Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
18:20 (GMT +7)

Lễ cúng sức khỏe xua đuổi Briêng của người Ê Đê

Người Ê Đê sinh sống lâu đời ở Tây Nguyên, mang bản sắc văn hóa đặc trưng  riêng. Đặc biệt những nghi lễ vòng đời là hệ thống nghi lễ chính, là thành tố quan trọng cấu thành lên bản sắc văn hóa của người Ê Đê. Nó phản ánh khá rõ nét bản sắc tộc người, có vai trò quan trọng trong đời sống mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Từ khi sinh ra đến khi từ giã cõi đời, mỗi một con người đều trải qua rất nhiều những nghi lễ điển hình.

Lễ cúng sức khỏe xua đuổi Briêng của người Ê Đê
Lễ cúng thần của người Ê đê

Hiểu một cách đơn giản các nghi lễ là thể hiện cách ứng xử của cộng đồng người đối với cá nhân, xã hội và thế giới tự nhiên bao quanh con người, lý giải cho vai trò và sự chi phối của các nghi lễ vòng đời đến cuộc sống của mỗi thành viên trong cộng đồng. Biểu hiện sự chi phối đó thông qua các: lễ cúng khi có thai, lễ thổi tai, lễ cưới, lễ mừng sức khỏe, lễ tang ma… nhằm cầu mong may mắn, bình yên, mạnh khỏe.

Người Ê Đê thích đông con nhiều cháu, nên khi biết mình có thai người phụ nữ coi đó là điều vui mừng và báo cho chồng, gia đình biết để lo liệu. Khi đó các nghi lễ vòng đời người của người Ê Đê sẽ bắt đầu. Không giống các dân tộc khác rằng nghi lễ vòng đời được tổ chức khi một con người được sinh ra, mà với đồng bào dân tộc Ê Đê nghi lễ diễn ra không chỉ từ lúc thành viên gia đình chào đời mà sẽ diễn ra từ lúc thai nhi được hình thành. Theo quan niệm của người Ê Đê, thời gian mang thai rất quan trọng, chứa đựng cả niềm vui và cả những lo âu về sự trọn vẹn của quá trình sinh nở.

Là tộc người có chế độ mẫu hệ thể hiện rõ nét, in đậm trong văn hóa truyền thống, vì vậy người phụ nữ Ê Đê rất được coi trọng và có những quyền đặc hữu trong đời sống, đặc biệt là lúc mang thai.

Ngay khi người phụ nữ mang thai sẽ nhận được sự chăm sóc, thăm hỏi của mọi người, nhất là chồng và mẹ đẻ. Người mẹ luôn chỉ bảo cô con gái của mình cách bảo vệ thai nhi, lo chuẩn bị các loại thuốc lá, rễ cây, hướng dẫn người mẹ trẻ tương lai nghi lễ liên quan đến sinh đẻ. Người chồng tìm mọi cách để hỗ trợ trong công việc, cũng như sinh hoạt gia đình để người vợ có nhiều thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc cho em bé trong bụng. Khoảng thời gian này, mọi hành động của người chồng đều thể hiện tình yêu với người vợ và con của mình rõ nét nhất.

Trong thời kỳ mang thai, nếu người phụ nữ khỏe mạnh bình thường thì có thể không phải tiến hành nghi lễ nào. Tuy vậy do phong tục tập quán và điều kiện chăm sóc sức khỏe còn hạn chế, nên không hiếm các trường hợp sinh 10 lần chỉ sống 5-6 lần, thậm chí 2-3 lần.

Đồng bào Ê Đê tin vào những yếu tố thần linh, tâm linh đa thần, quan niệm thế giới có hai tầng: Trời và Đất. Trong khoảng không gian ấy, có rất nhiều thần thiện và thần ác. Các vị thần về thời tiết ở tầng trời, hầu hết là ác thần. Thần Gió Yang Briêng cũng là một trong những vị thần ác đó, chuyên gây tai vạ, thường mang lại những điều không tốt, quái gở cho trẻ sơ sinh, theo quan niệm của đồng bào thì không có cách nào thay đổi được.

