Thứ hai, ngày 06 tháng 05 năm 2024
11:52 (GMT +7)

Kokoshnik – chiếc mũ xinh đẹp của phụ nữ Nga

Cùng với chiếc váy dài hình thang Sarafan tha thướt, chiếc mũ hình nửa vầng trăng Kokoshnik lấp lánh cũng góp phần tạo nên vẻ đẹp duyên dáng, dịu hiền của phụ nữ Nga. Đây còn được xem là một vương miện đội trên đầu của những người mẹ, người vợ, người chị tài đảm trong mỗi gia đình xứ sở Bạch Dương, và về sau trở thành nguyên mẫu cho những vương miện nữ hoàng và các hoa hậu trên thế giới. Tại sao như vậy? - Vì Kokoshnik có kiểu dáng hết sức đặc biệt, hấp dẫn và cũng thích ứng với từng điều kiện khí hậu, thời tiết: mùa hè, mùa đông mà lúc nào cũng rạng ngời, nổi bật.


Khởi nguồn của Kokoshnik đã bắt đầu từ thế kỷ thứ mười tại Cộng hòa Novgorod, nay là thành phố cùng tên cách cố đô St.Peterburg 300km, và đã lan khắp miền Bắc nước Nga trong hàng thế kỷ, nhất là từ thế kỷ 16 tới 19 và giờ là một phần tiêu biểu của trang phục nữ Nga, các điệu vũ dân gian và kiến trúc cổ truyền. Chiếc mũ này có một đặc điểm rất dễ nhận là hình vòng cung hay vầng hào quang ở trên đầu với hai dải ruy băng buộc đằng sau; đôi khi trên mũ cũng có khăn choàng, thường là khăn voan bao phủ toàn vẹn đầu, nên ngoài mái tóc còn có thể che kín cả cổ lẫn vai. Ngoài ra, còn có khá nhiều kiểu dáng khác nữa, song về cơ bản đều như một cái mào gà to ụ trước trán nhô cao, do từ Kokoshnik xuất phát từ chữ Kokosh, nghĩa là mồng gà và được chế tác bằng cách làm một khung thép hoặc vải dày uốn hình như trên, rồi đính đăng ten, ruy băng hoặc mạng che mặt, che đầu cho chảy xuống vai, kế đó thêu thùa, gắn ngọc trai, đá quý, sợi vàng bạc, kim tuyến hay trang sức, tạo cho Kokosnik hình hài của một mũ miện, và kiểu đơn giản nhất, hiện đại giống như một cái bờm chính là vương miện nạm ruby, saphia, kim cương… của các bà chúa và hoa khôi ngày nay.

Kokoshnik, xưa

Sở dĩ người Nga làm những chiếc mũ có mặt trước dài rộng, vươn cao, lại phủ khăn và trước trán thường đính những chuỗi hạt lủng lẳng là để giúp phụ nữ che đi mái tóc của mình, bảo vệ đầu khỏi sương tuyết giá rét, do Nga là một quốc gia lạnh nhất thế giới. Khi đội Kokoshnik, người phụ nữ trông rất gọn gàng, dễ thương, tiện làm mọi việc cho dù đầu bù tóc rối. Thế nhưng, thật ra, ai nấy đều sẽ tết tóc và cột thành hai bím, đuôi sam ở sau gáy, với ý nghĩa tượng trưng cho sự chung thủy, gắn kết keo sơn giữa chồng với vợ và sự hiền thục, đoan trang, đứng đắn của người con gái. Họ cũng đội Kokoshnik để chứng tỏ mình đã lấy chồng, thành hôn và luôn dùng Kokoshnik nhằm giữ gìn mái tóc cho chồng và dĩ nhiên nếu mạng dài chấm vai thì cũng giữ luôn phần ấy cho chồng bởi lẽ mái tóc của phụ nữ Nga rất dài và mượt mà, óng ả, có người còn có mái tóc vàng rực, trông như những sợi nắng tỏa sáng.

Chỉ có phụ nữ Nga mới được đội Kokoshnik, còn thiếu nữ chỉ đội một chiếc mũ nông mềm, có hình dáng tương tự và thiếu cái mạng đằng sau, tên là mũ Povyazka hay Povoyniki, và vì không che đầu nên lại được dịp khoe diễn mái tóc bóng dày, khỏe mạnh nhưng với người xưa thì thường chỉ được coi là tóc trẻ con, của người chưa chín chắn, hãy còn sống tự do, vô nề nếp. Do vậy, Kokoshnik tượng trưng cho một điều gì đó rất thiêng liêng - cao quý, tôn kính cần hướng tới của mỗi nữ giới trong nhà, vì trong gia đình họ, chỉ có người mẹ, người vợ mới được đội. Các cô gái luôn mong chờ đến ngày cưới để được diện một chiếc mũ tuyệt đẹp do mũ cô dâu là một Kokoshnik đính đầy ngọc trai cùng đăng ten, họa tiết thêu bằng chỉ vàng, chỉ bạc lóng lánh; và cô sẽ được đội nó cho tới khi sinh đứa con đầu lòng. Sau đó, còn được đội nhiều chiếc mũ giản dị hơn, song cũng cầu kỳ, diêm dúa, độc đáo vì không có cái nào giống cái nào cả về hình thức lẫn chất liệu, vật trang trí do làm hoàn toàn bằng thủ công.

Kokoshnik, thời trang

Về hình dáng, có cả chục kiểu mũ Kokoshnik tại một vùng và trên đất nước thì hàng trăm. Tựu chung, mỗi chiếc mũ đều khá công phu hoặc từ dây thép, dây đồng, dây nhôm hoặc từ kim loại quý hiếm và cũng có thể từ giấy bồi, nhựa cứng, chất liệu tổng hợp, rồi bọc vải lụa, gấm, kế tiếp trang hoàng sinh động những hoa lá, chim muông, người và vật đẹp tươi trong thiên nhiên. Để làm được điều ấy một nghệ nhân thường là phụ nữ phải mất cả tháng mới xong, và nếu là một chiếc mũ cưới tốn cả năm. Do vậy, Kokosnik luôn được dành làm của hồi môn của mẹ và bà cho con cháu, và những tác phẩm bằng vàng ngọc luôn có giá trị rất lớn do bán được khối tiền. Kokoshnik càng đẹp, hiếm gặp càng được giữ gìn cẩn thận và đến lễ Tết, sự kiện trọng đại mới dùng. Tuy rằng có nhiều loại mũ, song nhiều người vẫn rất chung tình với kiểu mũ của quê mình, ví dụ như ở Veliky Novgorod là loại mũ có hình trụ với đáy dẹt, còn ở Vladimir là mũ có hai đỉnh nhọn trong khi ở Kostroma có mũ hình tam giác, ở Kargopol có mũ gắn nhiều ngọc châu và ở Moscow có mũ vải nhung đỏ. Thế nhưng, một loại mũ cũng rất được yêu thích là mũ một đỉnh với dạng trăng lưỡi liềm, cong cong đậu ở trước trán và từ trên đó ròng xuống những chuỗi hạt lao xao lung linh. Có thể là hạt trai, hạt cườm, hạt đá, hạt pha lê…

Do mang đậm tính địa phương nên Kokoshnik thường được xem là mũ của các cô gái thôn quê và một thời bị đô thành chê là quê mùa. Sa hoàng Peter Đại Đế sau khi chu du châu Âu về, muốn cải cách thời trang trong nước, đem ánh sáng phồn hoa đô thị châu Âu lan khắp, đã cấm người dân Nga đội Kokoshnik mà xem nó là sự lạc hậu, cũ kỹ, chưa giao hòa với thế giới và với ông thì mũ mới phải là mũ như kiểu Decollete, trong đó không có mành, mạng gì mà để lộ nguyên nửa phần ngực và vai quyến rũ, tức là không còn bí ẩn, kín đáo nữa. Tuy nhiên, đến thời Catherine Đại đế, bà lại cho phục hồi Kokoshnik, do nữ hoàng có dòng máu Đức muốn tỏ sự tôn kính trước văn hóa Nga. Tiếp tục tới thời chiến với Napoleon, rất nhiều quý tộc Nga đã quyết định làm sống dậy truyền thống ăn vận lâu đời, và từ dân thường tới hoàng gia đều đội Kokoshnik. Hơn thế, có khá nhiều công nương, bà chúa ở châu Âu thấy được vẻ đẹp kiều diễm khi đội Kokoshnick đã đưa nó vào trong danh mục các trang phục đẹp của nước họ, nhất là trang phục cưới. Thành thử, Kokoshnik bỗng nổi tiếng và vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 người ta còn không mua nổi vì hiếm. Đến giữa thế kỷ 20, nhiều nơi đã dùng Kokoshnik để làm mẫu cho các vương miện người đẹp. Cũng có nhiều nhà thiết kế thời trang, như Cartier đã lấy cảm hứng sáng tác từ Kokoshnik Nga để tạo ra những kiểu mũ tiara hiện đại.

Kokoshnik, trong dân gian

Đến giờ, phụ nữ Nga vẫn đội mũ Kokoshnik, tính ra truyền thống ấy đã liên tục suốt hơn một nghìn năm, cho thấy sức sống của nó thật mãnh liệt. Các bà, các chị, thậm chí các em luôn đội nó trong các lễ hội, dịp hiếu hỷ, chào mừng vì chỉ tính riêng chiếc mũ đã rất lộng lẫy, cuốn hút và khi kết hợp cùng váy Sarafan thì trông không có gì đẹp hơn, cứ như một nàng tiên Nga bước ra từ cổ tích vậy.

Kokoshnik, kiểu mẫu xưa

Và quả thực như vậy, người ta tin các nữ thần cũng đội Kokoshnik, mà đơn cử là bà chúa tuyết hay công chúa tuyết Snegurochka. Mỗi một miền đều cho nàng đội một kiểu mũ Kokoshnik, thành thử Snegurochka là hình mẫu - người mẫu của muôn loại mũ đặc sắc. Tuy vậy, nàng thường chỉ đội mũ màu xanh da trời và trắng muốt, họa tiết bông tuyết với lá hoa mùa đông, trong khi dân gian có hàng chục màu mũ cùng những hoa văn rực rỡ khác. Sẵn váy đẹp, mũ đẹp, ai nấy thường nhảy múa trong các điệu vũ, và khi ấy toàn trang phục toát ra sự quyến rũ đến cháy bỏng, khiến người xem phải nói rằng, không có kiểu trang phục nào hợp hơn trong những điệu múa dân dã bằng Sarafan và Kokoshnik; chúng như thể sinh ra để tôn thêm vẻ đẹp nữ tính, yêu kiều của phụ nữ. Tùy vào việc muốn tái hiện cuộc sống xưa kia, hay đặc trưng của từng kiểu mũ địa phương, mà ở đây lúc này thấy các chị đội Kokoshnik kiểu này, song chỗ kia lúc khác lại thấy họ vận kiểu khác, trong đó có những kiểu mũ khá hiếm gặp, ví dụ như mũ to đùng, xòe rộng như một cái quạt khổng lồ và thường được dùng bởi những người có vẻ phốp pháp.

Kokoshnik, vũ điệu dân gian

Không chỉ người Nga như đã nói mới thích mũ Nga, trong lần World Cup 2018 được diễn ra tại Nga, các fan hâm mộ là khách quốc tế cũng đội Kokoshnik cho đẹp và vui, tạo ra không khí thân thiện, gần gũi.

(Nguồn ảnh trong bài: theo Moscow Times)

Thủy Trường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy