử, nhiều con chim bay tới rúc đầu rỉa mỏ. Một số con nhảy lên tóc lên vai làm anh bật cười. Lúc nhà máy đóng chuồng dự định nuôi chim bồ câu tạo môi trường sinh thái, Kiên về quê bắt chục đôi chim giống, từ số chim ban đầu ấy, nhà máy đã có hàng trăm con.

- Anh hư thật đấy, hết giờ không chịu về nhà lại còn ngồi chơi với chim. Nhung, nhân viên kế toán tới bên cạnh từ lúc nào, nhoẻn cười tinh nghịch.

Kiên vuốt ve mấy chú chim dạn dĩ, nháy mắt:

- Anh về nhà hay ở đây cũng thế. Có mỗi niêu cơm, ngồi bên nào cũng lệch…

- Vậy thì kiếm cô nào đi chứ anh nhỉ. Chăn đơn, gối chiếc, phòng không. Tội quá!

Được thể, Kiên đùa:

- Em xem có cô nào giới thiệu cho anh nhé.

Nhung dẩu môi nhí nhảnh:

- Gớm, nhìn cái mặt anh kìa. Có mà gái xếp hàng chứ còn giả vờ ngoan lắm ý.

- Oan… anh quá!

- Oan Thị Màu hay Thị Kính hử? - Nhung béo tai anh rõ đau rồi chạy biến về sau dãy nhà văn phòng.

Kiên nhìn theo, tim dường như đập mạnh hơn. Đàn bồ câu tíu tít bay rồi lại đậu làm những tia nắng cũng nhảy nhót bên những khóm hoa cẩm tú cầu.

* * *

Cuộc họp hội đồng quản trị và ban điều hành công ty Hào Quang bàn phương án liên doanh với đối tác nước ngoài thành lập công ty liên doanh HaNisteel chưa kết thúc, Nhữ đã soạn xong văn bản kết luận. Đảm nhiệm chức danh chánh văn phòng công ty gần sáu năm, Nhữ không lạ khi mọi vấn đề đưa ra họp, cốt chỉ để hợp thức hóa một quyết định nào đấy, còn nó đã xong từ đời tám hoánh nào đó rồi. Chủ tịch hội đồng quản trị năm thì mười họa mới có mặt tại công ty, mình Trần Dũng, tổng giám đốc “tự tung, tự tác”. Dũng không cho phép bất cứ ai phát biểu trái với ý kiến của mình nêu ra. Hàng năm có rất nhiều cuộc họp, nhưng chưa bao giờ Nhữ thấy ai có chính kiến. Mấy năm trước, khi tiến hành cổ phần hóa, được giao đại diện vốn nhà nước trong công ty cổ phần, Trần Dũng tự bầu cho mình cũng vào được hội đồng quản trị và ứng cử giữ chức tổng giám đốc. Ngồi chưa ấm chỗ, lấy danh nghĩa tái cơ cấu, Trần Dũng đã làm cuộc cách mạng loại bỏ tất cả những người không ăn cánh hoặc những người mình không ưa. Nhiều cán bộ kỹ sư tâm huyết với công ty lần lượt dứt áo ra đi, bởi không thể chịu nổi thói độc đoán chuyên quyền, coi người như cỏ rác của tổng giám đốc. Những người ở lại không ai dại dây với của nợ, dẫu có gần lửa rát mặt thì cũng cố nhẫn nhịn vì bát cơm manh áo, chả cần biết đúng sai, miễn được yên thân. Ngay phương án liên doanh này, Nhữ biết tỏng mọi việc tổng giám đốc đã giao dịch đâu vào đấy, họp chẳng qua cho nó có vẻ dân chủ và ra văn bản báo cáo cấp trên. Chưa biết mặt mũi cái liên doanh ra sao, nhưng đang thời buổi khó khăn “thóc cao gạo kém” tự dưng người ta đổ tiền đổ của vào, mà tiền tươi thóc thật hẳn hoi, bố bảo cũng chả thằng nào nỡ chối từ. Hôm đối tác về khảo sát, sau bữa nhậu “lên bờ xuống ruộng” ký biên bản ghi nhớ, với vẻ mặt hơn hớn, tổng giám đốc kéo Nhữ về phòng, ra vẻ bí mật: “Nó đòi chiếm năm mốt phần trăm vốn điều lệ và giữ ghế tổng giám đốc năm năm, kể từ khi nhà máy vào sản xuất. Chức ấy luân phiên ta và nó. Nếu quả này thành công, anh sẽ bàn với các sếp cho chú sang làm phó, chịu khó vất vả nhiệm kỳ đầu…”. Vốn đã ngán cái chân bưng bê hầu hạ đến tận cổ, Nhữ không giấu nổi mừng rỡ: “Vâng! Trăm sự nhờ anh, em không bao giờ quên ơn.” “Ơn huệ gì. Cứ biết thế đã. Tôi cũng còn làm việc với các cụ xem sao. Có mỗi cái ghế mà bao nhiêu thằng dòm!…”. Đối tác liên doanh với công ty, nhân sự bên ta toàn quyền do tổng giám đốc quyết định. Việc bật đèn xanh chắc chắn có nguyên do. Với sự lọc lõi vốn có, Nhữ dồn dịch tiền và kín đáo đến nhà tổng giám đốc: “Em biết anh phải vất vả vì em. Điều kiện có hạn, gửi tạm anh mấy chục ngàn đô, anh giúp em!”. “Tôi với cậu như răng với môi, tiền nong làm gì cho mất hết tình nghĩa. Cậu cầm về lo cho các cháu. Tôi hứa sẽ lo cho cậu vào cái ghế ấy”. “Vâng, cảm ơn anh!”. Nhữ ý tứ đặt chiếc phong bì xuống ngăn bàn trước mặt tổng giám đốc... Ra khỏi cửa, Nhữ cau mặt tắt máy ghi âm, lẩm bẩm: “Tiên sư thằng khốn. Đã ăn bẩn như chó còn sợ”. Nhữ thừa biết các chiêu trò ăn của đút của sếp. Giả vờ thoái thác cũng là cách không để lại chứng cứ gài bẫy và vô can.

- Với tinh thần làm việc khẩn trương, phát huy cao độ ý thức trách nhiệm trước đội ngũ, hội nghị đã thống nhất rất cao với phương án liên doanh xây dựng công ty HaNisteel - Tổng giám đốc hồ hởi - Mời anh Nhữ chánh văn phòng trình bày dự thảo văn bản kết luận của hội nghị.

Đọc văn bản mà lòng Nhữ nặng trĩu. Chả biết liên doanh làm ăn thế nào và cái ghế phó tổng giám đốc dành cho ai, nhưng chưa gì Nhữ đã mất toi mấy chục ngàn đô, bằng mấy trăm mét vuông đất thành phố. Khốn nạn, cái loại giả nhân giả nghĩa ấy mà làm sếp thì công ty này còn lụn bại.

Cuộc họp kết thúc, Nhữ vẫn ngồi bần thần trước văn bản vừa soạn thảo trong laptop, không thèm để ý những người xung quanh. Thực, phó phòng tổ chức liếc xéo ra cửa nhăn nhở:

- Chắc chắn ghế phó tổng của anh rồi. Anh lưu ý cho em cái chân tài chính.

Nhữ ngỡ ngàng:

- Ai nói với cậu như vậy?

- Anh như người trên trời rơi xuống. Mấy hôm nay người ta đã đồn ầm lên rồi. Em học kế toán chính quy, vậy mà ngồi ôm hồ sơ, ngán đến tận cổ. “Ghế ít đít nhiều”, em đã gặp sếp. Anh ủng hộ em nhé.

Thì ra tay này cũng đang lăm le chức giám đốc tài chính. Nhữ lắc đầu cười chua chát: Với vô số vị trí nhân sự trong công ty liên doanh đều do tổng giám đốc sắp đặt, phen này hắn tha hồ đớp. Dẫu vẫn biết có chức quyền là có tiền, nhưng cái kiểu ban ơn ăn tiền rồi lại được hàm ơn thì quả thật là hết chỗ nói.

* * *

Đẩy cửa vào phòng, Trần Dũng ngồi phịch xuống chiếc sofa, buông tiếng thở dài, với cốc nước nốc cạn. Hạnh, thư ký riêng của Dũng bước vào õng ẹo:

- Sếp về rồi ạ? Sếp vất vả quá. Em pha trà cho sếp nhé?.

Nhìn cô thư ký trong bộ váy liền áo ngắn cũn cỡn, khuôn ngực trắng nhởn lộ gần nửa bầu vú, cặp đùi không được che đậy lất phất mấy sợi lông tơ, Dũng cau mặt:

- Chè cháo gì? Từ nay cô ăn mặc kin kín cho tôi nhờ. Giữa công ty mà cứ như cởi truồng.

Hạnh sững người, biết tổng giám đốc đang nóng giận. Vốn chẳng lạ tính khí thất thường của sếp, thị ngồi thụp xuống bên cạnh, ra vẻ giận dỗi:

- Gớm. Sếp với em mà ăn với nói. Cứ như này với em thì…đừng hòng nhé!

Mùi nước hoa thơm phức từ cơ thể nõn nà làm Trần Dũng tỉnh người, quên phắt mình đang cáu, vòng tay ôm siết Hạnh:

- Là anh nói em ăn mặc cho nó có vẻ con nhà lành một tý. Hở hang quá nó bảo mình đĩ thõa. Miệng lưỡi thiên hạ không biết đường nào mà lần.

Hạnh ngả đầu vào ngực Dũng:

- Kệ họ. Em chả là con đĩ của anh rồi còn gì.

Hứng tình, Trần Dũng ôm chầm Hạnh hôn chùn chụt. Một bên dây váy tụt xuống làm cặp vú nảy ra ngoài. Như chó đói, Trần Dũng úp mặt lên cặp vú.

Tiếng gõ cửa làm cả hai giật nảy người, vội vã chỉnh lại trang phục và dịch ra mỗi người một ghế. Nhữ đẩy cửa bước vào. Quá quen với việc thậm thụt của tổng giám đốc với cô thư ký, Nhữ ráo hoảnh:

- Báo cáo anh! Em đã thỏa thuận xong với công ty truyền thông Sao Mai. Họ đồng ý cấp cho ta danh hiệu “Con rồng vàng”. Giá cả thằng này hơi mắc, nhưng “hay” hơn quảng cáo trên truyền hình. Báo giá của nó đây, lúc nào anh duyệt cho em.

- Tốt! Ăn chơi sợ đếch gì tốn kém. Mình đang sắp liên doanh với nước ngoài, cần phải có “thương hiệu” cho chúng nó vị nể. Chỉ biết cắm mặt vào làm, chẳng ai biết đấy là đâu nó cũng coi thường.

- Vâng, chủ trương lo bằng được danh hiệu này của anh hoàn toàn chính xác. Sau khi họ trao tại Hà Nội, anh cho tổ chức lễ đón hoành tráng vào cho khí thế.

Dũng gật gù phấn khích:

- Chắc chắn rồi. Cậu lập sẵn cho tôi phương án. Nhớ phải mời bằng được đội quân nhạc…! - Chợt nhớ mình vừa đi cơ sở về, Trần Dũng cau mặt: - Mẹ kiếp, chưa bao giờ tôi bực như hôm nay. Mấy thằng luyện, cán, ô xy… chỉ được cái ăn tục nói phét. Lúc nào mồm cũng xoen xoét, làm thì chả ra chó gì. Chỗ nào cũng bừa bộn như chuồng vịt. Tôi không rõ chúng điều hành hay chỉ ngồi đớp.

Biết tỏng mấy thằng cha giám đốc đều là đệ tử của sếp, lúc nào cũng chỉ chăm chăm vơ vét, ăn nhậu, chả mấy khi ngó ngàng đến công việc. Nhưng Nhữ hiểu, dù có tức đến mấy sếp cũng chỉ chì chiết cho hả cơn giận tức thời chứ bố bảo cũng không thể thay, vì đã trót đút túi tiền chạy chọt của chúng. Nhữ lựa lời:

- Thôi anh ạ! Lọt sàng xuống nia, mấy thằng đó cũng như anh em cả. Miễn chúng biết điều là được. Anh chỉ cần “rung cây dọa khỉ” cho chúng biết mặt. Hàng mình đang bán đắt như tôm tươi, chúng có làm ăn lởm khởm một tý cũng chả sao. Nếu cần trị thì trị tay Tiến chủ tịch Công đoàn. Em thấy tay đó có vẻ không chịu chia sẻ với ban điều hành. Liên tục có biểu hiện đứng về phía bọn công nhân. Sau cuộc họp bàn phương án liên doanh, hắn nói cuộc họp đó không mời Công đoàn là thiếu dân chủ…

Dũng sững người, dằn giọng:

- Thật không? Mẹ kiếp, nó ăn lương công ty mà dám nói như vậy à? Đầu tư phát triển công ty là việc của hội đồng quản trị và ban điều hành. Công đoàn biết gì mà đòi tham gia?

Bấy lâu nay Nhữ không hài lòng với chủ tịch công đoàn, bởi nếu không có Tiến, chắc chắn chiếc ghế đó thuộc về Nhữ. Dù Công đoàn chả có bổng lộc gì, nhưng còn hơn thân phận chuyên phục dịch bưng bê khoác cái áo chánh văn phòng Nhữ đang cáng đáng. Tuy vậy thấy tổng giám đốc nổi đóa, Nhữ ấp úng;

- Là em nghe nói như vậy…!

- Được. Cứ để yên xem sao. Tôi dựng hắn lên được, tôi sẽ cho xuống được.

Liếc cô thư ký ôm chồng tài liệu ra ngoài, cửa vừa khép, Nhữ đấu dịu:

- Biết vậy đã, từ từ ta tính anh ạ! Nóng giận nhiều chỉ tổ hại thân. Hôm nay mát giời, mình thư giãn một “cuốc” đi anh. Nhà hàng Ban Mai, nó đang “chăn” mấy con chân dài ngon lắm. Thấy tổng giám đốc ngần ngừ, hiểu ý sếp ngại mếch lòng cô thư ký, Nhữ nhấp nháy: “Thịt ngon thì mặc thịt ngon/ Nhiều khi rau muống còn ngon hơn nhiều”. Để em bổ sung lịch công tác, chiều nay anh em mình đi họp trên tỉnh…

Không cần chào hỏi đám nhân viên, Trần Dũng xách cặp số làm ra vẻ bận rộn leo tót lên xe. Ở công ty này, Dũng là người lãnh đạo cao nhất. Mọi biên chế nhân sự đều một tay tổng giám đốc sắp đặt. Việc Dũng có mặt tại cơ quan, hay đi đâu đó đâu phải chuyện của kẻ dưới quyền… Nghĩ đến mấy em út nõn nà, mặt non bấng, người ngợm thơm phức, Dũng hưng phấn tột độ, cơ thể nóng ran như có luồng điện chạy trong người…

Dập mạnh chốt cửa, Trần Dũng cởi phăng quần áo nhẩy chồm lên người ả gái điếm đang nồng nỗng nằm chờ. Bất ngờ chuông điện thoại réo vang. Trần Dũng cau mặt vùng dậy móc điện thoại định tắt máy. Chợt nét mặt Trần Dũng giãn ra:

- Dạ, em chào anh. Em vừa cởi quần áo làm trận thể thao. Anh ở đâu đấy ạ?

Tiếng người đàn ông trầm đục:

- Mình đang ở Hà Nội. Cảm ơn cậu đã lo liệu chu đáo.

- Em đã chuyển một triệu đô vào tài khoản của anh. Anh nhận được rồi chứ ạ?

- Cậu tình nghĩa quá, mình nhận được rồi. Một dịp nào đó mình sẽ bố trí thăm các cậu. Mọi việc cứ chủ động giải quyết, vướng gì a lô, mình sẽ ở bên cạnh cậu.

- Dạ! Em cảm ơn anh rất nhiều.

Liếc xéo ả gái điếm, cơn hứng tình lại bốc lên ngùn ngụt. Trần Dũng ném mạnh điện thoại vào góc giường, nhảy lên đè nghiến cô ả trong niềm hứng khởi tột độ.

* * *

...Ngày nghỉ, Tân ra vườn chăm mấy luống rau. Nhiều tháng nay ti vi đài báo nói ra rả về thực phẩm bẩn, đồng nghiệp ca thán ra chợ rau cỏ không biết đâu mà lần, Tân cười ha hả bởi vườn nhà mình mùa nào thức nấy, nhiều khi còn đem cho anh em, lo quái gì chợ búa cho nó mệt người. Hồi Tân mua mảnh đất này, nhiều người ái ngại cho anh bởi con đường đất liên xã trước cửa nắng bụi mưa lầy, trẻ con đến trường phải xách dép qua những chỗ trơn thụt. Ít tiền, anh dựng căn nhà cấp bốn, lợp tôn kiểu mái Thái theo thiết kế của người bạn kiến trúc sư. Năm ngoái con đường được đổ bê tông, căn nhà của anh chả khác ngôi biệt thự sinh thái giữa vườn cây trái xum xuê. Nhiều người bạn nắc nỏm: “Công ty này nhất ông, nhà ngoại ô thành phố, nhưng cũng chỉ cách chỗ làm ba bốn cây, vườn tược rộng mênh mông, giả sử có thất nghiệp ở công ty cũng chả lo quái gì. Ngồi chơi xơi nước ngắm lợn, gà có khi lại hóa hay. Nay mai thành phố mở rộng, chỗ này tiền tỷ như chơi.” Dạo hai vợ chồng còn ở nhà tập thể, Tân cảm thấy bức bối trong căn phòng chật chội, anh ao ước được ở trên đám đất rộng để tan ca có việc gì đó làm cho đỡ ngứa chân ngứa tay. May mắn, một lần đến tặng hoa chúc mừng hội cựu chiến binh của xã, biết Tân là con của một người lính cùng sư đoàn chiến đấu trên mặt trận Quảng Trị, một bác cao tuổi niềm nở: “Hôm nào đến nhà tôi chơi nhé. Bác cháu mình ra ao cất mẻ cá uống rượu”. Nể tấm thịnh tình của người già, Tân hỏi đường đến thăm. Ngay bên nhà bác là khu đất đang rao bán vì gia chủ theo con vào Sài Gòn sinh sống. Sau khi xem xét, Tân bàn với vợ và vay mượn bạn bè mua lại đám đất này. Lúc chuyển đến, khu đất hầu như bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Vốn hai vợ chồng đều là con nhà nông, lại chí thú với công việc ruộng vườn, sau vài năm cuốc xới chăm bẵm từng giống cây con, đến nay khu vườn quanh ngôi nhà nhỏ của vợ chồng Tân trở thành niềm mơ ước của nhiều người.

Tân vừa dựng cuốc bên chái bếp thì Kiên vòng xe vào sân:

- Chào anh ạ! Biết anh ở nhà, em đến xin ý kiến anh mấy việc.

- Vào nhà đi. Mình rửa chân tay một chút.

Tân vừa với khăn mặt trên dây phơi, Kiên đã nhanh nhẹn tới bên giếng khua gầu múc nước. Nhìn thành giếng được xây gạch đá ong tròn nhẵn xuống tận đáy, Kiên gật gù:

- Anh có cái giếng thích thật. Nhìn gạch em lại nhớ làng cổ Đường Lâm quê mẹ em.

- Tớ đào ao, gặp toàn đá ong, đang nản thì mấy bác hàng xóm bảo phải tận dụng lấy gạch bó giếng và xây hàng rào. Thế là kỳ cạch mất bao nhiêu ngày…

- Vất vả nhưng một công đôi ba việc. Nhiều nhà trên phố muốn vất vả như anh cũng không được, ngày nghỉ chơi dài vì chẳng có việc gì làm. Em cũng mong sau này kiếm được mảnh đất nho nhỏ. Có cái chỗ chui ra chui vào là một chuyện, cái chính là phải nuôi được con lợn con gà.

Tân cười lục khục:

- Cậu cũng có tư tưởng tiểu nông như tớ rồi. Mà thế cũng phải, sáng tối có luống rau mà chăm cũng như tập thể dục. Vợ chồng suốt ngày ôm cái ti vi cũng chán.

Tân cắm siêu đun nước pha trà. Thấy nhà cửa vắng hoe, Kiên mau mắn:

- Chị và các cháu đâu anh?

- Mấy mẹ con đi Cửa Lò nghỉ mát với nhà trường, mai mới về. Trưa nay ở đây ăn cơm. Nãy tớ gọi điện mời ông Tiến, chủ tịch công đoàn. Anh em vào bếp làm tý đưa cay.

- Em thấy anh và anh Tiến có vẻ thân nhau nhỉ? Làm Công đoàn mà em thấy anh ấy cứ khổ khổ thế nào ấy.

Nghe Kiên hỏi, Tân thoáng trầm ngâm, dịu giọng:

- Mình và anh ấy khác trường, nhưng cùng ngành học. Mình thích anh ấy ở cái tính hết lòng vì mọi người, thẳng thắn, miệng nói tay làm, không hứa hươu hứa vượn. Nhưng mình cũng lo, trong công việc anh ấy thẳng quá, lỡ… Thời buổi này cậu biết rồi đấy.

- Em cũng nghe nói nhiều về anh ấy. Một con người có bản lĩnh và luôn thể hiện chính kiến vì người lao động. Tuy nhiên công ty mình có nhiều vấn đề quá. Dường như mọi thứ đều nằm trong tay những người có quyền lực.

- Cậu nghe chừng rành rẽ gớm. Nhớ là cẩn thận kẻo mang vạ. Mình thời ấy cũng chỉ vì nhiệt huyết mà giờ gần mười năm ngồi ôm ghế quản đốc, những thằng khác “ngậm miệng ăn tiền”, chịu khó vâng dạ thì lên vù vù. Nhưng không sao, được cái lại nhẹ nhõm thanh thản. À mà cậu định hỏi mình cái gì ấy nhỉ?

- Em có một số ý tưởng về cải tiến kỹ thuật công nghệ, nhưng chủ yếu mới bằng cảm quan, nên viết ra đây xin ý kiến của anh. Lúc nào rỗi rãi anh xem giúp.

Tân hồ hởi:

- Hay lắm. Thạo việc không khó, cái chính là phải làm sao để trở thành thợ giỏi, thợ lành nghề. Nhìn màu thép, nước thép biết được chất lượng phôi thép thế nào. Nghe tiếng máy biết nó có biểu hiện không ổn định ở đâu. Cậu là kỹ sư thực hành nên cố gắng…

Tiến đến, ba anh em ùa vào bếp làm cơm. Tân đã kéo vó, làm sạch cá để sẵn trong chạn. Chả mấy chốc mâm cơm được đặt lên bàn ăn. Tân với nậm rót tràn ba chén, xởi lởi:

- Nào, rượu đây xin mọi người cụng ly.

Trong khi Tiến còn dè dặt thì Tân liên tục nốc cạn, khà to khoan khoái. Ngày nghỉ, vợ con lại vắng nhà, chả phanh nào hãm nổi thú uống rượu tẹt ga rồi leo lên giường của Tân. Ấy vậy nhưng khi một mình Tân không mấy uống. Ở nhà máy thì tịnh, chưa ai thấy anh rượu chè bao giờ. Tân nổi tiếng là người nghiêm khắc, bất kể ai của phân xưởng công nghệ có hơi men, Tân đều đình chỉ làm việc. Trong sản xuất, việc chấp hành nội quy lao động, quy trình quy phạm và vấn đề an toàn lao động được đặt lên hàng đầu. Người thợ phải thực sự tỉnh táo khi vào ca…

Tiểu thuyết. Phan Thái

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước