Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
04:36 (GMT +7)

Lan man chuyện hội nhập giáo dục ở trường tiểu học

VNTN - Cải cách giáo dục, đổi mới phương pháp giảng dạy là những điều chúng ta đã nói và đã làm, làm rất quyết liệt, rất khẩn trương, đến mức xã hội phải lên tiếng vì đổi mới nhanh quá, thử nghiệm nhiều quá, cải cách liên tục quá. Ở nhiều trường tiểu học, các khối lớp khác nhau được thí điểm những dự án giáo dục khác nhau, học những bộ sách khác nhau cho nên giữa năm chuyển trường cho con là phải thay sách, thay nội dung, phương pháp học, thậm chí, thay luôn cả cách phát âm chữ cái. Mỗi mùa hè, giáo viên chưa kịp nghỉ xả hơi thì đã phải đi tập huấn, làm quen với chương trình mới, với một sự cải cách mới. Phụ huynh cũng không thể nhanh tay mua sách cho con hay “tí toáy” dạy trước bởi không ai biết trước, con sẽ được học như thế nào. Tất cả đều “án binh bất động” nằm chờ cải cách.

Như vậy, thật không đúng nếu nói, giáo dục ta chậm tiến, bảo thủ. Tuy nhiên, quan sát tổng thể cách thức dạy và học phổ thông nói chung, dạy học trong nhà trường tiểu học nói riêng, vẫn sẽ thấy những lề lối rất cũ kỹ, rất cần được thay đổi, nếu muốn hội nhập giáo dục thế giới.

Chuyện viết bên hàng rào trường học

Nhà tôi ngay cạnh một trường tiểu học, và vì thế, rất nhiều hoạt động học hành, vui chơi ở đây, tôi đều được biết, hoặc bập bõm, hoặc tường tận. Lâu dần, bỗng hiểu nó như lòng bàn tay, như quen mặt, thuộc tính anh hàng xóm sát vách. Để lại nhiều ấn tượng nhất là giờ chào cờ thứ hai đầu tuần và những buổi phát thanh 15 phút chủ nhiệm - những hoạt động có sự hỗ trợ của hệ thống phóng thanh, khiến “chuyện của trường” đã vượt ra ngoài hàng rào trường học. Trong trí nhớ của tôi, giờ chào cờ của hơn hai mươi năm trước với tiết chào cờ bây giờ hình như không có mấy khác biệt, vẫn là nghi thức Đội với trống rong cờ mở, chân dậm, tay chào; vẫn là cô giáo lớp trực tuần đứng lên nhận xét, xếp thứ rồi tuyên dương, phê bình, nêu tên công khai từng bạn nhỏ; vẫn là cô hiệu trưởng hoặc thầy tổng phụ trách trình bày “tổng kết” và “phương hướng”… Ngôn ngữ trong giờ chào cờ hay các đại lễ ở trường tiểu học mang phong cách “7 phần hành chính, 3 phần chính luận” với những sáo ngữ như “hòa chung không khí”, “hướng tới kỷ niệm”, “sau đây em xin kính mời Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường”, “xin các bạn bỏ phiếu bằng hình thức giơ tay. Một trăm phần trăm nhất trí”… 15 phút trước khi vào học, học sinh được nghe “phát thanh măng non” mà nội dung chủ yếu nói về công tác đội, về các ngày truyền thống. Hơi bất ngờ khi thấy những đề tài “vĩ mô” trong nội dung tuyên truyền của nhà trường như lịch sử đấu tranh giai cấp, Cách mạng tháng Mười và Chủ nghĩa xã hội… Và càng “sốc” hơn khi trông thấy trên bảng tin của một trường tiểu học những khẩu hiệu như: “Thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội…”, “Vươn lên làm chủ bản thân, làm chủ xã hội”...

Chuyện khen thưởng cho học sinh cũng thật cũ mòn, khi mà 90% cơ sở giáo dục nếu không thưởng tiền thì sẽ là vở viết. Thiết nghĩ, sách vở là món quà tuyệt đối “an toàn và lành mạnh”, là thứ không bao giờ thừa với học sinh, lại dễ chọn, dễ gói, không thiu, không hỏng. Một cô học trò những năm 50, 60 sẽ vô cùng sung sướng khi được tặng quyển vở mới để run rẩy mân mê từng trang giấy trắng. Nhưng những bạn nhỏ của năm 2017 sẽ không con tâm lý ấy, dẫu ai đó có nói rằng, phần thưởng “chỉ mang ý nghĩa tinh thần”. Tôi vẫn thường nói đùa, rằng tặng vở cho học sinh bây giờ thật giống với việc cha mẹ ở nhà tặng cho em bé… một bát cháo, nghĩa là dù có hay không, chúng vẫn sẽ không làm thay đổi cuộc sống vật chất và tinh thần của con trẻ. Tương tự như vậy, mấy chục năm nay, lớp mầm non có truyền thống tặng “phiếu bé ngoan”. Tờ giấy nhỏ xíu in hình ngộ nghĩnh đã đi qua tuổi thơ của bao thế hệ. Nhưng hôm trước, phát hiện ra là cả tháng cô con gái út đi học mà chẳng đem về cái phiếu bé ngoan nào, tôi hỏi cháu và nhận được câu trả lời: “Cô đưa nhưng con không lấy, con chỉ thích thẻ Pokemon trong bim bim thôi”. Hóa ra, cái phiếu thần thánh đã đi vào lời bài hát “Cả tuần đều ngoan” kia đã không còn sức mạnh để các bé chờ đợi nữa. Chúng hứng thú hơn với những thứ đồ chơi được làm mới mỗi ngày….

“Nhập khẩu giáo dục” - con đường tìm đến cái mới?

Không thể khái quát toàn cảnh bức tranh giáo dục thế giới chỉ trong một bài viết nhỏ, bởi hai trăm quốc gia là hai trăm nền giáo dục. Ở đó, sự phân định dở hay, cũ mới, tiên tiến, lạc hậu hoàn toàn chỉ mang tính chất tương đối. Người Nhật đặt ra mục tiêu hàng đầu cho trẻ em là phát triển thể lực và hành vi ứng xử. Vì thế, trước khi học chữ nghĩa, tính toán, trẻ em Nhật Bản được rèn luyện thể chất với các môn thể thao, với bộ đồng phục mang tính chất “thách thức thời tiết” và đặc biệt nuôi dưỡng đời sống tinh thần. Phải chăng vì thế, mà đọc truyện tranh Đôremon, luôn có chi tiết thầy giáo dạy học sinh về việc tôn trọng bạn gái, việc ứng xử nơi công cộng. Giáo dục Australia đề cao khả năng quan sát, khám phá thế giới nên chương trình học dành nhiều thời lượng cho chủ đề vũ trụ, thiên nhiên và cơ thể con người. Theo dõi facebook cá nhân của một người bạn định cư ở Melbourne, tôi đã rất hứng thú với những bài học trên nông trại, trong rừng nấm, ngoài xưởng trường. Người Mỹ coi trọng khả năng thuyết trình và tranh biện nên hầu hết các buổi học đều sôi nổi. Chuẩn mực “trật tự, khoanh tay lên bàn, mắt nhìn lên bảng” của học sinh Việt Nam không được đón chào ở vương quốc cờ hoa. Nhìn chung, các nền giáo dục tiên tiến không đặt nặng yêu cầu học thuật đối với học trò nhỏ tuổi mà ưu tiên việc phát triển vận động, năng khiếu nghệ thuật, kỹ năng sống và hành vi ứng xử.

Giao tiếp học đường rất cần được đổi mới

Trước áp lực đổi mới, ở Việt Nam, nhiều phương án được đặt ra và gần đây nhất, người ta bàn tới khái niệm “nhập khẩu giáo dục”. Tháng 8/2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã có chuyến công tác tại Phần Lan - quốc gia được mệnh danh là “thiên đường giáo dục” để trao đổi hợp tác, thúc đẩy tình hình giáo dục trong nước. Sự kiện đã dấy lên trong cộng đồng hoài nghi, liệu Bộ Giáo dục có thực hiện “nhập khẩu giáo dục”, bao gồm chuyển giao mô hình, công nghệ giáo dục, mua bản quyền sách giáo khoa nước ngoài để áp dụng vào Việt Nam? Mặc dù Bộ đã phủ nhận thông tin trên, song điều này vẫn gây tranh luận sâu rộng. Câu hỏi đặt ra là: tại sao người Việt sùng hàng ngoại, thích các chương trình giải trí bản quyền ngước ngoài mà lại lo lắng trước nền giáo dục “nhập ngoại”? Phải chăng, sự thất bại của mô hình trường học mới VNEN đã khiến chúng ta như “con chim sợ cành cong”?

Trên thực tế, các quốc gia trên thế giới đã tiến hành nhập khẩu giáo dục cả hai chiều Đông - Tây trong suốt thế kỷ XX, thậm chí trước đó. Quá trình này luôn gặp phải thách thức là môi trường xã hội với những nền tảng khác biệt về kinh tế, văn hóa. Ở nước ta, vật cản cho phương án nhập khẩu giáo dục không chỉ nằm ở điều kiện vật chất, trình độ quản lý, đội ngũ giáo viên mà còn ở tập quán văn hóa và ý thức hệ. Sở dĩ, người Phần Lan thành công với mô hình trường học vui vẻ “không thi cử, không bài tập về nhà, không áp lực thưởng phạt” là bởi ngay từ đầu thế kỷ XX, họ đã xây dựng triết lý giáo dục, nhấn mạnh mục tiêu của giáo dục là phát triển năng khiếu, nhân cách, ứng xử và tránh xa sự áp đặt khuôn mẫu. Mọi sinh viên sư phạm đều được học triết lý này ngay từ năm đầu tiên, giống như lời thề Hippocrates của ngành Y. Điều này khác xa so với tâm lý học tập gắn với mục đích khoa cử, với danh dự gia đình và tâm lý ganh đấu ở Việt Nam. Do vậy, mặc dù biết, trẻ nhỏ cần khám khá thế giới bằng hình thức vui chơi hơn là nhồi nhét kiến thức, nhưng không mấy gia đình dám “bình chân như vại” nhìn con mình vui chơi với cỏ cây hoa lá trong khi các bạn khác đua nhau đến lớp học thêm. Điều này, thậm chí cũng không được giáo viên và nhà trường khuyến khích bởi nó sẽ ảnh hướng đến thành tích chung của tập thể, khi mà chúng ta chỉ có kỳ thi giải toán mạng, Olympic các môn, chứ không có dụng cụ nào để đong đếm sự trải nghiệm và tinh thần vui vẻ của học trò. Các nước phát triển đề cao việc rèn luyện thể chất và kỹ năng thích nghi, họ dám để con em mình tự lập vài ngày trong rừng, tập luyện trong băng giá, sinh sống trong các khu ổ chuột để trải nghiệm bản năng sinh tồn. Liệu tâm lý “giữ con” cố hữu của người Việt có cho phép chúng ta làm như vậy? Việc chấp nhận tự do cá nhân, coi trọng sự khác biệt, bình đẳng hóa mối quan hệ thầy - trò là điều không dễ làm quen một sớm một chiều, ngay cả với người học lẫn người dạy. Hay đơn giản hơn, áp dụng thời khóa biểu của các nước châu Âu cho học sinh Việt Nam đã là một điều khó khăn. Tập quán không ngủ trưa thiết lập lịch học xuyên ca từ 9h sáng đến khoảng 3h chiều. Điều này là bất khả dĩ đối với trẻ nhỏ nhiều nước châu Á, lại không tạo điều kiện thuận lợi cho sự đưa đón của cha mẹ, trong khi, việc tổ chức đưa trẻ đến trường bằng phương tiện công cộng lại không thể thực hiện đồng bộ. Mô hình học tập qua hình thức dã ngoại, học kỹ năng sống qua thực hành trải nghiệm đòi hỏi điều kiện vật chất, trang thiết bị chu đáo cũng mới chỉ là ước mơ, để người trong cuộc thở dài tiếc nuối “rằng hay thì thật là hay”…

Giáo dục luôn được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển quốc gia bởi sản phẩm của giáo dục là con người - nhân tố quyết định sự thành bại của hầu hết những vấn đề xã hội. Đứng trước cánh cửa hội nhập, giáo dục có cơ hội được đổi mới và chịu áp lực phải đổi mới. Nhưng đổi mới ra sao, đổi mới đến đâu và bằng cách nào thì vẫn là một bài toán cần sự chung tay giải quyết của cả xã hội.

Suối Linh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy