Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
13:32 (GMT +7)

Lan man chuyện bắt tay cùng những thói quen mới thời Covid

(VNTN)

Giảm hẳn tật bắt tay

Tôi đã cười như thằng rồ khi thấy một bạn đăng lên “phây” ảnh mấy ông chào nhau bằng... chân, thấy bảo nó tràn trên mạng ấy. Vào tìm thì thấy hay thật, bèn áp dụng ngay. Hôm vào Sài Gòn, gặp ông bạn, hai đứa khuỳnh khuỷu tay ra đụng chân nhau, rất “cute”. Sau đấy ra sân bay Tân Sơn Nhất bay về Quy Nhơn, thấy mấy bà sồn sồn bịt kín từ đầu tới chân, tay đi găng nữa, gặp nhau cũng... chào bằng chân!

Suốt thời gian qua cả thế giới báo động về dịch Covid. Chống nó chưa được thì phải tránh và trốn thôi. Khẩu trang là ưu tiên đầu tiên. Ra đường cứ ngàn ngạt khẩu trang. Thực ra là tưởng thế, tôi vừa đi một chuyến từ Sài Gòn ra Hà Nội, thấy số người đeo khẩu trang chiếm chừng 60 đến 70%. Thì cũng có những khuyến cáo là người khỏe mạnh không cần khẩu trang. Khẩu trang là để dành cho người ốm và người trực tiếp điều trị cho người ốm. Thế nên, ngay ở sân bay Tân Sơn Nhất hay Nội Bài, là những nơi tưởng như virus thảnh thơi bay lượn thì cũng không phải là một trăm phần trăm đều đeo khẩu trang đâu. Nhưng có một món có vẻ giảm hẳn, ấy là... bắt tay.

 

Tổng thống Tanzania John Magafuli "bắt chân" chính trị gia đảng đối lập Maalim Seif Sharif Hamad

Chả biết từ đâu, dân nhậu Việt Nam (chiếm khá đông dân số) có cái tật uống xong một ly là... xòe tay ra bắt. Có những cái bắt tay vô duyên hết sức. Đang yên đang lành ngồi trong bàn, một ông lạ hoắc nào đấy lừ lừ cầm cái ly xông tới. Chạm ly. Ực phát cạn, không cạn được thì cứ đứng cho cạn thì thôi. Xong thì... xòe tay ra bắt, chả biết ai ra ai, có khi bắt tay người này nhưng mắt nhìn người khác. Cơ khổ là hàng ngàn bi hài kịch bắt tay khi nhậu. Nạn này kinh hoàng nhất là khi đi đám cưới, và ngồi chung bàn trót có ông nào đấy... nổi tiếng.

Món bắt tay du nhập từ ngoại quốc, đơn giản ban đầu chỉ để chứng minh là tớ đi tay không nhé, tớ không mang dao búa gì nhé. Thế mà giờ nó phổ biến hang cùng ngõ hẻm ở Việt Nam, dù ngày xưa các cụ gặp nhau có bắt tay bao giờ. Chắp tay chào nhau rất lịch sự và khiêm tốn. Uống xong một ly bắt tay đã đành, giờ xuống làng người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, vào nhà họ, bao giờ họ cũng đứng chờ, giơ tay ra bắt rất hân hoan. Thường là họ giơ tay phải, tay trái nắm lấy cổ tay phải, rất đúng điệu. Hỏi họ mắc chi bắt tay, họ cười rất tươi, xem trên tivi thấy thế.

Dân Việt ta rất nhiều người bắt tay như... “nghiện” mà chả biết quy tắc bắt tay gì cả, thấy ai cũng giơ tay ra bắt búa xua, mà không biết rằng, chỉ người lớn chìa tay ra cho người nhỏ, chỉ nữ chìa tay cho nam, chủ nhà chìa cho khách... Còn họ không chìa thì đừng có thò tay ra. Xem tivi thấy cảnh trao quà hoặc tặng thưởng gì cho học sinh ấy, kể cả các cháu... mẫu giáo, trao xong các bác được mời lên trao cũng... bắt tay các cháu. Nhìn bàn tay các cháu bé xíu lọt thỏm giữa lòng bàn tay các bác mà thương. Có bác còn nắm lấy lắc lấy lắc để. Cơ khổ, khéo bọn trẻ có biết bắt tay là gì đâu. Món này hay xuất hiện ở các dịp hè, các trường tổng kết, mời các bác lãnh đạo lên trao quà, rồi về địa phương, con ai có giấy khen, là học sinh giỏi, lại được địa phương trao nữa, lại... bắt tay.

Lại có cái kiểu bắt tay nhưng co ngón trỏ lại, cào cào vào lòng bàn tay người được bắt. Trời ạ, nó thô bỉ và buồn cười. Tôi từng ngơ ngác mất nguyên buổi khi bị một người bắt tay kiểu thế. Một bạn nữ kể, từng suýt cho đối tác một cái tát cũng vì kiểu bắt tay khều khều như thế, vì cho rằng đấy là tín hiệu... sàm sỡ. Tôi phải bảo, sàm sỡ gì đâu, đứa bắt tay ấy, nó biết quái gì, thấy người ta khoèo thì cũng khoèo, tưởng thế là... bắt tay.

Nhưng bản thân cũng có lần bị đau ngón tay. Một ngày phải xin lỗi bao lần trước các bàn tay chìa ra bắt, mà rồi nào có thoát, vẫn bị những cú vặn đau điếng.

Có lần ngồi với mấy anh em Phú Thọ, họ tự hào kiểu hài hước bảo, cái món bắt tay xuất phát từ quê họ, và họ đọc: Uống rượu bắt tay biết ngay Phú Thọ. Nhưng sau này bất cứ địa phương nào cũng có thể đính tên mình vào thay tên Phú Thọ. Tức nó là... “đặc sản quốc gia”. Ngay cả ở Tây Nguyên, xuống làng, không phải bây giờ, cả chục năm trước, họ đã bắt tay búa xua rồi. Họ mà đang nhậu bắt tay mới kinh, vì đa phần người Tây Nguyên ăn bốc. Nhậu ăn bốc mới sướng, ngay người Kinh cũng hay tuyên bố thế. Thì chả đã có câu: "Thịt gà, xôi nếp, đàn bà/ cả ba thứ ấy thì là... dùng tay" đấy ư? Tay đang ăn bốc, xòe ra nắm tay khách, lắc lấy lắc để, rồi lại quay lại miếng xương đang gặm dở?...

Thì bây giờ, cái món bắt tay ấy giảm thấy rõ rệt. Thấy báo chí đưa tin rầm rộ một bộ trưởng trong nội các từ chối bắt tay thủ tướng Đức cũng vì sợ... Covid. Thì trong cái rủi có cái may, là cái “con Cô vít” ấy nó làm người ta sợ bắt tay, dần rồi bỏ đi. Chỉ bắt tay trong những trường hợp không thể không bắt, như tiếp khách, ngoại giao, còn như uống rượu, có ai bắt đâu mà cứ phải uống xong là bắt tay. Có ông mời bàn mười người, cứ đứng chờ, ông nào uống xong là ông thò tay ra bắt, kể cả việc người uống xong ngồi phía bên kia bàn, ông vươn người qua, tay áo hoặc cà vạt lại chấm vào thức ăn trên bàn.

Và bắt tay nhiều khi nó thành... hỗn. Thì người trẻ cứ xưng xưng chìa tay cả loạt bắt tay tất cả mọi người, bất kể địa vị, tuổi tác. Mà bắt kiểu ấy nó có thắm thiết gì đâu. Tay nhũn nhùn lạnh lẽo, chỉ đặt mấy ngón hờ hững vào tay người được bắt. Chưa kể có người địa vị cao, đi họp muộn, nhưng vào chỗ xong không chịu ngồi xuống ngay, mà quay phải quay trái, quay trước quay sau, bắt tay hết lượt đã.

Giờ có dịch, cứ khư khư trong túi lọ gel rửa tay khô, nửa tiếng một lần xịt ra tay, nó vừa vệ sinh lại vừa... tránh được bắt tay.

Những thói quen mới

Tầm 3 giờ chiều, đứng trước cửa nhà một cô bạn ở khu Phú Mỹ Hưng Sài Gòn, gọi điện thoại định nhờ tí việc liên quan đến chữ nghĩa. Một giọng ngái ngủ ề à: Em vừa ngủ, có việc gì quan trọng không anh? Thôi, không nên kinh động đến giấc ngủ thần thánh này bèn rất nhanh: Không, là anh đang ngồi cà phê, nhớ em gọi chơi… Nhưng sau mới biết, nó là thế này.

Nhân vụ Cô Vít ấy, cô này theo “trend”, cũng... dọn nhà. Và dọn nhà mới thấy rất nhiều chuyện hay. Ấy là dọn nhà nó không chỉ là dọn nhà, mà nó là tình yêu của mình với ngôi nhà ấy, là khẳng định sở hữu, là thấy từng ngóc ngách nó chứa đầy yêu thương, kỷ niệm, nó rưng rưng những ngọt ngào cay đắng, nó là tháng là năm, là thời gian khi ngưng đọng, lúc vù vù...

Và cứ thế ngày nào cũng miệt mài. Và cũng bởi các cụ xưa đã bảo: “Bói ra ma, quét nhà ra rác”. Và rồi mệt. Lâu nay việc ấy của công nhân vệ sinh theo giờ. Nó có thể mới nhìn rất sạch, nhưng nhìn kỹ thì không hẳn thế. Và cái chính là, nó thiếu hơi thở của chính mình, giọt mồ hôi của chính mình. Và mới té ra, nhờ Covid, người ta trở lại với những thói quen.

Ví dụ như hết giờ là về, ít la cà quán xá. Quán xá đang vắng như thời... dịch cúm. Người ta quan tâm tới nhau hơn, bởi người ta có thời gian để quan tâm. Trước xong việc tạt vào đâu đấy, bù khú bạn bè, về tới nhà là... ngủ. Giờ, về sớm, nấu ăn, dọn nhà, chơi với con, và... nói chuyện.

Thành thật, bao lâu rồi, những gia đình thành thị ít có thời gian ngồi với nhau, nói chuyện với nhau. Càng ngày trong thế giới hiện đại con người càng cô đơn, cô đơn ngay chính trong căn nhà của mình?

 

Nhiều người tăng cường luyện tập thể thao để phòng bệnh trong mùa dịch.

Ảnh: Baodongnai.com.vn

Và nhiều thói quen đang được bỏ. Như dùng giẻ lau, giờ đang được thay bằng giấy dùng một lần. Người Việt đều có chung một nguồn gốc là nông dân, nên căn cơ tằn tiện. Nó hiện lên từ cái... giẻ lau. Đa phần là dùng từ những bộ quần áo cũ, bỏ đi, không mặc được nữa thì làm giẻ lau. Phàm người Việt đều nhớ và biết câu: “Lành làm gáo, vỡ làm môi, lôi thôi làm thìa”. Chả bỏ đi thứ gì dù nó cũ nó vỡ... nên quần áo, kể cả quần áo lót cũng được sử dụng làm giẻ lau, làm lót nồi... là đương nhiên.

Rồi dùng chung bát nước chấm. Đa phần các gia đình người Việt thường dùng chung một bát nước chấm. Giờ thói quen ấy cũng đang... dịch chuyển, ấy là mỗi người một bát nước chấm riêng. Nó lại khổ thế này, ẩm thực Việt cầu kỳ, mỗi món lại phải có nước chấm khác nhau. Rau muống khác rau cải, thịt lợn khác thịt gà, cá khác tôm... Có tới hàng vài chục loại mắm, và tương đương thế là cách pha chế chỉ để phục vụ cái gu tinh tế của ẩm thực Việt. Một mâm cơm mà bày ra mỗi người ba bốn bát nước chấm thì cũng... chả đủ chỗ. Hôm qua vào nhà bạn, tôi thấy rất nhanh, đã có một bộ khay nước chấm, trong đấy có nhiều ngăn, nhiều ô để các ông bà cầu kỳ đựng nước chấm vào đấy mà dùng riêng.

Rồi rửa tay. Tác phong ba xoa hai đập (chân) trước khi lên phản ngủ, rồi chùi tay vào quần của cha ông nó ngấm rất sâu vào máu rồi. Nhớ trong bộ phim Việt nào đấy, có cô Mai Hoa ca sĩ nhưng trong phim này đóng một chị nông dân, có cảnh chị đang cuốc đất thì có khách, chị vất cuốc đấy, tong tả chạy lên, vừa chạy vừa miết hai bàn tay vào quần, sấp rồi ngửa tay miết. Tôi cho là chi tiết này rất đắt, nó đúng là một chị nông dân thứ thiệt. Giờ ngày rửa tay đến mấy chục lần, làm gì xong rửa tay đã đành, chả làm gì cũng rửa tay, nó trở thành một thói quen, cái thói quen mà một bác sĩ bạn tôi bảo chị rất mừng, bởi cái bàn tay con người ấy, nó vô cùng... bẩn, thượng vàng hạ cám đều qua bàn tay ấy, giờ luôn luôn sạch, luôn luôn sát trùng, mừng lắm.

Tôi là người rất dị ứng với chuyện đeo khẩu trang, ban đầu là từ các bà các chị, nó làm đen ngòm cả phố đi, nó làm xấu chị em đi. Không chỉ khẩu trang, các bà các chị còn trùm kín từ đầu tới toàn thân, trông như một khối vải di động lùng thùng ngoài đường. Giờ té ra, đeo khẩu trang mới là văn minh. Nhà văn Hoàng Đình Quang bảo: giờ vào thang máy chung cư mà không đeo khẩu trang mình như thằng hủi xuất hiện.

Giờ thì tôi công nhận: đeo khẩu trang ở thời buổi bây giờ cũng là một hành vi văn minh. Và những thói quen văn minh đang dần thay thế những hành vi lạc hậu, cũng là dịp may mà con virus Covid mang lại...

VĂN CÔNG HÙNG

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy