Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
03:33 (GMT +7)

Lễ “Lồng lảng” của người Tày

VNTN - Đám cưới của dân tộc Tày thường có hai phần: phần diễn ra ở nhà gái và phần diễn ra ở nhà trai. Tại nhà gái, đám cưới trải qua nhiều bước, nhiều thủ tục. Nhưng tiễn con gái đi làm dâu là thủ tục, là nghi thức quan trọng nhất, ấn tượng nhất. Những người vì yêu nhau mà xách túi (tải tẩy) theo không, không cưới xin thì không có được sự trải nghiệm những nghi thức này. Cả đời không được làm lễ “lồng lảng”.

Nhà ở của các dân tộc Tày, Nùng là nhà sàn. “Lồng lảng” tiếng Tày, có nghĩa thông thường chỉ sự di chuyển của một người từ trên nhà theo cầu thang đi xuống sân đất. Nhưng “lồng lảng” còn có nghĩa phái sinh chỉ con gái đi lấy chồng và nghi thức cô gái bắt đầu rời nhà bố mẹ đẻ đi về nhà chồng. Trong cuộc đời mỗi người phụ nữ Tày, “lồng lảng” là nghi thức sâu đậm nhất trong tâm trí.

Đám cưới của người Tày ngày nay so với trước kia đã có nhiều sự thay đổi, nhưng nghi thức “lồng lảng” thì hầu như vẫn giữ được những thủ tục xưa kia. Bởi vì đối với người Tày giờ phút “lồng lảng” là giờ phút rất thiêng liêng. Đó là giờ phút đánh dấu bước ngoặt cuộc đời người con gái, từ nay trở đi sẽ phải sống xa cha mẹ, tự lập làm ăn. Trong đám cưới, người con gái khi “lồng lảng” phải trải qua nhiều nghi thức, nhiều thủ tục có tính bắt buộc.

Đám cưới của người Tày, có đại diện của nhà trai và đại diện nhà gái thay mặt cho hai gia đình giao tiếp với nhau. Nhà trai đến nhà gái đón dâu gồm có “quan làng ké”, “quan làng ón”, khươi (chàng rể) và phù rể. “Quan làng ké” một người đàn ông đã đứng tuổi, có gia đình hạnh phúc, vợ con đầy đủ, tốt đẹp. Ông này toàn quyền thay mặt nhà trai giải quyết mọi việc thuộc về quan hệ giữa gia đình nhà trai và gia đình nhà gái. “Quan làng ón” là người đàn ông còn khá trẻ, có tài ứng đáp và ca hát. Phù rể là thanh niên chưa vợ, đi cùng chàng rể để trợ giúp chàng rể những việc cần thiết. Tương tự như vây, đại diện nhà gái gồm có “pả mẻ ké”, “pả mẻ ón”, lùa (cô dâu) và phù dâu.

Trong đám cưới, những lúc thực hành các nghi tức theo phong tục, đại diện nhà trai và đại diện nhà gái “giao tiếp” với nhau bằng các bài hát. Đó là những bài thơ được diễn xướng theo một làn điệu riêng biệt trong đám cưới, có nơi gọi là “thơ lẩu” có nơi gọi là “hát quan làng” (hát đám cưới).

“Lồng lảng” là một nghi thức, là thủ tục làm lễ “xuất giá” cho người con gái đi lấy chồng. Nghi thức “lồng lảng” có thể phân chia thành ba bước:

Bước 1:

Lễ xin dâu. Sau khi các thủ tục thăm hỏi chào mời giữa nhà trai và nhà gái đã xong, các mâm cỗ đã bắt đầu vãn khách, đến giờ người con dâu xuất giá.

Giờ “lồng lảng” do nhà gái và đại diện nhà trai thỏa thuận sau khi đã nhờ thầy “tào” thầy “then” lựa chọn. Giờ được chọn gọi là giờ tốt. Đúng vào giờ ấy, vị đại diện nhà trai (quan làng) hát: Kính thưa:… nội quý xuân, ngoại quý họ/ Mười giờ chọn được giờ này đẹp/ Trăm giờ chọn được giờ này hay/ Giờ đẹp tôi xin quay lại nhà/ Giờ hay tôi xin dâu xuất giá (lồng lảng)… Dâu mới như hoa như nụ/ Họ hàng quý dâu hơn bạc hơn vàng…

Được trưởng họ nhà gái đồng ý, “quan làng” dẫn rể vào bái lạy “đẳm” (tổ tiên của gia đình). Con rể lạy và dâng lên bàn thờ tấm vải nhuộm nửa đỏ nửa để trắng, gọi là tấm vải “can thấp” (phải lằm khấư) để biểu thị lòng tri ân công lao cha mẹ đã gian khổ sinh thành và dưỡng dục người con gái để bây giờ trưởng thành, con rể xin đón về làm dâu. Lúc này quan làng lại hát: Nuôi con mới biết công lao mẹ thầy/ Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ khô con ngủ/ Những khi con ốm đau/ Mẹ trắng đêm ôm con, mẹ thức…

Trong hát đám cưới, những bài hát “xin dâu” này rất phong phú. Tùy từng địa phương, tùy từng hoàn cảnh cụ thể và tùy từng “ông quan làng” có thể lựa chọn những bài khác nhau hoặc nhanh trí cải biên lời ca cụ thể cho  thích hợp với hoàn cảnh gia đình.

Đây là những khúc hát chứa chan tình cảm, xúc động lòng người. Lời hát thường làm rơi nước mắt các bà mẹ và người con gái đi làm dâu. Ông bà, bố mẹ được mời ra ngồi trước bàn thờ tổ tiên để con rể lạy tạ. Tiếp theo “quan làng” lại hát lời cảm tạ họ hàng nội ngoại nhà gái: Cây một thân mà có nhiều cành/ Nhà ta đông họ hàng là vinh/ Em tôi đã trình lạy tổ tiên/ Nhà mình còn anh em chú bác/ Thuở ấu thơ bế ằm, tặng địu tã chăn. Tiếp theo chủ hôn lần lượt mời từng người theo tôn ti gia tộc ra ngồi để nhận từ cháu rể những vái lạy tạ ơn. Mọi người được rể lạy, tùy tâm, biếu chú rể những đồng tiền và nói lời chúc phúc.

Con rể lạy tạ tổ tiên, họ hàng xong, thay mặt nhà gái “pả mẻ” hát những bài cảm ơn “quan làng”, trong đó có những câu hát: Hôn nhân giá thú đã thành công/ Hội yếu giao bôi má ửng hồng/ Vui cùng cháu con thành gia thất/ Nhớ người phát bụi mở được thôn… Và không quên gửi cả những lời tâm huyết đến ông bà bên nội.

Sau lễ xin dâu, đại diện nhà trai hát những bài “cảm tạ” nhà gái, cảm tạ những người phục vụ trong đám cưới và ra về. Đoàn nhà trai ra khỏi nhà, đi một đoạn đường rồi dừng lại, chờ đoàn nhà gái đưa dâu về theo.

Bước 2:

Sau khi đoàn nhà trai đã ra khỏi nhà, lễ xuất giá “lồng lảng” dành riêng cho cô dâu bắt đầu. Đồ đạc (của hồi môn) của cô dâu mang theo để về nhà chồng có đủ chăn màn, quần áo và các đồ dùng khác, những tiện nghi tối thiểu đủ cho sinh hoạt của một gia đình, lại còn có quà để tặng bố, mẹ chồng nữa. Tất cả đã được chuẩn bị sẵn, mọi thứ đều gói bọc cẩn thận và buộc bằng những sợi dây đỏ. Toàn bộ các đồ đạc của cô dâu được mang ra xếp trước bàn thờ tổ tiên. Cô dâu đã được trang điểm. Trong bộ áo dài vải chàm dân tộc, đầu đội khăn, thắt lưng đeo xà tích bằng bạc. Cô dâu bước ra trước bàn thờ, lạy tổ tiên, lạy mẹ, lạy cha. Mẹ cô dâu đeo vào chân con gái đôi giầy vải thêu hoa (hài hoa), đội lên đầu con gái chiếc nón mới và nói nhỏ dặn dò con gái những điều cần thiết. Con đứng lên, mẹ cài vào giầy con những đồng tiền. Cô, dì, chị em cũng làm thế: đặt những đồng tiền dưới chân cô dâu, đeo vào tay những chiếc nhẫn vàng… biểu thị tượng trưng cho hy vọng cô dâu “đi làm ăn” sẽ gặp nhiều may mắn, của cải sẽ dồi dào..., cuộc sống sẽ giàu sang, chân giẫm lên tiền, tay đầy vàng bạc. Con bước xuống cầu thang, mẹ đi theo từng bước. Người con gái (cô dâu) được nhắc nhở: trên đường về nhà chồng, dù có quên cái gì, nhớ cái gì cũng không được ngoảnh mặt trở lại nhà mình, gặp người quen không được cười, người lạ hỏi, không được thưa. Chỉ một lòng hướng về phía trước “đi theo chồng làm ăn”.

Bước 3:

Đoàn nhà trai đợi, khi thấy đoàn nhà gái đi đến, họ đi tiếp. Hai đoàn cách nhau một đoạn có thể nhìn thấy nhau, để trên đường đi, nếu “phái nữ” có gặp tình huống gì khó khăn, chẳng hạn suối sâu khó lội, đèo vắng có cướp… các đại diện nhà trai sẽ quay lại giúp đỡ đại diện nhà gái. Nếu trên đường từ nhà gái về nhà trai, mà gặp một đoàn của một đám cưới khác thì cô dâu và chàng rể của đám cưới này sẽ gặp cô dâu, chàng rể của đám cưới kia. Họ trao nhau những vật kỉ niệm. Theo quan niệm của người Tày, đây được coi là cuộc gặp gỡ đầy may mắn.

Về đến nhà trai, theo giờ hẹn, nhà trai sẽ làm lễ đón dâu, với những nghi thức, thủ tục vừa có ý nghĩa tâm linh, vừa có ý nghĩa coi trọng, quý mến con dâu.

Lương Bèn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy