Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
12:50 (GMT +7)

Lễ đầy tháng của người Tày

VNTN - Nhiều dân tộc ở nước ta có tục làm “lễ đầy tháng” cho trẻ sơ sinh. Vậy “lễ đầy tháng” của dân tộc Tày có gì khác? VNTN kỳ này giới thiệu những nét độc đáo trong “lễ đầy tháng” của người Tày, mà ngày nay đã mai một ít nhiều. 


“Lễ đầy tháng” tiếng Tày gọi là “Khay bươn”, nghĩa là lễ mừng trẻ sơ sinh tròn một tháng tuổi. Chín tháng nằm trong bụng mẹ, đứa trẻ chưa được nhìn thấy ánh sáng. Từ khi sinh ra, tháng đầu tiên của cuộc đời, đứa trẻ chỉ ở trong buồng cùng với mẹ, không được ra ngoài nhà, không được tiếp xúc với ai. Ở miền núi, nhà có người ở cữ, người ta cắm trước cửa cành cây (thường dùng cành sa nhân). Đó là dấu hiệu báo cho khách xa đến không được vào nhà. Vì đứa trẻ mới sinh, chưa đầy tháng, tâm hồn non nớt. Khách vào nhà, có thể mang vía xấu đến làm ảnh hưởng sứa khỏe và cả tính cách của cháu sau này. Khách lạ đến nhà, nếu thấy có cành sa nhân ấy, cũng tự biết ý, không vào nhà nữa. Đủ một tháng tuổi, đứa trẻ bước đầu cứng cáp, ông bà, cha mẹ mới làm lễ đầy tháng cho trẻ. Trong ngày đầy tháng, chủ nhà mới gỡ bỏ cành sa nhân làm dấu “cấm người lạ” ấy đi… Lễ đầy tháng là lễ cho trẻ lần đầu tiên được nhìn thấy mặt trời, được tiếp xúc với mọi người, trở thành một thành viên trong cộng đồng. Có thể coi lễ đầy tháng như một dấu mốc trưởng thành đầu tiên của đứa trẻ.

Trẻ em dân tộc Tày    Ảnh: KT   Nguồn: VOV4

 Đúng vào ngày đầy tháng, đứa trẻ được bế ra khỏi buồng, được anh, chị... dùng cái địu vải hoa thổ cẩm mới, địu ra sân, ra đường chơi một lúc. Không biết đứa trẻ đã biết hay chưa, nhưng trong ý thức của người lớn, đây là lần đầu tiên đứa trẻ được nhìn thấy mặt trời, được hít thở không khí trong lành, được hòa mình với thiên nhiên, và được tiếp xúc với ông, bà, cô bác. Bé đã thực sự trở thành một thành viên trong họ tộc, làng bản. Lễ đầy tháng có thể coi như lễ công bố sự có mặt của một thành viên mới trong xã hội. Người ta bắt đầu gọi đứa trẻ là cháu, là con, là em, là anh…Con người - xã hội được thiết tập ở đứa trẻ.

Đứa bé sau khi được anh, chị địu đi chơi một lúc về, được đặt trong cái nôi hoặc cái võng và đắp một chăn hoa vải thổ cẩm. Các cô, bác, dì… bên nội, bên ngoại đến mừng cháu. Mọi người đến bên cháu, tặng cháu những đồng tiền, quần áo, chăn tã và nói với cháu những lời yêu thương. Có thể cháu chưa hiểu những lời ấy nhưng đó là niềm vui, nỗi mừng của cô bác, chú dì trước việc cháu có mặt ở trên đời và chính thức trở thành một thành viên trong tộc họ. Chú, dì, cô, bác… có thêm cháu, con anh, con chị con em có thêm anh, chị, thêm em. Quà của các bà, cô, bác, dì thường là bộ quần áo sơ sinh, chiếc vòng bạc, tấm chăn thổ cẩm và những đồng tiền. Ngoài ra khách đến dự lễ đầy thàng còn mang theo mấy ống gạo nếp hoặc gạo lúa mới, một con gà mái tơ để mẹ cháu ăn cho chóng khỏe. Một số người còn mang theo biếu hai mẹ con những lạng cao xương thú rừng để bà đẻ ăn cho lại sức và có nhiều sữa cho cháu. Những món quà giản dị, bình thường này đã trở thành tục lệ. Trong ngày cưới khi nhà trai đến nhà gái xin dâu, hoặc con dâu khi trình diện tổ tiên nhà chồng, phù dâu, phù rể sẽ hát, có những câu như:

Em tôi đã trình lạy tổ tiên

Nhà ta còn anh em cô bác

Thuở ấu thơ tặng địu, tã, chăn…

Em là con nhà mình 

Nhưng là cháu họ hàng nội, ngoại

Giờ để em bái tạ công ơn

Trong ngày làm lễ đầy tháng, bà ngoại đóng vai trò quan trọng. Bà ngoại đến sớm hơn mọi người. Bà mang theo những món quà để tặng cháu. Trong số những món quà, phải kể đến chiếc địu mặt hoa văn thổ cẩm. Ngày nay, chiếc địu này các bà ngoại có thể ra chợ mua. Nhưng ngày xưa chiếc địu này được làm từ vải thổ cẩm. Mặt địu thổ cẩm do chính tay bà ngoại trồng bông, kéo sợi, dệt vải. Thân địu và quai địu được làm từ tấm vải “can thấp” (phải “lằm khấư”) mà chàng rể (bố đứa trẻ sơ sinh bây giờ) hôm cưới đem tặng mẹ vợ. Vải “can thấp” là tấm vải dài 8 vuông vải (khổ 40 x 40), một nửa để trắng, một nửa nhuộm màu đỏ. Khi đón dâu, con rể tặng mẹ vợ tấm vải này ngụ ý rằng con biết ơn mẹ đã vất vả sinh dưỡng chúng con, nửa ướt mẹ nằm, nửa khô con ngủ. Bà ngoại dùng tấm vải này làm địu tặng cháu, có ngụ ý rằng: Cháu của bà sẽ tiếp tục được mọi người nâng niu chăm sóc. Bà ngoại còn sắm cho cháu chiếc mũ ghép nhiều màu, tượng trưng cháu là bông hoa. Tấm chăn nhỏ để cháu nằm, một chiếc vòng bạc đeo cổ tay, một chiếc vòng bạc đeo ở cổ cho cháu. Nếu đứa trẻ là cháu gái thì bà ngoại còn đeo vào cổ tay cho cháu một chiếc vòng làm bằng cành dâu, ngụ ý rằng vòng bạc đeo vào cổ, vào tay, làm bằng cây dâu là sức mạnh ngăn cản không ma quỷ, bệnh tật nào xâm nhập vào đứa trẻ được. Khi đứa trẻ lớn lên đến tuổi thiếu niên vẫn giơ những chiếc vòng bạc đó khoe với bạn bè “Ta có vòng bạc của bà ngoại che chở khỏi những điều rủi ro”.

Ngày đầy tháng, bố mẹ, ông bà của đứa trẻ tổ chức bữa liên hoan. Đồ ăn, thức uống gồm có xôi, thịt gà, thịt lợn và rượu. Khách đến dự đông như một đám cưới. Vì vậy lễ đầy tháng tiếng Tày gọi là “lẩu ma nhét” (Bữa liên hoan mừng trẻ sơ sinh). Họ đến dự “lẩu ma nhét”, thường không cần phải có lời mời, mà đến để mừng cho cháu, để chia vui vì sự có mặt của thành viên mới trong làng bản, trong tộc họ.

Lễ đầy tháng cũng là lễ ông bà, cha mẹ trình báo tổ tiên về sự sinh thành một con cháu, người sẽ nối nghiệp truyền thống gia tộc. Cho nên trong ngày làm lễ đầy tháng, trước khi mời khách dự bữa cơm, chủ nhà làm lễ khấn “đẳm” (gia tiên), khấn Mẹ Hoa, cầu mong gia tiên và Mẹ Hoa phù hộ cho cháu bé khôn lớn. Người Tày quan niệm trên thượng giới có một thần mẫu, chuyên chăm sóc chuyên sinh nở và nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Vị thần đó gọi là Mẻ Bjoóc (Mẹ Hoa). Nếu đứa trẻ nào vì lý do gì đó bị Mẹ Hoa phật ý thì đứa trẻ đó sẽ bị ốm đau, bệnh tật. Ngày đầy tháng, bố mẹ phải cúng Mẹ Hoa, mong Mẹ Hoa phù hộ cho đứa trẻ. Mâm lễ cúng Gia tiên và Mẹ Hoa đơn giản. Mâm cỗ mời khách có gì thì cúng tổ tiên và Mẹ Hoa những món đó.

Sau lễ thắp hương trình báo “đẳm” (tổ tiên) và Mẹ Hoa (thần mẫu), ông, bà chính thức công bố cho đông đảo khách đến dự về việc gia đình đã có cháu trai, gái. Đôi khi gia chủ xin ý kiến của khách về việc đặt tên cháu. Tục lệ của người Tày là đặt tên không được trùng với tên của những người thuộc những thế hệ trước trong dòng họ nhà mình, không được trùng với tên của những người trong làng bản. Trong ngày đầy tháng, tên của đứa trẻ được công bố, nếu có ai thắc mắc, không đồng ý thì ông, bà, cha mẹ phải đổi tên khác cho cháu.

Thông qua lễ đầy tháng, đứa trẻ người Tày, từ lúc sơ sinh đã được sống hòa đồng với mọi người, được cộng đồng tôn trọng. Khi đứa trẻ dần dần lớn lên, càng ngày càng có ý thức mình là một bộ phận của cộng đồng nên phải sống có trách nhiệm với cộng đồng.

Ngày nay, do sự phát triển của đời sống xã hôi, nhiều tập quán của người Tày đã thay đổi, nhưng lễ đầy tháng cho trẻ sơ sinh vẫn được duy trì. Tại các làng bản, mỗi khi có một gia đình làm lễ đầy tháng cho trẻ cả bản đều coi như một lễ hội của bản.

Lương Bèn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy