Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
13:46 (GMT +7)

Lửa ăn Tết

VNTN - Đàn én về trước, về khi lúa lên xanh đồng, chúng chao mình trên các bờ thửa, mỏi cánh lại đậu đen kịt trên những cành tre khô, những sợi dây điện võng xuống sát đất, trời ấm hơn. Rồi chim lửa về, đám này thì mới thực kéo Tết về xuân đến trên miền rừng. Chúng ồn ào chẳng kém trẻ con tan học, mà nhiều màu vô cùng, xanh vàng, trắng, nhất là đỏ. Đỏ như màu lửa trong gian bếp không bao giờ tắt của người Tày vậy. Lúc ấy mới thật vào “bươn chiêng”, tháng Tết rồi, củi từ rừng vượt qua suối, mò xuống dốc chui vào gầm sàn về cho lửa ăn Tết.

Chắc chắn không có gì trên đời này gắn với đời sống người Tày chúng tôi bằng lửa. Từ ngày mái cọ lợp xong, bậc thang vừa kê thì ông thần lửa cũng theo bó đuốc rừng rực trong tay bố leo lên mà ngồi ì ở gian dành cho riêng mình. Cái ông thần muôn hình vạn trạng ấy khi trầm mặc nhả khói ánh xanh ra chiều tư lự, khi thì cười phè phè như đứa bé lên hai bị cù léc, có lúc tham ăn phà phà nhướng mình lên hết cỡ để lẹm vào lá dong trên nắp chõ đồ xôi. Nhưng dù ông có mang hình dung gì gặp bàn tay gầy còm đầy những gân xanh như mạch chỉ thời gian của “é”* cũng phải răm rắp nghe theo.

É ngồi kia kìa lưng còng như vỏ ốc, lụi cụi thêm củi, cời than, mối lo lớn nhất của bà ké ấy chính là bếp lửa lạnh tanh chẳng khói len than hồng. Tôi nhớ chưa bao giờ anh em chúng tôi phải cầm đóm đi xin lửa hàng xóm mà toàn người ta đến xin lửa nhà tôi. Xuân hạ thu đông bốn mùa chặn chặn, bếp lửa chẳng tắt bao giờ, thế nên tro vun thành đống muốn lấp cả ba chân kiềng, thế nên bồ hóng đen xì bám lấy gác bếp lùa thùa như râu như ria.

Trong một vuông bếp ấy chẳng biết bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu công việc hệ trọng của cả nhà đã được bàn quyết. Lửa nghe hết, biết hết, chuyện vui lửa reo hò nhảy múa như đám trẻ, chuyện buồn lửa thu mình lại âm ỉ nhả ra sợi khói mảnh xoa dịu hồn người. Thế nên lửa cũng phải ăn Tết như người.

Lửa ăn Tết tối ba mươi. Tết lửa oách lắm, lửa ăn Tết trước người, trước cả các muôn thú cỏ cây trên đời luôn. Tết lửa, người Kinh mua cá chép cho ông Công, ông Táo về trời báo công kể khổ thì người Tày chúng tôi cũng cho lửa ăn Tết theo lối của mình.

Vẫn là é mừng Tết lửa trước. Đầu tiên là dọn dẹp cái gian mà ông thần lửa ngồi, chỉ trừ ba chân kiềng và khúc fừn bằng đá nhẵn nhụi được để lại còn tro và củi cũ đều dọn sạch. Tro bếp đầy é gom lại một phần bỏ sọt nứa lọc lấy nước gội đầu, nước gio lọc có màu hổ phách điểm thêm ba quả bồ kết nướng lùi thì gội mướt tóc lắm. Cái thứ nước gội đầu ấy chỉ những bà ké vẫn còn nhai trầu, biết hát tất cả các bài cọi bài sli mới dùng đến, chứ đám con cháu chúng tôi nhìn còn thấy khiếp. Phần tro sạch đốt từ củi tốt, é để riêng, lọc lấy nước làm bánh gio. Cái thứ bánh ấy cầu kỳ nhất trong các loại bánh có trên đời này, bánh chỉ Tết mới có ăn, vừa là món ngon vừa là thang thuốc kết tinh từ cây cỏ bảo vệ sức khỏe cho một năm của người Tày.

Bếp lửa sạch rồi, thì đun củi mới, đúng tối ba mươi cả nhà ngồi quây bên bếp, é châm bốn thẻ hương cắm vào vỏ ốc vặn để bốn góc bếp. Bố bưng một nong lớn đựng cum lúa nếp với một cái xẽo mũi trâu ra đặt bên bếp. Mùi hương trầm mặc, bốn đốm sáng nhỏ nhoi nhả khói bao lấy bếp lửa rừng rực, chính lúc này không khí trong nhà trở nên u tịch huyền bí nhất. Cả nhà ngồi trên những chiếc ghế ngang bóng nhẫy chăm chú nhìn đống lửa cháy phừng. Ông thần lửa và é chính là người tạo ra sự huyền bí ấy, bóng tối bị thần lửa đẩy ra những góc khuất nhất nhà, những sợi tóc é bạc trắng bắt lửa ánh hồng, hai bên má bố mẹ và mấy anh em chúng tôi cũng rực lên ưng ửng ấm áp một cách kỳ lạ. Ông thần lửa mọi khi nhảy nhót không ngưng giờ cứ thế trầm mặc ngắm nghía, ban tặng hơi ấm của mình cho từng thành viên trong gia đình giúp mọi người đuổi đi nhưng mệt mỏi giá lạnh của một mùa đông dài khắc nghiệt. Bây giờ đến lượt é, cái bà ké của chúng tôi rì rầm gì đó bằng tiếng Tày, bài cúng hay bài cọi tâm tình với ông thần lửa tôi cũng không nhớ nữa, chỉ thấy không gian đặc quánh, bố mẹ lặng im, anh em chúng tôi tròn mắt nhìn, cả những tiếng tách tách mà ông thần lửa khi nhai củi tạo ra cũng không còn. Chỉ có tiếng nói phát ra từ cổ họng nhăn nheo của é, ánh mắt é nhìn vào giữa ba chân kiềng, ở đấy ngọn lửa cũng như đáp lại, như đồng ý nhận lời ủy thác của người già tuổi nhất trong ngôi nhà. Kết thúc bài cúng, é châm thẻ hương cắm lên cum thóc nếp mây mẩy, đoạn é đọc bài cúng xin mùa màng tốt tươi, xin thần lửa cho đàn trâu đầy chuồng.

Đến lượt bố, ông không nói gì, nhót tay đưa đóm vào xin lửa rồi đốt cháy bi thuốc lào rin rít, khói từ miệng ông phả ra phủ kín gian bếp. Sảng khoái xong xuôi, bố rót một chén đầy từ can rượu Tết mùi vừa thơm vừa khê hất thẳng vào bếp, lửa nuốt gọn thứ chất lỏng ấy, sung sướng bùng lên ánh xanh, vàng, đỏ gần trạm đến gác bếp.

Bếp lửa trong nhà người Tày. Nguồn:internet

Đến khi hương tàn là phần đám trẻ chúng tôi cho lửa ăn. Anh cả chạy xuống sàn ôm lên những thanh củi bổ lẫn những cây đuốc vầu khô cong, từng cây đút vào ông thần lửa rùn mình đỡ lấy, ban đầu còn như nếm thử như muốn xem củi tốt hay mục rồi thì nhanh chóng nuốt lấy, nhai rào rạo tanh tách. Chị tôi mang chảo mỡ lợn thơm lừng đặt lên kiềng, ông thần lửa ngửi thấy mùi quen thuộc bắt đầu hát bài hát ma mị nhưng cũng đầy tươi vui no đủ, chị thả những miếng phồng tôm vào chảo, mỡ tí tách sôi bắn ra giọt nào lửa đón bắt lấy giọt ấy, giữa khoảng không một đốm sáng hiện nhanh lắm rồi tắt. Tôi nhỏ hơn mang ngô nếp ra từng hạt trắng như ngọc bỏ vào tro nóng chỗ gần ông thần lửa nhất vùi vào đấy, những hạt đầu tiên là của ông thần ham ăn ấy, chúng nở bung nhảy bật lên như bông hoa chè phút sau lửa nuốt gọn chỉ còn mùi khen khét lẫn mùi thơm ngậy của ngô mùa. Cuối giờ é mang nắm nếp cẩm rang trên vung nồi, từng hạt gạo tím nở bung thành hoa trắng muốt cuống tím được chia cho đám lâu nhâu chúng tôi ăn phòng bệnh lấy may. Xong xuôi é mang quần áo tiền vàng, ít thôi nhà nghèo mà, đốt cúng cho ông thần lửa, đâu vào đấy cả, bà ké ấy mới dám đi về buồng nghỉ.

Lũ trẻ chúng tôi chơi với lửa cả tối đến khi hai ống đồng nóng như sắp chín đến nơi mới đi ngủ. Đang chập chờn ngủ, tôi mơ thấy ông thần lửa bị bỏ lại một mình ngáp lên ngáp xuống, chán rồi ông hóa ra hình bà nội lưng còng của tôi, bước ra khỏi ba chân kiềng rồi ngồi lom khom đúng chỗ é hay ngồi, tự lấy thanh kẹp bằng tre vén tro đắp những hòn than hồng rực, ông thần lửa đi ngủ lấy sức ngày mai giúp người ăn Tết.

(*) É : tiếng mà cháu người Tày gọi bà nội

 

Nguyễn Văn Toan

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy