Chủ nhật, ngày 10 tháng 11 năm 2024
11:57 (GMT +7)

Lan tỏa những tinh hoa của “Miền di sản Việt Bắc”

VNTN - Không chỉ quảng bá, lan tỏa những vẻ đẹp về miền đất, con người, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và các sản phẩm du lịch độc đáo… chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ 12 từ 21-23/4 tại TP. Thái Nguyên còn là dịp để Thái Nguyên và các tỉnh vùng Việt Bắc xây dựng và định vị thương hiệu du lịch vùng; vực dậy ngành du lịch sau thời kỳ “ngủ đông” do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Không để du lịch Việt Bắc “ngủ đông”

Gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang, Việt Bắc nằm ở phía Bắc của Hà Nội, được lập nên từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Việt Bắc là miền đất được thiên nhiên ban tặng những cảnh quan mang vẻ đẹp nên thơ, hùng vĩ và từ lâu đã được du khách đánh giá là điểm đến thú vị cho những kỳ nghỉ với rất nhiều địa danh nổi tiếng như: Công viên địa chất Non nước Cao Bằng và Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu; danh thắng Hồ Ba Bể (Bắc Kạn), Núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên)…

 

Mộc mạc, thân thiện, Việt Bắc cuốn hút du khách bởi những nét đặc trưng của những sắc màu văn hóa. Tới đây du khách được đắm mình trong những trải nghiệm với vô vàn những điều lạ lẫm, độc đáo của các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao… được thể hiện qua các lễ hội, văn hóa dân gian, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống, kiến trúc, chợ phiên.

Giàu bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt nơi đây còn là cái nôi cách mạng của nước ta, gắn với giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), có nhiều giá trị mang tính lịch sử, văn hóa, thu hút du khách. Những di tích lịch sử được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích “Quốc gia đặc biệt” như: Di tích lịch sử Pác Bó (Cao Bằng), ATK Chợ Đồn (Bắc Kạn), Di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn (Lạng Sơn), ATK Định Hóa (Thái Nguyên), Di tích lịch sử Tân Trào (Tuyên Quang) và rất nhiều Di tích lịch sử cấp quốc gia, đều là những danh thắng nổi tiếng thu hút khách thập phương tới tham quan, đồng thời mang ý nghĩa tri ân, giáo dục lịch sử, truyền thống cho mọi tầng lớp nhân dân.

Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” trong nhiều năm nay luôn là “đặc sản” và thương hiệu để phát triển du lịch Việt Bắc. Về điều này, tại Lễ khai mạc Chương trình du lịch “Qua những miền di sản” lần thứ 12, ông Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, Trưởng Ban tổ chức Chương trình khẳng định: Phát huy những thành công, những kết quả đạt được của các tỉnh qua các kỳ tổ chức Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”, tỉnh Thái Nguyên luôn xác định việc tổ chức thường niên chương trình này nhằm xây dựng và định vị thương hiệu du lịch vùng Việt Bắc, đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch, thu hút đầu tư và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc có tính liên kết vùng góp phần đưa du lịch các tỉnh trong vùng Việt Bắc phát triển.

Những hoạt động trong khuôn khổ Chương trình như: khảo sát các tuyến, điểm du lịch văn hóa - lịch sử và sinh thái - nghỉ dưỡng tỉnh Thái Nguyên; trải nghiệm văn hóa trà của Thái Nguyên; tọa đàm “Hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc”; triển lãm ảnh giới thiệu, quảng bá du lịch 6 tỉnh Việt Bắc với chủ đề “Du lịch văn hóa, lịch sử và sinh thái vùng Việt Bắc”; chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp; trình diễn trang phục dân tộc vùng Việt Bắc... luôn đem đến hiệu quả cao, cần thiết cho phát triển du lịch. Và đây cũng như “cú hích” để Thái Nguyên và các tỉnh vùng Việt Bắc vực dậy ngành du lịch sau thời kỳ “ngủ đông” do ảnh hưởng của dịch bệnh, là dịp để quảng bá tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, các sản phẩm du lịch đặc sắc đến với các nhà đầu tư và du khách thập phương.

Thái Nguyên - trung tâm du lịch của Việt Bắc

Là địa phương đăng cai tổ chức Chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” năm nay, một lần nữa Thái Nguyên khẳng định vị thế của vùng đất giàu tiềm năng phát triển du lịch - trung tâm du lịch của vùng Việt Bắc.

Cách Thủ đô Hà Nội chỉ 80km, Thái Nguyên được biết đến là “Thủ đô gió ngàn - Chiến Khu Việt Bắc” với tiềm năng du lịch phong phú. Là điểm chụm đầu của cả bốn rặng núi cánh cung đá vôi vùng Đông Bắc, khiến cho các huyện Võ Nhai, Định Hóa của Thái Nguyên như một “vùng Hạ Long trên cánh đồng xanh”. Một hệ thống hang động phong phú, ẩn mình dưới những cánh rừng tạo vẻ đẹp hoang sơ quyến rũ. Vùng phía Đông của dãy Tam Đảo có tiềm năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; ngay dưới chân dãy Tam Đảo là Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc nằm liền kề với vùng chè đặc sản Tân Cương nổi tiếng.

