Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
09:37 (GMT +7)

Kỳ diệu thảm Ba Tư

VNTN - Mỗi khi gió lạnh đông về, không có gì thú vị bằng, được nằm nghỉ ở trên những chiếc thảm Ba Tư, vừa ấm áp - dịu dàng vừa mang nhiều hình ảnh đẹp lạ, trong đó nhiều nhất là những vườn hoa trái sum suê, để từ đó thế giới có từ thiên đường. Không chỉ đặc tả nhiều hoa cỏ, chim muông, thú vật, thảm Ba Tư còn vẽ lên những khung cảnh nhộn nhịp, nơi những phiên chợ Ba Tư cùng những sinh hoạt dân gian và cung đình sôi động, chốn mọi người nhảy múa, đàn hát vui vẻ… Nói tóm lại, chúng có thể phản ánh hết mọi lĩnh vực đời sống xã hội, văn hóa, nghệ thuật của Ba Tư, nay là đất nước Iran, và đặc sắc, chi tiết như một bức tranh.

 

Đàn ông xứ Ba Tư rất khéo léo và chăm chỉ - Cảnh người chồng dệt thảm, người vợ kéo sợi

Trẻ em thường biết tới thảm Ba Tư qua cuốn truyện cổ tích “Nghìn lẻ một đêm” hoặc là bộ phim hoạt hình của Wonderland. Trong đó, có chàng Aladin dũng cảm đã được một tấm thảm thần cứu, và từ ấy anh luôn cưỡi thảm chu du khắp nơi, cứu giúp dân nghèo. Mỗi tấm thảm đều rất dày dặn, song luôn mềm mại, bóng mịn vì làm từ tơ tằm, lông cừu, hơn thế còn chứa nhiều họa tiết hấp dẫn, nên trở thành một vật dụng thiết yếu ở mọi nhà, từ trải sàn, làm chăn đến treo tường trang trí, đồng thời là vật trao đổi kiếm tiền. Vì thế, đa số các phiên chợ Ba Tư xưa tới chợ ngày nay của Iran đều bày la liệt thảm; và chúng phong phú, rực rỡ đến nỗi đưa du khách đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác vì vẻ tinh tế, thơ mộng, và ai nấy đều phải mua một tấm về sử dụng. Từ nhỏ, trẻ thơ Iran đã được quấn, bọc trong những tấm thảm dày, nhỏ thì chỉ như một mặt bàn ăn, còn to thì như một manh chiếu đôi. Người ta dùng ngay những tấm thảm đầy hoa văn, biểu tượng sặc sỡ đó để làm giáo cụ trực quan dạy con cái, cho thấy sự huyền bí, đa dạng của văn hóa dân tộc, mà một đêm cũng không kể hết như câu chuyện cổ ngày nào.

 

Phụ nữ thường trùm khăn kín tóc ngay cả lúc làm việc

Những nghiên cứu khảo quật đã chỉ ra rằng, thảm Ba Tư đã được dùng rất lâu và liên tục từ cách đây ít nhất 2.500 năm. Nhờ khéo tay, tỉ mỉ, người xưa đã dệt được khá nhiều tấm thảm đẹp, cầu kỳ mà ví dụ là thảm Baharestan từ sợi vàng, sợi bạc, và cho chúng lóng lánh với các họa tiết hoa lá, muông thú làm say mê tất cả du khách từ muôn nơi đổ về kinh đô của đế chế Sasania. Vì vẻ đẹp lộng lẫy, sang quý của chúng, đồ rằng khi người Ả Rập chinh phục nơi này, họ đã tranh nhau từng tấm thảm, không ai chịu ai, chí ít cũng phải xé bằng được một mảnh mang về. Cũng vì sự đặc biệt, độc đáo, vua chúa từ xưa đã treo chúng lên trên tường để ngắm, chứ không đơn thuần trải sàn mà ngồi như ngày nay. Thế nhưng, dù treo lên hay hạ xuống, chúng vẫn là một thế giới sinh động, đan xen huyền diệu, kỳ ảo. Mới đầu, thảm đặc tả một số sinh hoạt bình dân, song khi đạo Islam du nhập vào Iran, chủ đề con người đã bị cấm và thay vào đó là những đề tài hoa lá, mây nước, kỷ hà, hình học cơ bản. Những chủ đề này đến nay vẫn xuyên suốt trong nhiều tác phẩm, và tựu chung là ngợi ca cảnh đẹp thiên nhiên, cũng như thiên đường mà thực ra là một khu vườn thượng uyển vô cùng xinh đẹp.

Trong các triều đại sau, thảm Ba Tư đã có nhiều hình tượng mới, trên một tác phẩm thường thấy cả đồi núi, sông ngòi, rừng rậm cả những con chim thú, cá tôm, thần tiên, người dân đi lại, vui chơi, đặc biệt là săn bắn và những dòng chữ thư pháp. Mở đầu cho phong thái này là triều đại Safavid, khi các sáng tác của Iran được lấy cảm hứng từ sự giao thoa nhiều văn hóa các nước, ví dụ như Thổ Nhĩ Kỳ, Mông Cổ… và tạo nên những tấm thảm đẹp nhất, bên trong bên ngoài những hình học cho trước là những đàn chim, con thú tung tăng. Từ những khổ nhỏ xinh xắn, vào thời Afsharid cũng bắt đầu có khổ lớn, và dĩ nhiên là nhiều họa tiết hơn. Tới thời Qajar, hoa văn hiện đại đã xuất hiện.

 

Thảm rải cầu thang

Do thần thoại, cổ tích đóng vai trò quan trọng, cốt yếu trong cổ điển Ba Tư, nên dù ở thời đại nào hoa văn trên thảm cũng thiên về huyền tích và những biểu tượng. Biểu tượng thứ nhất là cây đời hay cây sự sống, với nhiều cành nhánh lan tỏa mênh mông, mà nhiều khi một cây đã thành một tấm thảm. Và cái cây ấy thường là cây tuyết tùng, nhờ lúc nào cũng rắn rỏi, xanh tươi tượng trưng cho sự vĩnh hằng. Một loài cây nữa cũng sống lâu, song còn biết sinh sôi, nảy nở thêm cho sắc đẹp, sự yêu kiều, quyền quý là hoa sen. Một loài cây cứ thả vào nước là sống. Nói đến hoa sen cũng phải nhắc tới con cá - biểu tượng của sự đông đúc, hạnh phúc. Sen và cá luôn đi đôi, ngoài ra còn hay gặp nữ thần Mitra cai quản ánh sáng, được sinh ra từ biển trên một bông sen do hai chú cá trông, đem vẻ đẹp tới cho thế giới. Cùng những hình tượng về sự phì nhiêu, tốt tươi, trù mật, cũng thấy các cuộc chiến để lập lại trật tự hay giữ gìn hòa bình cho trần thế, ví dụ như cuộc chiến giữa Shahriar (Thiện) và Ahriman (Ác), mang lại nhiều cảm xúc và hy vọng. Rồi cảnh săn bắn Shikargah, ngụ ý về sự chinh phục, giao hòa, vui chơi cùng thiên nhiên, đất trời.

Tùy theo mỗi làng, thành phố và dân tộc, thảm Ba Tư có một số nét riêng và mang tên từng nơi sản xuất. Đại thể có các loại thảm sau: Thảm Qashqai với họa tiết trung tâm là các hình sáu cạnh, các hoa lá - chim thú, hình học cơ bản đối xứng đều đặn và bằng len. Thảm Tabriz cũng có hình học đăng đối, song mau hơn, nhìn tổng thể như một vườn hoa, một khu rừng nhộn nhịp với các trò chơi đuổi bắt và sự xuất hiện cùng lúc nhiều con vật. Thảm Qum hơi giống thảm Tabriz nhưng thường bằng lụa nên rất bóng mượt, êm dịu, cảm tưởng quàng quanh cổ được. Đây cũng là loại thảm đắt nhất hiện nay. Thảm Kashan thiên về hoa cỏ, họa tiết Toranj và ở bốn góc có bốn mề đay hình tròn hoặc hình hoa Lachak, bao quanh một đại đóa. Thảm Isfahan thường khắc họa nhà cửa, mái vòm thánh đường, cung cấm, trên đó thấy cả một thành phố Ba Tư sầm uất, đông vui. Thảm Kerman lại miêu tả những loài cây cổ thụ, hoa lớn, các mãnh thú như sư tử, linh dương chạy nhảy hoặc nằm lười trong vườn địa đàng, tất cả là do Kerman là một thành phố sa mạc, luôn mơ ước có thật nhiều sự sống.

Góp phần không nhỏ làm nên sự lôi cuốn của thảm Ba Tư, ngoài họa tiết đa dạng là những màu sắc tươi sáng, đậm nét. Tấm nào cũng có từ ba, bốn màu trở lên. Mỗi màu đều được chế từ tự nhiên, màu đỏ thường từ cây thiên thảo, con rệp son trong khi màu cam từ hoa rum, màu nâu từ lựu và vàng từ rơm. Màu xanh lá cây được chiết xuất từ lá nho non, còn màu xanh nước biển từ lá cây chàm, tùng lam. Và với màu đen, người ta dùng lá hồ đào. Thế nhưng, chưa hết thảm Ba Tư đặc biệt, có chất lượng và giá trị lớn còn nhờ vào độ dày dặn, bền chắc của mặt, trên một cm² diện tích thảm thường có từ 160 tới 200 nút thắt, hoặc là nút thắt Ba Tư hoặc là nút thắt Thổ Nhĩ Kỳ, và cá biệt ở những thảm hảo hạng có tới 1.500 nút thắt. Nhờ những công đoạn công phu và hình thức trang nhã, tiện dụng, gắn liền với một nền văn hóa lâu đời, thậm chí cả lịch sử thế giới, vào năm 2010, kỹ thuật dệt thảm Ba Tư ở hai thành phố Kashan và Fars đã được UNESCO ghi nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại.

Vì được trân trọng và dùng thường xuyên, thảm Ba Tư là một phần không thể thiếu trong đời sống thường nhật Iran. Nhà nào ở đây cũng có ít nhất vài ba tấm thảm, cái thì treo tường làm tranh, cái thì rải sàn nhà, cầu thang hoặc lót trên các bàn ghế.

Đến nhà người Iran, bạn sẽ phải để giày dép ở ngoài, rửa chân sạch sẽ nơi vòi nước, đài phun rồi hãy bước vào, và thật nhẹ nhàng như nhón chân khi bước lên những tấm thảm vì giống như tranh ảnh, đồ trang trí nội thất, chúng là bộ mặt của gia đình, là hình ảnh thu gọn của đất nước, con người và văn hóa Iran. Cũng vì thế, người ta thường biếu tặng thảm, nhất là các bậc lãnh đạo luôn xem chúng là món quà ngoại giao. Ngoài đến nhà dân, có ba nơi bạn sẽ thấy choáng ngợp cùng thảm, với vẻ đẹp kiêu hãnh và bí ẩn ngàn năm, ấy là các phiên chợ Ba Tư, các quầy hàng bazaar và bảo tàng tại địa phương.

Thủy Trường (Biên dịch Theo Culture Trip)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy