Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
00:01 (GMT +7)

Lạc phố

Nhà văn Phong Điệp

Vài nét về tác giả:

Nhà văn Phong Điệp, tên thật: Phạm Thị Phong Điệp, sinh năm 1976 tại Nam Định. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tham gia các chức vụ của Hội: Phó Trưởng ban Nhà văn Trẻ các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020; Ủy viên Hội đồng Văn xuôi nhiệm kỳ 2019 - 2021; Ủy viên Hội đồng Văn học thiếu nhi nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Từ năm 2010 đến nay, Phong Điệp là thành viên Hội đồng Giám khảo Quốc gia cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU tại Việt Nam, có trách nhiệm bầu chọn bài dự thi tham dự cuộc thi cấp Quốc tế do Liên minh Bưu chính Thế giới tổ chức thường niên.

Phong Điệp lập trang web Phongdiep.net từ tháng 6/2006 và là một trong những nhà văn Việt Nam đầu tiên lập website cá nhân về văn chương.

Đã xuất bản gần 30 đầu sách và đoạt nhiều giải thưởng văn chương.

Hiện tại Phong Điệp đang sống và làm việc tại Hà Nội.

VNTN xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Phong Điệp, qua sự tuyển chọn và giới thiệu của nhà văn Nguyễn Đức Hạnh.

Lạc Phố

Ngày đẹp trời nọ, bạn ở quê gọi điện ra cho bạn ở phố: “Tuần tới tôi ra Hà Nội công tác. Có gì gặp nhau nhé”.

Bạn ở phố hồ hởi: “Ừ, ra đi, nhất định phải gặp nhau nhé”.

Chủ nhật, trước khi lên tàu, bạn ở quê còn cẩn thận gọi điện lại cho bạn ở phố: “Sáng mai tôi có mặt ở Hà Nội”.

Bạn ở phố nghiêm giọng: “Không thay đổi đâu nhé. Nhất định thế nhé!”.

Bạn ở quê yên lòng tắt máy điện thoại, quay sang dặn vợ nhắc con công việc ở nhà lúc mình đi vắng. Lòng bồn chồn. Hồi hộp.

***

Bạn ở phố gặp bạn ở quê trong một chuyến đi công tác. Cũng là tình cờ. Trước đó hai người chưa từng biết nhau. Nhưng gặp nhau rồi thì mến nhau. Chuyện trên trời dưới bể nổ phư pháo. Chuyện nọ xọ chuyện kia, cả ngày không hết chuyện. Cứ như thể biết nhau, thân nhau từ lâu lắm rồi.

Vợ lườm đến cháy mắt cũng chả thèm biết: “Hai lão này phải bùa phải bả nhau mất rồi!”.

Bạn ở quê nghỉ cả việc cơ quan để tháp tùng bạn ở phố cả tuần lễ. Không hề kêu mệt. Miệng cười phơi phới: “Lần sau lên đây công tác, ông cứ gọi cho tôi. Không chê nhà nghèo thì cứ về nhà tôi mà ở. Cơm rau lúc nào cũng sẵn. Cần đi đâu thì tôi chở đi”.

Hết chuyến công tác, bạn ở quê còn đùm gói lớn gói bé cho bạn ở phố. Nào thì gạo nếp. Nào thì đỗ xanh. Nào thì bình rượu gia truyền chắt sang chai 65, đút nút bằng lá khô để lúc buồn uống mà nhớ nhau.

Bạn ở phố lòng đầy cảm kích: “Nhà tôi ở Hà Nội, chả giàu có nhưng cũng đủ rộng để đón bạn bè. Lúc nào ông có điều kiện, cũng xin mời ông tự nhiên đến. Cấm được khách khí. Hà Nội vừa đắt đỏ, vừa nhiễu nhương. Xin mời ông đến nhà tôi cho an toàn. Nhớ đấy. Lên Hà Nội mà không gặp tôi thì đừng có anh em gì nữa. Nhớ chưa!”.

Nói rồi cả hai ôm chầm lấy nhau, rưng rưng xúc động.

Điện thoại qua điện thoại lại. Thêm vài chuyến công tác nữa. Lần nào cũng như lần nào, bạn ở quê cũng bỏ vợ bỏ con, nghỉ cả công việc để hộ tống bạn ở phố. Rồi lúc về thế nào cũng bịch lớn bịch bé. Gì chứ, rau sạch thì vợ trên phố thích nhất. Bạn quê cười hơ hơ bảo, dân phố lạ nhỉ. Sao chỉ thích rau sạch. Gì chứ, rau quê có mà ối. Không ăn nhanh nó mọc dài ra, cũng chỉ cắt cho lợn thôi.

Chia tay lúc nào cũng bịn rịn ngậm ngùi. Bạn ở phố bảo: “Ông phải ra Hà Nội một chuyến. Chứ cứ định quanh quẩn mãi xứ nhà quê này đến già à. Phải mở rộng tầm mắt ra chứ. Không chỉ có ông mà còn cả con cái ông nữa. Phải hướng cho chúng nó thế nào chứ. Ở mãi xứ đồng rừng này cũng phí đi. Túm lại là cứ phải ra Hà Nội một chuyến. Ông chỉ phải lo vé tàu thôi. Ra ngoài ấy tôi lo tất”.

Bạn ở quê bần thần: “Thì cũng muốn có chuyến xem Hà Nội nó dọc ngang thế nào. Nhưng tự nhiên đi thì... Thôi, để khi nào có dịp. Chả nhẽ đến lúc chết không về Hà Nội được chuyến à?”.

Bạn ở phố mắng: “Đi hay không là ở mình. Con lớn, vợ đảm thế, ông không đi thì còn lúc nào mới đi. Hay hai vợ chồng làm chuyến đi chơi luôn thể?”.

Bạn ở quê lắc đầu quầy quậy: “Thôi, cứ để từ từ rồi tính.”

***

Bây giờ thì bạn ở quê đã tính xong. Ghế trên tàu đã ngồi và tàu thì cũng đã chạy. Muốn xuống cũng không kịp nữa rồi. Mà tại sao phải xuống? Rõ vớ vẩn. Phải về Hà Nội, thăm Thủ đô cái cho biết chứ. Mà đi lại bây giờ cũng tiện. 9 giờ tối lên tàu. 5, 6 giờ sáng hôm sau đã có mặt ở Hà Nội. Giải quyết tí việc của cơ quan xong thì tha hồ mà bù khú với bạn ở phố, thăm thú Hà Nội cho mở mang đầu óc.

Ti vi thì hôm nào chả xem. Phố Hà Nội lúc nào mà chả thấy. Nhưng thấy trên tivi là một chuyện. Đời thực chả hay bằng mấy tivi ấy à.

Cứ nghĩ, cứ mặc sức tưởng tưởng, thành thử cả đêm bạn ở quê chẳng thể chợp mắt nổi. Bụng đói thì véo nắm xôi vợ đã thủ sẵn trong ba lô. Gạo nếp quê, ăn vừa dẻo, vừa thơm, bạn ở quê đã xách theo cho bạn ở phố cả chục cân. Rồi thì rau sạch. Rồi thì đậu tương. Lỉnh kỉnh như người buôn chuyến. Đã làm sao, mình người nhà quê, chả mang quà quê thì mang cái gì? Mà bạn ở phố về quê, cũng chỉ thích quà quê đấy thôi.

***

Đúng 6 giờ sáng, tàu đỗ xịch ngay tại sân ga. Cuối cùng thì bạn ở quê cũng đặt được chân xuống đất Hà Nội! Mặt chưa rửa, miệng chưa súc. Dép quai hậu vàng khè mầu đất đồi.

Bạn ở quê nhanh trí, rút bi đông nước bên hông ba lô, vừa súc miệng vừa rửa mặt. Điện thoại hối hả nhấn số. Chuông đổ mà không thấy đầu kia nhấc máy. Bạn ở quê tần ngần đút điện thoại trả lại vào trong túi quần. Được hai ba phút lại sốt ruột lôi điện thoại ra, hì hụi nhấn số. Chuông đổ dài. Đổ mãi. Tới chừng bên kia cũng nhấc máy. Giọng đàn bà ngái ngủ, gắt gỏng:

“Alô?”

Bạn ở quê tắt máy cái rụp. Chả hiểu sao lại làm thế. Như kiểu bị ai bắt quả tang làm việc sai trái. Nhưng mình có sai gì đâu? Sao đang gọi cho thằng bạn lại có tiếng đàn bà? Cho đến lúc hồi tâm lại, lẩm nhẩm: “Có khi vợ thằng bạn”. Chả bù cho vợ ở quê, chuông có kêu từ sáng đến tốì cũng không bao giờ nghe điện thoại của chồng. “Báu bở gì cái giống lô lô ấy, nghe nhiều chả tổ chết sớm!”.

Đến Hà Nội, tự nhiên lại nhớ con vợ. Chả đâu vào đâu. Bạn ở quê tự cười mình. Chần chừ hơn mươi phút nữa, mới lại dám nhấn số. Lần này chuông chỉ đổ có một hồi bên kia đã trả lời.

“Tôi nghe đây! Ông ở đâu rồi hả?”

Bạn ở quê thở phào: “Đang ở ga đây”

“Ok. Đứng đấy, tôi ra ngay”.

***

Bạn ở quê ngồi xo ro trên bậc thềm nhà ga đến hơn 7 giờ thì bạn ở phố sầm sập lao xe đến. Xe pháo gì mà tiếng máy nổ cứ rông rổng rông rổng. Đàn ông có cái xe đi mà cũng chả chịu để ý.

“Ông lên xe, tôi chở ông đi ăn sáng” - Bạn ở phố chả bận tâm chuyện xe pháo vừa bị phê bình, giục bạn ở quê.

Quán vỉa hè, ghế cập kênh kê ngay miệng cống. Khách ra khách vào tấp nập. Mùi nước dùng thơm ngào ngạt bên mùi cống thum thủm. Hai thằng hai bát, châu đầu vào nhau húp xì xoạt. Ăn chưa xong đã thấy ba bốn người quây quanh, chờ đến lượt mình có ghế để ngồi xuống. Thành thử ăn cứ như ma đuổi. Tăm chưa kịp xỉa, nước chưa kịp uống hai thằng lại vè vè xe máy lao ra phố. Phố bây giờ mới thật là phố. Nắng sùng sục trên đầu. Gió tịnh không có được một tí hơi mát gọi là. Cả chặng đường người xe ì ạch chen từng khe hẹp để lách. Gần tiếng đồng hồ hai thằng mới lôi nhau được đến quán café, người mệt nhừ.

Hỏi han nhau chưa hết một câu chuyện thì điện thoại của thằng bạn đã reng reng.

“Chết rồi, tôi phải về cơ quan họp giao ban với lãnh đạo. Không bỏ được ông ạ. Thông cảm cho nhau cái nhé. Ông có đi đâu thì lấy xe tôi mà đi”.

“Đường sá thế này, tôi biết đằng nào mà lần. Thôi có gì tôi gọi xe ôm”.

“Ừ, thế cũng được. Có gì trưa tôi gọi lại. Đồ đạc của ông cái gì cần thì cầm theo, cái gì không cần thì để tôi mang đến cơ quan cho khỏi phải tha lôi”.

“Thế thì tiện quá. Đây có tí quà quê, ông cầm luôn cho tôi. Giờ tôi cũng phải đi giải quyết tí việc cơ quan. Chắc chỉ tí là xong. Có gì thì tôi gọi điện...”.

“Ờ, thế nhá. Có gì điện thoại nhá”.

***

Nhưng mà cái điện thoại cũng không cánh mà bay. Chả biết từ lúc nào. Nó tự rơi ra khỏi túi hay có kẻ xấu nào thấy chủ nhân sơ hở tiện tay thó mất. Nói chung mất là mất. Mất thì hết cái liên lạc. Như người cụt chân cụt tay, mất phương hướng. May mà bạn ở quê còn nhớ được số điện thoại của bạn ở phố, chứ bình thường khi đã lưu số vào điện thoại là chả mấy khi còn nhớ được.

10 giờ, ở trạm điện thoại công cộng. Bạn ở quê gọi cho bạn ở phố. Điện thoại ngoài vùng phủ sóng.

Thôi thì rảnh rang tự mình dạo phố. Hà Nội quả có khác xứ nhà quê - bạn ở quê vừa đi vừa tấm tắc. Cửa hàng điện máy, hàng trưng ra tận mép vỉa hè, loa thùng nện đùng đùng. Đi gần chả khéo thì ù tai. Siêu thị thì điều hoà mát lịm. Thang máy ro ro chạy, chả phải nhọc công bước. Nhưng đặt mắt vào đâu cũng toàn tiền triệu, người cứ là giật mình thon thót. Ra Hà Nội chuyến này, bạn ở quê cũng chỉ dắt lưng triệu bạc, tưởng thế đã là xông xênh, hoá ra chả bõ bèn gì với mức tiêu dùng của người ở phố.

Siêu thị vòng đi vòng lại mãi cũng chán, bạn ở quê lại lộn ra phố. Nào thì cửa hàng kem tươi Thuỵ Sĩ, bánh ngọt Pháp. Nhìn thấy đã thèm. Lũ con trong quê mà vớ được cái của này thì có mà ăn quên chết.

Cuốc bộ rền rã một chặp, nhìn đồng hồ đã gần 12 giờ. Mồ hôi rần rần chảy sau lưng. Mắt nháo nhác tìm trạm điện thoại công cộng. Số đã ghi sẵn mảnh giấy đây rồi. Nhưng sao điện thoại vẫn ngoài vùng phủ sóng?

Bạn ở quê bần thần “đi làm sao, đứng làm sao bây giờ”? Không thể 12 giờ nắng chang chang vẫn cứ phát vãng trên phố được. Cả đêm qua lại mất ngủ.

Nắng nóng, mệt mỏi, điện thoại mất khiến cho bạn ở quê trở nên bực dọc. Nhưng bực thì cứ bực chứ còn biết làm gì bây giờ? Liên lạc thì không liên lạc được. Đi chơi thì cũng chả còn hứng mà đi chơi. Đành tạt vào quán nước ngã tư đầu phố. Mấy cô cậu phục vụ tạp dề đỏ, mũ nồi đội lệch trông cũng vui mắt.

“Anh uống gì ạ?”

“Có nước chanh không?”

“Dạ có”.

Nước chanh sóng sánh kề tận mồm. Lát chanh cài trên thành cốc, cùng một chiếc ô giấy mầu hồng xinh xắn. Rõ rách chuyện. Có phải đàn bà con nít đâu mà ô với chả dù. Bạn ở quê nâng cốc, làm một hớp. Trời ạ, sao có thứ nước chanh gì mà ngọt đến khé cả cổ thế này hả giời. Đám nhân viên phục vụ mũ nồi lệch, tạp dề đỏ chả ai buồn để ý đến bạn ở quê. Chả lẽ hỏi xin cốc nước lọc pha thêm cho đỡ ngọt? Đành phải đợi cho mấy cục đá tan hết, nước sẽ loãng hơn. Thôi cũng là cách giết thời gian.

Ba mươi phút thử thách kiên nhẫn với cốc nước chanh ngọt khé cổ, bạn ở quê quyết định gọi điện cho bạn ở phố.

“Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được…”.

12 rưỡi trưa. Bát phở khi sáng cũng đã cạn kiệt từ lúc nào. Không thể ngồi uống nước chanh đợi suốt trưa. Thôi thì trả tiền còn đi kiếm cái ăn.

“Dạ, của anh hết 45.000 đồng”

Bạn ở quê chút nữa thì ngã ngồi. 45.000 đồng? Tai có nghe nhầm không đây? 45.000 đồng ở quê mua được cả tạ chanh. Đằng này có mỗi cốc nước bé tẹo.

Mặt cô nhân viên lạnh te: “Vâng 45.000 đồng anh ạ”.

Đưa 50.000 đồng, trả lại 5.000 đồng. Phép cộng đơn giản nhé.

Đơn giản mà toát cả mồ hôi.

Thôi nhé, chỗ nào sạch sạch, sang sang một tí thì liệu mà tránh nhé.

Rút kinh nghiệm, bạn ở quê tìm một hàng cơm bụi. Lạy giời, thứ này ở Hà Nội có vẻ sẵn. Một cái tủ kính với đủ món được bày sẵn. Một nồi cơm bốc khói nghi ngút. Ai chọn món thì chọn, không thì tuỳ chủ hàng sắp sẵn theo từng mức giá.

“Một suất hai mươi nghìn!”

Sau vài phút đắn đo và tranh thủ quan sát, bạn ở quê cũng làm chủ được tình hình. “Tình hình” ở đây là một suất cơm trưa để tiếp tục chờ đợi.

Cơm sần sật không ra sống không ra khê. Hạt nào hạt nấy rời rã. Rau muống luộc dối còn hơi ngai ngái. Đậu phụ sốt cà chua nguội ngơ nguội ngắt. Thịt kho tầu nhồn nhột những mỡ là mỡ. Vợ con ở quê mà nấu bữa cơm thế này, thế nào cũng bị mắng té tát. Giờ thì mắng ai. Tiền thì đã đưa. Không ăn thì thôi. Kêu ca gì đây. Có ăn cơm của nhau cả đời đâu mà kêu ca. Thôi thì cố mà ăn. Xôi vợ đùm đi cho cũng chả còn mà mơ.

Bạn ở quê ngồi thở dài sườn sượt giữa quán cơm bình dân bàn ghế nhựa cáu bẩn. Xung quanh người ta vẫn cắm cúi ăn đấy thôi. Hay là mình khó tính quá? Nhưng lấy những hai mươi nghìn của người ta mà suất cơm chẳng nên hồn. Hai mươi nghìn về quê, cả nhà được bữa ngon. Mà thôi, nghĩ ngợi làm gì. Bạn ở quê tự trách mình. Sảy nhà ra nông nỗi thế này mà.

Suất cơm hai mươi nghìn cuối cùng cũng vơi được hơn nửa. Được cái ăn xong có tăm mà xỉa, không lo bị ai xếp hàng chờ lấy ghế như ban sáng. Ngồi câu kéo đến gần hai giờ chiều, bạn ở quê tiếp tục tìm trạm điện thoại công cộng, gọi cho bạn ở phố. Điện thoại vẫn ngoài vùng phủ sóng. Cứ như ông bạn tự nhiên độn thổ vậy.

***

Chán.

Bạn ở quê thấy chán.

Chẳng đi Hà Nội thì thôi. Đi rồi lại thèm cái phản ở quê. Lúc này có nó để ngả lưng thì tốt biết mấy. Chả lẽ ra đến Hà Nội rồi lại đáp tàu về quê ngay cho rảnh. Nhưng Hà Nội thì đây rồi, việc cho cơ quan thì giải quyết loáng cái đã xong rồi. Bạn ở phố thì chả gọi được. Giờ thì biết đi đâu về đâu. Chả lẽ lại đi thuê khách sạn, nhà nghỉ ngủ một giấc trong lúc chờ đợi? Ờ, mà tại sao lại không? Tội gì mà phải lang thang cho khổ sở? Cứ bảo người sướng với chả người khổ. Nghĩ cho cùng khổ là bởi không biết làm cho mình sướng mà thôi. Bạn ở quê tự “lên giây cót”. Tinh thần có phần phấn chấn hơn.

Cái món khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ ở Hà Nội có vẻ sẵn. Con phố bé toen hoẻn mà có đến năm sáu cái nhà nghỉ với một khách sạn có mấy chiến sĩ bảo vệ mặc đồng phục rất oách. Thì rõ là “chiến sĩ” bảo vệ vì người nào người nấy mũ mão, đai điếc, quân hàm quân hiếc nghiêm văn chỉnh nhé. Dù quân hàm cũng chỉ là vải và cũng chỉ là đồng phục của khách sạn mà thôi, nhưng nhìn ra mùi văn minh và sang trọng. Bạn ở quê chắc mẩm, có triệu bạc trong túi mà chui vào đó, sợ lúc ra đến cái quần đùi cũng phải lột lại. Thôi thì nhà nghỉ. Hai chữ bình dân kèm theo có vẻ yên tâm hầu bao hơn! Chẳng thế mà người ra người vào cũng có vẻ tấp nập hơn.

Sau một hồi đắn đo lưỡng lự, bạn ở quê mạnh dạn chọn một nhà nghỉ có tên giản dị: Nhà nghỉ Thanh Bình, ừ thì vào Thanh Bình cho nó thanh bình!

Đứng trước quầy lễ tân, bạn ở quê rút chứng minh thư trong túi ra, dõng dạc: “cho tôi một phòng”.

Cô nhân viên trẻ măng nhìn bạn ở quê với vẻ ngạc nhiên, đoạn hỏi:

“Anh thuê theo giờ hay theo ngày?”

Bạn ở quê thầm suy tính trong đầu: “Kiểu gì mà từ giờ đến chiều chẳng liên lạc được với bạn ở phố. Liên lạc được, đời nào bạn ở phố cho bạn ở quê ra ngoài ở thế này. Thế nên chỉ cần thuê theo giờ là được”.

Cân nhắc xong, bạn ở quê dõng dạc:

“Cho tôi thuê theo giờ”.

Cô nhân viên rút chùm chìa khoá trên giá, đặt lên chứng minh thư của bạn ở quê:

“Mời anh lên tầng ba”.

Bạn ở quê ngạc nhiên khi thấy chiếc chứng minh thư của mình không được ngó ngàng đến. Nhưng chẳng lẽ lại hỏi: “Cô không xem chứng minh thư của tôi à?”. Chắc có lẽ cái mặt mình thật thà, không phải kiểu của kẻ chuyên quỵt tiền. Bạn ở quê tự lý giải, đoạn cầm cả chìa khoá, cả chứng minh thư, lê bước lên tầng ba. Thú thực là đến giờ này bạn ở quê khá mệt rồi. Sao ở quê, sà sã đường rừng, không ăn không ngủ chả sao. Về đến phố người nó cứ bời bã ra thế này?

Nhà nghỉ giữa phố chạy dài hun hút, chiều ngang khéo chỉ hơn 4 mét, thành thử giữa ban ngày ban mặt mà tối mò mò. Bạn ở quê dò dẫm đi, thiếu chút nữa thì đụng phải người khác. Nói đúng ra là hai đứa trẻ ranh đang bá vai bá cổ nhau đi từ trên gác xuống. Đứa con gái chắc chỉ 15 - 16, áo hai dây ngực thây lẩy ôm dính lấy thằng con trai tóc nhuộm vàng rực. Chẳng hiểu ra thể thống gì nữa. Bạn ở quê chậc lưỡi: “Con ông mà thế này ông đánh cho tuốt xác”.

Lê được đến đúng phòng thì bạn ở quê cũng díp cả mắt. Cả người đổ xuống chiếc giường vẫn còn nồng nồng mùi người.

Chả nghĩ thêm được gì thì cơn ngủ ập đến.

***

Mở được mắt ra thì đồng hồ đã chỉ năm rưỡi.

Bạn ở quê nháo nhào cầm lấy chiếc điện thoại đầu giường gọi cho bạn ở phố". Vừa gọi vừa nín thở. May quá, có tín hiệu trả lời.

“Tôi đây...”

Bạn ở quê chưa kịp dứt lời, đầu dây bên kia đã tuôn ra cả tràng:

“Ông mất tích ở đâu vậy hả. Tôi gọi cho ông mà không cách nào gọi được. Ông làm tôi lo chết đi được. Giờ ông đang ở đâu rồi. Làm được những gì rồi?”

“Tôi bị mất điện thoại. Gọi cho ông cũng không được. Giờ đang ở nhà nghỉ Thanh Bình...”

“Sao lại nhà nghỉ? Ông làm gì ở chốn ấy hả? Thôi được rồi. Cứ ở đấy, 15 phút nữa tôi có mặt!”

Đầu dây bên kia tắt lịm.

Đúng 15 phút sau, thằng bạn xuất hiện trước cửa phòng.

“Vừa ra phố, kiếm được em nào mà lại vào đây hả?”

Bạn ở phố đi đi lại lại quanh phòng dò xét.

“Em nào là em nào. Gọi cho ông không được, chả lẽ cứ lang thang ngoài phố?”

“Thì điện thoại tôi hết pin. Gọi cho ông cũng có được đâu. Khổ thế. Tưởng hiện đại thì tiện mà lại hại điện đấy ông ạ.”

Thằng bạn bật cười ồ ồ.

“Thôi rút khỏi đây thôi. Chỗ này chỉ cho các đôi làm bãi đáp thôi bố ạ. Bố vào đây một mình có mà hoá hâm à. Nhanh lên không thì thiên hạ tưởng tôi với ông là đồng tính thì bỏ mẹ.”

“Cái gì cơ?”

Chẳng thèm trả lời, bạn ở phố xách túi kéo xềnh xệch ông bạn vàng xuống tầng 1. Cô lễ tân vừa trả lại tiền thừa, vừa nhìn họ với ánh mắt khó hiểu.

***

Thôi thì cũng tắm táp được một cái. Cơm nước bày sẵn. Cô vợ thằng bạn mỏng mày hay hạt, đon đả mời: “Anh dùng cơm rau dưa với nhà em”. Cơm rau dưa gì chả thấy, toàn thấy chân giò hun khói, salad Nga, bánh mì sốt vang, cơm quấn cá sống chấm mù tạt vừa ăn vừa giàn dụa nước mắt... Toàn những món bạn ở quê chưa từng được ăn. Nhưng mà cũng không... ăn nổi. Bạn ở quê thấy mình đang rất không phải với sự hiếu khách của gia chủ. Thức ăn thì gắp đầy bát, chỉ vừa cắn một miếng đã muốn nhổ ra. Nhưng không thể nhổ. Chả ai bất lịch sự như thế. Thành thử sau khi dại dột thử món sushi Nhật Bản, bạn ở quê chỉ biết tự phòng vệ bằng cách nhai bánh mì suông, uống rượu và nói chuyện. Chuyện trên trời dưới bể. Đến lúc vợ con thằng bạn đã đi lên phòng cả, hai ông bạn vẫn gác chân lên ghế gật gù với nhau.

Gật gù một hồi, bạn ở phố cũng phát hiện ra ông bạn vàng đang “cự tuyệt” đồ ăn nhà mình.

“Sao thế?”

“Có cơm nguội hay mì tôm thì tốt. Cái này tôi ăn không quen ông ạ. Nhưng sợ chị nhà phật ý.”

“Ôi dào, phật với chả bụt cái gì. Mà tôi cũng sơ ý. Thôi để tôi úp cho ông bát mì.”

Mì nóng, quả có ấm cái bụng. Bạn ở quê thấy bình tâm hơn.

“Chắc sáng mai tôi về thôi ông ạ”.

“Sao thế. Đã đi chơi đâu mà đòi về? Tôi đã xin nghỉ việc. Mai tôi đưa ông đi chơi quanh Hà Nội.”

“Thôi ông ạ. Còn nhiều việc trong quê. Để tôi về”.

Bạn ở quê nhìn bạn ở phố. Giọng khẩn cầu.

Thì mới có được một ngày với phố. Nhưng thấy đủ rồi ông ạ...

***

Đưa bạn ở quê lên phòng đi nghỉ, bạn ở phố vẫn bần thần ngồi đốt thuốc lá ngoài ban công. Phố đêm khuya khoắt. Thi thoảng mới có một chiếc xe máy roẹt qua.

Thực ra có nhiều chuyện mà bạn ở phố chưa nói được với bạn ở quê. Mà cũng chả biết nói làm sao được. Chả nhẽ lại bảo con vợ tôi nó giãy nảy lên khi bảo có khách xa về chơi mấy ngày. Cái giống đàn bà phố nông cạn và ích kỉ, nói làm sao đây?

Còn nữa, sáng nay, đúng là bạn ở phố phải họp. Một cuộc họp vô vị, vô tích sự ngồi vào cho đẹp đội hình. Nhưng không thể không ngồi. Trong khi rõ ràng biết bạn mình đang lang thang ngoài phố. Có phải nỗi khổ nào cũng gọi được thành tên đâu?

Họp xong thì vợ gọi điện:

“Anh có nhớ việc trưa nay không?”

“Việc gì?”

“Giời ạ. Đám cưới con sếp em. Anh phải đến ngay!”

Của đáng tội là con vợ đang nhấp nhổm cái chức Trưởng phòng. Đám cưới phải trưng ra cả mặt chồng cho ra dáng lễ độ, biết điều. Không đến không được. Thành thử ngồi bàn tiệc, cười cười nói nói, bia cụng chan chát trong khi biết rõ ràng bạn mình đang lang thang ngoài phố, cắm mặt vào bát cơm bụi giá 20.000đ sống chả ra sống khê chả ra khê. Miệng đắng ngắt.

Xong đám cưới thì sao? Thì ra sân bay đón đối tác. Một thằng Tây giả cầy, lần nào sang cũng đòi bạn ở phố dẫn đi kiếm gái. Nhưng không thể không đón nó vì nó là đối tác kiếm cho mình tiền bạc. Trong khi biết rõ ràng bạn mình thì phải chui vào xó nào đấy mà nghỉ ngơi rồi.

Vậy là phải ngắt sóng điện thoại, số máy điện thoại thứ hai thì bạn ở quê không hề biết. Tắt máy rồi tự sỉ vả mình. Rồi như bị ma quỷ ám, tiếp tục cuốn vào những guồng quay đã định sẵn.

Chiều đón bạn về nhà bằng thực đơn tiếp khách muôn thuở của vợ: bánh mì sốt vang, sushi chấm mù tạt, chân giò hun khói. Trong khi thừa biết bạn mình dân nhà quê một cục nuốt làm sao được mấy thứ ấy.

Tất cả những điều ấy, biết nói thế nào cho bạn ở quê đây?

Mà xét cho cùng thì ai mới là người lạc phố? Hả trời?

Lời bình của nhà văn Nguyễn Đức Hạnh: Một truyện ngắn có cốt truyện đơn giản, không hề gặp xung đột giàu kịch tính, chỉ thay đổi giọng điệu trần thuật và linh hoạt điểm nhìn nghệ thuật nhằm tạo ra sự hấp dẫn. Chỉ có hai nhân vật và cũng không có tên: Bạn ở phố và bạn ở quê. Thời gian nghệ thuật của truyện được triển khai theo chiều tuyến tính, được “đánh dấu” bằng một vài tình tiết giản dị, bình thường. Vậy mà tác phẩm vẫn hấp dẫn bạn đọc, đọc đến dòng cuối cùng còn bâng khuâng mãi là vì sao? Vì tác phẩm đã đặt ra, miêu tả tinh tế một bi kịch lớn của thời đại hôm nay: - Quá trình đô thị hoá với mặt trái của nó, lối sống thực dụng lên ngôi, trong “vòng quay” hối hả như không thể dừng lại được, mà tâm điểm của “vòng quay” khốc liệt ấy là hai chữ “lợi - danh”. Bạn ở quê ra chưa biết điều đó. Bạn ở phố biết rõ quy luật lạnh lùng này, dù quý bạn ở quê ra, nhưng không sao thoát ra khỏi bi kịch này. Thế là bạn ở quê ra lang thang, khổ sở trong cái nơi không phải của mình, có mỗi một người để bám víu là bạn ở phố thì biệt tích, rồi xuất hiện mời bữa cơm mà biết bạn ở quê không ăn được: cô vợ của bạn ở phố ngoài mặt đon đả nhưng trước đó đã giãy nảy lên khi biết một ông nhà quê ra nhà chơi. Người ở phố có hai bộ mặt tương phản hay sao? Bạn ở quê chịu đựng nỗi khổ nhưng không thấm vào đâu với nỗi hoang mang, bơ vơ, mặc cảm tự ti nên đòi về quê bằng được. Thế là bạn ở quê ra lạc phố, bạn ở phố cũng lạc mất con người tốt đẹp thủa nào. Rồi có thể bao con người khác nữa sẽ lạc nhau ở phương diện nhân cách và tâm hồn?! Ánh sáng hi vọng vẫn loé lên ở cuối tác phẩm, khi bạn ở phố sau khi bố trí cho bạn ở quê đi nghỉ, đã ngồi đốt thuốc lá mà buồn, mà day dứt. Còn tự ý thức được bi kịch “Lạc Phố” của bản thân mình thì còn đáng quý, đáng trân trọng trong hoàn cảnh này.

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bàn chân tìm nhau

Văn xuôi 5 ngày trước

Rủ nhau đi hái măng rừng

Văn xuôi 6 ngày trước

Thong dong mây trắng…

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Sương

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Gió mây vần vũ

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Lời ru từ mặt đất

Xem tin nổi bật 4 tuần trước

Tháng Ba mùa hoa gạo

Xem tin nổi bật 1 tháng trước