Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
09:33 (GMT +7)

Lễ đón tết của người Dao

VNTN - Mỗi dân tộc đều có phong tục tập quán mang đậm bản sắc riêng. Giống như một số dân tộc khác, người Dao có phong tục đưa tiễn năm cũ và chào đón năm mới rất độc đáo mang nhiều nét đặc trưng cho đời sống văn hoá tinh thần của dân tộc mình.

Cũng như các dân tộc khác, trước khi Tết đến gia đình người Dao thường chuẩn bị gà, gạo nếp và lá dong để gói bánh chưng và đặc biệt là thịt lợn Tết… Trước ngày 30 Tết nhà nào nuôi được lợn sẵn để chuẩn bị cho Tết thì phải đi mời các anh em họ hàng làng xóm thân thiết để giúp thịt lợn vào sáng 30, nhà nào không nuôi được lợn thì phải mua.

Sáng sớm ngày 30 Tết cả nhà dậy sớm, đun nước sôi để làm thịt lợn. Các đàn ông trong bản giúp nhau thịt lợn từ nhà này đến nhà khác, hết buổi sáng nếu chưa xong thì chiều lại tiếp tục. Mỗi con lợn được làm sạch sẽ xong đều phải bày trước bàn thờ để cúng tổ tiên gọi là (síp chà phin) hoặc (síang chà phin). Việc cúng tổ tiên nếu không có thầy cúng thì chỉ cần thắp hương lên thờ. Việc thờ cúng này có ý nghĩa là tổ tiên đã phù hộ cho con cháu làm ăn suốt năm qua nay con cháu đã nuôi được con lợn chuẩn bị ăn Tết xin trình báo cho tổ tiên và cầu mong tổ tiên phù hộ năm tới nuôi được nhiều lợn to béo hơn. Còn các chị em phụ nữ thì gói bánh chưng và làm bánh dày. Việc ninh bánh chưng thường được các chị em đánh dấu lần lượt 12 chiếc bánh đầu tiên khi thả vào nồi, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Người Dao quan niệm rằng làm như thế để quan sát chiếc bánh nào tương đương với tháng đó, tháng nào chìm trước thì coi như tháng đó có mưa nhiều trong năm tới…

Ảnh sưu tầm Internet

Buổi chiều sẽ bố trí một người dọn dẹp, quét nhà sạch sẽ. Việc này có nghĩa là quét tất cả những gì tạp uế không tốt của năm cũ cho ngôi nhà sạch sẽ để đón chào năm mới sẽ có nhiều may mắn và tốt đẹp hơn. Riêng phần quét dọn trên gác bếp tuyệt đối không được dùng chổi quét nhà hằng ngày mà phải dùng chổi tre hoặc chổi làm từ cành trúc. Người Dao quan niệm rằng: Ngày xưa ở gốc rễ ngô biến thành khoai sọ, giữa thân ngô có bắp ngô còn cờ ngô ở ngọn biến thành bông lúa. Đến mùa thu hoạch người chủ chỉ biết dùng chổi quét dọn trên gác sạch sẽ đợi ngô lúa tự kéo về đầy bồ, đầy gác. Vào một năm chủ nhà nọ quên việc quét dọn, đến vụ ngô, khoai và lúa chín kéo về nườm nượp chủ nhà mới sực nhớ đến và đi tiến hành vội vàng. Khi quét dọn bị ngô, lúa vướng chân đã bực tức dùng chổi đánh đập làm cho ngô lúa sợ không dám về nữa, từ đó khoai sọ và bông lúa cũng rời khỏi cây ngô, đến mùa chủ nhà phải tự ra nương ra đồng thu hoạch. Từ đó người Dao rất kị dùng chổi quét dọn trên gác, vì quan niệm rằng làm thế hồn của ngô lúa sẽ sợ hãi và bị lưu lạc năm tới sẽ mất mùa đói kém.

Quét dọn xong, chủ nhà dùng giấy đỏ cắt thành những nét hoa văn và có hình con chim đang bay lượn, hình con cá đang bơi... Cắt xong bóc tất cả giấy cũ trên bàn thờ và dùng giấy bản dán trước rồi dùng các tờ giấy đỏ vừa cắt dán qua bên ngoài. Hai bên bàn thờ thường dán hai câu đối bằng chữ Nôm Dao trên giấy đỏ. Công việc này thường là người chủ gia đình - ông nội hoặc bố làm. Những hình con chim, con cá bằng giấy được cắt và dán trên bàn thờ. Cá tượng trưng cho sức mạnh của biển, chim tượng trưng cho sức mạnh của rừng núi, các sức mạnh của thiên nhiên sẽ giúp đỡ tổ tiên phù hộ cho gia đình gặp nhiều may mắn trong năm tới. Hơn nữa, có chuyện kể rằng, xưa kia cá là họ hàng của nhà chim sống trên rừng núi, hồi đó bàn chân của con người quay ra phía sau nên khi vào rừng săn cá rất hiệu quả. Ngọc Hoàng thấy loài cá sắp bị tuyệt chủng đã can thiệp. Ngọc Hoàng bắt bàn chân của loài người quay ra phía trước. Từ đó, khi săn đuổi cá các ngón chân của người hay mắc vào dây leo và bị ngã, cá mới thoát được vài con nhưng cũng không đủ can đảm để tiếp tục sống trên rừng nên đã chia tay với chim rời rừng xuống sông, suối, biển để sinh sống. Do đó hình cá, chim trên bàn thờ cũng được quan niệm là cho hồn chúng gặp nhau trong dịp Tết, thể hiện tấm lòng của con người muốn tạ lỗi với chúng.

Dán xong bàn thờ, những công việc tiếp theo là vớt bánh chưng và giã bánh dày để bày lên bàn thờ, giắt hoa mận, hoa đào lên rồi thắp hương. Đầu tiên là thắp hương trên bàn thờ tổ tiên rồi chuồng trâu, bò chuồng lợn gà, đồng thời cũng dán các mẩu giấy đỏ trên cửa nhà, cửa chuồng trâu, chuồng lợn, cối đá… Việc thắp hương trên bàn thờ là thờ cúng tổ tiên, còn thắp trên chuồng gia súc gia cầm là có ý nghĩa cảm ơn các vị thần đã phù hộ gia đình trong năm cũ và tiếp tục phù hộ cho năm mới, dán giấy là làm cho mọi thứ sáng sủa, tươi mới hơn trong năm mới. Những đứa trẻ chăm chỉ đi thắp hương nhất, vì chúng nghe người lớn dặn dò là chịu khó đi thắp hương trước các bữa ăn trong những ngày Tết sẽ được các vị thần phù hộ cho gia đình an khang, giàu có, mua được nhiều quần áo mới, học giỏi…

Ngày xưa thì tối 30 Tết thắp hương và bày chén rót rượu rót nước xong sẽ lên bàn thờ đốt một tràng pháo để thực hiện lời mời các cụ bên Âm về ăn Tết cùng gia đình con cháu. Còn ngày nay thì gõ chiêng thay cho tiếng pháo ngày xưa để thực hiện lời mời.

Trong khi đợi hương tàn mọi người đun nước tắm rửa và chuẩn bị bữa cơm chào đón giao thừa. Việc này mang ý nghĩa gột rửa những thứ tạp uế, không may mắn của năm cũ đi để thân thể sạch sẽ chào một năm mới nhiều may mắn và khỏe mạnh hơn.

Bữa cơm trong đêm giao thừa được coi là ấm cúng nhất trong năm, có mặt đầy đủ của các thành viên trong gia đình và ăn uống vui vẻ, các cụ ông cụ bà truyền dạy cho con cháu những điều hay lẽ phải như phải hòa thuận anh em, kính trên nhường dưới…

Việc chuẩn bị cơm nước như thịt gà, chế biến các món ăn từ thịt lợn để dùng trong những ngày Tết cũng rất quan trọng… Thường thì lợn sau khi thịt, các phần xương và thịt được lọc ra riêng. Phần thịt thủ và chân giò được xát muối và dùng lạt xâu treo lên trên gác bếp và gọi là phần của ông bà ngoại nên phải để đến ngày 01/03 âm lịch mới được ăn. Muốn để được thịt lâu như vậy phải xát muối thật mặn và treo trên gác bếp, vì trên gác bếp có khói liên tục ruồi muỗi không dám tới gần, thịt sẽ dần khô và để được lâu. Thịt đó khi ăn phải dùng nước nóng ngâm cho bớt mặn.

Theo tục kiêng của người Dao thì đến ngày 01/03 âm lịch là ngày mưa gió giao hòa gọi là ngày kiêng sấm sét. Ngày này tuyệt đối không được ra nương rẫy làm, nếu không kiêng về sau sẽ sấm sét và mưa to gió lớn làm hư hại hoa màu. Ngày 01/03 âm lịch cũng nằm trong khoảng thời gian trồng xong vụ ngô xuân, mọi người có chút thời gian rảnh rỗi là dịp để anh em, bạn bè có cơ hội đến thăm nhau, ông bà ngoại đến thăm con cháu sau một mùa làm việc  vất vả… Khi đó chủ nhà sẽ kết thúc phần thịt của con lợn Tết với bữa chiêu đãi khách bằng thịt thủ và chân giò treo trên gác bếp nên những phần thịt đó thường gọi vui là phần của ông bà ngoại.

Những nghi lễ đón Tết này được coi là nét đẹp văn hoá độc đáo riêng trong đời sống của người Dao. Vì vậy cần được quan tâm, trân trọng, gìn giữ và phát huy.

Bàn Hữu Tài

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy