Làng ôm tôi vào lòng
Sau khi rời đi, tôi đã biết mình rồi sẽ rất khó quên cái khoảnh khắc ấy, khi những tia nắng đầu đông ấm áp vàng óng và lấp lánh như mạch nha chiếu xiên qua những tàu lá chuối, qua lan can, đậu trên mặt sàn gỗ cũ kĩ. Căn bếp không có lửa. Trên kiềng là chiếc ấm đun nước đen nhánh. Chỉ nhìn thôi, tôi biết là ở đầu gộc củi vùi trong tro kia, than vẫn đang ngun ngún. Chỉ cần gạt tro ra, thổi khẽ là ngọn lửa nhỏ sẽ bùng lên. Người Tày ở đây vẫn giữ thói quen ấy, buổi sáng trước khi ra đồng thì dụi hết củi đi, nhưng gộc củi to nhất thì vùi trong tro, giữ lấy hơi ấm trong căn nhà.
Tôi sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng Tày gần như toàn tòng. Toàn bộ tuổi thơ của tôi được chìm đắm, nuôi dưỡng, thụ hưởng cái bầu không khí yên ả tuyệt vời của ngôi làng. Người Tày bản tính hiền hoà, hiếm khi xô xát, trừ mấy anh thanh niên khi uống chén rượu vào thì cũng nói to hơn bình thường. Hàng xóm láng giềng sống với nhau như cỏ cây, cứ thế mà cùng vươn lên, cứ thế mà cùng vượt qua những khúc, những đoạn khó khăn. Con gái Tày xinh đẹp có tiếng. Da trắng, tóc đen mượt, vóc dáng mềm mại, giọng nói trong trẻo. Thanh niên Tày thì thổi sáo rất hay. Làng tôi, cậu choai choai nào cũng giắt túi quần một cây sáo, rảnh lại đem ra tập tọng thổi. Đến tuổi đi tán gái là anh nào cũng thổi sáo hay lắm rồi.
Nhưng làng cũng mất dần đi. Nhà sàn bị dỡ xuống, xây nhà bê tông lên. Con gái không mặc áo chàm nữa, thậm chí cũng ít nói tiếng Tày. Ruộng bị lấp đi để làm nhà gần đường ô tô... Càng về sau này tôi càng không dám dừng lại khi về ngang qua. Mỗi một điều gì đó mất đi đều khiến tôi tê tái.
Thế mà tôi gặp lại toàn bộ những kí ức đẹp đẽ nhất của mình về ngôi làng ấy ở đây. Tôi có cảm giác, mình như bà Úrsula của Garcia Marquez bỗng chốc tìm lại được ngôi làng Macondo cổ xưa sau bao nhiêu thăng trầm, mất mát, đổ vỡ, đau thương.
Tôi nhìn thấy những mái nhà lợp cọ rất dày. Người Tày lợp nhà bằng lá cọ. Lúc mới lợp, mái lá có thể dày hàng mét. Năm nọ qua năm kia tới, lá xẹp dần xuống thì cũng còn đến một nửa. Những mái nhà như thế bền vô cùng. Lớp lá trên cùng có thể hoai mục, vài hạt cỏ theo gió từ đâu bay về đậu lên, nảy mầm bén rễ, nhưng bên dưới vẫn tinh tươm. Nhà ở gần rừng nên thỉnh thoảng lại có một hai con tắc kè về trú ngụ trong mái lá ấy, thậm chí chúng còn sinh con đẻ cái. Người ta cứ nghe tiếng kêu chẵn lẻ của tắc kè mà biết ngày mai trời mưa hay nắng.
Tôi thấy những bậc cầu thang có chín bậc. Tôi thấy những cái ao nhỏ nằm ngay bên sân nhà. Những mảnh vườn vuông vắn, rào bằng thân cây vầu già chẻ ra, bên trong cải đang ra hoa, hành đang ra hoa, xà lách cuộn tròn, xu hào xanh biêng biếc... Dưới chân cầu thang, một chiếc chum đựng nước, gác trên miệng chum là cái gáo cán dài làm bằng một khúc vầu. Người Tày trước khi lên nhà, ngoài việc bỏ giày dép còn phải múc nước rửa chân. Thế nên sàn nhà luôn rất sạch sẽ. Điều khác biệt lớn nhất so với khi xưa là dưới gầm sàn không còn nuôi gia súc gia cầm nữa. Chuồng trại đã được cất ở một góc xa xa. Bà hàng xóm nhà tôi khi xưa, bà cụ ấy già lắm, đã hơn 90 tuổi, bữa nào ngồi ăn cơm bà cũng bỏ thức ăn thừa qua khe ván sàn xuống dưới, nơi có lũ gà vịt đang chầu chực sẵn. Cứ đến bữa ăn, nghe mâm bát leng keng là chúng đã lục tục kéo nhau đứng chờ.
Nắng vẫn chiếu vào trong căn bếp thơm thơm mùi thảo quả. Cái gác nhỏ treo lưng lửng ngay trên bếp lửa là cả một kho gia vị của bà chủ nhà. Hành tỏi ớt hạt tiêu thảo quả, mỗi thứ một tí, đặt trong một cái mẹt con con đen thui bồ hóng. Lại thêm những bó đậu xanh, đậu đen còn nguyên cả cây, là những chùm quả mẩy nhất để dành làm giống. Sau này thì tôi biết, chẳng có nơi nào cất giữ những loại hạt giống tốt hơn là trên gác bếp. Lúc nào cũng khô ráo, không có chuột bọ. Bà chủ nhà này còn có cả một dãy chum ủ rượu xếp ngay đầu cầu thang, trước khi vào nhà. Chắc nhà sắp có cỗ. Cuối năm người ta hay tổ chức đám cưới cho con cái. Mỗi đám cưới như vậy tốn kém lắm. Các bậc cha mẹ không chỉ làm lụng để nuôi con, còn phải làm lụng nhiều hơn khi con đã lớn, để chuẩn bị sẵn sàng khi chúng đòi lấy vợ lấy chồng. Rồi khi các con đã có gia đình riêng hết thì lúc ấy mới là lúc các ông cụ bà cụ nghĩ cho bản thân mình. Mà nghĩ cho bản thân tức là chuẩn bị cho cái chết. Kiểu như, ừ thế là tao đã xong việc rồi. Giờ tao chuẩn bị về với tổ tiên sao cho tươm tất. Các cụ sẽ luôn có sẵn những bộ quần áo đẹp, giày, mũ, khăn... đủ bộ. Các cụ thậm chí sắm sẵn những cỗ quan tài. Ngày xưa, bà lão mà tôi nhắc ở trên, có một cỗ quan tài như thế, để sẵn dưới gầm sàn. Tôi và lũ cháu nội của cụ trèo vào chơi trốn tìm trong đó từ lúc 5 - 6 tuổi. Thế mà đến tận khi tôi gần ba mươi tuổi cụ mới qua đời. Chuẩn bị cho sự ra đi từ rất sớm như thế, thật là thanh thản. Một hành trình đã kết thúc, đơn giản vậy thôi.
Tôi đi lòng vòng quanh làng, vừa đi vừa lục lọi lại kí ức trong sâu thẳm của mình. Nếu ví kí ức là một cái hũ đựng đầy những viên sỏi, thì những viên sỏi dưới đáy hũ chính là những gì tôi còn giữ được về ngôi làng của mình. Chúng cứ ở dưới đáy, cần thì tôi phải lục lọi, nhưng mãi mãi không thể mất đi.
Ở ngôi làng này, chạm vào đâu tôi cũng thấy trái tim mình run lên. Ngôi làng như một món quà đối với một người đã mất đi ngôi làng của mình suốt mấy chục năm. Tất cả mọi thứ hầu như còn nguyên, trừ những lối đi đã phủ bê tông. Ừ thì người ta cũng phải trải bê tông lên để đi lại cho đỡ lầy lội trơn trượt chứ. Vả lại, nhà nào giờ cũng có xe máy. Cứ đường đất lăn bánh thì chỉ được ba bữa là phải xắn quần lên mới lội được vào nhà. Ở mảnh sân có lẽ là sân sinh hoạt chung của làng, dưới tán những bụi tre đồ sộ có một chiếc xích đu bằng tre. Một bé gái đang ngồi đó và chăm chú tìm gì đó trong chiếc túi nhỏ màu hồng. Em có gương mặt hiền dịu, đôi mắt trong trẻo, và chút gì đó phảng phất buồn buồn. Có lẽ buồn vì chơi một mình. Tôi thấy bóng dáng tôi ở trong em bé. Khi bằng tuổi em, tôi lúc nào cũng chơi một mình. Ngay cả khi lớn lên tôi vẫn cứ thích những lúc được một mình, sự ồn ào của đám đông luôn khiến tôi co lại như một con tê tê.
Bao phủ lên cả ngôi làng là một bầu không gian tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng của yên bình, thanh thản, nhẹ nhõm. Sự tĩnh lặng của hạnh phúc.
Khi tôi đi ngược ra phía cổng làng, chiếc mõ gỗ đang còn đu đưa. Ai đó vừa vào làng. Trước khi vào phải gõ mõ mấy hồi để báo tin cũng để xin phép. Chiếc mõ lõm vào một miếng ở vị trí mà người ta hay đập chày.
Gió trên những tán cây xanh trên cao đang lao xao. Những bông hoa chuối có lẽ là cuối cùng của mùa thu đang cháy đỏ.
Tôi muốn nói lời cảm ơn ngôi làng vì đã xoa dịu những tổn thương sâu kín vì nhớ nhung trong lòng tôi bấy lâu.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...