Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
12:14 (GMT +7)

Linh vật: sức hút cho du lịch địa phương

Trong tín ngưỡng dân gian, linh vật là những gì thiêng liêng, cao quý. Trong các giải đấu thể thao, linh vật gửi gắm tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm vì màu cờ sắc áo. Trong cuộc sống hàng ngày, linh vật bớt dần yếu tố “linh” mà trở nên gần gũi, vui nhộn với hiện thân rõ nhất là những “mascot” rực rỡ trên đường mỗi dịp khai trương, lễ, tết. Từ góc nhìn du lịch, linh vật có thể trở thành thương hiệu điểm đến, tạo sức hút cho du lịch địa phương.


Linh vật - vật cầu may

“Linh vật” xuất hiện trong cả ngôn ngữ phương Đông và phương Tây. Mascot - thuật ngữ quốc tế chỉ linh vật - xuất phát từ “mascotte” trong tiếng Pháp, nguyên nghĩa là bùa thiêng cầu may. Ban đầu, đây là tiếng lóng của những người đánh bạc, dẫn xuất từ “masco” nghĩa là phù thủy. Mascotte chỉ những vật ma thuật như lọn tóc, con bù nhìn, cây kim... Sau này, nó thiên về ý nghĩa bùa may mắn, bảo vệ cho các gia đình.

Ở phương Đông, “linh vật” là từ gốc Hán, bao gồm 4 lớp nghĩa: vật chỉ điềm lành; các sản vật quý báu thần kì; thần linh và các vật của người tu tiên đắc đạo (Theo Hán ngữ đại từ điển của La Trúc Phong). Hiện diện sâu đậm trong đời sống tín ngưỡng Việt Nam, linh vật được đưa vào những cuốn từ điển nổi tiếng nhất. Năm 1773, Pierre Pigneau de Béhaine trong Tự vị An nam La tinh định nghĩa: “linh vật là vật lương dân coi là có phép thiêng”. Năm 1896, Huỳnh Tịnh Của trong Đại Nam quốc âm tự vị đã đưa ra một định nghĩa khá chi tiết: “Vật có phép thần thông, hoặc có trí hiểu biết nhiều việc lạ lùng. Người ta nói voi, cọp có trí hiểu biết, cho nên gọi là linh vật; kêu là bửu kiếm gươm báu, gươm linh cũng là vì dùng nó mà giết được nhiều người; ai có tội cũng không trốn nó được”. Với quan niệm vạn vật hữu linh, người Việt sùng bái linh vật và cũng đa dạng hóa linh vật. Theo các nhà nghiên cứu, linh vật trong di tích có thể chia thành 4 loại: Linh khí là các đồ vật thiêng được đặt trong các không gian văn hóa cổ, bao gồm tất cả các đồ thờ và đồ để cúng dàng; Linh thú là tượng các con vật thiêng được đặt trong các không gian văn hóa tâm linh; Linh tượng là các tượng pháp được đặt trong các không gian thờ cúng; Linh cốt là chân thân xá lị.

Biểu trưng của lịch sử và văn hóa

Theo chiều dài lịch sử, con người không còn phụ thuộc quá nhiều vào những điều thần bí, linh vật mang thêm chức năng mới, đó là biểu trưng cho một địa phương, tổ chức, cộng đồng, giải thi đấu thể thao hay thương hiệu. Trong phạm vi bài viết, xin phép chỉ nhấn mạnh đến linh vật của các vùng miền.

Gắn với chức năng “biểu tượng”, linh vật vô cùng đa dạng. Nó có thể là hóa thân của một vị thần, người anh hùng; là sông núi, hang động, con vật, cây cối; là hiện vật văn hóa địa phương; hình tượng văn học hay một tạo hình tưởng tượng nào đó. Đối với người địa phương, linh vật là hiện diện cho niềm tự hào, ý thức giữ gìn truyền thống. Đối với khách thập phương, linh vật là tín hiệu nhận diện, là cánh cửa mở ra lịch sử, văn hóa. Hầu như các quốc gia trên thế giới đều có một và nhiều hơn một linh vật. Trong một quốc gia, mỗi địa phương cũng có thể sở hữu “mascot” đặc trưng. Và nếu có một từ điển về mascot thế giới, hẳn từ điển ấy sẽ vô cùng sinh động.

Biểu tượng lá chè, hoa chè đã có trên lô gô và xuất hiện nhiều trong các hoạt động của Thái Nguyên, rất có thể không xa du lịch Thái Nguyên có mascot về chè. Trong ảnh: một sự kiện của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tôn vinh cây chè và hình tượng chè được đưa lên sân khấu.

Trên thế giới, có nhiều địa danh mà chỉ cần nhắc đến linh vật, ai cũng có thể nhận ra. Đó là chuột túi của nước Úc, là nàng tiên cá của đất nước cổ tích Đan Mạch, là Merlion - tạo hình đầu sư tử mình cá của Singapore, là gà trống Gaulois nước Pháp, lá phong Canada, hoa sen Ấn Độ…

Các dân tộc chọn linh vật xuất phát từ niềm tự hào về nguồn gốc, về sự hùng vĩ của thiên nhiên, sự đa dạng của văn hóa, phẩm chất của con người. Và bởi thế, Merlion (sư ngư) của người Singapore nhắc con cháu nhớ đến gốc tích của mình - một làng chài ven biển, đồng thời kể cho du khách truyền thuyết đẹp đẽ về hành trình lịch sử Singapore - đất nước mạnh mẽ như sư tử nhưng không quên cội nguồn khiêm tốn.

Người yêu bóng đá hẳn đều biết gà trống Gaulois là hiện thân của nước Pháp, song nếu tìm hiểu kĩ hơn về nguồn gốc linh vật này, sẽ thấy đằng sau biểu tượng sinh động đó là lịch sử và tinh thần của con người nơi đây. Gaulois xuất phát từ sự chơi chữ bởi Gaule - vùng đất tương ứng với đại bộ phận lãnh thổ nước Pháp ngày nay đồng âm với Gallus trong tiếng Latinh có nghĩa là con gà trống. Chú gà trống còn biểu thị cho ý thức coi trọng thời gian và sự kiên cường của nước Pháp khi đặt cạnh linh vật mạnh mẽ của nước láng giềng là đại bàng Đức.

Yuru-kyara trong văn hóa Nhật Bản

Ở phương diện địa phương, Nhật Bản nổi tiếng thế giới với những linh vật phong phú, gắn với các tiểu vùng miền, gọi chung là Yuru-kyara. Mỗi linh vật địa phương thường có tên riêng, giới tính, sở thích, tính cách và mang một câu chuyện đặc biệt. Komakiyama là linh vật của thành phố Komaki tỉnh Aichi với tạo hình là chàng Sumo màu xanh mô phỏng ngọn núi Komaki và tòa lâu đài trên đỉnh núi. Nejiri của thành phố Kurihara mang hình bó lúa xoắn ốc bởi tập quán của nông dân nơi đây là sau khi thu hoạch sẽ phơi lúa bằng cách xoắn ốc trên cây gỗ. Chim hạc Tsuru gợi nhớ đến câu chuyện về cô bé Sadako gấp một ngàn con hạc giấy để cầu nguyện cho mình khỏi căn bệnh ung thư quái ác - tác hại của bom nguyên tử. Fukkachan mô phỏng cọng hành lá là linh vật của thành phố Fukaya- thành phố của những cây hành. Linh vật Olympic Nhật Bản năm 2020 lấy cảm hứng từ manga và anime đem đến nhiều cảm xúc bởi nó gợi về tuổi thơ say mê truyện tranh của bao trẻ em trên thế giới. Ngày nay, rất nhiều lễ hội và sự kiện liên quan đến linh vật được tổ chức tại Nhật như lễ hội Yuru-kyara Matsuri năm 2008, lễ hội Yuru-kyara Grand Prix được tổ chức hàng năm nhằm bình chọn những Yuru-kyara ấn tượng nhất. Mascot thực sự trở thành nét văn hóa riêng của xứ sở Phù Tang.

Điểm nhấn trong bộ nhận diện thương hiệu của địa phương

Trong chiến lược phát triển du lịch của một địa phương, bộ nhận diện thương hiệu có vai trò đặc biệt quan trọng. Bên cạnh logo và slogan, linh vật cũng có thể được coi là hình ảnh thương hiệu mang sứ mệnh quảng bá cho du lịch. Theo các chuyên gia truyền thông, việc xây dựng thương hiệu điểm đến cần tìm kiếm những yếu tố đặc thù, giúp phân biệt điểm đến này với điểm đến khác. Với đặc trưng của mình, linh vật làm được điều đó. Linh vật là “người kể chuyện” về lịch sử qua dáng hình, màu sắc, đường nét, tên gọi; là đại sứ truyền thông khi trở thành biểu tượng trang trí đường phố, nhân vật chỉ dẫn, đồ lưu niệm... Được “nhân cách hóa” với khả năng vận động và biểu cảm, mascot có thể giao lưu cùng du khách, chụp ảnh lưu niệm hay nô đùa với trẻ em - điều mà logo khó có thể làm được. Linh vật cũng có thể trở thành nhân vật trung tâm của các lễ hội, sự kiện thu hút khách du lịch như cách mà người Nhật đã làm và trở nên nổi tiếng.

Chuyên gia ở Pháp kể chuyện gần 10 năm làm thương hiệu cho Đồng Tháp

Dùng linh vật để tạo điểm nhấn cho địa phương là hướng đi đã được áp dụng ở một số tỉnh thành ở nước ta, tuy chưa thực sự phổ biến. Mô hình có sức lan tỏa nhất, có lẽ là “Bé Sen” của Đồng Tháp. Tự hào “Tháp Mười đẹp nhất bông sen”, người Đồng Tháp đã “đưa sen khỏi đầm” đến tỏa hương trên đô thị với những giải phân cách rực rỡ bông sen. Mascot “Bé Sen” trở thành linh vật được sử dụng trong các lĩnh vực: du lịch, xúc tiến thương mại, ngoại giao, tọa đàm, tuyên truyền quảng bá trên các kênh truyền thông chính thức… Năm 2015, thành phố du lịch Đà Nẵng cũng đã chính thức “trình làng” bộ nhận diện thương hiệu mang thông điệp Danang FantastiCity, trong đó có mascot ngộ nghĩnh. Vào mùa Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2019, hình ảnh đáng yêu của chú voi Bản Đôn được ra mắt công chúng như là mascot của tỉnh Đắc Lắc.

Chỉ tiếc là ý tưởng này vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Đến Hàm Yên, khách gặp biểu tượng trái cam ở trung tâm thị trấn. Dọc quốc lộ 1A đoạn qua khu vực Hữu Lũng, Chi Lăng, khách sẽ thấy biểu tượng quả na, hoa hồi xứ Lạng chào đón bên đường. Quẩy tấu và khèn trở thành khách sạn, cổng chào ở Hà Giang. Con tôm hiện diện trên nhiều tuyến đường ở Bạc Liêu trong niềm tự hào của vật nuôi chủ lực… Tất cả những ý tưởng ấy gần giống với linh vật, song nó chưa được chính thức công nhận, cũng chưa được “nhân cách hóa” và vì thế, khả năng tạo ra sự đột phá về thương hiệu du lịch bị hạn chế. Nếu như các Yuru-kyara Nhật Bản được chen vai sát cánh trong các lễ hội linh vật, thì linh vật địa phương của chúng ta vẫn phải “đứng một mình” như cách nói của tác giả Phan Bảo Giang trong một bài viết đăng trên Tạp chí Du lịch (1).

Tiêu chí sáng tạo hình tượng linh vật không cứng nhắc, song về cơ bản, nó phải truyền tải thông điệp về vùng đất mình đại diện. Chính quyền địa phương nên phát động cuộc thi để mọi người dân đều có thể đóng góp ý tưởng và thiết kế linh vật biểu tượng. Đó là chìa khóa giúp các linh vật trở nên gắn kết chặt chẽ với cộng đồng, hạn chế những hình tượng gây tranh cãi từng đã xảy ra như tượng “Cha Chó”, “Rồng Pikachu” trong những dịp Tết trước. Ở một khía cạnh khác, đây cũng là cơ hội để người dân tìm hiểu về quê hương mình với những giá trị riêng biệt.

Hành trình đi tìm linh vật cho địa phương nhất định sẽ đầy thú vị. Đường phố Thái Nguyên ngày một khang trang, hiện đại. Đâu đó trên đường, ta bắt gặp biểu tượng lá chè, hoa chè, ánh thép, hoa văn thổ cẩm… Và biết đâu, một ngày không xa, một trong số những biểu tượng ấy sẽ trở thành mascot của Thái Nguyên bên “Bé Sen” Đồng Tháp và nhiều linh vật khác?

Hiểu Mai

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy