Lễ hội Thơ Nguyên tiêu – Thái Nguyên 2017: Thi ca hòa sắc núi rừng chiến khu
VNTN - Lễ hội Thơ Nguyên tiêu là một mỹ tục đẹp đầu xuân của đất và người Thái Nguyên nhiều năm qua. Năm 2017, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Chính phủ về An toàn khu (ATK) Thái Nguyên lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chương trình đã được tổ chức tại trung tâm ATK năm xưa như một lời tri ân sâu sắc dâng lên lãnh tụ kính yêu; cũng là dịp đem sản phẩm văn hóa tinh thần phục vụ nhân dân An toàn khu kháng chiến.
Khai mạc vào lúc 9 giờ sáng ngày 11/02 (tức ngày 15 tháng Giêng năm Đinh Dậu), Lễ hội Thơ Nguyên tiêu - Thái Nguyên 2017 với chủ đề “ATK nhớ mãi ơn Người”; diễn ra tại Nhà trưng bày Di tích lịch sử Đèo De (xã Phú Đình, huyện Định Hóa). Chương trình có sự tham gia phối hợp thực hiện của các đơn vị: UBND huyện Định Hóa; Hội VHNT huyện Định Hóa; Ban quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa Thái Nguyên; Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc; Các trường THPT trên địa bàn huyện; Các CLB Thơ trong tỉnh. Đông đảo người yêu thơ và đồng bào địa phương đã đến dự sự kiện này.
BTC tặng hoa cảm ơn các đơn vị tham gia
Một tiết mục văn nghệ của Hội VHNT huyện Định Hóa
Tiết mục múa (hoa sen Tháp Mười)
Màn hát múa khai hội ATK hát mãi tên Người do các nghệ sĩ, diễn viên của Trung tâm Văn hóa huyện Định Hóa trình diễn, mang lại sự gần gũi, nổi bật nét văn hóa đặc trưng vùng miền trong trang phục dân tộc, cây đàn tính. Bao mùa xuân đến rồi đi, người dân An toàn khu kháng chiến luôn dành sự biết ơn, kính trọng hết mực đối với vị “Cha già dân tộc” dành cả cuộc đời vì nước vì non.
Hồi trống khai mạc được ông Vũ Công Hội, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương dóng lên, thể hiện sự linh thiêng truyền thống ở các mùa lễ hội.
Năm nay bài thơ Nguyên tiêu của Hồ Chủ tịch đã được hai hội viên Hội Văn học nghệ thuật Định Hóa diễn ngâm. Không phải là sự nghiêm trang, vang động trong lời ngâm, tiếng nhạc, mà chỉ thể hiện bằng hình thức hát then, đàn tính. Đơn giản và có chút khác lạ, mộc mạc như chính con người nơi đây. Đan quện giữa thơ và nhạc, thi phẩm bất hủ Đất nước (Nguyễn Đình Thi) do nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Tuấn Dũng trình bày với giọng đọc trầm ấm, truyền cảm đã góp phần cho Lễ hội Thơ tháng Giêng thêm linh thiêng. Một đất nước Từ những năm đau thương chiến đấu/ Ðã ngời lên nét mặt quê hương/ Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu/ Ðã bật lên những tiếng căm hờn… Đó là những minh chứng hào hùng của lịch sử về thân phận dân tộc và con người, nỗi “yêu nước thương nòi” đã trở thành niềm tự hào của bao thế hệ.
Tập trung sáng rõ chủ đề, các thi phẩm Về chiến khu mù sương (Võ Sa Hà), Hoa râm bụt (Nguyễn Hữu Bài), Tiếng đàn tính ngân (Ma Trường Nguyên) cùng những tiết mục ca múa: Hoa sen Tháp Mười (Trương Quang Lục), hát then Đường về bản em, chầu văn Ơn Đảng, ơn Bác Hồ do các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, Trung tâm Văn hóa huyện Định Hóa, Hội VHNT huyện Đại Từ thể hiện, đã phác họa hình ảnh đất và người nơi chiến khu xưa và nay với những đặc sắc văn hóa; tình cảm gắn bó máu thịt của Bác Hồ với nhân dân, nhân dân với Bác Hồ. Phần diễn, ngâm từ chính tác giả bài thơ không cầu kỳ cách thức, tạo nên sự gần gũi, thân tình với công chúng.
Qua bao thăng trầm của lịch sử, dân tộc bừng lên sức sống từ trong mỗi tấc đất, từ chính những thân phận bé nhỏ. Đó là niềm tự hào, là tình yêu máu thịt với núi rừng và vùng biển, vùng trời Tổ quốc. Chùm thơ Thơ tình trên sóng (Lưu Thị Bạch Liễu); Con của rừng (Doãn Long) là những minh chứng cụ thể, chân thực.
Nhà thơ Võ Sa Hà, nhà thơ Ma Trường Nguyên đọc thơ tại không gian Lễ chính
Khép lại chương trình, màn hát múa Tôi yêu Việt Nam mang thông điệp về sự vui tươi, niềm tin và hi vọng đất nước đổi mới, nỗ lực vươn mình hòa chung nhịp sống thế giới. Thời khắc thăng thiên 10 câu thơ hay, đã như thả vào núi non những dư vị đẹp đẽ của mùa xuân.
Dậy sớm hơn mọi ngày, tập trung tại trường cùng các bạn theo xe bus đến tham gia Lễ hội Thơ, em Lương Thị Thu Hồng, học sinh lớp 11a4, trường THPT Định Hóa hào hứng: Đây là lần đầu tiên em xem một chương trình về thơ ấn tượng và giàu cảm xúc. Có nhiều tác phẩm trình bày tại đây đã được học qua sách giáo khoa, nhưng hôm nay em được hiểu biết thêm rất nhiều về các tác giả, tác phẩm ấy, đặc biệt là về lãnh tụ Hồ Chí Minh, An toàn khu kháng chiến… Một cơ hội để chúng em được tiếp cận và thích thú hơn với văn học.
Mang Lễ hội Thơ đi xa, gặp nhiều khó khăn về cả cơ sở vật chất và công tác tổ chức, song Ban Tổ chức vẫn cố gắng duy trì các hoạt động phụ trợ, bao gồm các vườn thơ: Vườn thơ Trẻ, Vườn thơ Muôn nhà; Trưng bày tranh/ ảnh nghệ thuật và thi đề thơ vào tranh, ảnh; trưng bày những câu thơ hay…
50 tác phẩm ảnh, gần 40 bức tranh đã được các nghệ sĩ thuộc Chi hội Nhiếp ảnh và Chi hội Mỹ thuật chọn lựa, đem đến trưng bày, tạo cho không gian Lễ hội Thơ thêm phần sang trọng, ấn tượng. Các tác phẩm khai thác vẻ đẹp thiên nhiên của Thái Nguyên nói chung, mảnh đất Định Hóa nói riêng; đời sống sinh hoạt, các nét văn hóa, phong tục đồng bào các dân tộc trong và ngoài tỉnh… Công chúng ATK đã có cơ hội được thưởng lãm những sản phẩm tinh thần đầy tâm huyết, say mê sáng tạo của các nghệ sĩ tỉnh nhà.
Vườn thơ Trẻ do trường THPT Bình Yên chủ trì về nội dung, trường THPT Định Hóa phối hợp thực hiện đã thu hút sự tham gia của đông đảo các em học sinh với tinh thần trẻ trung, náo nhiệt nhưng cũng không thiếu những khoảnh khắc ấm áp.
Vườn thơ Trẻ được các thầy cô giáo trường THPT Bình Yên tổ chức công phu và kỹ lưỡng
Để lại nhiều xúc cảm là phần trình diễn thơ của cô và trò, các vị khách mời. Bám sát chủ đề của Lễ hội Thơ, thể hiện tiếng nói tâm hồn, tình cảm của chính người Định Hóa với mảnh đất và con người ATK hào hùng. Giao lưu tại sân thơ, thầy giáo Đặng Quyết Tiến (trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên) thể hiện 2 bài thơ quen thuộc mà vẫn truyền dẫn được nhiều xúc cảm cho người nghe là “Tây Tiến” (Quang Dũng) và “Con cò” (Chế Lan Viên); được gặp gỡ và nghe thơ của nhà thơ Hiền Mặc Chất, tác giả viết lời cho ca khúc “Người đẹp Thái Nguyên”, khiến các em học sinh khá thích thú.
Sôi nổi và bổ ích là phần thi thơ - đố thơ dành cho khán giả và 3 đội chơi được lựa chọn ngẫu nhiên. Không chỉ là những hiểu biết về kiến thức văn học - thơ ca, mà còn tập trung phát huy tính tự chủ, sáng tạo qua các hình thức như thử tài nhớ thơ, đọc thơ, cảm thơ..., giúp các em thể hiện khả năng cảm thụ và tình yêu thơ ca của mình. Những tràng pháo tay, tiếng hò reo, cổ vũ, giọng cười giòn tan suốt cả chương trình của các em học sinh, cho thấy Vườn thơ Trẻ đã tạo được sân chơi thú vị, hấp dẫn.
Năm nay, Vườn thơ Muôn nhà do Hội VHNT huyện Định Hóa chủ trì. Ngoài các hội viên của Hội, còn có thành viên Câu lạc bộ thơ Tháng Năm, CLB thơ Mùa Thu. Người tham gia đều đã cao tuổi, nhiều người từ thành phố, có người xã ở cách xa nơi tổ chức Lễ hội 20km vẫn hào hứng tìm đến tham gia.
Không gian sân khấu ngợp trong màu xanh núi đồi. Không khí có phần lạnh hơn, mọi người đều phải trang bị đầy đủ áo ấm, khăn len. Ban đầu, vườn thơ khá vắng, nhưng sau khi bài hát mở màn “Mùa xuân đầu tiên” được các nghệ sỹ Hội VHNT Định Hóa thể hiện, đã thu hút được thêm khá đông khán giả. Các bài thơ có thể chưa hay, lời lẽ còn khá “thô”, không chỉn chu gieo vần, bật tứ… nhưng nội dung lại thấm đẫm tình cảm yêu thương chân thành dành cho đất nước, quê hương, cho Đảng, đất và người Định Hóa anh hùng, ca ngợi Bác Hồ vĩ đại, ghi nhớ những công lao to lớn của Người đối với dân tộc Việt Nam nói chung, Thái Nguyên nói riêng. Cũng tại đây, các tiết mục múa hát, thể hiện nhạc cụ dân gian, là sản phẩm “cây nhà lá vườn” do chính các nhà thơ đảm nhiệm cũng góp phần tạo không khí ấm cúng, vui tươi.
Cuối chương trình, các tác giả, người yêu thơ cùng nắm tay nhau lên sân khấu thể hiện điệu múa Xòe. Sau ngày hôm nay, họ lại trở về với cuộc sống đời thường bình dị, người vui vầy con cháu, người lại tiếp tục vất vả với ruộng đồng, nhưng tin rằng tình cảm mà họ dành cho nhau thì vẫn luôn đầm ấm. Những cái nắm tay thân mật để chia tay cũng như là lời hẹn nhất định họ sẽ gặp lại nhau vào ngày này năm sau.
Nhiều người dân địa phương hào hứng tới dự Lễ hội
Lễ hội Thơ Nguyên tiêu - Thái Nguyên 2017 dường như đã bước sang một lối rẽ mới, đến gần hơn với nhân dân, đưa nét văn hóa, mỹ tục đất nước hòa vào đời sống nhân dân ngày càng rộng mở.
Bài, ảnh: Nhóm P.V và CTV
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...