Lễ cúng sức khỏe xua đuổi Briêng của người Ê Đê
Phụ nữ dân tộc Ê Đê, xã Krông Ting Jing, huyện M'Đ Rắc, tỉnh Đắc Lắc

Theo tín ngưỡng Ê Đê, các bậc tổ tiên còn sáng tạo ra linh hồn của đứa trẻ trong đó có linh hồn “Mngăt”. “Mngăt” nhập vào con người khi mới thụ thai và ở lại đó suốt thời kỳ trong dạ mẹ, “Mngăt” thường đến trong giấc chiêm bao, tượng trưng cho người sống cũng như khi đã chết. Do vậy, nếu mang thai được ba tháng trở lên, người phụ nữ thấy mệt mỏi hoặc bị ốm đau kéo dài thì người Ê Đê cho rằng thần ác Briêng đậu vào người phụ nữ để bắt hài nhi. Nên họ sẽ tổ chức những nghi lễ gắn với việc cúng thần và lễ vật hiến thần, để xoa dịu tâm khí, tiễn bước hay xua đuổi thần Gió Briêng. Mong muốn người phụ nữ sẽ có một thai kỳ an toàn, trước khi sinh mọi thứ đều thuận lợi.

Lễ cúng Briêng còn được gọi là Lễ cúng sức khỏe cho người mẹ mang thai. Lễ vật dâng lên thần linh gồm: một ché rượu, một con gà nướng hoặc một con chó hay dê, một ít bông gòn, lá cây xoan, một chiếc vòng đeo tay, bát đồng và một cái rìu. Ché rượu cột ở phía trong bếp lửa của gian khách “gah”.

Thầy cúng “Pô riu yang” trong trang phục áo dài hoa màu đỏ, quấn khố màu đen và chít khăn màu đỏ, là người đảm nhận phần tâm linh, sắp xếp lễ vật hiến thần, thay mặt cho chủ nhà nói chuyện với thần linh, nói lên tâm tư nguyện vọng cũng như hướng dẫn mọi người trong gia đình mẫu hệ làm đúng các nghi thức khi tổ chức lễ cúng. Đây cũng là người quan trọng nhất, nghi lễ lớn hay nhỏ, đơn giản hay phức tạp sẽ không hoàn thành được nếu không có thầy cúng.

Khi công việc chuẩn bị đã xong, thầy cúng ngồi đối diện ché rượu, mặt hướng về phía đông. Trước mặt thầy cúng là người phụ nữ mang thai ngồi đặt chân lên lưỡi rìu sắt, tay cầm chiếc vòng đồng được buộc vào ché rượu. Thầy cúng tay cầm bát đồng đựng huyết con vật hiến sinh hòa với rượu, miệng khấn cầu mong cho mẹ tròn, con vuông. Đại ý lời khấn như sau:

“Ơ Yang, đây một ché rượu, một con gà. Cầu cho ami Ê (thai phụ) sức khỏe dồi dào... cho nó đẻ được con trai, con gái, cho nó được con cháu đầy đàn yên vui, cho nó mềm như cây môn, cứng như củ sả. Cứng từ mẹ đến con. Ban cho nó được nhiều điều tốt lành... ngày mai, ngày một nó sẽ nằm lửa. Nó sẽ gần bếp. Đẻ được con gái cho nó chóng lớn. Sinh được con trai cho nó nhanh khôn ngoan” - trích “Nghi lễ lễ hội Ê Đê”.

Lễ cúng sức khỏe xua đuổi Briêng của người Ê Đê
Lễ vật dâng cúng

Kết thúc phần cúng, thầy cúng sử dụng bông gòn thấm huyết con vật hiến sinh hòa với rượu bôi vào chân người phụ nữ mang thai để cầu xin thần linh phù hộ cho người mẹ được khỏe mạnh, thai nhi được bình an. Thầy cúng lại sử dụng huyết đó thoa lên trán và bụng người phụ nữ để xua đuổi các thần ác.

Khi thầy làm lễ xong, người phụ nữ cầm cần uống rượu và trao cần lại cho chồng. Lần lượt bà, mẹ, dì, chị, ông, bố, thầy cúng và cuối cùng là họ hàng hai bên nội, ngoại. Họ ngồi ăn uống cho tới khi nào rượu nhạt.

Sau lễ này, người phụ nữ phải ra suối tắm rửa, tẩy uế sạch sẽ, sau đó phải ở trong nhà ba ngày. Những đồ dùng trong ngày lễ (chăn chiếu, váy áo) của người phụ nữ mang thai bị coi là có ma xấu nên phải đem đi đốt hoặc vứt ở ngoài ranh giới buôn làng. Người Ê Đê tin rằng, khi đã làm tốt các nghi lễ và các kiêng cữ trên thì người phụ nữ lúc sinh đẻ sẽ được thuận lợi và đứa con sẽ được mạnh khỏe. Mọi thủ tục diễn ra trong nghi lễ đều nhằm đem lại những điều tốt đẹp nhất cho người phụ nữ mang thai cũng như hài nhi trong bụng người mẹ.

Cũng như nhiều đồng bào dân tộc khác, người Ê Đê có nhiều điều kiêng cữ để tránh xui rủi cho thai phụ và thai nhi: Vợ chồng người mang thai không ăn những loại hoa quả có chất dính như mít, chuối, nhất là hoa chuối và quả chuối dính đôi, không làm những việc mà cái nọ chéo cái kia như buộc dây, đan lát, thêu dệt. Người ta kiêng như vậy là muốn tránh cho người phụ nữ khi sinh không bị sát thai.

Người phụ nữ mang thai còn kiêng ăn thịt khỉ, vượn vì sợ con mình cũng nghịch ngợm, phá phách như khỉ; không ăn thịt rùa vì sợ sinh con chậm chạp như rùa, không ăn thịt beo, thịt hổ vì sợ con hung hăng, khó dạy, không ăn thịt cóc sợ con sinh ra da sần sùi như da con cóc, hay kiêng ăn các loại dây leo là sợ đẻ khó.

Ngoài ra, người phụ nữ mang thai không chui qua sào, dây phơi quần áo, không được đến thăm người bị đau ốm ở nhà khác hoặc nhà nào đó có tang ma. Khi trong nhà có người mang thai, gia đình sẽ không tiến hành các việc sửa hay làm nhà vì việc lo toan công việc, lo lắng thu vén sẽ gây khó khăn cho sản phụ lúc sinh.

Lễ cúng sức khỏe xua đuổi Briêng của người Ê Đê
Một ngôi làng, nơi cư trú của đồng bào dân tộc Ê Đê xã Krông Ting Jing, huyện M'Đ Rắc, tỉnh Đắc Lắc

Hiện nay, với sự phát triển của xã hội, đã có sự chung sống đan xen giữa người Kinh, các đồng bào dân tộc khác với người Ê Đê. Những nếp sống hiện đại, giao lưu với văn hóa quốc tế đã xuất hiện nhiều nên những hủ tục của đồng bào nơi đây đã được lượt bớt. Người phụ nữ khi mang thai đã được chăm sóc theo những kiến thức khoa học, họ đã tìm đến những cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám trước lúc sinh đẻ.

Tuy nhiên, để bảo tồn những giá trị văn hóa và tín ngưỡng đang dần bị mai một ảnh hưởng, đồng bào Ê Đê vẫn duy trì những nghi lễ quan trọng và mang đậm sắc thái văn hóa của tộc mình. Nghi lễ được tổ chức đơn giản nhưng trang trọng trong phạm vị gia đình, dòng tộc. Cùng với lễ đặt tên - lễ thổi tai, thì lễ cúng sức khỏe đặc biệt là lễ xua đuổi Briêng dành cho phụ nữ mang thai là những lễ thức cổ truyền không bao giờ mai một.

Lưu Ly - Vương Thoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy