Làm mẫu không chuyên, được và mất
VNTN - Xu hướng làm đẹp ngày một phát triển, kéo theo các trung tâm, cơ sở dạy nghề (phun xăm thẩm mỹ, làm nail (móng), trang điểm,...) gia tăng. Từ đây, nhu cầu tuyển mẫu rất cao và làm mẫu không chuyên trở nên thịnh hành, hấp dẫn các bạn nữ trẻ, nhất là sinh viên.
Được làm đẹp “free”
Dạo một vòng trên mạng dễ dàng tìm thấy hàng chục trang Facebook, website của các trung tâm, cơ sở dạy làm đẹp hoặc của chính học viên đăng tuyển mẫu trang điểm, làm nail, phun xăm thẩm mỹ (phun xăm môi, mí, lông mày)… Yêu cầu đối với mẫu gần như không có, ngoại trừ với mẫu trang điểm khuôn mặt cần chút ưa nhìn và hạn chế khiếm khuyết về da. Công việc tương đối “nhàn”, bỏ ra vài giờ đồng hồ làm mẫu cho học viên thực hành là có thể được nhận “lương” bằng chính sản phẩm mình làm mẫu. Việc làm mẫu không chuyên này vì thế trở nên hấp dẫn các bạn nữ trẻ, nhất là sinh viên - những người có tư tưởng thoải mái, lại không quá bó hẹp thời gian.
Mẫu thường bị đau khi học viên thực hành những kỹ thuật cắt móng, lấy khóe, giũa sửa móng... (Ảnh minh họa: H.C.C)
Bình thường mức giá trang điểm hay làm nail đơn giản khoảng 100-200 nghìn đồng; với nail đính đá, trang điểm cô dâu, hoặc phun xăm môi, mí, lông mày cần kỹ thuật phức tạp và chi phí “đồ nghề” cao thì mức giá phải từ 0,5 - 2 triệu đồng. Không phải mất một khoản tiền lớn như trên mà vẫn được “làm đẹp” chính là điểm mấu chốt thu hút mẫu. Dù thực tế, đôi khi tùy từng trung tâm, cơ sở dạy nghề mà mẫu có thể phải bỏ chút phụ phí (như tiền đá đính nail, tiền mực phun xăm...); nhưng ngược lại, có khi ngoài sản phẩm nhận về mẫu còn được tiền công, song con số này không nhiều.
Hậu quả của việc phun xăm môi hỏng. (Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Nguyễn Thị Hậu (19 tuổi, phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên) lần đầu tiên nhận làm mẫu trang điểm cho hay: “Tình cờ trong một lần đưa bạn đi nối mi, học viên của tiệm đang thiếu mẫu trang điểm nên nhờ em làm mẫu luôn.”. Ngoài được trang điểm Hậu còn được làm tóc để chụp ảnh, được chỉ dẫn cách tạo dáng, cách diễn tả cảm xúc hay đánh mặt về góc nào để có được những bức ảnh đẹp. “Vậy là “tự dưng” em lại có một bộ ảnh ưng ý mang về “nuôi phây”, cùng với đó là chút tiền công 30 nghìn đồng”, Hậu cho biết thêm.
Làm mẫu nail hay phun xăm thẩm mỹ, vì không mất phí nên khó được coi là khách hàng, song mẫu vẫn được quyền lựa chọn màu, kiểu dáng, họa tiết… cho riêng mình. Cũng không vì là mẫu mà họ bị đối xử không tốt hay bị làm cẩu thả, qua loa. Bởi trong quá trình học viên thực hành trên mẫu thường được các thợ dạy ở bên quan sát và chỉ dẫn tỉ mỉ; bản thân mỗi học viên cũng luôn cố gắng thực hành bài tập tốt nhất có thể. Nguyễn Phương Thảo (22 tuổi, phường Tân Thịnh, TP. Thái Nguyên) đã từng đi làm mẫu xăm mày chia sẻ: “Vì là làm trên mặt của mình nên họ cũng tỉ mỉ, nhẹ nhàng lắm. Học viên và thợ chỉ dạy bên cạnh thỉnh thoảng lại hỏi: Em có đau không? Lúc nào thấy đau, rát thì nói nhé!”.
Nhiều bạn trẻ sau khi làm mẫu có thể học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm như: Mắt một mí thì phải làm thế nào? Đánh kem nền, tạo khối ra sao? Đánh mắt kiểu gì cho phù hợp? Rồi vẽ móng như nào cho khéo, phối màu ra sao? Và lâu dần sẽ có kinh nghiệm chẳng kém gì “chuyên viên”.
Nhưng không đẹp thì sao?
Mẫu được tuyển chủ yếu là để học viên - những người non tay cả về kinh nghiệm lẫn kỹ thuật - thực hành, nên đằng sau những cái “được” vừa kể trên, họ phải chấp nhận cả những cái “mất” và rủi ro không mong đợi.
Đầu tiên là mất thời gian. Thông thường với thợ chuyên nghiệp làm một bộ nail đơn giản mất khoảng 1 tiếng, bộ cầu kỳ phải 2 tiếng hoặc hơn; trang điểm mặt thường khoảng 1 - 1,5 tiếng, trang điểm cô dâu cần kỹ hơn mất khoảng 2 tiếng; phun xăm môi, mí, mày mất khoảng 1 - 1,5 tiếng... Vậy nên xác định làm mẫu cho học viên thực hành thì phải bỏ ra khoảng thời gian gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với trên.
Kế đến là chuyện đau đớn. Những kỹ thuật cắt móng, lấy khóe, giũa sửa móng khi học viên thực hành thường làm mẫu bị đau, như: cắt da dư quanh móng quá sát gây chảy máu; chừa đầu móng quá cong hay cắt quá ngắn khiến móng khi mọc đâm vào trong thịt gây đau nhức, thậm chí tấy sưng, nhiễm trùng; hoặc giũa móng tự nhiên không chuẩn gây nóng rát phần móng... Đã 4 lần làm mẫu nail, Nguyễn Ánh Linh (20 tuổi, phường Đồng Quang, TP. Thái Nguyên) ít nhất vài lần bị học viên cắt sửa móng đau. Đặc biệt sau lần làm mẫu thứ 4, tay Linh bị chín mé, sưng húp, phải uống thuốc kháng sinh và giảm đau suốt một tuần. Đến giờ Linh vẫn sợ, chưa dám nhận làm mẫu lại.
Còn với mẫu trang điểm, ngoài quá trình làm mẫu bị đau do cọ mắt xát mạnh vùng mắt hay bị kẹp nhầm mí mắt... thì việc da bị kích ứng, mẩn đỏ, nổi mụn, thậm chí viêm da sau khi trang điểm là chuyện không hiếm. Có thể do da nhạy cảm, cũng có thể do chất lượng mỹ phẩm không đảm bảo. Một cốp đồ trang điểm đầy đủ giá thành khá cao (ít nhất cũng hơn chục triệu đồng) và không phải trung tâm, cơ sở dạy nghề nào cũng chịu đầu tư đồ tốt.
Bị sưng tấy, đau nhức lại là chuyện thường tình với mẫu phun xăm thẩm mỹ bởi vùng da ở môi, mí, mày nhạy cảm, đòi hỏi kỹ thuật đi kim phải có độ chính xác cao. Trong khi học viên thường là những người có ít kinh nghiệm, đường kim đi thường thiếu chính xác, thay vì đi kim 1 lần sẽ phải đi 2, 3 lần làm tổn thương da nhiều. Đấy là còn chưa nói đến chuyện thiết bị máy móc của cơ sở dạy nghề. Nếu máy phun xăm kém chất lượng, hoặc đầu kim phun xăm không đảm bảo cũng sẽ ảnh hưởng đến độ chính xác của đường kim. Đặc biệt là mực xăm, nếu là mực trôi nổi, không có nguồn gốc sẽ chứa nhiều hóa chất độc hại gây nguy cơ dị ứng như vùng phun, xăm bị viêm, mưng mủ, bong tróc da liên tục.
Với mẫu trang điểm, ngoài được “làm đẹp” còn có được bộ ảnh ưng ý mang về. (Ảnh: H.Đ)
Cuối cùng, những mẫu không chuyên này phải xác định bản thân là “chuột bạch”. Không phải cứ làm mẫu là có được sản phẩm như mong đợi. Như trường hợp của Linh: “Có lần em làm mẫu bộ móng vẽ, nhìn trong ảnh kiểu móng đẹp long lanh nhưng đến khi học viên hoàn thành xong tác phẩm thì trông nguệch ngoạc như trẻ con tô vẽ nghịch.”. Hay không ít mẫu trang điểm phải khóc ròng khi bị học viên lỡ tay cạo mất một phần lông mày hay bị cháy tóc khi là, uốn tạo kiểu sau trang điểm... Với những sự cố không mong muốn này mẫu đành phải ngậm ngùi chịu đựng hoặc được học viên bồi thường chút tiền gọi là “an ủi”.
Nhưng có lẽ, với những mẫu phun xăm thẩm mỹ, chuyện “chuột bạch” có vẻ nặng nề hơn. Lên mạng xã hội, không khó để bắt gặp những bức ảnh “đáng sợ” - hậu quả của việc phun xăm môi, lông mày hỏng. Rõ ràng, với khách hàng - những người phải bỏ tiền ra để sử dụng dịch vụ từ thợ phun xăm thẩm mỹ còn phải đối mặt với chuyện môi, mí, mày bị lỗi; thì với mẫu - những người được thực hiện phun xăm bởi học viên, chất lượng không thể nói trước. Dẫu rằng, mẫu có thể được thợ dạy nghề đảm bảo nếu học viên làm có sai sót gì thì đích thân thợ dạy sẽ sửa lại cho họ. Song thực tế để sửa lại một sản phẩm môi, mí, mày bị lỗi là không dễ dàng, việc xóa xăm đòi hỏi nhiều công phu và tốn kém thời gian. Bên cạnh đó, đa phần các trung tâm, cơ sở sử dụng kỹ thuật tia laser để xóa xăm, dẫn đến nguy cơ có thể bị tổn thương vùng da, thậm chí để lại sẹo.
***
Được làm đẹp là nhu cầu chính đáng của chị em. Song dù làm mẫu hay là khách hàng thì đều nên lựa chọn những cơ sở uy tín, chất lượng; đừng tùy tiện giao phó “nhan sắc” của mình bởi làm đẹp có thể là chuyện nhỏ, nhưng rơi vào cảnh “làm không đẹp” lại ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và cuộc sống.
BÍCH HỒNG - NGUYỄN NHUNG
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...