Lễ hội đền Đuổm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
VNTN - Ngày 25/01/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL về việc chứng nhận Lễ hội đền Đuổm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là một trong những lễ hội lớn của tỉnh, được tổ chức vào ngày mồng 6 tháng Giêng hằng năm.
Để đạt được điều này, trong những năm qua, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh đã chủ động phối hợp với UBND huyện Phú Lương đưa Lễ hội đền Đuổm vào Chương trình kế hoạch của ngành, là một trong những dự án phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị của Lễ hội đền Đuổm, tăng thêm giá trị của khu Di tích Lịch sử Văn hóa. Đồng thời, chọn lọc giá trị tinh hoa văn hóa, thuần phong mỹ tục, trong chiến lược xây dựng thành một trong những lễ hội tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên.
Nghi thức rước kiệu thần trong lễ hội đền Đuổm.
Góp phần vào sự thành công bảo tồn được hồn cốt của di sản Lễ hội đền Đuổm có nhiều giáo sư, tiến sỹ của Cục Di sản văn hóa, Hội Di sản văn hóa Việt Nam và các cơ quan chức năng từ huyện đến tỉnh. Bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội này, tức là phải đặc biệt chú ý quan tâm đến việc tôn tạo, xây dựng cơ sở vật chất, khai thác các mô hình dịch vụ cho nhân dân ở xung quanh đền Đuổm. Trong đó nhấn mạnh về việc làm thế nào để phục dựng lễ hội đền Đuổm thực sự là một lễ hội truyền thống mang bản sắc dân tộc trên cơ sở tôn trọng hiện trạng, gạn đục, khơi trong, chắt lọc những cái hay, cái đẹp để bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên.
Đền Đuổm là nơi thờ danh nhân lịch sử Dương Tự Minh. Thời nhà Lý (thế kỷ XII), ông đã có công thu phục, cai quản nhân dân cả một vùng rộng lớn tương đương với vùng đất thuộc 6 tỉnh Việt Bắc ngày nay. Ông được vua Lý gả công chúa là Diên Bình. Sau ông lại có công dẹp giặc Đàm Hữu Lượng hay quấy phá vùng biên cương phía bắc thuộc tỉnh Cao Bằng nước Đại Việt được vua Lý Anh Tông gả công chúa Thiều Dung. Sau vụ chống lại gian thần Đỗ Anh Vũ không thành, ông đã bị trả thù và lưu đày nơi xa. Cuối đời ông về sống dưới chân núi Đuổm và mất ở đây.
Theo một số tài liệu, Lễ hội Đuổm xưa chí ít đã được diễn ra trước năm 1945. Trong kháng chiến, hầu như Lễ hội bị gián đoạn không còn được tổ chức, ngôi đền là nơi mục tiêu đánh phá của kẻ thù. Đến năm 1993, đền Đuổm được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử và thắng cảnh Quốc gia, từ đó trở đi đền Đuổm và Lễ hội mới chính thức được dần dần phục hồi và duy trì cho tới ngày nay. Qua thời gian, Lễ hội đền Đuổm luôn luôn có sự tiếp thu những yếu tố mới, những phong tục, nghi thức cổ truyền được bổ sung cho phù hợp với thời đại.
Được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể là một vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm, phải bảo tồn gìn giữ và phát huy giá trị Lễ hội đền Đuổm trên cơ sở tôn trọng hiện trạng của Lễ hội, tôn trọng những yếu tố dân tộc mang bản sắc địa phương, chỉ ở địa phương làng Đuổm mới có, phát huy những yếu tố đã được Nhà nước định hướng về bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống. Đồng thời, lược bỏ những nghi thức rườm rà không cần thiết, để Lễ hội Đuổm thực sự là một trong những lễ hội tiêu biểu của tỉnh ta.
Nguyễn Đình Hưng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...