Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
23:55 (GMT +7)

Làng Đình Cả

VNTN - Trên đất nước ta có rất nhiều địa danh mang tên là Đình Cả. Ngay ở tỉnh ta, không chỉ có một địa danh mang tên Đình Cả (thị trấn huyện lị của Võ Nhai) mà ở Phú Bình cũng có một làng mang tên này (còn gọi là làng Cả). Đây là một làng tiêu biểu mang đặc trưng làng trung du Bắc bộ, giàu truyền thống cách mạng.


Bài và ảnh: Nguyễn Đình Hưng

Từ trung tâm thành phố Thái Nguyên đi theo quốc lộ 37 (Thái Nguyên - Bắc Giang) qua trung tâm huyện Phú Bình 1,5 km rẽ phải 400 m sẽ vào làng Cả.

Làng Đình Cả thuộc thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình. Thời kỳ trước năm 1945 thuộc thôn Đình Cả (Đại Đình) xã La Đình, một trong 9 xã, thôn thuộc tổng La Đình, phủ Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Làng gắn với sự kiện lịch sử diễn ra trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945, giữa lúc cao trào cách mạng của địa phương và cả nước đang lên cao.

Ngày 30 tháng 3 năm 1945, làng Cả đã giành được chính quyền cách mạng. Văn bia tại đình làng Cả cũng đã khắc ghi sự kiện lịch sử này: “Tại đây, ngày 30/3/1945 nhân dân làng Đình Cả họp mít tinh thành lập Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam”.

Các nhân chứng lịch sử chụp ảnh với lãnh đạo địa phương trước quần thể di tích đền, chùa, làng Cả

Sách Lịch sử quân sự huyện Phú Bình (1945 - 2000), trang 362, 363 cũng đã ghi: Trong những năm 1938 - 1942, phong trào cách mạng ở Phú Bình tuy chưa lan rộng ra khắp toàn huyện, song ở Hương Sơn phong trào cách mạng đã phát triển khá sớm từ 1939 - 1940. Cuối năm 1944 trung đội tự vệ đầu tiên của địa phương được thành lập, ngày 2/8/1945, lực lượng tự vệ ở Hương Sơn đã tổ chức đánh bại 1 tiểu đội của quân Nhật khi chúng đánh thăm dò vào làng Đình Cả, tại dốc làng Cả lực lượng tự vệ làng Cả đã tiêu diệt một tên giặc Nhật, bọn còn lại buộc chúng phải tháo chạy. Và địa điểm này ghi dấu chiến công của nhân dân địa phương trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đình làng Cả là nơi thờ anh hùng dân tộc Phò mã Đô úy, thủ lĩnh phủ Phú Lương Dương Tự Minh là vị tướng tài ba dưới thời nhà Lý, là con người xuất chúng đã có công dẹp giặc Tống bảo vệ biên giới đất nước Đại Việt. Đồng thời đình cũng phản ánh thuần phong, mỹ tục “Uống nước nhớ nguồn; Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, một truyền thống tốt đẹp của nhân dân địa phương.

Đình làng Cả được người xưa xây dựng sát ngay đầu làng, trên đường ra quốc lộ 37. Địa thế này ở vị trí trung tâm của làng, hướng đình quay ra phía đường làng. Trên tuyến đường Quốc lộ 37 này có thể đi từ ngã ba làng Cả đi lên trung tâm huyện lỵ huyện Phú Bình, ngược lên đi Thái Nguyên, rẽ phải đi xuống Chợ Đồn trung tâm xã Kha Sơn và Cầu Ca. Năm 1990, nhân dân địa phương dựng lại ngôi đình bằng sự đóng góp của người dân. Trong đình trên bàn thờ có bày nhiều đồ thờ cổ tạc bằng gỗ quý như: ống đựng sắc phong, lọ hoa, cây đèn, đài dâng rượu được sơn son thiếp vàng, một bát hương cổ bằng gốm sứ được chạm trổ tứ linh: long, ly, quy, phượng, rất cầu kỳ tinh xảo. Ngoài ra trong đình còn có bức tranh vẽ chân dung thần thành hoàng bằng màu nước với các màu đỏ, trắng và đen niên đại thế kỷ XIX và đủ bộ bát bửu (8 thứ binh khí) gồm: đao, chuỳ, biển “tĩnh túc” và “hồi tỵ” dùng để rước trong ngày hội làng. Bên cạnh đình còn có ngôi miếu nhỏ thờ Mẫu và một sân khấu nhỏ. Quanh đình có một số cây cổ thụ như cây sanh, cây gạo, cây dã hương. Đối diện cổng đình là Trường mầm non của địa phương.