 

Các doanh nghiệp du lịch ký liên kết hợp tác phát triển du lịch Việt Bắc

Trong những năm qua, Thái Nguyên chú trọng đầu tư, đưa ra nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc. Có thể kể đến nhóm sản phẩm du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà đang phát huy hiệu quả, giúp người dân tăng thu nhập, lại bảo tồn được các giá trị truyền thống như “Không gian văn hoá Trà” - gắn với vùng chè đặc sản Tân Cương; “Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải”, “Làng văn hoá dân tộc Bản Quyên”...

Khu bảo tồn làng nhà sàn sinh thái Thái Hải hiện đã được xếp hạng 4 sao trong nhóm dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch là khu du lịch đầu tiên tại Thái Nguyên đạt chứng nhận OCOP. Nhóm sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, về nguồn với trọng tâm là Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa là địa chỉ đỏ trong tour du lịch về nguồn, hàng năm đón hơn 6.000 lượt khách về dâng hương, tham quan.

 

Ngoài ra còn một loạt các điểm đến như: Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Khu di tích lịch sử quốc gia Đại đội 915, Đội 91 TNXP Bắc Thái; quần thể núi Văn, núi Võ và các đình, đền, chùa… Các loại hình văn hóa - nghệ thuật, dân ca, dân vũ đặc sắc như múa Thượng đàn, múa Chuông, múa Rùa, hát then, hát sli, hát lượn của các dân tộc Tày, Nùng, Dao… cũng là những đặc trưng “níu chân” du khách.

Thông qua chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần này, Thái Nguyên không chỉ quảng bá được sâu rộng hơn hình ảnh đất và người Thái Nguyên, giới thiệu được tiềm năng của du lịch Thái Nguyên tới du khách mà, như bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết: Đây còn là cơ hội tốt để các doanh nghiệp làm du lịch của Thái Nguyên có thể trao đổi kinh nghiệm và hợp tác với các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực du lịch của cả nước, từ đó sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng, phù hợp và lan tỏa những sản phẩm đó để thu hút khách.

 

Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải năm vừa qua luôn thu hút khách du lịch

Ngoài ra, Chương trình vừa khởi động cho mùa du lịch năm nay tại vùng Việt Bắc, vừa là động lực quan trọng để Thái Nguyên thực hiện thành công Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm du lịch của vùng Việt Bắc. Cùng với đó, xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh với hệ thống hạ tầng đồng bộ, phát triển theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Những điều trên hoàn toàn có thể thực hiện được. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu: Việt Bắc với vẻ đẹp hùng vĩ, nhưng điểm thu hút nhất của nơi đây chính là những giá trị văn hóa nổi bật, có sức hấp dẫn và thu hút khách du lịch mạnh mẽ. Những năm qua các tỉnh của vùng Việt Bắc đã xác định du lịch là ngành kinh tế trọng điểm, coi du lịch là chìa khóa để giảm nghèo, để phát triển kinh tế - xã hội. Rất nhiều khu du lịch đã, đang được đầu tư như Cao nguyên đá (Hà Giang), Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Hồ Ba Bể (Bắc Kạn)… là những điểm sáng trên bản đồ du lịch. Mặc dù vậy du lịch Việt Bắc vẫn còn những khó khăn như: giao thông đi lại, các sản phẩm du lịch vẫn còn đơn sơ, rời rạc, hạn chế về việc thu hút các nhà đầu tư… Trong bối cảnh dịch COVID-19 này, tác động của dịch bệnh tới du lịch Việt Bắc không thực sự lớn. Điều này khiến tư duy về du lịch đã có sự thay đổi, đấy chính là cơ hội để các nhà đầu tư sau dịch COVID-19 sẽ yên tâm đầu tư vào Việt Bắc. Xu hướng du lịch gắn với thiên nhiên và an tâm về sức khỏe đang nhen nhóm, đây chính là cơ hội tốt cho du lịch Việt Bắc.

Ngoài ra việc cần đầu tư về cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá gắn với công nghệ số; phát triển nhiều các sản phẩm mới, cơ chế, chính sách; nguồn nhân lực, kết nối với những di sản văn hóa vùng Việt Bắc tạo nên sản phẩm du lịch đặc sắc có sức hấp dẫn du khách… là những gì du lịch Thái Nguyên và các tỉnh vùng Việt Bắc đã rút ra được qua buổi Tọa đàm “Hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc”. Hiện tại, tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành việc chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch để phát triển du lịch thông minh, cung cấp những thông tin về điểm đến du lịch một cách nhanh nhất để quảng bá về hình ảnh đất và người Thái Nguyên.

Quang Khải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy