Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
21:22 (GMT +7)

Làng làm nhà kiểu cổ An Châu

VNTN - Làng An Châu, xã Nga My (Phú Bình), không chỉ là vùng đất cổ kính có vẻ đẹp văn hóa lâu đời, mà An Châu còn được biết đến với làng nghề truyền thống vô cùng đặc biệt - đây là nơi dựng lên những ngôi nhà cổ gắn với nét văn hóa của người Việt. 

Những ngày cuối năm, không khí làm việc của các thợ mộc ở nhà anh Tạ Văn Cường xóm Trại rất nhộn nhịp. Chỗ này thợ đang khéo léo tô mực lên các nét chạm khắc hoành phi câu đối, chỗ kia nhóm thợ hối hả vận chuyển, pha gỗ. Ở trước vườn nhà một nhóm thợ cả tỉ mỉ, khắc từng nét hoa văn rồng phượng, hoa lá tinh xảo. Họ đang khẩn trương làm các hạng mục chuẩn bị cho việc dựng nhà thờ họ Tạ trong xóm. Tiếng cưa xẻ, đục, đẽo, tiếng nói chuyện râm ran, miệt mài cần mẫn như bầy ong đang làm việc.

Gian giữa nhà ông Bính

Anh Cường, là người đứng đầu tổ thợ chuyên khôi phục, dựng mới nhà kiểu cổ, Trưởng làng nghề mộc mỹ nghệ An Châu, sau khi đưa khách tham quan một vòng các nhà xưởng của gia đình, anh kể: Năm 2008, anh Trần Văn Thả, người dân trong xóm Ngọc Thượng có ngôi nhà cổ của các cụ để lại có tuổi đời trên 100 năm đã xuống cấp. Nhà bị hỏng phần cột, hoành nên đã nhờ anh và một số người trong tổ mộc khôi phục lại. Khi sửa xong nhà cho anh Thả, bà con đều khen đẹp vì giữ nguyên được nét văn hóa xưa. Năm 2011, anh Cường dựng ngôi nhà kiểu cổ của gia đình. Và cũng cùng năm này, anh và các nhóm thợ trong làng dựng ngôi nhà theo lối cổ bằng gỗ cho gia đình anh Tạ Văn Dưỡng ở cùng xóm. Hai ngôi nhà khi hoàn thành được nhiều người đến tham quan, sau đó người cùng làng và dân lân cận hay tỉnh ngoài có nhu cầu làm nhà kiểu cổ đã tìm đến anh.

Dừng tay kẻ mực trên những nét hoa văn của hai bức hoành phi, ông Tạ Văn Cứ là chú ruột của anh Cường kể: An Châu là làng cổ có từ lâu đời, xưa gồm 11 xóm. Nghề mộc tại đây sớm hình thành và phát triển. Từ thời phong kiến, làng đã đón các nghệ nhân nghề mộc từ các tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh… về truyền dạy cho người dân làm nhà gỗ, đồ mộc gia dụng, hoành phi, câu đối, đồ thờ và trang trí nội thất. Ông Cứ lúc nhỏ cũng được học nghề mộc của ông anh rể là Tạ Văn Thọ vốn là người gốc Hà Nam lên làm rể của làng. Qua nhiều năm, nghề mộc mỹ nghệ tại làng An Châu ngày càng phát triển và lớn mạnh. Năm 2013, An Châu được UBND tỉnh công nhận là làng nghề mộc mỹ nghệ truyền thống.

