Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
06:06 (GMT +7)

Lặng im

Truyện ngắn. Nguyễn Bích Hồng

Lúa nhìn con bằng ánh mắt hằn học. Dường như mỗi ngày nặng nề, đầy u uất trôi qua, cô lại cảm thấy căm ghét nó hơn. Một thằng bé xấu xí! Trong mắt Lúa, khuôn mặt thằng bé méo mó, biến dạng đến kì dị. Cái mồm nó ngoác ra, bật lên những tiếng kêu xé tai tựa như những que xiên xiên thẳng vào óc cô buốt nhói.

“Mày không phải con tao!”, ý nghĩ đó liên tục cào cấu, bám vấy trong đầu Lúa và thỉnh thoảng cô lại thốt ra điều đó với đứa con hơn tháng tuổi của mình. “Mày là con quỷ đội lốt một đứa trẻ!”, Lúa tin vào điều đó như vẫn tin rằng lợi của thằng bé được bọc sắt cứng, sẵn sàng nghiến nát đầu ti cô bất kể lúc nào khi cô phải cho nó bú. “Rồi nó sẽ mọc răng, những chiếc răng kim loại nhọn hoắt như bàn chông, chúng sẽ xé nát cả bầu ngực mình!”, Lúa lầm bầm, hai mắt ánh lên cái nhìn sắc lạnh với đứa con đang khóc đến lặng người trong góc giường.

“Lúa ơi, mày chết giẫm ở trên đấy à mà để con nó khóc ghê thế!”, bà Đức vừa đi chùa về ngước lên tầng quát lớn. Bà phát ngán với sự vụng về của cô con dâu. Mà thực ra, đã có điểm gì ở đứa con gái quê mùa như Lúa khiến bà hài lòng đâu.

Lúa vốn xuất thân ở chốn quê nghèo, sinh ra đã không biết mặt cha. Một người đàn bà khác đã khiến cha bỏ mẹ khi cô chưa kịp lọt lòng. Mẹ Lúa phải vác bụng bầu làm việc từ khi gà còn chưa cất tiếng gáy tới lúc chúng lên chuồng rồi còn chưa ngơi tay. Vậy mà vẫn chẳng đủ ăn. Chẳng mấy khi có cơm, bà thường ra chợ xin mì vụn về nấu bát canh lõm bõm ăn tạm. Thương thân gái chửa mà gầy dộc, xanh xao, người quen cho chục trứng gà tầm bổ, bà cũng chẳng dám ăn mà đem đổi lấy chục trứng vịt, quả to cho được nhiều, về chưng với muối mặn ăn dè từng bữa. Bà sinh Lúa vào một buổi đương làm đồng. Khi đó trời đã tối sẩm chẳng rõ mặt người, bà vẫn cố làm cho xong đám ruộng thì trở dạ. Một mình quằn quại giữa cánh đồng không người, trong cơn đau, bà quờ tay túm chặt những thân lúa như tìm chỗ nương tựa trong cơn vượt cạn. Bà sinh con ngay trên bờ ruộng, xong xuôi bà cởi áo ngoài thay tã ỏm con về. Bà đặt tên con là Lúa, vì ám ảnh những cây lúa đã giúp mình vượt cạn, thân chúng bị dập nát tiết ra thứ mùi ngai ngái mà ngào ngạt như vị của đắng cay xen lẫn ngọt ngào.

Cuộc sống ở quê khổ quá, mẹ tha Lúa lên thành phố, nhận làm giúp việc gia đình. Dù khó nhưng Lúa vẫn được mẹ cho học hành đầy đủ, cô đỗ đại học, ra trường với tấm bằng khá nhưng không xin được việc làm, Lúa phải giấu nhẹm tấm bằng đại học đi làm thuê ở một quán bia hơi. Ở đây, cô gặp Quý, một khách quen của quán đã phải lòng cô ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tình yêu thật lòng cùng lời cầu hôn đến từ chàng trai phố thị khiến cô gái nghèo như Lúa cứ nghĩ cuộc đời mình đã tìm được bến đậu bình yên…

Nhưng cái lí lịch “bố đi theo gái, mẹ làm ôsin, bản thân là gái bán bia” khiến bà Đức không thể chấp nhận một cô con dâu như Lúa. Ngày con trai dẫn người yêu về ra mắt, bà đã chỉ thẳng mặt Lúa mà bảo: “Thằng Quý nó chơi bời gì ở ngoài tôi không quản. Nhưng chọn vợ về làm dâu nhà này thì không thể theo ý nó. Truyền thống gia đình này mấy đời đều dựng vợ gả chồng cho con vào những nhà môn đăng hộ đối. Sao tôi có thể chấp nhận một đứa con dâu và thông gia bần hèn thế được!”. Lúa đã phải bưng mặt khóc mà ra về trong sự tổn thương tưởng như chẳng bao giờ sẽ bước chân quay lại. Nhưng cái thai trong bụng khiến Lúa phải gạt bỏ lòng tự trọng, qụy lụy cầu xin được bước chân vào nhà. Lúa đâu biết thứ cô đánh đổi là những tháng ngày làm dâu phải sống trong sự khinh miệt của mẹ chồng.

“Chỉ có loại con gái lẳng lơ, đĩ thõa mới chửa trước để “úp sọt” đàn ông, chứ con gái nhà lành, hẳn hoi, tử tế người ta đâu có thế. Nếu không vì cô mang giọt máu nhà này, thì đời nào tôi cho cái loại con gái mất nết như cô vào nhà...”. Cái thai trong bụng Lúa cứ lớn dần bởi những tiếng chửi cay nghiệt ngày này qua ngày khác. Sự bình yên chỉ đến với Lúa những khi mẹ chồng khoác áo nâu sồng bưng lễ đi chùa. Bà vẫn thường bảo: “Cái nhà này được yên ổn, con trai kiếm được nhiều tiền, con dâu chửa khỏe là do tôi ngày nào cũng tụng kinh niệm Phật, cũng ăn chay kham khổ. Chứ cứ như cái loại suốt ngày ở không ăn lắm thì cái nhà này đúng là bạc phước!”.

Điểm tựa duy nhất của Lúa là chồng. Nhưng công việc của Quý bận tối ngày, công tác triền miên, khiến Lúa luôn phải một mình chống chọi với sự đay nghiến, ghẻ lạnh của mẹ chồng. Cũng có đôi lần nằm bên, Lúa định bụng kể cho anh nghe những đối xử của mẹ chồng với mình nhưng lần nào cũng thế, Lúa chưa nói được gì tiếng anh đã ngáy đều bên tai, những lời nói đẫm nước mắt của Lúa anh chẳng hay biết gì.

Cũng có khi Lúa nhấc máy gọi cho mẹ, định mọi uất ức trong lòng đem kể ra hết. Nhưng cứ nghe thấy tiếng mẹ, Lúa lại thôi, chỉ sợ mẹ buồn, bận lòng thêm vì mình. Đời mẹ đã quá đủ đắng cay, khổ cực rồi.

Dần dà, Lúa chọn cách im lặng, âm thầm chịu đựng mọi sự xỉa xói, ghẻ lạnh của mẹ chồng. Nhiều đêm nằm ôm gối khóc một mình, Lúa tự hỏi nếu không vì đứa con trong bụng, cuộc đời của Lúa có khác không? Có phải ngay từ đầu, cái thai đến với cô là một sai lầm? Cứ thế, từ lúc nào, Lúa không cảm nhận được sợi dây tình cảm gắn kết giữa cô và con; thậm chí mọi sự chuyển động, lớn dần của thai nhi đều khiến Lúa cảm thấy bức bối, khó chịu. Những lúc ngâm mình trong bồn tắm, nhìn cái bụng trồi lên trên mặt nước, Lúa rất muốn lấy vật gì sắc nhọn đâm vào, cảm giác sẽ giống như một quả bóng xì hơi. Mọi khó chịu, mọi dồn nén sẽ theo đó bay vèo. Đã mấy lần Lúa dùng dao nhọn, kéo sắt, kim băng... định chọc vào bụng, nhưng lần nào cũng thế, những vật sắc nhọn chỉ vừa mới chạm da thịt, cảm giác đau đớn bởi cái thai trong bụng cứ đạp liên hồi khiến Lúa quằn quại, không thể nào cho cái bụng xì hơi.

Lúa sinh non trước một tháng, đúng dịp Quý vẫn đang đi công tác dài ngày. Mẹ xin nghỉ làm đến giúp thông gia chăm Lúa những ngày ở cữ. Bà Đức vẫn đi chùa đều đặn, mọi chuyện cơm nước, chăm sóc gái đẻ, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo... dành cả cho mẹ Lúa. Bà còn bóng gió: “Bà ngoại quen việc, vả lại không để bà ngoại làm, sợ bà ngoại buồn chân buồn tay vì nhớ nghề!”. Vốn tính cam chịu, thương con nên mẹ Lúa cắn răng chịu đựng việc bà thông gia ngầm coi mình là ôsin trong nhà.

Nhưng sự cam chịu nào cũng có điểm dừng của nó. Một ngày, bà Đức kêu mất dây chuyền. Xót của, không kiêng nể gì bà xỉa xói chửi: “Nhà này từ xưa đến giờ tiền rơi đầy nhà cũng chẳng mất đồng nào. Thế mà giờ đồ cất trong tủ còn mất. Đúng là quân đầu trộm đuôi cướp!”. Không chịu đựng nổi sự xúc phạm và đổ vấy của thông gia, mẹ Lúa khăn gói quần áo rời đi. Bà Đức càng được thể quả quyết với hàng xóm: “Đấy các bác xem. Có tật thì mới giật mình. Lấy đồ rồi vội vội vàng vàng tìm cớ đi luôn, bỏ cả con lẫn cháu. Ai đời đồ của thông gia cũng còn lấy. Chắc trước đi làm ôsin, quen tật ăn cắp đồ của chủ rồi!”.

Và mọi bực bội bà lại đổ cả lên đầu cô con dâu mà chửi không thương tiếc: “Nhà này đúng là vô phước mới vớ phải loại thông gia không chỉ bần hèn mà còn trộm cắp. Giờ có khi phải mua chó về trông nhà mới được. Mà có cái gen ăn cắp ở trong nhà thì chó nào trông nổi!”.

Mặc những lời chửi bới thậm tệ của mẹ chồng, Lúa vẫn lặng im không nói gì. Dường như dây thần kinh phản ứng với những lời nói độc địa, ác nghiệt trong Lúa không còn nữa. Ngay cả việc, mấy hôm sau sợi dây chuyền lại trên cổ bà Đức, Lúa cũng chẳng buồn lên tiếng hỏi.

Không có mẹ Lúa, bà Đức vẫn đi lễ chùa, ăn chay niệm Phật, cầu phúc cho gia đình. Chuyện Lúa phải một mình xoay sở chăm con với bà đó là lẽ dĩ nhiên. Đẻ con ra thì phải chăm. Đàn bà xưa chăm một nách chín, mười đứa con mà vẫn phải làm lụng đó thôi, nay Lúa chỉ việc ăn với chăm con là quá nhàn hạ rồi.

Được gần tháng thì chồng Lúa đi công tác về nhưng công việc vẫn cuốn anh đi tối ngày, chẳng có mấy thời gian dành cho Lúa và con. Ngay cả ban đêm, Lúa muốn có chồng cùng san sẻ giúp cũng khó. Đêm đầu tiên ngủ với vợ con, tiếng thằng bé khóc hoài khiến Quý không chịu được phải mang gối lên tầng thượng ngủ. Từ hôm sau, với lí do để đảm bảo sức khỏe đi làm, anh chuyển hẳn lên đó. Một mình một phòng, Quý càng thoải mái trong việc đi sớm về hôm. Tối qua, hơn 1 giờ đêm mà Quý vẫn chưa về. Lúa điện thoại chỉ nghe giọng anh lè nhè bảo: “Anh về hay không về cũng giống nhau mà. Coi như anh vẫn đang đi công tác đi!” rồi cúp máy luôn. Anh đi cả đêm không về. Lúa biết, không phải vì cô thức chờ anh mà vì Lúa mất ngủ, hai mắt cứ chong chong mấy ngày hôm nay rồi.

- Mỗi cái việc ăn với bế con mà không nổi. Đúng là cái loại ăn không ngồi rồi! - Tiếng bà Đức dưới tầng lại quát vọng lên. - Cho nó bú đi, để nó khóc khản cổ nữa hả?

Nghe tiếng mẹ chồng quát tháo ở dưới, Lúa răm rắp nghe theo như một cái máy. Cô vạch áo, bầu ngực căng cứng sữa vì cả buổi Lúa không cho con ăn. Ngửi thấy hơi sữa, thằng bé đói lắm nhưng chẳng còn sức mút lấy mút để như mọi khi. Cái lợi nó không bặm vào ti Lúa đau buốt nữa mà chỉ mơm mớm nhẹ nhàng. Những dòng sữa nóng hổi được thằng bé từ từ rút bớt khiến Lúa cảm thấy một sự êm ái, dễ chịu đến lạ. Sau một hồi bú mẹ, thằng bé lim dim ngủ. Lúa nhìn con, thấy nó trông khác quá. Cái khuôn mặt méo mó, kì quái không còn nữa. Thay vào đó là một khuôn mặt trẻ thơ, đáng yêu vô cùng. Cái miệng nhỏ xinh, đỏ mọng như trái cà chua bi chứ không rộng ngoác, đen ngòm như trước. Lúa chăm chú nhìn thật kĩ đứa trẻ trên tay mình. Nước da thằng bé trắng hồng, cái mũi nhỏ, lớp tóc đen và dầy... Kìa, từ đôi vai thằng bé có gì đó màu trắng đang nhú lên. Một đôi cánh thiên thần! Lúa hân hoan giơ thằng bé lên cao, ngắm nhìn đôi cánh trắng muốt đang nhẹ nhàng đưa lên đưa xuống của nó.

- Con có thể bay phải không, thiên thần của mẹ?

- ...

- Căn phòng này ngột ngạt quá, con muốn dang rộng đôi cánh ra một không gian tuyệt vời hơn không?

Lúa bế con đi ra ngoài ban công. Những cơn gió thổi bay mái tóc dài lòa xòa và thân hình gầy guộc, xanh xao của Lúa cứ nghiêng ngả. Lúa nhìn con âu yếm. Chưa bao giờ Lúa thấy thằng bé lại đẹp đến thế.

- Con đúng là thiên thần rồi! Cảm giác được bay là thế nào hả con? Hãy cho mẹ bay cùng với nhé. Hãy đưa mẹ đến một nơi thật xa, không có ngột ngạt, không có đớn đau. Hãy cho mẹ sự bình yên! Nào, cùng bay lên thôi, thiên thần của mẹ!

***

“Sao con Lúa nó bồng bột thế? Chỉ vì giận dỗi chồng đi uống rượu một đêm không về mà đã ôm con nhảy lầu tự tử!”;

“Không thương mình thì phải thương con chứ? Đứa trẻ có tội tình gì!”;

“Là đàn bà mà dại quá!”.

Không ai biết Lúa đã phải trải qua những gì. Tất cả đã bị chìm trong im lặng như cách Lúa đã lựa chọn sống. Đến cả nguyên nhân cái chết của Lúa và con cũng lại theo mẹ con cô lặng im trong chiếc hòm gỗ kia.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 5 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 6 ngày trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước