Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
07:19 (GMT +7)

Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 hút khán giả đến Nhà hát

VNTN - Liên hoan Kịch nói toàn quốc đã đi được hơn nửa chặng đường. Những ngày này ở thành phố Thái Nguyên đi đến đâu cũng thấy người dân râm ran bàn tán về kịch. Hơn một tuần diễn ra sôi nổi, Liên hoan như một “bữa tiệc tinh thần” đa sắc màu mang lại rất nhiều bất ngờ và những xúc cảm khó quên trong lòng khán giả.

Những bất ngờ

Người xem tấp nập đến kín khán phòng của Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Việt Bắc, ngay từ buổi  đầu của đêm khai mạc của Liên hoan cho đến những buổi diễn kế tiếp. Có những buổi khán giả đến đông tới nỗi khán phòng Nhà hát chật cứng, nhiều người sẵng sàng ngồi xuống lối đi để xem. Ở phía sảnh ngoài rạp, khán giả cũng chăm chú theo dõi vở diễn qua màn hình cỡ lớn. Những ánh mắt hân hoan, những nụ cười và cả những giọt nước mắt lăn dài trên má…, như sống dậy cả một thời hoàng kim sân khấu kịch những năm 80 - 90 của thế kỉ trước.

Một cảnh trong vở “Bến nước thời gian”
Một cảnh trong vở “Bến nước thời gian” của Nhà hát Tuổi trẻ

Và sau mỗi lớp diễn trên sân khấu, những tràng pháo tay rần rần khích lệ đã phần nào nói lên sự yêu mến và trân trọng nghệ thuật của khán giả.

Là một người tâm huyết với kịch nói và từng là thành viên của Hội đồng nghệ thuật Liên hoan Kịch nói toàn quốc, về điều này, PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái đã phải thốt lên: Khán giả Thái Nguyên dễ thương vô cùng! Mọi người kéo đến rạp đông quá, ngồi chèn cả lối đi. Thích nhất là những tràng vỗ tay tán thưởng chân thành của họ, hay cũng vỗ tay để khích lệ, dở cũng vỗ tay để động viên. Điều lớn nhất, quan trọng nhất của sân khấu là khán giả. Còn khán giả là còn sân khấu… Trước khi trở lại Thái Nguyên tôi thấy với sân khấu, thì khán giả Thành phố Hồ Chí Minh là tuyệt vời nhất, nhưng ở Liên hoan lần này tôi lại nhận ra khán giả của Thái Nguyên cũng tuyệt vời không kém.

Đúng như những chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, có lẽ đã rất lâu rồi người Thái Nguyên mới tìm lại được những cảm xúc đặc biệt với kịch nói. Liên hoan chính là dịp để những người yêu kịch nói lại được khóc - cười, vui - buồn cùng các nhân vật, các nghệ sĩ trên sân khấu.

Người xem ở mọi lứa tuổi tại Liên hoan
Người xem ở mọi lứa tuổi tại Liên hoan

Và “Bến nước thời gian” (Nhà hát Tuổi trẻ), “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (Công ty Cổ phần Điện ảnh và Sân khấu Việt Nữ), “Người con gái Xứ Đông” (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hải Dương), “Lời nói dối cuối cùng” (Nhà hát Kịch nói Quân đội), “Búp bê” (Công ty TNHH Phim Đông A) là những vở diễn ấn tượng, giành được nhiều sự tán thưởng của đông đảo công chúng.

Kịch bản hay, hiệu ứng sân khấu đẹp mắt, tính ước lệ cao, “Bến nước thời gian” của Nhà hát Tuổi trẻ đã thực sự chinh phục số đông khán giả. Đặc biệt, người xem bị bất ngờ và thích thú bởi sự hóa thân cực xuất sắc từ dàn diễn viên trẻ tài năng của nhà hát. Có thể nói, đây là vở diễn đã lấy đi của người xem nhiều nước mắt nhất.

Bên cạnh những nhà hát trong công lập có bề dày truyền thống như: Nhà hát Tuổi trẻ; Nhà hát Kịch nói Quân đội; Nhà hát Kịch Việt Nam… thì có khá đông đơn vị sân khấu xã hội hóa đã tới Liên hoan với những vở diễn đầy tính sáng tạo và thể nghiệm, mang đến sự mới mẻ thú vị cho người xem. 

Phản ánh về những người đồng tính, lưỡng tính, “Búp bê” của Sân khấu LucTeam (Công ty TNHH Phim Đông A) đã chạm đến những vấn đề nhạy cảm và mang tính thời sự của xã hội hiện đại.  Cảnh báo viễn cảnh trí tuệ nhân tạo sẽ chi phối cuộc sống con người. Trong thế giới ảo ấy, con người hãy chân thành, bởi tình yêu luôn bất biến và không gì thay thế được, là điều vở diễn muốn gửi gắm. Sắc sảo mà sâu cay, những lời thoại thông minh, hài hước, đã chắp thêm đôi cánh cho diễn xuất của diễn viên. Đạo cụ đơn giản nhưng độc đáo giàu chất tạo hình, ước lệ… đã chinh phục hoàn toàn người thưởng thức, vở diễn nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả ở nhiều lứa tuổi.

Đoạn giằng xé nội tâm của nhân vật  trong “Hồn Trương Ba da hàng thịt”
Đoạn giằng xé nội tâm của nhân vật trong “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” 

Cùng được quan tâm từ phía người xem nhưng “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Công ty Cổ phần Điện ảnh và Sân khấu Việt Nữ lại là vở diễn gây nhiều tranh cãi. Diễn ra vào buổi sáng - khung giờ hành chính, nên nhiều người không thể đến rạp, nhưng vì là vở kịch nổi tiếng của nhà viết kịch tài ba Lưu Quang Vũ nên lượng người xem vẫn khá đông. Dưới bàn tay đạo diễn tài ba của đạo diễn người Nhật Tsuyoshi Sugiyama, sự diễn xuất tuyệt vời của các diễn viên, âm nhạc độc đáo từ tiếng guitar đầy ngẫu hứng… “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” thực sự mới mẻ, gây cảm xúc và ám ảnh người xem, nhất là giới trẻ.

Tuy vậy, ngay khi vở diễn bắt đầu, dưới hàng ghế khán giả đã không ít tiếng xì xào của những người cao tuổi rằng: lời diễn nhỏ quá, trang phục hiện đại quá, tại sao vai Đế Thích là nữ?… Mặc dù trước vở diễn, người dẫn đã giới thiệu bối cảnh và phong cách của các diễn viên sẽ mang hơi hướng hiện đại cho gần gũi và phù hợp với đời sống. Bất bình vì những can thiệp “thô bạo”, nhiều người đã đứng dậy ra về, dù phía trong rạp tiếng vỗ tay của người xem vẫn dậy lên không ngớt.

Sau vở diễn một khán giả trẻ xin được giấu tên, đã kể: Bố tôi là một người am hiểu về văn chương, nghệ thuật và rất yêu kịch của Lưu Quang Vũ nhưng tôi cũng phải vất vả thuyết phục để ông cùng đến xem vở diễn. Tuy không bỏ về như một số người nhưng sau khi xem xong ông đã tỏ ra bức xúc về vở diễn. Và hai bố con tôi đã xảy ra tranh luận kịch liệt. Tôi giải thích rằng, ngoài phần lời thoại của nhân vật ở phần đầu hơi bé thì vở diễn hoàn toàn thành công. Dưới bàn tay đạo diễn tài ba, các nhân vật như có thêm đất diễn. Cùng với lời thoại, các diễn viên phải biểu lộ cực điểm nội tâm qua nét mặt và cả hình thể. Ngoài ra trang phục, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng cũng rất độc đáo đã khiến những cảm xúc của nhân vật, kịch tính của vở diễn như được đẩy cao hơn, biểu lộ vô cùng mạnh mẽ và ấn tượng. Bất đồng qua điểm với tôi, ông đã giận dữ và tuyên bố, kịch nói hiện nay quá suy đồi, ông không thèm đến xem một vở nào tại Liên hoan nữa (!).

Chuyển mình để giữ chân khán giả

Không giống như suy nghĩ có phần cực đoan trên, nhà thơ, nhà giáo Vũ Đình Toàn, hội viên Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên lại cho rằng, Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 là cơ hội hiếm hoi để ông và những người mê sân khấu được xem miễn phí các vở diễn đặc sắc nhất của sân khấu kịch.

Một cảnh trong vở “Người con gái xứ Đông”
Một cảnh trong vở “Người con gái xứ Đông”

Dù đã 85 tuổi những gần như ngày nào, ông cũng có mặt ở hàng ghế khán giả. Là một người yêu mến kịch nói, nhiều năm nay ông từng lặn lội xuống tận Hà Nội để thưởng thức các vở diễn. Giống như những khán giả mê sân khấu kịch, ông cho biết: Qua các vở diễn tại Liên hoan lần này tôi thấy kịch nói đang có sự chuyển động và bứt phá mạnh mẽ. Không ngừng tìm tòi, phá cách, kịch nói đang “xé toạc” những quan niệm cũ, những quy tắc cũ để hướng tới sự sáng tạo. Và những sáng tạo kịch tại Liên hoan đã gây ấn tượng, “đập mạnh” vào những giác quan của người xem, cho nên nó hấp dẫn.

