Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
17:51 (GMT +7)

Liên hoan tuyên truyền lưu động tỉnh Thái Nguyên năm 2015: Sắc diện mới của nghệ thuật tuyên truyền

VNTN - Có sự tìm tòi, đa dạng trong phong cách thể hiện, tuy chất lượng nội dung và nghệ thuật chưa thực đồng đều nhau giữa các đơn vị, song chương trình liên hoan được đánh giá là đáng xem bởi những giá trị tuyên truyền, sự đầu tư nghiêm túc, chuyên nghiệp … của các đội.


Liên hoan tuyên truyền lưu động tỉnh Thái Nguyên năm nay có chủ đề “Mãi mãi niềm tin theo Đảng”, diễn ra trong 2 ngày 23 và 24/6 tại thành phố Sông Công, với sự góp mặt của hơn 300 tuyên truyền viên đến từ 9 đơn vị thuộc các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Được đầu tư từ khâu kịch bản, dàn dựng, bản lĩnh sân khấu của từng diễn viên, Đội Tuyên truyền lưu động thành phố Thái Nguyên đã để lại ấn tượng tốt đẹp với khán giả bởi sức hút của một chương trình tầm vóc, mang tính chuyên nghiệp cao. Bám sát chủ đề với kết cấu chặt chẽ và linh hoạt, không nặng những khẩu hiệu khô cứng, giáo điều, ngay từ màn chào hỏi, đến các tiết mục nghệ thuật, phần thi tuyên truyền viên xuất sắc, tất cả đều được sân khấu hóa khá mềm mại, thể hiện sự tinh tế, có chiều sâu trong từng giọng hát, điệu múa… Coi liên hoan này là một trong những hoạt động chính hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập Thị xã Sông Công và công bố quyết định thành lập thành phố, chương trình nghệ thuật của đơn vị chủ nhà đã làm thỏa lòng người dân bản địa bởi sự công phu, nghiêm túc trong sáng tạo của đội ngũ tuyên truyền viên, làm nổi bật sắc diện của thành phố trẻ. Chỉ riêng việc lấy được tiếng cười và cả sự xúc động của khán giả trong phần thi tiểu phẩm có nội dung về xây dựng nông thôn mới với lối diễn xuất có hồn, có nghề của các diễn viên, đội tuyên truyền Sông Công đã ghi điểm về sự xuất sắc và chuyên nghiệp của mình.

Một tiết mục múa của Đội tuyên truyền lưu động thành phố Thái Nguyên

Không có nhiều điều kiện thuận lợi như các đơn vị trung tâm về cơ sở vật chất, song được sự quan tâm của lãnh đạo, các đội tuyên truyền lưu động các huyện Đại Từ, Phú Bình, Định Hóa, Võ Nhai,… cũng để lại nhiều dấu ấn đặc biệt. Trong thời lượng tối đa 35 phút, điều đáng ghi nhận là các đội đều biết chọn lọc, khai thác thế mạnh, bản sắc văn hóa địa phương và thể hiện chúng ngắn gọn nhưng khá đầy đủ, rõ nét. Đặc biệt phần thi Tuyên truyền viên xuất sắc được các đơn vị chú trọng về: Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; ý nghĩa quan trọng của Đại hội Đảng các cấp; 85 năm lịch sử vẻ vang của Đảng; thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; những nhân tố điển hình tiên tiến của địa phương, đơn vị trên các lĩnh vực, về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”;…, được các tuyên truyền viên thể hiện tự tin, kiến thức vững vàng, bằng cả tình yêu quê hương xứ sở, trở nên dễ nghe, hấp dẫn chứ không hề lý thuyết, nhàm chán.

Đánh giá về chất lượng chương trình nghệ thuật tuyên truyền, ông Triệu Văn Doanh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, thành viên Ban giám khảo cho biết: Hình thức thông tin tuyên truyền cổ động đã bị “bỏ quên” khá lâu, kể từ khi Sở Văn hóa Thông tin phân tách thì hoạt động này không còn nữa, giờ mới tổ chức lại. Liên hoan này rất đáng xem bởi chất lượng khá tốt, nhiều đoàn có sự đầu tư, dàn dựng công phu, đều bám sát bản sắc địa phương, biết gắn bản sắc đó với công tác tuyên truyền. Ấn tượng, thỏa mãn phần nhiều, song chúng tôi không khỏi băn khoăn về sự đầu tư, chúng không đồng đều giữa các đơn vị. Có những địa phương từ trước được biết đến là đoàn “xung kích” trong hoạt động tuyên truyền lưu động (như Phú Lương), lại đem đến liên hoan một chương trình hời hợt, mang tính “đối phó”. Một số đoàn lại chọn tiết mục quá sức diễn viên, dẫn đến tình trạng làm “không tới” nên không mang lại hiệu quả. Phần thi tiểu phẩm theo quy định liên hoan phải có, song khi tham gia thì đoàn có, đoàn không. Đề tài trong các tiểu phẩm cũng lặp lại, chỉ riêng chuyện hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới đã có tới 3 đơn vị khai thác (Đại Từ, Võ Nhai, Sông Công). Năm nay liên hoan có sự tham gia của một đơn vị ngoài ngành văn hóa, là Khu bảo tồn di tích nhà sàn Thái Hải. Điểm đặc biệt là đã xây dựng một chương trình đậm bản sắc văn hóa dân tộc, song thiếu tính sáng tạo và diễn xuất còn khá “tự nhiên chủ nghĩa”. Có lẽ vì lần đầu tham gia, nên dù bám sát chủ đề, song kết cấu rời rạc theo kiểu “cây nhà lá vườn”,...

Nói chuyện đầu tư và công tác tổ chức chương trình, ông Ma Tiến Chiển - Giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Võ Nhai bộc bạch: “Chúng tôi nắm tinh thần tham gia liên hoan từ đầu năm, kinh phí đầu tư cho hoạt động này khoảng 50 - 60 triệu đồng, tất cả các khâu từ kịch bản, dàn dựng huyện đều tự làm. Đội tuyên truyền có hơn 30 người, là các hạt nhân văn nghệ được tuyển chọn từ các xã, tập luyện ròng rã hơn nửa tháng. Sau liên hoan chúng tôi cũng lên kế hoạch đem chương trình đi biểu diễn tuyên truyền cho bà con các xã, nhưng chắc cũng chỉ được 3-4 buổi thôi. Từ trước tới nay những chương trình thế này ít khi được địa phương đem đi biểu diễn lại, vì còn tùy thuộc rất nhiều yếu tố, như chủ đề, thời điểm. Có thể bây giờ phù hợp, nhưng ít lâu nữa thì không, hoặc không thể đem chương trình ra diễn trong một sự kiện không gần gũi với nó được…”. Đó là cái khó không chỉ của địa phương, thành phố Sông Công với một chương trình chất lượng cao, cũng đầu tư cả gần trăm triệu, công tác chuẩn bị gần một tháng, nhưng theo lời ông Nguyễn Văn Linh, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin, thì cũng sẽ mang đi biểu diễn một số buổi ở các xã, phường trong Đại hội Đảng sắp tới, còn “nuôi” chương trình này thế nào về sau thì chưa cụ thể được. Ở tầm chuyên nghiệp cao hơn, chương trình của thành phố Thái Nguyên cũng chỉ “lọc” ra một vài tiết mục có thể sửa lại để đem diễn lâu dài. Như thế cũng gọi là thành công rồi.

Theo dõi sát sao chương trình, nhiều người hẳn đã có một cái nhìn khác về nghệ thuật tuyên truyền - nghệ thuật quần chúng. Không đơn thuần là những kiến thức sách vở, nghệ thuật tuyên truyền là mảnh đất sáng tạo khá đặc biệt đang được nâng tầm chuyên nghiệp, hoàn toàn có thể “bung” khỏi sân chơi nhỏ hẹp của những cuộc liên hoan “diễn cho nhau xem”. Nhưng để tăng hiệu quả tuyên truyền lâu dài, thiết thực bằng hình thức sân khấu hóa này, thiển nghĩ các địa phương cần “tính” thêm, chứ không chỉ “thi xong xuôi tất cả lại về”, rồi… thôi.

Kim Việt

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy