Kí ức nưng nức
Nhà văn Haruki Murakami viết, trong tiểu thuyết “Sau nửa đêm”, rằng con người ta có thể lấy kí ức làm nhiên liệu để sống. Phải, hiển nhiên rồi. Kí ức hắt bóng liên thông sang hiện tại, làm phong nhiêu cái hiện tại thường khi đơn điệu xơ cằn. Ai cũng có quá khứ, nhưng không phải ai cũng có kí ức. Vì kí ức liên quan phụ thuộc vào khả năng ghi nhớ lưu giữ của từng người. Tôi đọc ở đâu đó, rằng bộ nhớ trong não bộ là hữu hạn, nên con người phải biết tự xóa thải để chứa nạp. Cái cơ chế tưởng như rất có lí này, xem ra nghe chừng vô lí. Bởi làm sao xóa được kí ức, một khi người ta chưa mất trí nhớ. Kí ức nưng nức mới, vì thường xuyên được triệu hồi, bằng những cơn cớ bất kì bất chợt, hoặc bằng những giấc mơ tái lặp đêm đêm. Với tôi, cái gì không nhớ thì thôi, chứ một khi đã nhớ thì nhớ mãi.
Nhà tôi ở đầu làng, nhưng ngày ấy dọn về khu nội trú của trường xã ở cuối làng, để tiện cho mẹ tôi tay con cái tay phấn bảng; bên kia sông, đi qua cái cầu máng dẫn thủy lợi, là trường cấp ba nơi ba tôi dạy. Một buổi trưa, khi học sinh đã về hết, chị tôi bồng tôi ra dãy phòng học, để đút cơm cho tôi ăn. Chẳng nhớ bữa đó tôi ăn cơm với gì, chỉ nhớ là ăn được một lúc thì cơm còn nhưng thức ăn hết nhẵn. Chị bồng tôi về lại căn nhà tập thể, vào bếp lật mở xoong nồi kiếm tìm thức gì để cho vào bát cơm ăn dở của tôi. Tuyệt nhiên không còn thức gì. Thế là chị mở cái chạn bếp, bưng cái thẩu mỡ ra, khều mấy miếng tóp cho vào bát cơm, rồi lại tay bưng bát tay bồng tôi đi ra dãy phòng học. Một đứa trẻ đang tuổi bồng trên tay là tôi ngày ấy, mà đã biết chụp lưu vào ngăn hồn cái diễn biến của sự kiện ấy, và đã biết trắc ẩn cảm nhận được vẻ buồn của chị trưa hôm ấy. Chị buồn vì thương em. Em thì thương chị vì chính cái sự buồn sự thương kia của chị. Mắt chị buồn hệt như cái chạn dính bồ hóng ngắt ngơ buổi bếp không củi lửa, hệt như những dãy bàn ghế xiêu vẹo trống trơ sau giờ tan trường.
Chẳng biết chi tiết sau đây xảy đến trước hay là sau chi tiết tóp mỡ tôi vừa kể. Hôm ấy vào buổi xế chiều. Tôi nằm ngủ ở cái giường kê ngoài sân nhà nội trú, bên dưới giàn bầu giàn mướp vào độ rũ tàn. Khi tôi thức dậy, đang mắt nhắm mắt mở vì nắng chiếu vào mặt, thì phát hiện ra dưới gối là mấy chiếc kẹo ớt xanh đỏ tím vàng. Chưa hết ngái ngủ nhưng một nỗi cảm động dậy lan, khi tôi biết mẹ đi chợ về từ lúc nào, đã nhẹ nhàng đặt vào gối tôi mấy chiếc kẹo ớt, loại kẹo mà tôi rất thích, vì sự gợi hình gợi vị của nó. Không phải tôi mừng vì bắt được quà, mà tôi cảm động vì cảm nhận được hơi ấm, của sự quan tâm yêu thương chiều chuộng.
Nhà trên và nhà dưới cách nhau chừng chỉ một cây số. Nhà trên ở đầu làng, nhà dưới ở cuối làng, giữa xã. Mỗi lần chuyển nhà là cả một lần lích kích nhiêu khê. Tôi không nhớ gì về những cuộc di dời cả. Lần gỡ sắp nối những manh mối kí ức, tôi ý thức được là ngày nhỏ mình lúc thì ở nhà trên khi thì ở nhà dưới. Đấy là cách mà ba mẹ tôi tự làm mới cái cuộc sống đơn điệu nhàm mòn của “giáo khổ” những ngày buồn bao cấp tem phiếu chăng?
Ở nhà trên, một lần khi chiều tối, ăn cơm xong, tôi cất bước ra sân đi về phía gốc khế đầu hồi, chẳng biết loạng quạng thế nào mà đá phải một con cóc. Con cóc phềnh bụng, chết ngửa. Tôi ngồi thụp xuống, mặc cảm tội lỗi đến ngẩn ngơ. Rồi tôi ngắt lá cà, xách con cóc đến gốc khế, dùng cái bay đào một huyệt nhỏ, hái hoa lá xung quanh khâm liệm và chôn cất nó.
Nhà tôi cách vài nhà nữa là đến một con sông. Bên kia sông là một cái nghĩa địa nhỏ gần như hoang, lác đác mấy cái nhà mồ gắn thánh giá; tiếp đến là một cánh đồng cũng gần như hoang, mênh mang năn lác. Sông rộng có mấy gang tay, bạn bè tôi chỉ cần như con tôm cong mông bật hai bật là sang tới bờ bên kia, nhưng tôi thì cả một tuổi thơ không bơi qua nổi. Chỉ đến mùa đại hạn, lòng sông toang hoác nứt nẻ, thì tôi mới sung sướng chạy ù qua sông, tự huyễn hoặc là mình đã trượt khỏi làng, để lạc chốn hoang, để bàn chân trần được một lần chạm miền đất lạ.
Sau khi đắp mộ cho con cóc xong, tôi đưa mắt trống rỗng vô hồn nhìn lên phía sông. Mặt sông vào lúc chạng vạng tối vốn buồn xám buồn xịt - phần thì buồn tự thân, phần thì buồn vì lây lan cộng hưởng buồn từ nghĩa địa hoang và cánh đồng hoang vừa kể - lúc này lại càng buồn bội phần, qua đôi mắt buồn của một đứa trẻ tội đồ là tôi.
Cũng ở nhà trên, một hôm cả xóm chung thịt một con chó. Chiều đó tôi đi học về đúng lúc một người dùng cái búa tạ giáng mạnh vào đỉnh trán của con chó, sau khi nhiều người cùng nhau trói chặt nó, và trước khi nó bị thọc mũi dao sáng quắc vào cổ để chọc tiết. Sau đó con chó bị thui trên đống lửa hừng hực rơm mà người ta đã vun sẵn. Lưỡi lửa le dài liếm láp khắp mình mẩy con chó. Con chó thui trợn trừng mắt, nhe hai hàm răng trắng rùng trắng rợn. Những con chó khác trong xóm vừa hoảng loạn lao lác chạy vừa láo liên lấm lét nhìn.
Lại một buổi chiều khác, tôi chứng kiến cảnh mấy đứa trẻ chụp bắt một con chim ra ràng - chẳng hiểu sao bị thương ở một bên chân đang lò cò vừa bay vừa chạy - rồi quẳng vào đống tro đang ngún lửa bên vệ đường. Trong tích tắc, con chim quay mòng mòng, rồi ngáp, rồi xụi lơ, rồi chuyển từ khét lẹt sang thơm nức. Bọn trẻ móc ruột chim vứt đi, rồi xé thịt chia nhau mỗi đứa một mảnh, sau khi chim bố chim mẹ thảng thốt hoảng hốt - xù tróc cả lông gào đứt cả lưỡi đập rã cả cánh - bảo vệ con trong bất lực.
Tôi vẫn ăn mặn bình thường, như đa phần phàm nhân trên cõi tục này, chỉ thảng hoặc đến nhà hàng chay để vừa đổi vị vừa tìm chút tịnh tâm. Lần đầu tiên vào một quán chay ở Huế, tôi cứ thắc mắc với bạn đi cùng, rằng đã món chay mà lại mô phỏng hình sắc của món mặn, thì thực khách tâm tịnh làm sao. Sau này, đọc đây đó, tôi gặp nhiều người cũng thắc mắc phản biện y như tôi ngày trước. Liệu có thể không, đến một lúc nào đó, con người vẫn được cung cấp tiếp nạp đầy đủ năng lượng dưỡng chất, mà loài người không phải sát sinh, để chim sinh ra là bay và hót, để chó sinh ra là giữ nhà và bầu bạn với chủ nuôi?
Tôi sinh ra ở nông thôn, nhưng ba mẹ tôi không phải là nông dân. Làng tôi là làng đạo, nhưng nhà tôi là những người ngoại đạo. Có những hôm đi học bồi dưỡng về, ngang qua nhà thờ, người đi lễ ngồi tràn ra cả đường quan, tôi phải rẽ bà con mà đi, giữa lúc đang chính lễ. Mặc cảm lạc loài dị biệt trùm phủ lên mảnh hồn non của tôi.
Cứ mỗi buổi đi học về, ăn cơm xong là tôi chẳng có việc gì để làm, ngoài việc ngồi vào bàn, mỏi thì nằm lăn ra phản, đọc tới đọc lui đến thuộc làu mòn vẹt những cuốn sách lí luận nghiên cứu văn học mà lúc đó lẽ ra tôi chưa đến tuổi đọc. Thì tôi biết đọc gì, khi đã nằm lòng những bài văn bài thơ trong sách giáo khoa, mà tủ sách của nhà liên quan đến văn chương thì chỉ có những cuốn sách nặng đô nói trên, không biết ba tôi - một thầy giáo vật lí - sưu tập ở đâu về. Cũng cứ sau mỗi buổi đến trường, ăn cơm xong là thằng bạn cùng lớp với tôi lại ra ruộng. Đường từ nhà nó ra ruộng phải đi qua nhà tôi. Lúc thì nó gánh oằn một gánh phân. Khi thì con bò đi trước, nó vác cày hoặc bừa vừa đi sau vừa quất nhẹ roi vào mông bò. Lúc thì nó vai vác cái cuốc tay xách cái trang… Nghĩ, nó thì quần quật làm không hết việc, còn mình thì rỗi hơi sách vở văn chương, nên tôi khép hai cánh cửa bên phía bàn học của tôi lại. Có gì hay hớm oai oách đâu mà phải phô phang, làm chướng mắt bạn mình và những người đi làm đồng.
Đấy, những chi tiết chẳng hạn như trên, vừa can dự vừa mở đầu vừa làm nên thiên tự sự đời tôi, làm sao tôi có thể xóa thải được. Cái sự nhớ dai nhớ bền này, đến lượt nó, dạy tôi biết ứng xử cẩn trọng với/trước người khác, kể cả người đó là một đứa trẻ còn được bế trên tay. Đừng tưởng trẻ con thì không biết gì và không nhớ gì.
Hiện tại nào cũng là hệ quả tất yếu của quá khứ, được hình thành từ sự tích lũy của quá khứ. Tôi và bạn bè cùng trang lứa chung một quá khứ ở làng. Tôi và anh chị em của tôi chung một quá khứ nhà trên nhà dưới. Nhưng, kí ức mà tôi vừa kể là tài sản của riêng tôi, quy định chi phối kiến tạo nên tôi của ngày hôm nay. Tôi xa làng từ năm mười bảy tuổi, và đang sống cách làng nửa ngàn cây số. Quá khứ thì dần cũ, nhưng kí ức luôn nưng nức mới.
Hoàng Đăng Khoa
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...