Chủ nhật, ngày 22 tháng 09 năm 2024
03:02 (GMT +7)

Lễ cúng Thần Lúa của người Dao đỏ

VNTN - Trong các dân tộc ở Việt Nam có lẽ người Dao là một dân tộc còn giữ được đầy đủ những phong tục tập quán. Một trong những Lễ cúng đơn giản và phổ biến nhất là Lễ cúng Thần Lúa hay còn gọi là Lễ cơm mới của tộc người Dao đỏ.

Người Dao đỏ quan niệm rằng: Bất kỳ mùa vụ mới nào cũng không được ăn trước Thần Lúa khi chưa làm lễ cúng này, kể cả nướng ngô hay dùng gạo nếp làm cốm, hễ ăn trước sẽ bị Thần Lúa nổi giận và không phù hộ cho mùa màng những năm sau. Vì thế, năm nào cũng phải cúng Thần Lúa trước khi ăn cơm của vụ mới. Lễ cúng này mang tính chất và ý nghĩa: thông báo và xin phép Thần Lúa trước khi ăn ngô gạo vụ mới. Đồng thời cũng là để cảm ơn Thần Lúa và cầu mong mưa thuận gió hòa cho mùa màng tươi tốt thu hoạch thuận lợi…

Thường vào khoảng chừng tháng ba đến tháng năm (âm lịch) chủ nhà sẽ chọn ngày lành tháng tốt để cúng. Lễ cúng này không cần mời thầy cúng để cúng như các Lễ khác mà chủ nhà tự túc chuẩn bị và bày mâm cúng.

Lễ vật đơn giản, gồm có một đĩa xôi củ mài, vài con cá, dù là loài cá nào, khô hay tươi, chỉ cần có là được; ngoài ra còn có mấy bắp ngô luộc, một chai rượu và năm hoặc bẩy cái chén đặt xếp thành hàng ngang để rót rượu, một tệp tiền giấy dành cho cõi âm tự chế từ giấy bản. Mâm cúng được bày trên chiếc bàn đặt theo chiều ngang  ngay trước bàn thờ giữa gian nhà. Khi chuẩn bị đầy đủ xong, chủ nhà thắp một nén hương cắm ở bên trong mép bàn cho que hương hướng về phía bàn thờ, thi thoảng lại rót rượu cho đến khi que hương tàn thì tách từng lớp tiền giấy bản bỏ xuống cạnh bàn rồi đốt. Khi tiền giấy bản cháy hết, coi như lễ cúng đã xong.

Chú ý là, ở đây lễ vật quan trọng nhất không thể thiếu được trong lễ cúng này đó là món xôi củ mài. Công đoạn chế biến món xôi này cũng không cầu kỳ và phức tạp lắm. Chỉ cần ngâm gạo nếp như đồ xôi bình thường, củ mài gọt và rửa sạch thái nhỏ trộn với gạo nếp, nếu không có gạo nếp thì dùng ngô nếp thay thế, khi trộn xong thì đổ vào chõ đồ chín. Món xôi này rất quan trọng và cần thiết trong lễ cúng là vì nó bắt nguồn từ một câu chuyện cổ của dân tộc Dao.

Người Dao là dân tộc còn giữ được rất nhiều phong tục độc đáo.    Ảnh: QK

Chuyện kể rằng: Xưa có hai vợ chồng trẻ ăn ở với nhau. Khi người vợ mang thai lần đầu chồng cứ tưởng bẩy tháng là đẻ nên thấy vợ có mang hết bẩy tháng mà vẫn chưa sinh liền vào rừng tìm kiếm nấm dương vật khỉ để làm thuốc cho vợ đẻ được.

Trước khi đi anh thề với vợ rằng, nếu không kiếm được thuốc sẽ không về nhà nữa. Anh đi vào rừng một ngày, hai ngày, rồi một tháng, hai tháng vẫn không kiếm được thuốc. Vì không muốn thất hứa với vợ nên anh không dám về nhà. Người vợ ở nhà đã đẻ con từ lâu.  Khi người con lớn biết đi chơi cùng bạn bè, thấy mọi người hay gọi mình là chàng mồ côi nên mới về hỏi mẹ:

- Mẹ ơi sao ai cũng có cha mà chỉ riêng mình con là không có, ai cũng gọi con là chàng mồ côi vậy?

Mẹ anh đã kể hết chuyện cho anh nghe. Biết anh muốn tìm cha, mẹ anh liền dặn:

- Con muốn tìm cha thì đẽo một chiếc ná, vót mười hai mũi tên và ngắm bắn thẳng lên trời, thấy tên rơi về hướng nào nhiều nhất thì con lên núi bên đó mà tìm.

Làm theo lời mẹ, chàng mồ côi khăn gói đi tìm cha, mang theo ít bánh dày ăn đường. Chàng đi lên núi thấy chỗ tro đầu tiên đã cũ kỹ và mọc cỏ, chàng đoán đó là nơi cha mình đã từng đốt củi. Chàng tiếp tục đi tìm thấy đống tro thứ hai vẫn còn hơi ấm. Đến tối chàng leo lên ngọn cây ngủ thì từ trên cành cây chàng nhìn thấy phía xa có ánh lửa. Chàng  đến gần xem thì đống tro thứ ba củi còn cháy, trong đống tro nóng có vùi hoa chuối rừng và một số loài quả rừng nữa. Vứt hết những thứ đó đi, chàng vùi thay vào đó vài cái bánh dày, rồi chàng trèo lên cây đợi.  Lát sau thấy một con quỷ có sừng đến lấy bánh ăn. Thì ra người cha ở rừng lâu ngày đã mọc sừng và biến thành quỷ. Người con đau lòng khóc, nước mắt của chàng từ trên cây rơi xuống, con quỷ (người cha) tưởng trời mưa nên ngẩng đầu lên nhìn. Khi nhìn thấy con, người cha giật mình định bỏ chạy nhưng người con đã giải thích hết mọi chuyện. Cha con nhận nhau mừng mừng tủi tủi dẫn nhau về nhà. Vì có sừng nên về đến nhà, người cha bị chó đuổi cắn.  Sợ chó quá người cha bỏ về rừng. Người con đi gọi cha về thì cha nói:

- Cha sợ chó lắm, nếu con muốn cha về thì con thịt hết chó rồi hãy đến gọi cha.

Chàng trai về làm thịt đàn chó ninh trong nồi rồi lại lên rừng đón cha. Về đến nhà người cha hỏi, thịt hết chó thật chưa. Người con trả lời:

- Nếu không tin cha đi mở vung nồi xem đi, con đang ninh thịt chúng trong đó.

Người cha lại gần nồi thịt chó mở vung xem thì giật mình và hoảng sợ vì nhìn thấy những hàm răng chó. Ông lập tức buông vung cắm đầu cắm cổ bỏ chạy. Đầu ông đâm vào cột nhà làm gẫy đi một sừng, ông tiếp tục bỏ về rừng, trước khi về ông nói:

Cha ở rừng quen rồi về nhà sống không hợp nên cha không về nữa. Nếu con muốn có lúa gạo, hoa màu đủ ăn thì buộc chiếc sừng của cha dắt đi dắt lại trên đường.  Nếu chiếc sừng mắc phải chỗ bằng thì con làm ruộng, nếu mắc phải chỗ dốc thì con làm nương nhé!

Chàng trai làm theo lời cha, chiếc sừng mắc vào chỗ bằng thì chàng làm ruộng. Đám ruộng lúa tốt bời bời, cứ hôm trước gặt xong hôm sau lúa lại đầy ruộng, chàng phải nhờ cả nàng tiên trên trời xuống gặt giúp vẫn không kịp. Thấy lạ, một buổi sáng chàng đi thật sớm để quan sát xem sao đám ruộng của mình lại  như vậy. Đến nơi, chàng nhìn thấy một ông già đang đứng trên bờ ruộng gieo hạt, lúc sau lúa lại đầy ruộng. Tức quá chàng đã la hét đuổi, ông già bỏ chạy lên rừng, chạy mệt quá nước mũi nước bọt ông già rớt xuống đất mọc thành cây củ mài. Ông nói:

- Con ơi sau này nếu làm không đủ ăn thì đào lấy cây củ mài mà ăn trừ bữa vậy.

Lúc đó người con mới biết ông già đó chính là cha mình. Từ đó khi thiếu ăn chàng lại lên rừng đào củ mài. Một lần đào củ hố sâu quá, khi cố với xuống bới đất không may chàng bị ngã cắm đầu xuống hố chết. Con chàng ở nhà đói bụng mà không thấy bố về cứ vừa khóc vừa gọi:

- Bố ơi! Bố ơi!...

Ngày nay cứ đến tháng ba tháng tư âm lịch thường có tiếng  chim gọi “Bố ơi! Bố ơi!” là mọi người lại biết đã đến mùa củ mài. Người Dao cũng cho rằng, người cha trong câu chuyện chính là Thần Lúa - người đã làm ra lúa gạo và cây củ mài. Khi thiếu ăn thì có cây củ mài cứu đói nên trong lễ cúng bắt buộc phải có món xôi củ mài dâng lên để cảm ơn Thần lúa và cầu mong được phù hộ … Vì vậy, Lễ cúng Thần lúa cũng là một Lễ cúng đơn giản không tốn kém, không mang tính chất mê tín dị đoan mà mang đậm ý nghĩa bản sắc của dân tộc và là nét đẹp văn hoá đặc sắc trong đời sống tâm linh của người Dao đỏ.

Bàn Hữu Tài (sưu tầm và biên soạn)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy