Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
01:52 (GMT +7)

Lạt mềm buộc chặt

Tản văn của Dương Thắng

Ngọn gió mùa đông vẫn mải miết, run rẩy trên vai áo thời gian. Gió thổi khe khẽ nhưng dễ làm buốt má, gợi lên nỗi nhớ ngọn lửa hồng bên bếp củi ấm áp ngày nào. Lá khô xào xạc lề đường, nằm ìm lìm, cắc cớ trên từng nóc phố. Đôi tay người đã xoa vào nhau bao lần ngày tháng sạn chai. Bây giờ, những vết chai đã mờ là lúc những ngày tháng với cố hương thưa dần, thưa dần. Nếu không có sắc màu trầm mặc, không có buốt nhói gợi nhắc của ngọn gió đông ai còn nhớ bóng dáng quê nhà, nhớ mái rơm mái rạ "lạt mềm buộc chặt". "Ngó lên nuộc lạt mái nhà/ Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu". Tôi mãi nhớ câu ca dao cũ gợi suy tư, gợi liên tưởng như thế. Đâu còn mái tranh xưa để đếm được có biết bao nỗi nhớ, niềm thương, mồ hôi, công sức đã gắn vào "cái kèo, cái cột thành tên/hạt gạo phải một nắng, hai sương xay, giã, giần, sàng". Để rồi, khi mỗi chiều cuối năm nghe đâu đó hoa đào ấm niềm bung nở, lặng ngắm từng gấp gáp đang dần chậm trôi, dừng lại. Hay đơn thuần chỉ nhìn vào tiết trời man mác, giao hòa gió bấc, mầm xuân, những bật nhú tinh khôi dịu dàng, mơn man từng khoảnh khắc là lắng sâu cảm giác nhớ nhà, nhớ quê khó tả.

Ai đó nếu ngồi lại mà suy tư hẳn sẽ đếm đong được những ngày tháng về thăm lại mẹ cha, thăm lại họ hàng, quê quán. Một năm, chắc có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay những ngày ngắn ngủi hội ngộ, đoàn viên rồi lại từ đó cách xa. Xa tất thảy những gần gũi, chân tình. Xóa dần mọi dấu xưa, vết cũ trên ngọn cỏ rìa làng, dưới lấm lem ruộng cạn. Khi mà quê hương cứ thay da đổi thịt từng ngày, có bao bản ngã cũng đổi thay thì mỗi năm tết đến xuân về liệu rằng có thể nhìn thấy hết những sự manh nha khác biệt đó. Tôi nhớ những chiều tảo mộ cuối năm. Người ta ở khắp nơi tìm về thắp nén tâm hương. Những ngôi mộ bề thế che khuất cả tầm nhìn. Cứ mỗi năm lại thấy chỗ này, chỗ kia tu sửa. Thật cứ nghĩ, nếu mình ở một nơi xa xôi, chỉ mấy năm không về thôi hẳn chẳng thể tìm được nơi mà vòng vòng bước, đôi tay khẩn cầu, mắt nhòa đi vì hương khói. Tôi buộc chặt lòng thành với quê từ đó. Sẽ nhắc mình dù bận rộn mưu sinh, hãy trở về khi có thể. Dẫn bọn trẻ đi cùng, chỉ cho chúng thấy đâu là bản quán, gốc gác, đâu là máu thịt đời thường. Thắp lên nào những đốm lửa đỏ trầm hương.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Lạt mềm vẫn gợi nhắc mái rơm, mái rạ ngày ấy. Trên nền xác xơ gió đã mài mòn đừng đụn rơm vụn vỡ. Rồi hôm nào mưa to gió lớn, theo làn nước đổ lộp bộp giọt gianh. Nếu không có lạt mềm buộc chặt, những bó rơm rạ gối đầu lên nhau hẳn đã tách rời. Và vì đã bạc phếch theo nắng gió mà rệu rã, mà trốc mảng xô lệch. Đôi khi, tôi nhớ cả những âm thanh tiếng bấc, tiếng chì của những người sống quanh tôi. Cách nhau cái giậu rào thưa, chỉ cần nhà nào bát đũa xô lệch, to tiếng cãi vã là người làng kéo đến can ngăn. Bùng nổ đấy, dữ dội đấy mà mai ra đồng là ngả nón chào nhau, cười cười nói nói, gọi nhau í ới, mời nhau ngọt mềm bát nước vối tươi. Thế rồi những ngày cuối năm, chung nhau con lợn đánh đụng, biếu nhau quả bưởi vàng thơm, cân chè, hộp thuốc. Chẳng phải lạt mềm đã buộc chặt một mái nhà, nhiều mái nhà che nắng, che mưa. Buộc chặt nồng ấm, buộc chặt nghĩa tình thôn xóm hay sao.

Lạt mềm năm ấy còn bồi hồi gợi nhớ nồi bánh chưng xanh. Ngày đó hai cha con tôi thường cùng nhau gói bánh chưng mỗi dịp tết đến xuân về. Thơm thảo vị quê hương, quyện đều vị nhớ. Đôi tay bé nhỏ của tôi cố vuốt từng mép lá, vun đều gạo, đỗ bốn góc vuông vắn. Cha chỉ cho cách xoắn (buộc) lạt sao cho vừa đủ, không chặt quá mà cũng không lỏng quá để khi chiếc bánh chín không bị sợi lạt cứa. Ồ thì ra không thể là một sợi dây nào khác có thể thay thế để gói bánh. Chỉ có sợi lạt được chẻ khéo léo từ những thanh tre bánh tẻ. Cái sự mềm dẻo phải bao bọc ôm ấp lấy nhuyễn vị nồng cay. Khi nồi bánh chưng sôi, có hình bóng lặng lẽ bên ngọn lửa hồng, thức trông những điều thầm thì đêm tối. Tôi thích cảm giác ngồi ngắm lửa reo, hít hà hương vị của trời đất bên gian bếp ấm tình. Ngồi lẩm bẩm, thầm thì, tay đưa que cời khẽ hơ hơ lửa. Có đôi khi que cời cháy thành than lại ngồi hí hoáy viết điều gì đó, hình thù gì đó trên nền đất rồi xóa đi di lại. Dường như que cời còn bén lửa hơn củi, hay vì củi đã quá đượm mà chỉ cần chạm nhẹ que cời đã lóe lên ngọn lửa nhỏ như chính tôi tự vẽ những nghĩ suy bên hừng hực mà đỏ đầy, tươi sáng tuổi thơ. Cái thời khắc yên lặng ấy chỉ để chờ đợi ngày mai khi thức dậy, ngồi ngắm nhìn cha đặt trang trọng từng chiếc bánh chưng lên bàn thờ gia tiên. Cha cẩn trọng, nâng niu nhấc từng chiếc bánh còn ấm mềm đặt chồng lên nhau, làn khói dịu nhẹ, thơm nồng thoang thoảng. Lạt mềm ơi, dõi theo những vuông tròn, từ đó buộc chặt cả những khoảnh khắc giao thừa. Tôi trân trọng từng khoảnh khắc ấy, ngay khi ấy và đến mãi bây giờ.

Nếp nhà không ở đâu xa. Có lẽ từ những suy nghĩ giản đơn gắn mình vào từng nút thắt, từng ràng buộc. Dẫu có lúc nới lỏng, dẫu có khi muốn bung. Nhưng chẳng thể đâu, lạt mềm buộc chặt rồi bản ngã với quê hương, bản quán, bản ngã thuộc về nơi chôn rau cắt rốn, sinh thành. Nhớ thương, chính vì nếp nhà luôn tiềm ẩn, hiện hữu trong suy nghĩ. Hoài niệm, bởi lòng biết ơn còn in dấu mênh mang mỗi chặng đường đời.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 5 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 5 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 6 ngày trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 1 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước