Thứ ba, ngày 07 tháng 05 năm 2024
15:16 (GMT +7)

Khói bếp bay ngang ký ức

Không rõ từ bao giờ, làn khói bếp dần thưa vắng. Năng lượng điện, ga tiện dụng thay thế nhiều loại chất đốt, làm màu khói như một nét quê xưa chỉ còn nhạt nhòa.

Năm hết Tết đến, đi trên những nẻo đường Xuân, dù nao nức vui trong muôn sắc màu tươi mới, tôi vẫn bâng khuâng nhớ về làn khói bếp. Làn khói bảng lảng chứa đựng vui buồn, sự ấm áp sẻ chia và cả những vất vả cực nhọc của đời người.

Màu khói bếp như một nét quê xưa nay chỉ còn nhạt nhòa… Ảnh minh họa, nguồn: Internet.

Mỗi chiều buông trong ánh hoàng hôn vàng rực, khói bếp chín thơm níu gọi những cánh chim về tổ. Có lẽ bởi sự gần gạnh, nhà này cách nhà kia chỉ bởi hàng rau ngót, giậu mùng tơi, hoặc dăm ba khóm chè cành, bọn trẻ con tụi tôi không khó để nhận biết việc đun nấu của từng nhà qua mùi và màu khói. Khói rơm rạ màu rêu xanh, thơm ngọt. Khói bếp than xám tro, hăng hắc. Khói bếp củi ngả vàng và cay nồng. Lẽ dĩ nhiên mùi khói củi phụ thuộc vào loại gỗ. Củi gỗ tạp khác với củi thừng mực, củi cành xoan… Thậm chí bọn tôi còn đoán được khói bếp nhà nào đang nấu món ngon, nhà nào dưa rau qua bữa. Hương khói bếp là sự hòa quyện của chất đốt với nhiều loại gia vị như tương nếp, riềng mẻ, mắm tôm bốc lên từ đun nóng. Bữa ăn các gia đình dù chẳng mấy khi có thịt cá, khói bếp vẫn tỏa ra mùi thơm vi diệu làm bọn tôi lặng lẽ hít hà ngây ngất.

Chợ Tết xưa hối hả ngày cuối năm. Nguồn: thethaovanhoa.vn

Tuổi thơ đã trôi về xa lắm, làn khói bếp vẫn bay ngang ký ức và dường như ngấm vào tôi mùi vị nồng nã chắt từ muôn giọt mồ hôi của làng. Ngày ấy, làng tôi cũng giống như bao làng quê khác, các ngôi nhà chủ yếu lợp rơm rạ, lá gồi. Nhưng một nửa làng được người lớn gọi là “phố thợ”. Con phố nằm bên ngã ba có trụ sở cơ quan, trường học, trạm xá, cửa hàng bách hóa, khu tập thể công nhân. Bố tôi bảo khi chuẩn bị xây dựng Khu Gang thép Thái Nguyên, hàng nghìn bộ đội và thanh niên từ nhiều miền quê về đây khai thác đá, cát, sỏi và sản xuất xi măng phục vụ thi công công trình, nhà cửa mọc lên từ độ ấy. Nửa còn lại của làng là các gia đình vẫn làm nghề nông và một số việc khác.

Gia đình tôi cả bố và mẹ đều là công nhân, nhưng nhà có vườn và mấy sào ruộng, lại ở khoảng giữa làng và “phố”, nên màu và mùi của khói bếp quanh năm len vào giấc ngủ. Thời đó người làng còn ít, đất bỏ hoang nhiều. Gia đình công nhân nào thích ở rộng cứ tùy sức khai phá. Thanh niên nam nữ ở khu tập thể cơ quan, nếu nên vợ nên chồng muốn ra ở riêng cũng thoải mái vỡ đất dựng nhà.

Sở dĩ làng có được không khí náo nhiệt đông vui của phố thị còn bởi diện tích làng rất rộng, đồi núi uốn lượn quanh đồng ruộng như rồng chầu hổ phục. Một số đơn vị quân đội chọn các khu đồi đóng quân luyện tập kĩ - chiến thuật chiến đấu, nên hoạt động giao lưu văn hóa - thể thao giữa bộ đội, công nhân và người dân địa phương diễn ra thường xuyên, dịp Tết đến Xuân về càng hào hứng, sôi động.

Trường học của tôi gần nhà, sau mỗi buổi tan lớp, bọn tôi bày đủ trò nghịch ngợm, cũng có hôm lang thang khắp các ngõ ngách của làng và phố thợ. Thích nhất là vào cuối ngày, khói bếp cùng với mùi thức ăn bốc lên ngào ngạt, tôi cảm tưởng không gian đặc sánh, chỉ ngửi thôi cũng no. Tại khu phố thợ, các chú công nhân người miền Nam tập kết vừa nấu cơm, vừa đàn hát ca cải lương, tân cổ giao duyên…

Phố Hà Nội vắng người qua lại trong ngày Tết. Ảnh tư liệu: dantri.com.vn

Không khí Tết của làng tôi có lẽ bắt đầu sớm hơn các làng quê khác, bởi trước ngày ông Công ông Táo lên chầu trời, nhiều người vợ con ở xa đã mua sắm và tổ chức liên hoan để về quê đón Tết. Tôi nhớ nhất Tết năm 1976, một cái Tết ngập tràn niềm vui sau ngày toàn thắng. Khi đó phố thợ đã vãn người, công nhân ở khu tập thể không còn nhiều. Trụ sở cơ quan chuyển tới địa điểm mới. Ngoài một số thương binh ra quân trước đó, nhiều chú bộ đội cũng lần lượt xuất ngũ hoặc chuyển ngành. Năm đó làng tôi thực sự ăn Tết, cả làng không ai dè sẻn, cũng không ai vận động tiết kiệm. Từ ngày 23 tháng Chạp, tiếng lợn đã kêu eng éc. Liên tục ngày nào cũng có vài nhà thịt lợn ăn đụng, người làng tíu tít mời nhau lòng lợn tiết canh. Nhà tôi cùng hai nhà khác đụng một con lợn cỡ hơn tạ. Tôi được giao việc bóc hành, coi mèo và được cho cái bong bóng lợn để hong se bơm hơi làm bóng bay.

Hàng Tết không thể thiếu trong thời bao cấp: Mứt Tết, bóng bì, bánh đa nem, mỳ chính, hạt tiêu, thuốc lá, chè hương. Nguồn ảnh: Internet.

Sau buổi đụng lợn, các nhà luân phiên gói bánh chưng. Luộc bánh chưng cần nồi to, không phải nhà nào cũng có nồi nên việc gói, luộc bánh được cắt đặt, các bà các cô xúm lại giúp nhau vui như làm tổ đổi công. Khói bếp luộc bánh chưng xanh mướt luồn qua lũy tre bay lên la đà.

Cuối chiều 28 Tết, nhà tôi gói bánh chưng. Hôm đó tôi bị mẹ mắng cho một trận nên thân vì tội cùng bọn trẻ trâu vặt trộm táo của bà cụ trong làng. Bà cụ ấy nhà neo người, khói bếp thường leo lét. Để tạ lỗi, mẹ tôi vay chiếc bánh chưng của nhà hàng xóm và cắt khoanh giò bảo tôi mang biếu cụ.

Buổi tối hợp tác xã tổ chức chiếu phim. Ban chủ nhiệm hợp tác xã xuất quỹ mời đội chiếu bóng lưu động về phục vụ không bán vé. Trước đây do lo ngại máy bay Mỹ ném bom, nên thoảng hoặc sân kho hợp tác mới có chiếu phim bán vé. Đó là vé cho người lớn, bọn tôi chả dại mất tiền mua cũng có cách vào xem. Hôm ấy nghe đồn sẽ chiếu bộ phim truyện chiến đấu của Liên Xô, nên người đến xem chật kín từ sớm. Trước bộ phim truyện là cuốn phim tài liệu khoa học về nông nghiệp của nước ngoài. Hình ảnh minh họa vẽ máy móc vừa tra hạt ngô, cây đã vụt lên xanh tốt làm mọi người trầm trồ thán phục. Bộ phim truyện rất hấp dẫn, mỗi lần Hồng quân Liên Xô tiến công, tiếng vỗ tay vang lên không ngớt. Bọn tôi chính là đội quân vỗ tay cổ vũ nhiệt tình.

Cuộc chiến đấu trong phim còn râm ran tiếp, bởi hai giờ sáng tôi đã bị gọi dậy đi mua hàng Tết. Hôm đó đến phiên khu vực công nhân được cửa hàng mậu dịch bán tiêu chuẩn tem phiếu. Tôi và mấy đứa bạn tuy ngái ngủ vẫn bấm đèn pin, vừa soi đường vừa chuyện trò rôm rả. Lũ chó thấy động cắn inh ỏi. Được thể cả bọn khua khoắng đủ kiểu để lũ chó đồng loạt cắn cho vui tai. Tưởng còn sớm hóa ra cửa hàng đã có vài người đứng xếp hàng bên ngọn đèn điện đỏ quạch. Thanh gỗ lùa ô cửa bán hàng đóng im ỉm. Bọn tôi tìm gạch đá đánh dấu xếp hàng rồi kiếm củi đốt lửa ngồi chuyện phiếm. Hết củi, một thằng lẻn gỡ cả thanh gỗ gác giàn hoa của cửa hàng. Lưng lửng sáng cũng mua hàng xong, bọn tôi lại rồng rắn kéo nhau về.

Trưa 29 Tết, theo thông lệ Ngành đời sống tổ chức chia thịt lợn, cá cho cán bộ công nhân. Tôi và mấy thằng lại rều rễu đến nhận thay vì bố mẹ đi làm. Lợn - Ngành đời sống có trại tăng gia chăn nuôi. Khu phát thịt, cá tuy đông nhưng không phải xếp hàng, mọi người túm tụm ngồi tán gẫu chờ gọi tên và chìa rổ nhận phần của mình.

Cành đào, cây quất tô thêm không khí Tết xưa. Nguồn ảnh: thethaovanhoa.vn

Buổi tối, bọn tôi lại gây hỏa hoạn cháy đống rơm và chuồng trâu của một bác trong làng. Chẳng là hồi ấy chưa cấm pháo, chúng tôi rủ nhau ra đường tìm bãi phân trâu cắm pháo vào đốt. Một đứa mang theo ống bơ đựng than lửa thay cho diêm. Những ngày đi học vì rét, chúng tôi dùng ống bơ sữa bò, đục một ô nhỏ phía dưới và hai lỗ bên trên luồn dây thép làm quai đựng các mẩu củi nhỏ. Khi châm lửa để củi cháy phải quay vài vòng cho lửa bén. Không rõ bọn chúng tôi quay thế nào, mẩu than văng vào đống rơm gần chuồng trâu. Tôi về nhà vừa trùm chăn chợt nghe tiếng báo cháy thất thanh. Chạy ra xem thì chuồng trâu cạnh đường chỗ bọn tôi đốt pháo đang bốc cháy đùng đùng. Cũng may trâu kịp thả và mọi người ngăn không để lửa lan sang ngôi nhà bên cạnh.

Sáng hôm sau, đang đá bóng trên thửa ruộng bên đường, thấy chú hàng xóm là bộ đội mới xuất ngũ phóng chiếc bình bịch qua (ngày ấy gọi xe máy là bình bịch), chúng tôi bỏ bóng chạy theo chú về nhà. Các chú bộ đội khác khi về quê chỉ mang theo chiếc khung xe đạp và con búp bê, chú là người duy nhất có chiếc bình bịch. Nghe nói chú gặp ông bác ruột vào sinh sống tại Sài Gòn từ năm 1945 và được sang nhượng. Chiếc bình bịch đã cũ, khởi động phải trèo lên đạp vài cái và khói hơi nhiều. Xe cũng thích nhưng bọn tôi thích hơn là được ngửi mùi khói xăng. Chỉ cần giúp chú lau chùi xe, chúng tôi được chú nổ máy cho thoải mái ngửi. Giờ đài báo nói nhiều về sự độc hại và ô nhiễm môi trường, chứ khi ấy cả người lớn và trẻ con trong làng hễ sểnh một chút là kéo tới để tường tận mùi của làn khói độc đáo, khác hẳn mùi khói bếp.

Từ sáng mùng hai Tết, các hoạt động vui Xuân diễn ra tại sân kho hợp tác. Ban ngày là các trò chơi dân gian như bịt mắt đánh trống, bịt mắt bắt dê, chơi cờ người… Buổi tối chương trình văn nghệ diễn ra thật tưng bừng và kéo dài tới tận khuya. Sau chiến tranh, người ra trận còn sống trở về và người ở làng sum họp trong một đêm văn nghệ vô cùng ấn tượng. Các tiết mục nối tiếp nhau, mọi người hát múa tưởng chừng không thể dứt. Tôi thấy nhiều người cười tươi nhưng mặt đầm đìa nước mắt…

Hình ảnh làng quê của tuổi thơ chỉ còn là dĩ vãng. Thời nghèo khó và có phần ấu trĩ ấy cho tôi những trải nghiệm đầy ý nghĩa về tình người nơi thôn dã. Ở đời, con người ta có thể dễ dàng quên đi nhiều thứ, song chẳng thể quên những gì gần gũi thân thương nhất.

Mỗi lần trở về làng, tôi cố gắng tìm lại một chút dấu tích kỉ niệm xưa trên từng con ngõ. Giữa vòm xanh kí ức, làn khói bếp vẫn hư ảo bay lên.

Phan Thái

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bàn chân tìm nhau

Văn xuôi 1 tuần trước

Rủ nhau đi hái măng rừng

Văn xuôi 1 tuần trước

Thong dong mây trắng…

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Sương

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Gió mây vần vũ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Lời ru từ mặt đất

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Tháng Ba mùa hoa gạo

Xem tin nổi bật 1 tháng trước