Cảm nhận của nhà thơ, Vũ Đình Toàn quả tinh tế. Ngoài kịch nói, khán giả hiện nay có rất nhiều lựa chọn với các loại hình giải trí, nghệ thuật khác. Để kéo khán giả tới rạp, điều sống còn với sân khấu kịch là phải không ngừng làm mới và thay đổi, có như vậy chất lượng các vở diễn mới được nâng cao.

Đa dạng về đề tài, đổi mới về phong cách thể hiện, sáng tạo và đầu tư về đạo cụ, là những điều dễ thấy ở Liên hoan lần này. Ngoài ra, các đoàn cũng không quá đầu tư vào những đề tài được khuyến khích và ưu tiên tại Liên hoan nhưng lại nặng về tuyên truyền. Và khán giả tới Liên hoan đã được xem vở kịch rất đời, cuộc sống gia đình và những đau khổ, hạnh phúc, trong “Mẹ và người tình” của Nhà hát Tuổi trẻ.

Vở “Tiếng thơ vang vọng đất trời” mang đậm màu sắc thể nghiệm
Vở “Tiếng thơ vang vọng đất trời” mang đậm màu sắc thể nghiệm

Hoặc với đề tài chiến tranh cách mạng tưởng như đã mòn cũ, nhưng Nhà hát Tuổi trẻ đã thể hiện khéo léo qua thân phận khổ đau của những người phụ nữ với số phận đầy bi thương sau chiến tranh qua vở “Bến nước thời gian”. Ngoài ra Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hải Dương mang tới vở kịch “Người con gái xứ Đông”. Vở kịch tái hiện giai đoạn hoạt động cách mạng của Anh hùng, liệt sĩ Mạc Thị Bưởi, cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân Hải Dương chống thực dân Pháp.

Lấy tích xưa kể chuyện nay, “Lời nói dối cuối cùng” - vở kịch nổi tiếng của Lưu Quang Vũ đã được Nhà hát Kịch nói Quân đội thể hiện rất thành công. Trung thành với kịch bản nhưng qua cách tạo hình sân khấu giàu ước lệ và thẩm mỹ, tài năng diễn xuất của các diễn viên, vở diễn đã lôi cuốn người xem ngay từ lúc mở màn cho đến khi kết thúc. Xoay quanh các nhân vật Cuội, Bờm và Lụa, dù mượn tích dân gian nhưng vở diễn vẫn đậm hơi thở cuộc sống. Qua vở diễn ai cũng nhận ra “Hạnh phúc phải xây dựng dựa trên lòng tin và sự chân thực. Mọi ý định dù tốt đẹp nhưng được xây dựng trên sự giả dối đều không đem lại hạnh phúc”.

Tạo hình sân khấu giàu ước lệ và đẹp như thơ của “Lời nói dối cuối cùng”
Tạo hình sân khấu giàu ước lệ và đẹp như thơ của “Lời nói dối cuối cùng”

Khai thác sâu nội tâm nhân vật từ đó khái quát cuộc đấu tranh chống lại cái xấu đang muôn vàn khó khăn của Đảng, Nhà nước ta hiện nay, vở kịch “Bắt quỷ” của Đoàn Kịch nói Hải Phòng đã phản ánh xuất sắc đề tài “nóng” chống tham nhũng, tiêu cực của cuộc sống hiện đại.

Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 đã sắp kết thúc, qua các vở diễn người xem thấy rõ tài năng và sự tâm huyết với nghề của các diễn viên ở các đoàn kịch nhất là các diễn viên trẻ. Những ẩn ức, giằng xé, độc thoại nội tâm của các nhân vật chính đều được các diễn viên trẻ thể hiện rất thành công. Và không chỉ có những nhân vật chính, hàng loạt các nhân vật phụ cũng được các diễn viên trẻ vào vai xuất sắc, để lại rất nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả.

Qua các vở diễn người xem càng thấy rõ vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của những đạo diễn và những người viết kịch bản văn học. Ngoài ra, để các diễn viên thăng hoa trên sân khấu thì phục trang, ánh sáng, đạo cụ và âm nhạc cũng là những điều không thể thiếu trên sân khấu kịch nói.

Quang Khải

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy