Chủ nhật, ngày 10 tháng 11 năm 2024
12:00 (GMT +7)

Lan tỏa những niềm vui

VNTN - Niềm tự hào, vui mừng, sự trân trọng, ý thức nhìn lại chặng đường mình đã đi và nỗ lực tìm tòi, sáng tạo hơn nữa trong hành trình tiếp theo là những cảm xúc, quyết tâm chung của các văn nghệ sĩ đoạt Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2012-2016.

VNTN xin được chung vui và chia sẻ những cảm xúc, niềm tự hào ấy.

Cảm xúc tháng Tám

Bùi Quang Vĩnh (Giải C chuyên ngành Âm nhạc)

Tháng Tám này thật đặc biệt khi mà cả nước rộn ràng kỷ niệm 73 năm các ngày lễ lớn 19/8, 2/9 đồng thời diễn ra sự kiện Đại hội thể thao Châu Á Asiad 2018, đang sôi động với chiến thắng của U23 Việt Nam, thì còn có một niềm vui của các văn nghệ sĩ Thái Nguyên nữa. Đó là Lễ trao tặng giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2012 - 2016.

Tôi cho rằng Giải thưởng dù lớn hay nhỏ cũng đều là sự đóng góp công sức, trí tuệ của mỗi người được xã hội đánh giá và công nhận, mà thế là thêm một niềm vui, một cảm xúc khó tả bằng lời trong tháng Tám này.

Tôi cũng có một giải thưởng nho nhỏ trong đó nên hiểu được tâm trạng chung phần nào. Ca khúc “Thái Nguyên xanh” ca ngợi thành phố Thái Nguyên xinh đẹp soi bóng bên dòng sông Cầu đang xây dựng, đổi mới trên nền tảng truyền thống quê hương cách mạng. Phần lời ca được phỏng thơ của tác giả Dương Văn Oanh, ngôn từ ngắn gọn, xúc tích, giàu hình ảnh gắn quyện với một giai điệu trữ tình cách mạng. Khi viết ca khúc này trong tôi như nhìn thấy Sông Công, Núi Cốc, đồi chè xanh, những làng sinh viên và những đường phố đang hình thành bên dòng sông Cầu xanh biếc… sẽ tạo nên một thành phố xanh tuyệt đẹp trong tương lai.

Nhân dịp được bày tỏ tâm tư này, cho tôi gửi lời cảm ơn nhạc sĩ Hoàng Việt Dũng cùng ca sĩ Đức Phương đã phối khí và trình bày ca khúc rất sinh động giúp cho lời ca, ý nhạc được rõ nét, hiệu quả.

Niềm vui của các cây bút văn xuôi Thái Nguyên

Hồ Thủy Giang (Giải B chuyên ngành Văn xuôi; giải Khuyến khích

chuyên ngành Lý luận phê bình)

Giải thưởng Văn học nghệ thuật 5 năm của tỉnh Thái Nguyên (khi ấy là tỉnh Bắc Thái) lần thứ nhất được trao vào năm 1992. Gọi là Giải Văn học nghệ thuật nhưng ngày ấy chủ yếu là văn học. Các chuyên ngành khác chưa nhiều. Tiền giải thưởng cũng lấy giá trị tinh thần là chủ yếu. Vậy mà hôm nay chúng ta đã trao giải tới lần thứ 6 rồi. Lần trao giải này có phần hoành tráng. Hoành tráng từ việc có sự tham gia rất đầy đủ của các chuyên ngành; từ số lượng, chất lượng tác phẩm đến việc tổ chức trao giải.

Tôi cùng một số anh chị em viết văn xuôi Thái Nguyên đã nhiều lần đoạt giải thưởng này. Có người giải cao, có người giải thấp, nhưng đều hết sức vui vẻ, cùng nhau sẻ chia niềm vui, niềm vinh dự. Vì xét cho cùng thì điều ấy cũng không quá quan trọng.

Riêng lần trao giải này, điều làm tôi vui mừng nhất là số lượng sách văn xuôi dự thi lên tới 39 tác phẩm khá dày dặn, có cuốn lên tới hơn 600 trang. Đấy là còn chưa kể còn một số cuốn khác mà các tác giả do tự ti hoặc một lí do nào đó không gửi tham gia xét giải. Tôi còn nhớ, lần trao giải đầu tiên, chỉ vẻn vẹn đúng 5 cuốn sách văn xuôi dự giải và cả 5 cuốn đều đoạt giải từ cao xuống thấp.

Chất lượng Giải lần này cũng được nâng lên rõ rệt. Một số tác phẩm vào Giải cũng là những tác phẩm từng đoạt giải thưởng, thậm chí là giải cao ở các cuộc thi và vận động sáng tác của Trung ương trong mấy năm gần đây.

Tôi rất vui khi các tác giả gạo cội của tỉnh như nhà văn Ma Trường Nguyên, Bùi Như Lan, Phạm Đức Thái Nguyên, Lê Thế Thành, Nguyễn Văn, Hoàng Luận... cũng có mặt trong Giải thưởng năm nay. Một điều vui hơn là tuy chưa nhiều, nhưng một vài tác giả mới, thậm chí chưa phải là hội viên của Hội Văn học nghệ thuật cũng có tên trong danh sách được trao giải.

Về đề tài, nếu các tác phẩm của nhiều mùa giải trước, thường đơn điệu, phiến diện thì các tác phẩm trong mùa giải này đã như một vụ gặt bội thu, với đầy đủ các đề tài: chiến tranh - hậu chiến tranh, lịch sử, miền núi, nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp…

Tôi thường nói vui với anh chị em viết văn xuôi Thái Nguyên rằng: Về Giải thưởng năm nay, văn xuôi Thái Nguyên không chỉ thành công khi kết quả Giải thưởng được công bố mà nó đã thành công trước ngày Ban giám khảo chấm giải, với số lượng 39 tác phẩm dầy dặn tham gia dự thi rồi.

 

Phần thưởng cao quý

Hoàng Luận (Giải A (nhóm tác giả) chuyên ngành Văn nghệ dân gian;

giải C chuyên ngành Văn xuôi)

Văn nghệ dân gian là văn nghệ gốc. Trải qua một thời gian lâu dài theo năm tháng, nhất là trên 30 năm chiến tranh đánh Pháp và đánh Mỹ phần nào bị thất thoát, hao mòn và lãng quên. Cùng với đó, lớp người cao tuổi, các nghệ nhân, thầy Tào - những người cất giữ, bảo tồn văn hóa văn nghệ dân gian đa phần đã vắng bóng. Còn lại các thế hệ trẻ bận lao động, công tác, chiến đấu ở các lĩnh vực khác, ít có thời gian sưu tầm, biên soạn, phổ biến các loại sách cổ như: truyện cổ, then cổ, pụt cổ, sli lượn cổ… nên tự nhiên bị mai một, đứt đoạn, không còn hệ thống như nguyên bản. Công chúng nhân dân đa phần không chú ý, cho rằng đó là việc của các nhà Nho, nhất là quan niệm duy tâm “sách cấm” không được phổ biến sợ ai cũng hát, dùng một cách tùy tiện.

Là người yêu thích văn hóa văn nghệ từ thời còn rất trẻ, tôi ham mê đi điền dã trong các thôn bản, gặp gỡ các thầy Tào, nghệ nhân. Khi trở thành hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thì ý nguyện của tôi được thực hiện, công khai đi sưu tầm, ghi chép, biên soạn, dịch thuật ra tiếng phổ thông để phổ biến, lưu giữ vốn văn hóa, văn nghệ cổ truyền của các bậc tiền nhân.

Tại kì xét Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh giai đoạn 2012 - 2016, tôi rất phấn khởi và tự hào khi được cùng Hoàng Tuấn Cư nhận giải A về sách văn nghệ dân gian, cuốn “Hát then nghi lễ của người Tày vùng ATK Định Hóa”. Đây là một phần thưởng cao quý đối với chúng tôi. Bởi Giải thưởng Văn học nghệ thuật 5 năm tỉnh Thái Nguyên là một ghi nhận kịp thời, tích cực của Đảng, Nhà nước, và chính quyền tỉnh đối với các văn nghệ sĩ, nó giống như một ngọn lửa nung nóng niềm say mê sáng tác văn học nghệ thuật nói chung, sưu tầm bảo tồn văn hóa văn nghệ dân gian nói riêng, đáp ứng yêu cầu: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Đưa chất riêng của bản thân hòa cùng sự phát triển của xã hội

Trần Hải Hưng (Giải Khuyến khích chuyên ngành Kiến trúc)

Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2012-2016 là một giải thưởng uy tín, nhìn lại một chặng đường 5 năm nghiên cứu, sáng tác của các hội viên trong tất cả các chuyên ngành. Đây cũng không phải là lần đầu tôi tham gia và đạt giải thưởng ở chuyên ngành Kiến trúc, tuy nhiên mỗi chặng đường đã qua luôn cho tôi một cảm xúc riêng về sự cảm nhận, tư duy sáng tác.

Công trình "Nhà hoa nắng" của tôi được xuất phát từ thực tế, cuộc sống ngày càng trở nên bộn bề, tất bật, con người ta dần thiếu đi nhiều khoảng thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn; cơ hội được hòa mình vào thiên nhiên, nơi có không gian thoáng mát và mang lại không khí trong lành luôn là mong mỏi của con người giữa chốn thị thành. Tác phẩm là một phương án giải đáp đầu bài trên với sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người, sự lên tiếng của cây xanh thay đổi theo hai mùa, sự biến chuyển bóng nắng rõ nét trong một ngày và cảm nhận sự thông gió tự nhiên theo ngày theo mùa... Giải pháp tận dụng tối đa cây xanh, nắng, gió tự nhiên, sử dụng vật liệu hợp lý tích kiệm đã tạo lên một nét riêng cho công trình, lợi ích thực dụng cho người sử dụng cũng như sự hài lòng với những giá trị mà công trình đem lại.

Mặc dù chỉ đoạt giải Khuyến khích, song tôi rất vui vì những sản phẩm kiến trúc của bản thân vẫn đáp ứng được sự phát triển tất yếu của từng thời kỳ; thầm tự nhủ sẽ phải cố gắng phấn đấu hơn nữa, nhất là trong việc đổi mới tư duy để theo kịp với nhịp sống mới, đưa chất riêng của bản thân hòa cùng sự phát triển của xã hội, tạo nên không gian sống và làm việc mới, xanh, phù hợp, thân thiện với con người.

 

Khi đối diện với con chữ, bản thân mình là thượng đế

Phạm Văn Vũ (Giải B chuyên ngành Thơ)

Được giải thưởng về thơ, tôi rất vui. Nó quả thực là một sự khích lệ. Tôi tự nghĩ, tác phẩm của mình được một người đọc nào đó chia sẻ thôi cũng là quý, khi được giải thưởng thì sự chia sẻ ấy dường như đã rộng lớn hơn, và đó là nguồn động viên đáng quý của một người viết. Có thể, đây cũng là dấu ấn (với bản thân) để tôi lưu giữ, khép lại một giai đoạn viết, tiếp tục những cố gắng tìm tòi chăng…?

Quay trở lại câu chuyện về sáng tạo, tôi vẫn cho rằng tác phẩm mới là cái đích hướng quan trọng nhất, chuyện đạt hay không đạt một giải thưởng nào đó cũng không làm thay đổi cái đích hướng ấy của người viết. Khi đối diện với con chữ, bản thân mình là thượng đế, và tôi cố gắng không bị chi phối bởi điều gì khác ngoài điều mà tôi đang muốn nói nhất. Tức là trước hết cần tôn trọng câu chuyện của mình. Và rồi, khi tác phẩm được đưa ra, đó là lúc tôi tôn trọng người đọc.

Có lẽ cũng như nhiều người viết, tôi không khỏi tự tra vấn bản thân, rằng mình thực sự tìm kiếm trong chữ nghĩa điều gì, rằng nghĩa lý đích thực của thơ là gì.v.v… Càng tìm kiếm câu trả lời, càng thấy muôn đường vạn nẻo, càng thấy mình bị/được thử thách để lựa chọn đi tiếp theo đích hướng.

Cho đến giờ, tôi cảm nhận rằng, giữa một thời đoạn mà chúng ta có quá nhiều sự lựa chọn trong đời sống này, thì thơ lại càng là một sự lựa chọn ý nghĩa. Thơ không chỉ là điều gì đó giống như cương ngựa, thắng xe, phao trên thuyền, barie trên đường. Có lẽ còn hơn thế, thơ như là thuốc cầm máu giữa gươm đao, trái quả trên cây, lọ hoa trên bàn ăn, sách trên giá sách. Mà cũng có thể nói, thơ như là một “mật khẩu” của “mạng đời sống”, một thứ mã khóa mở ra những ẩn mật mà con người chưa bao giờ hình dung, cảm nhận và định danh.

 

Món quà khích lệ cho những nỗ lực sáng tạo văn học nghệ thuật

Vũ Kim Khoa (Giải A chuyên ngành Nhiếp ảnh)

Từ ngày UBND tỉnh Thái Nguyên trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật (VHNT) cho những công dân của tỉnh hoạt động về lĩnh vực này, bản thân tôi đều có tên trong danh sách những người đoạt giải. Vậy nên tôi có thể nói: Nếu như ban đầu, giá trị vật chất dành cho những giải thưởng 5 năm chỉ là sự khích lệ tinh thần, thì Giải thưởng 5 năm (2012 - 2016) và đợt trước đó, còn là một cú hích về kinh tế. Điều đó khẳng định UBND tỉnh Thái Nguyên đã rất quan tâm đến những người hoạt động sáng tạo VHNT.

Thoạt đầu những tiêu chuẩn của Giải thưởng còn nhẹ nhàng vì sự cạnh tranh của các tác phẩm ở mỗi chuyên ngành chưa gay gắt. Nhưng càng về sau, sự khốc liệt ngày một cao. Giải thưởng VHNT 5 năm lần này, là phần thưởng của UBND tỉnh trao cho những văn nghệ sĩ ở từng chuyên ngành có sức cống hiến bền bỉ, ổn định trong suốt cả một quá trình sáng tạo bằng chính những tác phẩm đã được định danh sòng phẳng trên các diễn đàn VHNT: những đầu sách gây được tiếng vang; những bộ phim truyền hình được nhiều người chú ý; những tác phẩm mĩ thuật, nhiếp ảnh được lựa chọn hoặc đoạt giải ở các cuộc thi, triển lãm cấp khu vực, cấp quốc gia và quốc tế…

Năm nay tôi được Ban tổ chức và Hội đồng giám khảo trao giải A cho bộ ảnh (gồm 03 tác phẩm) từng đoạt giải khu vực và toàn quốc (những lần trước chỉ là một tác phẩm đơn, bây giờ là một cụm tác phẩm). Khi nhận tin mình đoạt Giải thưởng VHNT 5 năm, tôi đã rất phấn khởi, vì nghĩ những cố gắng của mình đã được ghi nhận. Và chắc chắn nó sẽ là động lực khiến tôi gắng sức phấn đấu, để làm sao lần trao giải tiếp theo, tôi lại có tên trong danh sách của những người đoạt giải. Xin cảm ơn UBND tỉnh Thái Nguyên, cảm ơn Ban tổ chức, Ban giám khảo Giải thưởng VHNT giai đoạn (2012 -2016)!.

 

Kỷ niệm đáng nhớ

Ngọc Linh (Giải C (nhóm tác giả) chuyên ngành Điện ảnh - Truyền hình)

Lần đầu tiên có tác phẩm tham gia Giải thưởng Văn học nghệ thuật 5 năm của tỉnh, bản thân không mong muốn gì hơn là được đóng gót chút tâm sức và gửi gắm niềm đam mê thông qua tác phẩm gửi đến xét giải.

Khi nhận được thông báo của Ban tổ chức, bộ ba phim dự thi của chúng tôi đạt giải C, tôi và nhóm tác giả rất vui mừng vì những đứa con tinh thần được ghi nhận. Cả nhóm lại ngồi trò chuyện, nhắc lại kỉ niệm khi thực hiện phim “Hoa nở đường Then”. Bối cảnh ở các huyện vùng cao nơi có dân tộc Tày, nên ê kíp phải di chuyển nhiều. Cả thời gian lên ý tưởng cho kịch bản văn học và kịch bản truyền hình, thu âm tập luyện mất đến hàng tháng trời. Vì phải sử dụng các trang phục dân tộc và đạo cụ dân tộc nên êkíp đã phải nhờ đến sự hỗ trợ của đồng bào vùng cao và Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ là khi thực hiện xong hết phim, được sự góp ý của các bậc tiền bối cả êkíp đã quyết định tổ chức và quay lại đến 2/3 phim. Sự nhiệt tình của các diễn viên, sự chia sẻ khó khăn của các nghệ nhân với ê kíp đã khiến tôi và cả nhóm không khỏi xúc động. Vậy là sau 2 tháng ròng rã không quản mưa nắng ngày đêm, phim ca nhạc “Hoa nở đường Then” đã đến với khán giả truyền hình Thái Nguyên và nhận được sự khen ngợi của các nhà chuyên môn, những nghệ nhân và khán giả yêu Then. Với chúng tôi đây đã là phần thưởng lớn cho những nỗ lực của mình.

 

Cầm niềm vui trên tay và nghĩ về phía trước

Nguyễn Kiến Thọ (Giải A chuyên ngành Lý luận phê bình)

Thái Nguyên là trung tâm văn hóa - giáo dục của vùng núi phía Bắc, điều này không thể phủ nhận vì Thái Nguyên có lợi thế với hàng chục trường đại học, nhiều trường cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Cùng với đó, Thái Nguyên có một đội ngũ đông đảo những người sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học. Vậy nên, bất cứ ai được giải thưởng, cho dù giải thưởng gì, chuyên ngành gì, cũng đều đáng quý, đáng trân trọng và tự hào.

Tôi là người sáng tác thơ, rất tiếc lần này không có tập thơ nào để dự Giải. Bù lại, giải thưởng về Lý luận phê bình tôi nhận được lần này là một phần thưởng, một vinh dự lớn cho cá nhân. Tuy nhiên, tôi cảm nhận mình là người may mắn bởi Thái Nguyên có nhiều nhà phê bình gạo cội, có chuyên môn sâu như các nhà thơ, nhà phê bình Trần Thị Vân Trung, Cao Thị Hồng, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hạnh… Họ có nhiều công trình lớn đã từng đoạt nhiều giải thưởng giá trị. Tôi nghĩ, giải thưởng cho dù quan trọng song không phải là tất cả. Áp lực lớn nhất của người sáng tác, nghiên cứu là phải vượt qua được chính mình.

Vậy nên, hãy cầm niềm vui trên tay và nghĩ về phía trước.

 

Nét đẹp trong cuộc sống người miền núi

Chu Hải Anh (Giải B chuyên ngành Mỹ thuật)

Mang trong mình tình cảm đặc biệt với đồng bào dân tộc miền núi, nên các sáng tác của tôi luôn hướng về họ, những con người bình dị nhưng ẩn chứa sức sống mãnh liệt, mang đậm những nét đẹp văn hóa. Và thật vinh dự, tự hào khi hai tác phẩm “Đấu khèn” và “Hội xuân” của tôi được nhận Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh giai đoạn 2012-2016. Đó là hai tác phẩm cùng nói về cuộc sống người dân tộc vùng núi phía Bắc.

Ở bức tranh “Đấu khèn”, thông qua vẻ đẹp bình dị trong một trò chơi dân gian phổ biến, tôi muốn nói đến nét đẹp trang phục, tập quán của người dân tộc Mông ở vùng cao. Dù nghèo khó, đơn sơ, nhưng âm nhạc, điệu múa luôn hiện hữu trong cuộc sống đời thường của họ, làm giàu hơn tâm hồn những người con của núi rừng.

Nếu như bức tranh “Đấu khèn” là đặc tả, thì bức tranh “Hội xuân” lại thể hiện toàn cảnh cuộc sống sinh hoạt của đồng bào Mông. Đó là điệu khèn tươi vui; là góc này người đi chợ, góc kia người bán hàng; là hình ảnh những chú ngựa - con vật gần gũi, gắn bó với cả cuộc đời người Mông. Tất cả được hòa quện trong màu xanh trầm ấm mà huyền bí, kì vĩ của núi rừng.

Thông qua hai bức tranh tôi muốn thể hiện một mạch sống bình dị trong đời sống của những con người miền núi. Họ sống và sinh hoạt với những nét văn hóa đẹp và luôn biết giữ gìn bản sắc dân tộc mà cha ông để lại.

Chia sẻ về hai tác phẩm của mình, tôi muốn nói lên niềm vui mừng vì những cố gắng của mình đã được ghi nhận. Song được nhận giải thưởng vừa là niềm vinh dự, tự hào vừa nhắc nhở bản thân tôi cần phải trách nhiệm, nỗ lực hơn nữa trên con đường nghệ thuật mà mình đã chọn lựa.

 

Quảng bá giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số

Hoàng Thiện Thực (Giải C chuyên ngành Múa)

Bản thân tôi rất bất ngờ về việc được Hội đồng nghệ thuật ghi nhận, đánh giá cũng như trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh giai đoạn 2012-2016 trong khi có nhiều những tác phẩm hay của các tác giả - biên đạo gạo cội khác.

Tác phẩm múa của tôi được trao giải chưa phải là cao nhưng tôi vẫn cảm thấy vinh dự và tự hào, bởi đó là thành quả của bản thân trong suốt quá trình 24 năm miệt mài hoạt động trên lĩnh vực biên đạo múa.

Giải thưởng sẽ là nguồn động lực để tôi tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa, không chỉ là được cọ sát hay có tác phẩm để tham dự vào các giải tiếp theo, mà còn là sự thỏa mãn niềm đam mê, không ngừng sáng tạo. Có các tác phẩm múa hay cũng là nhằm nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo tại Khoa Múa trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc - cái nôi đào tạo nghệ thuật của khu vực Đông Bắc, nơi tôi đã học tập, và hiện đang công tác, nơi mà Ban Giám hiệu nhà trường luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho việc sáng tạo, nghiên cứu sáng tác nghệ thuật; mặt khác sẽ góp phần quảng bá được những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số thông qua nghệ thuật múa.

Trong một lần công tác tại Hoàng Su Phì - Hà Giang tôi đã được dự và xem một buổi tập luyện thao tác khâu vá trang phục, đặc biệt là phần kết bông và cườm ngũ sắc. Nhìn các cô gái khéo léo kết bông sợi tạo thành các quả bông chắc nịch gắn lên những bộ trang phục cầu kỳ và tinh xảo… bất chợt tôi bật ra ý tưởng cho tác phẩm có tên “Mùa bông nở”. Tác phẩm không chỉ là công sức từ cá nhân tôi mà còn có sự đóng góp của nhạc sỹ Phạm Tịnh, bậc thầy chuyên viết nhạc múa đặc biệt là nhạc dân tộc. Bên cạnh đó còn phải kể đến sự cộng tác của những nghệ sĩ, diễn viên múa của Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc đã đồng hành nhiệt tình, chia sẻ cùng tôi hoàn thiện tác phẩm.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy