Lang Tình
VNTN - Bệnh của anh là suy nhược thần kinh. Bác sỹ kết luận. Kết quả chẩn đoán về bệnh của lão vẫn chỉ có thế, phim ảnh chiếu chụp não, đốt sống cổ, phổi rồi siêu âm tim, gan mật đã thành một tệp. Sổ khám bệnh đã thay năm bảy quyển. Lần này bác sỹ lại hỏi:
- Lần điều trị trước đã lâu chưa? Có thấy đỡ nhiều không?
- Thưa bác sỹ, có đỡ nhưng rồi đâu lại vào đấy!
- Mãn tính! Bác sỹ buông một câu rồi lại hý húi kê thuốc với nét chữ loằng ngoằng như lò xo. Lão hỏi lại:
- Thế có loại thuốc nào đặc trị không bác sỹ?
- Cái chính là anh phải giải quyết cái đầu của anh đi đã, thuốc chỉ hỗ trợ thôi! Bác sỹ nói và giơ một ngón tay chỉ vào đầu mình, sau đó lẳng lặng đưa sổ khám bệnh cho lão:
- Anh có thể về và dùng thuốc theo đơn này. Nhớ! Giải quyết cái đầu mới là chính.
Lão ra khỏi phòng khám với nỗi bực mình. Làm đếch gì phải giải thích, ai chả biết là từ cái đầu, nếu tự giải quyết được đã chẳng phải mò đến ông. Lão nhét những giấy tờ đi khám vào cốp xe, chẳng ngó ngàng gì mấy dòng kê đơn của bác sỹ. Mãn tính! Chả nhẽ tây y, nam y đều bó tay, mà tự giải quyết cái đầu mình cũng không được. Làm sao cả một núi công việc lại bảo phải giữ cho tinh thần thoải mái. Ở cái thời xô bồ chen nhau từng cái ghế mà bảo một giám đốc phải làm việc đúng để tâm hồn thanh thản có mà thánh. Nhiều lúc đau đầu mất ngủ lão cũng chán tất mọi thứ trên đời nhưng lại càng nghĩ quẩn hơn. Gặp ông bạn chỗ gửi xe an ủi lão: Bệnh thời đại ấy mà, phải tập sống chung với lũ thôi! Hay là thử tìm đến các lang y xem.
*
Lang Tình không có thông tin trên mạng mà là tin truyền tai nhau. Lão nghe đã ớn nhưng có bệnh thì phải vái tứ phương thôi. Thông tin thế này: Lang Tình có bài thuốc bí truyền, điều đặc biệt là ông không giấu bí mật cách chữa của mình. Nhưng phải ở lại nơi ấy mất mấy ngày, phải qua mấy chặng lại toàn đi bộ thôi. Nghe cứ như đi lấy kinh của thầy trò Đường Tăng nhưng hiệu quả khỏi một trăm phần trăm với bệnh suy nhược thần kinh. Nhiều bệnh khác cũng có tỷ lệ khỏi rất cao. Lão nghi ngờ cái tỷ lệ một trăm phần trăm nhưng cũng quyết sắp xếp công việc để đi bởi cái ước mong khỏi bệnh và vì sự nghiệp còn đầy tương lai mở ra trước mắt lão.
Cái trạm tiếp đón đầu tiên là một ngôi nhà nhỏ ở bìa rừng. Lão và cậu trợ lý đi cùng bước vào và nhận ra một sự sạch sẽ, ngăn nắp ở chốn này. Một thanh niên ngoài hai mươi đeo đôi kính cận nở nụ cười thân thiện và lời mời nhỏ nhẹ: Cháu chào hai chú, mời hai chú ngồi ạ! Sau khi được uống bát nước thảo dược ngọt và thơm kỳ lạ, lão vẫn hơi ngỡ ngàng về dáng vẻ thư sinh của cậu thanh niên này. Như hiểu ý, cậu thanh niên vui vẻ giới thiệu: Cháu là sinh viên năm thứ tư Đại học Y khoa. Cháu bị rối loạn thần kinh nặng vào đây chữa khỏi, giờ tự nguyện ở lại đây giúp mọi người. Lão hỏi: Lương cháu bao nhiêu? Cậu thanh niên cười: Tất cả những người ở lại đây đều là người bệnh được chữa khỏi, giờ đem cái ơn ra trả cho đời thôi chú ạ! Lương cũng đủ sống thôi. Sau đó cậu thanh niên hỏi yêu cầu của lão, đo huyết áp cho lão và mời người trợ lý quay trở về chỉ để mình lão tiếp tục cuộc hành trình. Lão băn khoăn muốn để cậu trợ lý đi cùng. Cậu thanh niên nhẹ nhàng giải thích: Chú yên tâm. Nhà thuốc sẽ có trách nhiệm với chú từ bây giờ, chú không phải lo lắng gì cả, trên đường đã có chỉ dẫn.
Thôi! Đã vào đến đây thì phải giao thân này cho Chúa, lão đành khoác túi một mình lóc cóc trên con đường rừng. Gọi là rừng nhưng ở đây toàn cây lúp xúp, những gốc cây to bị đốn còn nham nhở vết rìu. Dấu vết của một sự tàn phá. Chỉ những cây cột thép với những đường dây cáp chạy chếch trên đầu lão là thể hiện của thế giới văn minh. Lão đi trong nắng thấy bức bối khó chịu, hơi thở cũng nặng nhọc đứt quãng. Ba tiếng đồng hồ lúc lên dốc, lúc qua khe, cứ theo mũi tên chỉ đường mà đi lão đã thấy mệt nhoài. Lão nghĩ khéo mình bị mắc lừa, chữa bệnh kiểu quái gì mà để một mình bệnh nhân đi trong rừng thế này. Lão bỗng thấy cô đơn và hoang mang vì sợ. Nếu có làm sao ở nơi cô quạnh này thì ai cứu. Lão vội vã quay đầu trở ra. Bỗng có tiếng loa vọng từ trên núi: Bệnh nhân Nguyễn Hữu Tiền hãy bình tâm, ông đã sắp vượt qua lộ trình đầu, vì sức khỏe của ông, mong ông hợp tác. Lão đứng khựng lại. Ô hay nhỉ! Chẳng lẽ có người đâu đây. Lão quan sát và nhận ra chiếc ca mê ra gắn trên cột cáp. Điều ấy đã làm lão yên tâm quay lại lầm lũi bước tiếp. Nửa tiếng sau thì lão gặp con sông chảy qua lũng núi. Ở đấy có một bến đò. Lại một thanh niên đeo kính nữa niềm nở mời lão ngồi nghỉ ở ngôi nhà đầu bến. Theo chỉ dẫn của cậu thanh niên ở đây có phục vụ cơm trưa với những món ăn dân dã núi rừng, ai ăn món gì tự chọn và tự giác trả tiền vào hòm theo đơn giá. Lão đã thấy hàng chục người đến trước lão đang ngồi ăn. Lão vừa ngồi ngắm cảnh một lát đã thấy một người cũng một mình đi bộ vào sau. Một điều khác lạ là bên kia sông quang cảnh rừng núi khác hẳn bên này. Cây cối tầng lớp dày đặc và sum suê những dáng cổ thụ. Dáng hình ngọn núi, dáng hình các loài cây, màu lá, màu hoa rừng xen nhau như bức tranh tuyệt đẹp in bóng xuống dòng sông, một cái đẹp kỳ bí mà thoạt nhìn ngắm lão đã thấy có sức hút lạ lùng. Tất cả cái cảm giác bị cô độc, phải gắng sức vượt qua một chặng đường thử thách, giờ lại như đảo ngược. Một sự yên bình như có niềm hy vọng đang đợi chờ phía trước. Lão thấy lòng nhẹ nhõm, đứng lên lướt qua bảng giá rồi tự mình cầm đĩa đi chọn các món ăn. Toàn những món nhà quê, rau muống luộc, cà muối, nước tương, đậu rim cà chua, gà rang gừng, măng rừng, trám om thịt, canh cua mồng tơi. Lão lấy đại mỗi món một ít ăn thử. Hàng chục năm nay một bước lên xe, tiệc tùng tối ngày, toàn những món tây tàu cầu kỳ béo ngậy, có kẻ bưng người rót mà chả mấy bữa thấy ngon. Giờ, vừa phải cuốc bộ mấy tiếng đồng hồ lão cảm thấy món nào cũng vừa miệng. Cái ngon của vị giác cùng cái ngon của cảm giác về những ký ức thoảng về. Mọi người cũng đã ăn xong đều đang ngồi uống nước nghỉ ngơi và bắt đầu trò chuyện làm quen. Bàn lão ngồi có thêm hai người. Một ông đã ngoài sáu mươi, dáng vẻ của một người từng trải nhưng đôi mắt thì hiện rõ sự mệt mỏi. Một cậu thanh niên vẻ thư sinh lại như thu mình, luôn có cái nhìn xuống mấy ngón chân cậu ta cứ di di xuống đất.
-Anh cũng bị suy nhược thần kinh? Ông ta hỏi lão.
-Vâng! Bác chắc cũng thế!
Ông ta gật đầu và nở nụ cười như biết có thêm bạn cùng cảnh ngộ.
-Còn cậu? Lão quay sang phía người thanh niên.
-Cháu cũng bệnh ấy thôi!
-Trẻ vậy mà đã bệnh này, nan giải đấy! Thôi ta cứ vào đây thử xem. May ra.
Lúc này vang lên thông báo mọi người chuẩn bị xuống bến. Người thanh niên mắt đeo kính cận yêu cầu mọi người mặc áo phao và lần lượt xuống đò. Con đò sắt sơn xanh vẫn dùng mái chèo tay, lại chỉ hàn có bốn chiếc ghế có mái che ở giữa. Lúc đầu mọi người ào lên, ai cũng muốn có ghế ngồi chứ không ai muốn ngồi ra hai mạn không có mái che. Nhưng khi nhìn thấy dòng chữ in trên mái “Kính trên nhường dưới” thì đều lặng lẽ giãn ra. Lão thấy khó chịu vì cái kiểu thiết kế oái oăm của con đò, từ lâu chỉ biết nhún nhường mỗi cấp trên, còn dưới quyền lão thì nhiều tuổi hơn vẫn phải xun xoe nhường nhịn lão. Vậy mà ở đây không có thứ bậc, quyền uy, chỉ có kính trên nhường dưới. Lão nhìn lướt khắp lượt và biết mình chưa có cái ưu tiên kia nên tìm chỗ ngồi ra mạn thuyền. Bây giờ thì đôi mắt lão lại chăm chú nhìn xuống dòng nước rồi nhìn dọc đôi bờ. Chếch trên đầu lão vẫn có mấy đường cáp vắt qua sông. Với con mắt của một giám đốc ngành công nghiệp, lão biết đó là một tuyến cáp treo nhưng không biết nó được dùng vào việc gì. Con đò đã rời bến, tiếng sóng nước vỗ ong óc dưới mạn đò, tiếng mái chèo kẽo kẹt và con đò hơi dập dềnh theo nhịp chèo của người lái. Lão thò tay khỏa vào dòng nước. Sự xanh trong, mát lành truyền lên người lão một cảm giác dễ chịu. Lão vục nước xoa lên mặt, sự thơm tho tinh khiết của dòng nước làm lão nghĩ đến dòng sông quê nhà. Mọi người cũng thi nhau khỏa tay, vục nước lên mặt vẻ thích thú. Rồi máy ảnh, điện thoại loạch xoạch hoạt động. Lúc này vẳng ở bờ bên vọng sang câu hát “Quá nửa đời phiêu dạt. Con lại về úp mặt vào sông quê. Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ. Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn”. Không riêng gì lão, bao khuôn mặt trên con đò đều lắng lại những cảm xúc mà có lẽ đã lâu bị lãng quên.
Chiều. Vẫn nắng nhưng con đường đi trong rừng lại mát rượi bóng cây. Khác với khi sáng ai cũng phải đi dưới nắng và trong đầu chỉ có một ước ao có một bóng cây để tạm nghỉ đôi phút giữa đường. Giờ thì tán cây che kín trên đầu, người thì thấy dáng cây này rất lạ, người thấy những bông hoa rừng như hút hồn mình, người lại thấy những con chim lạ nhảy nhót trên cành mà đứng chôn chân không muốn rời đi. Người dẫn đường thông báo chiều nay lịch trình đi tản bộ trong rừng thư giãn, mọi người muốn nhìn ngắm cây cối cỏ hoa tùy thích, tối nay sẽ ngủ rừng. Nhiều người đã reo lên. Lão lại hơi thắc mắc: Đây toàn người đi chữa bệnh chứ có đi du lịch đâu. Thích đi du lịch núi thì Bà Nà Đà Nẵng, Sa Pa Lào Cai, Tam Đảo Vĩnh Phúc, cao nguyên đá Hà Giang… có cáp treo, xe đến tận nơi làm sao phải lóc cóc đi bộ chốn này cho mệt. Tuy nghĩ vậy nhưng lão vẫn tin và mong sớm gặp được ông lang Tình nên vẫn nén lòng chờ đợi.
Mọi người vẫn thích thú leo trèo, nhìn ngắm muôn điều mới lạ của núi rừng. Riêng lão nằm đu đưa trên võng vải lim dim mắt lắng nghe những âm thanh của núi. Tiếng gió lào xào trên tán lá, tiếng người cười nói vọng lan khó định rõ ở hướng nào. Tiếng róc rách của nước chảy dưới khe. Một cảm giác vừa rộn rạo vừa êm dịu khó tả trong lòng lão. Riêng cái không khí mát lành ở rừng như thấm vào từng tế bào làm giãn nở da thịt. Sự mát lành khác hẳn với cái khí mát lạnh nhưng ngột ngạt của điều hòa. Một giấc ngủ ngon lành chưa bao giờ có đối với lão trong mấy tháng vừa qua. Lão tỉnh dậy khi tiếng người ồn ào xung quanh. Đã cuối chiều, mọi người được thông báo nhận thực phẩm và cây que làm lều trại và tự nấu bữa cơm chiều. Già trẻ đàn ông xúm vào giúp nhau dựng trại, phụ nữ bắt tay vào chế biến món ăn. Một không khí tương trợ, giúp nhau, dựa vào nhau vừa vui, vừa đầm ấm. Đêm đến, cứ ba người một trại, trong ánh lửa bập bùng họ trò chuyện tâm sự với nhau. Lão lại cùng trại với ông bạn tuổi ngoài sáu mươi và cậu thanh niên ngồi cùng bàn ăn ở bến sông.
-Ông bị mất ngủ lâu chưa? Lão hỏi ông bạn cao niên.
-Vài năm nay thôi!
-Vậy là về hưu mới bị, sao lại thế được nhỉ? Về hưu đầu óc phải thoáng hơn mới phải chứ!
-Đáng ra là như thế nhưng cái xưởng chế biến thực phẩm mới xây dựng trước cửa nhà tôi ồn quá. Mùi ô nhiễm lại nồng nặc suốt ngày đêm. Ngủ cũng chẳng được yên thì thoáng cái gì!.
Thấy ông bạn già trả lời đi kèm với cái ngáp lão đành im lặng không bắt chuyện nữa. Lão bắt đầu miên man tự lý giải về giấc ngủ ngon lành của lão buỏi chiều. Lão lắng tai nghe cái tĩnh lặng của rừng về đêm. Không! Trong cái tĩnh lặng ấy lão nghe rất rõ những nhịp thở rì rào của cây lá. Hình như những nhịp thở ấy đang truyền năng lượng cho những con người, đang có một lời ru âm thầm lan tỏa một cách diệu kỳ. Lão đã nghe ai đó nói về các loài cây như cũng có tâm hồn, nó luôn có một mối quan hệ lặng thầm mà phải là người yêu cây lá lắm mới nhận ra điều này. Lúc này, tiếng thở của hai người một trẻ, một già đã đều đều bên cạnh. Rồi lão cũng thiếp đi lúc nào.
Khi nghe muôn tiếng chim rộn vang bên tai lão đã tưởng mình đang mơ. Đã lâu lắm chỉ quen với ánh đèn ngủ xanh mờ và tiếng gió rất nhẹ của chiếc điều hòa trong một căn phòng cách âm với bên ngoài, sáng nay tâm trạng lão hoàn toàn khác. Tuy có đôi chút mệt mỏi do phải đi bộ cả ngày nhưng đầu óc như thoáng đãng và xen những thích thú trước bao điều lạ lẫm. Những tiếng chim hót như một bản nhạc không lời, nó gợi lại những niềm vui, những mơ ước trong trẻo của những ngày thơ bé. Đến tiếng róc rách của dòng suối lão ra rửa mặt cũng gợi nhớ một điều gì gần gũi mà xa xăm trong lòng. Lão phả nước lên mặt, một cảm giác tê tê man mát khắp làn da thật dễ chịu. Xung quanh lão những tiếng xuýt xoa thích thú cũng râm ran. Có lẽ con người đều chung nhau cảm nhận trước những điều thiên nhiên ban tặng. Dù ít, dù nhiều, dù già, dù trẻ, dù cho tâm hồn nhạy cảm hay đã chai lỳ với những biến cố trong cuộc sống thì nó đều gợi mở cho người ta một cảm giác êm dịu, nó đánh thức bao điều con người đã vô tâm. Lão cảm nhận được điều đó khi quan sát sắc thái của mọi người đi cùng. Chưa biết vị thuốc của thày lang đắng ngọt thế nào, mới có một ngày một đêm nhưng lão đã thấy cái đầu của mình nhẹ nhõm hơn, giấc ngủ đã đến một cách tự nhiên hơn. Lão tặc lưỡi: Biết đâu gặp thày gặp thuốc một nắm lá cỏ cũng đánh lùi một căn bệnh nan y. Lão thấy yên tâm dần.
Ngày thứ hai, sau hai tiếng đi bộ nữa trên con đường rừng thì cả đoàn được thông báo đã đến nơi điều trị. Lão và mọi người ngạc nhiên đến kinh ngạc về nơi ăn ở này. Một ngôi làng trong một thung lũng nhỏ bằng phẳng xanh tươi với muôn loài cây trái quen thuộc giữa bốn bề rừng núi. Những ngôi nhà mang dáng vẻ của kiến trúc hiện đại nhưng đều có khu vườn nhỏ, ngoài làng cũng bao bọc một hàng tre xanh, một cái ao rộng ở cổng làng lác đác nổi lên những bông hoa súng và hoa sen tím. Những con đường bê tông rộng và sạch sẽ nối liền các ngôi nhà với nhau. Hai bên đường những khóm hoa nở đủ các màu trông thật đẹp mắt. Lại một thanh niên đeo kính đọc danh sách năm người ở một nhà. Cậu ta nói với mọi người: “Tất cả mọi sinh hoạt cần thiết đã có trong ngôi nhà, mọi người hãy coi như đang sống trong ngôi nhà của mình. Hãy vì cuộc sống tốt đẹp của chúng ta. Hãy tích cực tìm tòi, sáng tạo và bảo vệ cho cuộc sống tốt đẹp của chúng ta”. Lão và bốn người nữa xách tư trang về ngôi nhà của mình. Lão để ý hóa ra người ta đã cố ý xắp xếp mỗi nhà có già có trẻ, có trí thức, có nông thôn, thành thị. Tóm lại với nhiều hoàn cảnh, nhiều điều kiện trong một ngôi nhà. Lão đã hơi khó chịu vì từ lâu luôn ở cái vị trí đứng trên muôn người khác, và nghĩ vậy là không khoa học, không phù hợp tâm lý cuộc sống, nhưng rồi lão phải tự nhủ: Ồ đây là nơi chữa bệnh chứ có phải đi du lịch đâu, mục đích là khỏi bệnh chứ không phải nơi thể hiện bạc tiền thứ bậc. Bước vào ngôi nhà, lão lại một lần nữa kinh ngạc trước những tiện nghi ở một thung lũng rừng núi này. Vẫn có đủ ti vi, tủ lạnh, điều hòa, nóng lạnh, bếp từ và khu vệ sinh hiện đại. Các loại bàn ghế giường tủ đều như làm cùng loại gỗ nổi lên những vân thớ giống nhau. Lão đi một vòng quanh ngôi làng nhỏ và nhận ra rằng điện dùng ở đây toàn dùng năng lượng mặt trời. Con sông cạnh làng được tận dụng độ dốc ngăn lại chạy tuốc bin phát điện. Lão cũng nhận ra hệ thống cáp treo trên đầu núi nhưng chưa hiểu được dùng vào việc gì. Là một người am hiểu kỹ thuật và cũng đã từng giao du nước ngoài nhiều, lão cứ thắc mắc tại sao lang Tình lại có một cơ ngơi tầm cỡ về mọi mặt ở một nơi sâu thẳm này. Người thanh niên đeo kính cận trẻ chỉ nở một nụ cười thân thiện bảo lão hãy bình tâm để lắng nghe những mách bảo của tâm hồn mình mới nghiệm với phương thuốc của thày lang. Rồi có một ngày sẽ gặp được lang Tình.
Chiều ấy lão lang thang đi trong khu vườn và đắm mình với bao cảm xúc cùng những thắc mắc nối chồng thắc mắc mà lão không tài nào tự mình lý giải nổi. Đến bên hàng cau, lão thấy một mùi hương ngan ngát dịu dàng. Đến bên cây bưởi lại ngạt ngào một mùi hương bưởi. Rồi ổi, hồng, chanh, rồi cả cây xoan, một thế giới của hương hoa hiện tại nhưng lại như từ sâu thẳm lòng lão tỏa ra. Đến ngay lũy tre dù không có gió thì vẫn có tiếng xào xạc của lá. Trên đường làng, trong khu vườn, ao làng, không một mẩu giấy, không một cọng rác hay đầu mẩu thuốc lá. Lão hít thở và cảm thấy như ở đây không khí trong veo và mát lành. Dòng nước suối ở đây cũng trong trẻo khác thường. Lão đã hỏi, người thanh niên đeo kính cận lại cười: Ở đây đã có một hệ thống xử lý rác và nước thải triệt để. Ngay bàn ghế trong nhà cũng từ phế liệu ép nên. Mỗi loài cây trong vườn có người đến gần đều tỏa mùi hương cũng do thiết bị công nghệ được gắn trên cây ấy. Những công trình làm đẹp cuộc sống ở đây đều từ những sáng kiến đóng góp của các bệnh nhân đã điều trị ở đây và nhiều nhà khoa học bên ngoài. Chú hay bất kỳ ai cũng có thể tìm tòi đóng góp những ý tưởng tích cực của mình. Vì cuộc sống tốt đẹp của con người mà.
Lão lại thắc mắc: Bệnh của chúng tôi là phải thư giãn giải phóng cái đầu. Bảo chúng tôi tích cực tìm tòi sáng tạo hóa ra lại là giải pháp ngược à!
Người thanh niên lại cười: Một phương pháp tự chữa tích cực đấy chú ạ! Làm được một điều gì tốt đã là một phương thuốc rồi!
Lão im lặng suy nghĩ và thấy yên tâm vì cảm thấy bất kỳ một sự sắp xếp nào ở đây đều có sự có lý. Ngay năm con người ở mọi hoàn cảnh khác nhau giờ hòa đồng trong một ngôi nhà, ngày ngày uống một loại nước nấu từ thảo dược. Không khí ấm cúng như một gia đình. Mấy chục năm tay lão không phải sờ đến cái chổi, ngọn rau giờ cũng hồ hởi tham gia quét sân, quét cổng, tưới những khóm hoa và yêu quí từng cái cây trong vườn. Đêm đến những câu chuyện kể về hoàn cảnh của mọi người làm lão cũng rung động về nhiều éo le trong cuộc sống. Lão cũng như mọi người đều thấy ăn ngon hơn, giấc ngủ đến nhẹ nhàng và sâu hơn. Chỉ còn một điều, ai cũng muốn được gặp lang Tình để bày tỏ tấm lòng. Riêng lão còn để giải tỏa bao thắc mắc.
Rồi ngày ấy cũng đến.
Ngày thứ năm, người thanh niên đeo kính cận thông báo mời mọi người tập trung tại hội trường để gặp lang Tình. Mọi người ngồi yên lặng chờ đợi. Lão lại càng mong đợi nhiều hơn bởi lão đang là một giám đốc của một nhà máy công nghiệp, lão đang ngạc nhiên về kiến trúc tổng thể cũng như những ý tưởng vượt trước hiện tại mà lang Tình tạo nên ở một nơi rừng núi này. Ông lang này phải có điều gì đặc biệt lắm mới hy sinh công sức để vì bao con người đến thế.
Người thanh niên đeo kính cận đứng lên trịnh trọng:
-Xin giới thiệu với các bác, các cô chú, anh chị, thày lang Tình là một nhà tâm lý học, ông hiện đang là Tổng giám đốc của tập đoàn cải tạo môi trường Trường Thiên. Sau đây ông sẽ có đôi lời với chúng ta.
Khi lang Tình tươi cười bước lên, mọi người lao xao vì những bất ngờ. Ông nói ông chỉ là đại diện cho ý tưởng và công sức của nhiều nhà hảo tâm, nhiều nhà khoa học, nhiều người bình thường nhưng có tâm với chính môi trường sống của mình. Lão lại giật mình tưởng mình nhìn nhầm và bỗng cúi xuống không dám nhìn lên. Bao thắc mắc định khi gặp sẽ hỏi lang Tình nhưng giờ thì lão ngồi im vì bây giờ ít nhiều lão cũng đã hiểu ra nguyên do của nó.
*
Ngày trở về lão và mọi người ai cũng xách theo một túi thảo dược của núi rừng. Tiền trả những ngày điều trị cũng tự giác trả vào hòm theo giá niêm yết. Ai có những sáng kiến, phát minh gì có ích muốn cống hiến cho cuộc sống thì tự nguyện đóng góp. Mọi người đã không phải đi bộ như hôm vào nữa. Họ đã được ngồi trên cáp treo để ngắm lại màu xanh của cây lá, cỏ hoa, của sông suối đang trải ra trước tầm mắt mình. Mọi người cảm thấy rất thích thú và rôm rả bàn tán. Trong đầu lão lại có bao câu hỏi: Tại sao hôm vào lang Tình lại bắt mọi người đi bộ một quãng đường dài mà không cho vào bằng cáp treo. Tại sao…Tại sao…Rồi trong đầu lão bỗng nhớ lại hình ảnh trong một cuộc họp một Tổng giám đốc đang lên án kịch liệt việc nhà máy của lão xả chất thải độc hại ra dòng sông. Ngày ấy, lão đã chỉ tay vào mặt ông ta và nói: Tôi đang lo cuộc sống cho hàng nghìn con người và đang tạo ra sự tăng trưởng của xã hội, ông đừng ngáng đường gây khó cho tôi…
Cứ suy nghĩ mung lung, lão lại đâm lo lắng: Không biết khi trở về làm việc, bệnh của lão có tái phát lại không? Và cái hình ảnh của ông bác sĩ đang lấy ngón tay chỉ vào đầu mình cứ hiện ra mồn một.
Truyện ngắn. Phạm Quý
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...