Giống như những người thợ trong làng hồi nhỏ anh Cường theo cha chú học nghề mộc mỹ nghệ. Đam mê với nghề, lớn lên, anh Cường đứng ra mở xưởng làm đồ nội thất ở gia đình. Thấy mình có duyên với nghề làm nhà kiểu cổ nên từ năm 2008 đến năm 2011, anh đã tập hợp nhóm thợ chuyên chỉ phục dựng và làm nhà kiểu cổ. Anh Cường cho biết, so với làm đồ nội thất anh làm trước kia, dựng nhà kiểu cổ khó và tỉ mỉ hơn nhiều. Những phần đục hoa lá, điêu khắc tinh xảo sẽ do thợ chính làm, còn với thợ mới học việc chỉ đảm nhiệm những việc đơn giản hoặc đo đạc, khiêng vác... Để thiết kế và dựng nhà gỗ giả cổ, anh và các thợ phải nắm vững kiến thức về kiến trúc cổ, công năng sử dụng, cũng như óc thẩm mỹ. Bên cạnh đó, tự học hỏi, tìm hiểu lịch sử kiến trúc truyền thống, tìm tòi, tạo các mẫu hoa văn phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương. Vừa học vừa làm, dần dần anh Cường và nhóm thợ đã bắt kịp xu hướng thẩm mỹ của người dân, có cách tư vấn để khách hàng lựa chọn kiểu nhà phù hợp với phong thủy và tính cách gia chủ.

Để làm ngôi nhà kiểu cổ cần rất nhiều công chạm khắc như thế này

Ngôi nhà kiểu cổ của gia đình ông Hoàng Văn Bính, xóm Thái Cao, xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên) do xưởng mộc của anh Cường thực hiện năm 2017 còn thơm mùi gỗ. Ngôi nhà 5 gian gần 200m2, rộng rãi và thoáng mát. Từng đường nét chạm khắc hoa văn gỗ đều tinh xảo càng tôn thêm vẻ thanh thoát và thẩm mỹ của ngôi nhà. 3 gian cửa bức bàn của gia đình ông Bính là loại cửa cổ trong các công trình nhà gỗ cổ truyền của người Việt mà chỉ thường thấy trên sách báo. Các cánh cửa mở không dùng bản lề như cửa hiện đại ngày này mà dùng cối quay.

Về lý do làm nhà gỗ cổ, ông Bính giải thích: Cách đây khoảng chục năm, khi Tết đến, xem hài Xuân Hinh thấy họ quay phim ở khu vực có nhiều ngôi nhà cổ rất đẹp, ông thích quá liền bảo với vợ: Nhà mình ở nhà cấp 4 đã mấy chục năm, khi tích đủ tiền tôi sẽ xây dựng nhà kiểu cổ bằng gỗ như thế này cho thỏa ước nguyện. Và từ đó, ông đi tham quan, tìm hiểu nhiều nơi, lên ý tưởng một ngôi nhà trong mơ. Cuối năm 2017, ông đã hoàn thiện ngôi nhà với số tiền gần 3 tỷ đồng, trong đó tiền công thợ là 800 triệu đồng. Ngôi nhà kiểu cổ của ông có trần gỗ khá cao cùng với cánh cửa rộng nên rất đẹp và thoáng mát. Khi nhà có cỗ bàn hội họp con cháu gần chục mâm ngồi trong nhà không hề gây ồn ào.

Ngôi nhà có tất cả 36 chiếc cột gỗ. Cũng theo lời anh Cường thì, nhà cổ đủ cột tùy vào diện tích, số gian của gia chủ mà có 36 hoặc 48 cột. Giờ nhiều nhà làm cách tân chỉ có 12 - 18 - 20 cột, trong đó 12 cột chính là bắt buộc và có thể linh động sắp xếp. Ngoài ra, hai bên nhà kiểu cổ đều được dựng vách đố lụa vỏ măng. Trong nhà kiểu cổ trang trí các bức cuốn thư và đồ thờ với hoành phi, câu đối trang trọng. Chỉ chiếc cột chính bóng loáng trong ngôi nhà của ông Bính, anh Cường nói thêm: Nghề làm nhà cổ giờ đã có sự hỗ trợ nhiều của máy móc như máy tiện, bào, kẻ vừa nhanh lại tiện lợi, như chiếc cột này máy làm bóng nhẵn, nhanh hơn so với làm thủ công. Nhờ đó mỗi công trình nhà gỗ cổ trước kia phải mất một vài năm thì nay chỉ cần 6 - 9 tháng là có thể hoàn thành.