Trong làng Cả còn có chùa làng Cả. Ngôi chùa hiện nay được xây dựng cạnh ngôi đền Mẫu. Kiến trúc, nghệ thuật ngôi chùa đều bằng gỗ tạo nên sự gần gũi và ấp áp của một công trình truyền thống.

Đền Mẫu Thủy cung nằm ngay cạnh chùa. Đền có kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, toàn bộ hệ thống được xây dựng tường xây, bộ vì kèo gỗ theo kiểu đền chùa cổ kính có đắp bốn đầu đao cong vút, bờ nóc đắp cuốn thư ghi tên Đền Mẫu Thủy cung. Đền không có sân kề ngay với Ao Sen tạo nên cảnh quan đẹp, phong thủy phù hợp với ngôi đền truyền thống. Trong đền thờ Đức Thánh Trần triều và các Mẫu Thoải, Mẫu Địa, Mẫu Thượng Ngàn, đặc biệt là Mẫu Thuỷ cung - người được thờ chính tại Đền làng Cả.

Sự tích Mẫu Thuỷ cung là câu chuyện ở đây được nhân dân lưu truyền khắp vùng Phú Bình, Hiệp Hoà (Bắc Giang) ai ai cũng nhớ chứng tỏ tầm ảnh hưởng rộng, nội dung sự tích nhân dân truyền miệng ở các vùng lân cận cũng tương tự như sự tích Thánh Mẫu ở làng Cả, trong đó tiêu biểu có Đền Quán, ở làng Mai Sơn, xã Kha Sơn đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa.

Bia ghi sự kiện lịch sử tại đình làng Cả

Đình, chùa, đền làng Cả là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử gắn với quá trình phát triển cơ sở cách mạng của Đảng bộ nhân dân và chính quyền địa phương, là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân. Trong ba cuộc kháng chiến chống Nhật, chống Pháp và đế quốc Mỹ nhân dân địa phương đã có nhiều đóng góp với cách mạng, có 3 gia đình được cấp Bằng có công với nước, 6 lão thành cách mạng, 24 gia đình liệt sỹ, nhiều gia đình đã ủng hộ người  và của trong kháng chiến. Chính vì vậy, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân thị trấn Hương Sơn được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Pháp.

Tại chùa làng Cả hàng năm có nhiều ngày lễ được diễn ra, trong số những ngày lễ trọng là ngày 7 tháng giêng khai xuân, mở đầu một năm mới nhân dân địa phương và khách thập phương đến lễ thần, lễ Phật, cầu tài, cầu lộc. Các tổ chức xã hội ở địa phương nhân đó cũng mở hội cho nhân dân vui chơi, làm lễ mừng thọ cho các cụ cao tuổi.

Lễ hội có nhiều hoạt động nhằm tôn vinh truyền thống văn hoá dân tộc, nhưng giá trị tiêu biểu, nổi bật nhất chính là truyền thống cách mạng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thời kỳ 1945 - 1954. Ngày 27/7/2015, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Quyết định số 1840/QĐ-UBND về việc xếp hạng quần thể di tích lịch sử: Đình, chùa, đền làng Cả. Hiện tại làng đang chung tay vận động nhân dân đóng góp kết hợp với sự hỗ trợ của nhà nước sẽ tôn tạo ngôi đình nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của cụm di tích lịch sử.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy