Lãng phí – một thói quen đáng báo động của người Việt
VNTN - Không biết từ khi nào mà việc phô trương hình thức ở Việt Nam lại ngày càng phát triển ở nhiều cấp độ và ở hầu khắp các ngành, các cấp, các phương diện… không còn là “con gà tức nhau tiếng gáy” mà đi xa hơn, phô trương là sự lãng phí như một thói quen, một “nét văn hóa” đáng báo động của người việt.
Người viết vừa có một chuyến đi sang Thái Lan tham dự lễ trao “Giải thưởng Văn học sông Mekong 2017”- MERLA 2017 của các nhà văn 6 quốc gia có dòng Mekong chảy qua: Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Có sang nước bạn nhìn họ làm rồi ngẫm lại nước mình mới cảm thấy ngậm ngùi. Nước bạn giàu có nhưng không phô trương, mọi thứ đều trang trọng, đầy đủ mà không lãng phí…, trong khi ở nước mình nghèo mà hình thức xa hoa, rườm rà bày vẽ mà lộn xộn…
Người giàu keo kiệt hay tiết kiệm?
Nhắc lại chuyện dự trao giải ở Thái Lan, có thể do đang để tang vị Vua kính yêu vừa mất nên việc trang trí sân khấu, hội trường toàn hoa màu trắng và cũng chỉ có trên bục phát biểu, bàn chủ tọa danh dự và không dùng hoa giả để tỏ ý trân trọng. Nhưng ở các bữa tiệc chiêu đãi với danh nghĩa của các nhà tài trợ lớn (tầm kim cương, vàng, bạc) cũng không có bày ê hề cao lương mỹ vị, mỗi bữa tiệc tổng cộng chỉ khoảng 20 món đặc trưng văn hóa ẩm thực Thái Lan, không lặp lại món trong tất cả các bữa ăn, không thiếu không thừa, cứ như “đo ni bụng” từng đại biểu và khách mời, ai cũng ăn rất thoải mái, đặc biệt không hề có rượu bia hay nước ngọt có ga, chỉ toàn nước trái cây hay trà, café. Điều lưu ý là trước mỗi tiệc, đều có người trong Ban tổ chức xác nhận số khách sẽ dự tiệc, thậm chí còn hỏi khách có ăn kiêng, ăn chay, hay không ăn được thực phẩm gì…
Lại nhớ trong các bữa tiệc chiêu đãi của các lãnh sự nước ngoài nhân các dịp Quốc khánh hay sự kiện ngoại giao văn hóa, tiệc trang trọng theo phong cách châu Âu, trước ngày diễn ra đều có sự xác nhận của khách mời chắc chắn tham dự, và không có chuyện thức ăn ê hề thừa thãi, nửa ăn nửa bỏ mứa. Ngay cả tiệc chiêu đãi có tính gia đình của các đại sứ nước ngoài ở Việt Nam tại nhà riêng cũng không có cảnh thức ăn ngập tràn, mà ngược lại, đều ở mức vừa đủ, nhưng toàn những món ăn thuộc hàng mỹ vị trong nhân gian, để khách vừa ăn vừa thưởng thức chứ không phải “thực bất tri kỳ vị”.
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Trong nhà hàng 5 sao của nước ngoài, nhà hàng luôn chuẩn bị những hộp đựng thức ăn rất lịch sự, để nếu khách có ăn không hết, có thể bỏ hộp mang về. Nhưng với nhà hàng Việt Nam và với người Việt, việc đi ăn tiệc, rồi mang thức ăn dư về là chuyện hơi kỳ cục, rất hiếm và rất ngại. Và ít có nhà hàng Việt nào có sẵn các hộp đựng thức ăn cho khách mang về, dù thức ăn còn dư trên tô - đĩa vẫn còn nhiều (và chắc sẽ đổ đi).
Phải chăng người giàu thì keo kiệt? Chắc chắn không phải thế. Vì nhìn vào cách họ thực hiện bày biện tiệc rõ ràng có tâm, có ý và chiều chuộng khách rất trọng thị. Ngoài sự khéo léo giới thiệu văn hóa ẩm thực đặc trưng của đất nước mình, họ còn chứng tỏ sự văn minh trong cách ứng xử với thực phẩm, không hoang phí. Và đó cũng là một cách họ gửi thông điệp rất nhân văn, luôn nghĩ tới những nơi trên trái đất mà người dân đang bị thiếu ăn…
Người Việt nghèo mà xài sang
Tôi đã từng nghe một vị đại sứ khi ông dự tiệc sự kiện ngoại giao của Việt Nam hỏi: “Làm sao có thể ăn hết những món ăn này?”. Vâng! Làm sao một người có thể ăn hết vài chục món ăn trên bàn tiệc, thịt cá rau quả ê hề tràn đầy các đĩa - tô? Riêng tiệc buffet Việt thì như một cuộc “diễu binh” hùng hậu, tổng hợp cả trăm món ăn thức uống bánh trái, toàn của ngon vật lạ… Chưa kể rượu, bia, nước ngọt thả giàn, cứ ly vơi lại rót. Chẳng thế mà có lần trong một tiệc tối ở Văn Miếu mừng Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội, chỉ mới vào tiệc chừng 15 phút, một đại biểu điện ảnh Việt Nam đã say mèm và sau đó thì không làm chủ ý thức đã lớn tiếng với một đồng nghiệp rồi đánh nhau.
Chuyện ăn uống “mâm cao cỗ đầy” của người Việt hình như trở thành một thói quen, không kể tiệc lớn tiệc nhỏ từ nhà đến đình, từ đám giỗ đám cưới trong họ tộc đến hội hè mang tính quốc gia, mà ngay cả những sự kiện có tính văn hóa nghệ thuật thanh nhã thì cũng phải có chuyện “cụng ly” cho vui. Như một cuộc khai mạc triển lãm nho nhỏ cũng phải có rượu vang, bánh ngọt, hoa quả…, không thì khách đến sẽ cảm thấy “nhạt miệng”? Ừ thì có chút “leng keng” nhẹ nhàng cũng vui như một cách chúc mừng nếu như chỉ vừa đủ, thì người Việt mình lại cảm thấy như thế là chưa trọn vẹn, sợ mang tiếng keo kiệt, bủn xỉn, sợ khoản đãi khách không được bằng anh bằng em… Vậy nên đã là tiệc là cứ phải cái gì cũng thừa mứa chứa chan, cho dù mang nợ cũng phải cố nhìn sao cho đầy, kẻo “hàng xóm” nó cười, chúng bạn nó chê…, rồi nó khinh.
Đấy chỉ mới là ăn uống tiệc tùng, còn nói rộng ra thì sự lãng phí của người Việt gần như không giới hạn. Từ việc gọi nhỏ như trong các hội nghị, lễ lạc, kỷ niệm ngày thành lập…, riêng khoản hoa chúc mừng đã là một sự lãng phí vô cùng, khi hàng chục có khi lên đến hàng trăm giỏ - lẵng hoa đắt tiền bày dày đặc, để ngay sau buổi lễ đó hoa sẽ trở thành rác… Còn những việc lãng phí to hơn với số tiền hàng chục - trăm - ngàn - chục ngàn tỉ đồng thì đụng đâu cũng thấy có khắp cả nước. Từ việc xây hội trường, nhà hát, sân thể thao đến tượng đài, bảo tàng… rồi bỏ không hoang vắng cho trâu bò gặm cỏ, hoặc biến thành nhà hàng tiệc cưới, café giải khát, quán bia hơi... Hay những công trình dự án nhà máy này nọ tiêu tốn hàng ngàn đến hàng chục ngàn tỉ rồi trở thành phế phẩm, “bỏ thì thương vương thì tội” với những cục nợ chưa biết khi nào thanh toán xong.
Thay đổi một thói quen có khó không?
Tiết kiệm! Một trong những đức tính đẹp, truyền thống của người Việt từ khi lập quốc. Chính nhờ biết tiết kiệm mà quốc gia nhỏ bé đã kiên cường vượt qua bao nhiêu khó khăn gian khổ để xây dựng, bảo vệ và giữ vững nền độc lập, tự do, chủ quyền trước nhiều thế lực xâm lược hùng mạnh. Sinh thời Hồ Chủ tịch luôn đề cao “phẩm chất” tiết kiệm, như là một trong những đức tính đánh giá một công chức tốt, người dân tốt. Nhưng có lẽ “phẩm chất” này ngày càng xa rời và có nguy cơ biến mất khi điều kiện kinh tế quốc gia nói chung ngày càng nâng cao, điều kiện sống, chất lượng sống được nâng cấp dần theo tiêu chuẩn quốc tế.
Phô trương cũng là một trong những tính xấu truyền thống của người Việt, dù là không phải phổ biến, nhưng từ xa xưa đã có biết bao bài học cay đắng của cha ông khi “phạm” vào tính xấu này. Từ phô trương cho đến hành vi “con gà tức nhau tiếng gáy” đã tạo nên một thói xấu khác là khoe khoang và lãng phí. Và khi người ta “có của ăn của để”, có “ăn ngon mặc đẹp” thì sự lãng phí cũng theo đà dần trỗi dậy, từ việc nhỏ như miếng ăn miếng uống hàng ngày phung phí đến những việc to tầm quốc gia như một công trình, một dự án mà tiền bạc của nhân dân thất thoát. Lãng phí cứ như một thứ virus lan truyền không chừa một nơi nào, một giới nào, và dần trở thành một chuyện bình thường, nếu không lãng phí mới là kỳ lạ. Cứ nhìn vào các con số thống kê về sự lãng phí đang diễn ra ở khắp các tỉnh thành Việt Nam, có thể thấy sự lãng phí của người Việt đã tới hồi báo động “đỏ”, không thể xem là bình thường được. Nói nặng hơn, sự lãng phí là một tội ác nguy hiểm.
Nếu như mọi người trước khi vung tay lãng phí, nhìn ngược lại chút ít những cảnh trẻ em miền núi nheo nhóc thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chữ, thiếu điều kiện chăm sóc sức khỏe… Nếu như trước khi vung tiền vào những sự kiện mang tính hình thức phô tương hoành tráng thì hãy nhìn vào ngôi nhà của người dân vùng sâu vùng xa, nhìn vào nồi cơm của họ, nhìn vào gia cảnh của họ… Nếu như trước khi tiêu tốn hàng núi tiền vào những dự án mơ hồ về lợi ích mang lại cho dân cho quốc gia, hãy nhìn thẳng vào thực trạng những cây cầu “dây” vượt lũ, những ngôi trường bốn bề lộng gió quanh năm…
Thiết nghĩ, thay đổi thói quen lãng phí, mà thực chất là mới phát sinh khi cuộc sống “giàu” lên chút ít, không khó. Chỉ khó khi con người sống ích kỷ và vô trách nhiệm với cộng đồng, với quốc gia.
Minh Châu
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...