Được biết, mỗi ngôi nhà cổ có giá tầm 800 triệu đồng tới trên 1 tỷ thậm chí vài tỷ đồng tùy vào điều kiện kinh tế, loại gỗ và diện tích gia chủ cần. Ngoài ra, giá trị của căn nhà còn tùy thuộc vào độ tinh xảo, hoa văn và các chi tiết được chạm khắc trên cột nhà. Bởi vậy, các gia đình phải có điều kiện kinh tế mới có thể làm được nhà gỗ kiểu cổ. Cho tới nay, số lượng người ưa thích nhà cổ ngày càng tăng lên. Có lẽ cũng giống như anh Cường, ông Bính, trong cuộc sống ồn ã của đô thị hóa hiện đại, họ lại thấy nhớ một cái gì đó xưa cũ, mộc mạc. Và những ngôi nhà kiểu cổ được làm bằng gỗ ấm áp về mùa đông, thoáng mát về mùa hè đã đáp ứng được những yêu cầu đó. Tôi chợt nhớ tới lời của anh Tạ Văn Dưỡng, xóm Trại An Châu nói về cảm giác sống trong ngôi nhà gỗ kiểu cổ dựng năm 2011 của gia đình: Ở trong nhà này, cảm nhận được sự thảnh thơi, hòa mình cùng thiên nhiên, thấy mọi áp lực của cuộc sống được giải tỏa.

Mấy năm trở lại đây, khách hàng từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đã tìm về An Châu đặt hàng ngày một nhiều. Xưởng của gia đình anh Cường lúc nào cũng có 25 lao động (người cao tuổi nhất là gần 60, người ít tuổi nhất mới ngoài 20) đang làm việc với thu nhập trung bình từ 250 - 300 nghìn đồng mỗi ngày. Riêng thợ cả có tay nghề cao, tiền công làm một ngày không dưới 400 nghìn đồng. Mỗi năm, xưởng của anh Cường nhận 3 - 6 công trình tùy thuộc độ phức tạp của nhà kiểu cổ cần dựng. Từ khi mở xưởng làm nhà kiểu cổ đến nay, anh đã nhận mấy chục công trình dựng nhà kiểu cổ, nhà thờ họ, khôi phục, làm mới các chi tiết ở đình, chùa các loại.

Không gian nhà kiểu cổ ở Phú Bình

Ông Vũ Cao Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã Nga My cho biết: Nghề làm mộc mỹ nghệ tại An Châu đã có truyền thống lâu đời với nhiều nghệ nhân tay nghề cao. Hiện, ở An Châu có gần hai chục xưởng sản xuất đồ gỗ và chế biến lâm sản, trong đó có một xưởng chuyên dựng nhà kiểu cổ của anh Tạ Văn Cường. Vài năm trở lại đây, việc lượng khách hàng ưa thích nhà kiểu cổ tăng mạnh đã đem lại nguồn kinh tế lớn cho các hộ làm nghề.

Trọn một ngày ở làng gỗ mỹ nghệ An Châu, thích thú đi thăm, ngắm nhìn ngôi nhà kiểu cổ do nhóm thợ của anh Cường dựng mà thấy ký ức như được trôi về những ngày xưa cũ. Nhà của gia đình anh Cường, sát đó là nhà của em trai Tạ Văn Khải, rồi gia đình anh Tạ Văn Dưỡng trong xóm... cảm nhận được từng đường nét về những ngôi nhà theo phong cách cổ kính xưa với hoa văn chạm trổ tinh tế, hài hòa trong từng thớ gỗ là bóng thời gian đang đổ, đấy là niềm tự hào và cũng là sở thích của nhiều người, ngày nay đã được bàn tay người thợ khéo léo ở làng nghề mộc mỹ nghệ An Châu phục dựng. Những ngôi nhà ấy đã trở thành một phần hồn cốt của làng quê xưa và tô điểm sắc diện bộ mặt nông thôn mới ngày nay. Và những người thợ mộc mỹ nghệ An Châu tại xưởng gia đình anh Cường chính là những người góp phần làm nên nét văn hóa độc đáo ấy.

Mai Linh Lan

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy