Thứ bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024
15:13 (GMT +7)

Khoác áo mới cho nghệ thuật biểu diễn: Sự phát triển của nghệ thuật và tư duy sáng tạo

VNTN - Ngày 25/2, NSƯT, đạo diễn Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, cho biết trong năm 2024, Nhà hát sẽ thực hiện 2 nội dung chính là mô hình “sân khấu du lịch” và đầu tư dàn dựng tác phẩm về cuộc đời, sự nghiệp của tác giả Trần Hữu Trang. Ngay tại thời điểm công bố kế hoạch hoạt động của Nhà hát, nhiều người đã không khỏi ngạc nhiên trước nội dung “Sân khấu du lịch” do Giám đốc đưa ra, thậm chí còn đặt nhiều câu hỏi về mô hình biểu diễn hoàn toàn mới mẻ này.

Trước xu thế, du lịch không chỉ là việc khám phá những địa điểm mới mẻ, mà còn là hành trình tìm hiểu về văn hóa và lịch sử của mỗi đất nước, dự án “Sân khấu du lịch” được xem là việc làm phù hợp, thậm chí đi tắt đón đầu trong chiến lực phát triển văn hóa, nghệ thuật trở thành ngành công nghiệp không khói. 

“Lạ hóa” sân khấu

Theo chia sẻ của đạo diễn Phan Quốc Kiệt, mô hình “Sân khấu du lịch” được thực hiện sẽ nhằm giới thiệu, quảng bá nghệ thuật cải lương với du khách trong và ngoài nước khi đến TP. Hồ Chí Minh. Đây là nội dung chính nằm trong những nhiệm vụ của chuỗi hoạt động biểu diễn nghệ thuật hướng đến kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Khoác áo mới cho nghệ thuật biểu diễn: Sự phát triển của nghệ thuật và tư duy sáng tạo
Các nghệ sĩ Đờn ca tài tử biểu diễn phục vụ du khách tại Khu Lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Anh Thắng)

Việc đổi mới hoạt động của Nhà hát, lấy tiêu chí phục vụ khán giả làm cốt lõi cho hoạt động sân khấu đặt ra những đòi hỏi rất cao về mặt kinh phí, đổi mới trong tư duy biểu diễn của Nhà hát và của từng diễn viên, nhưng nếu làm tốt và thành công sẽ góp phần tạo thói quen thưởng thức nghệ thuật mới cho công chúng. “Sân khấu du lịch” cũng sẽ là chìa khóa giúp cải thiện hoàn toàn tâm lý ngại vào rạp, lựa chọn sản phẩm vừa túi tiền, hợp thị hiếu cảm thụ nghệ thuật của người xem. Để thực hiện được “Sân khấu du lịch, Nhà hát Trần Hữu Trang đã nỗ lực đặt hàng đội ngũ soạn giả sáng tác những tác phẩm chất lượng, mang giá trị nghệ thuật cao, giàu tính nhân văn, kết hợp với việc dàn dựng mới, áp dụng công nghệ hiện đại để tạo ra những tác phẩm sân khấu độc đáo, mang hơi thở thời đại. Nỗ lực tìm kiếm hướng đi mới phù hợp để cải lương bắt nhịp với xu thế phát triển của các loại hình nghệ thuật khác; chú trọng khai thác các đề tài lịch sử, cách mạng, xã hội đương đại không chỉ là hướng đi của nhà hát Trần Hữu Trang mà còn của rất nhiều nhà hát, đoàn nghệ thuật trên cả nước.

Người yêu nghệ thuật giờ đã không còn xa lạ với dự án: “Sân khấu hóa học đường”; “Sân khấu - nghệ thuật trong lòng di sản”; “Chuyện nhạc phố cổ”; “Tuồng kể”,… khi lần lượt trở thành cụm từ khóa được nhắc nhiều không chỉ trên truyền thông, mạng xã hội mà ngay cả trong giao tiếp đời sống hàng ngày. Cho thấy, những nỗ lực không mệt mỏi của những người trong cuộc mong muốn đưa  tinh hoa của dân tộc trở thành một phần của cuộc sống đương đại.

Khoác áo mới cho nghệ thuật biểu diễn: Sự phát triển của nghệ thuật và tư duy sáng tạo
Thực ra, mô hình biểu diễn nghệ thuật kết hợp với du lịch từ lâu ở Huế đã làm rất tốt. Trong ảnh: Một buổi biểu diễn ca Huế trên sông Hương phục vụ khách du lịch. 

Không ngồi một chỗ, chờ khán giả đến với mình, ngược lại, bước ra ngoài để tìm và chinh phục khán giả, thỏa mãn khán giả bằng chính tác phẩm của mình. Từ cuối năm 2023, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã kết hợp với sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức chương trình trò chuyện mang tên “Tuồng kể”. Và năm 2024, tiếp tục triển khai các dự án dành riêng cho bậc tiểu học qua việc khai thác những tích truyện cổ tích, giai thoại lịch sử và những hình tượng văn học đã trở thành biểu tượng của cốt cách, con người Việt Nam.

Phương châm của Nhà hát chính là đưa nghệ thuật từng chút, từng chút vun đắp tâm hồn giới trẻ. Ở chiến lược dài hơi hơn, Ban Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị nghệ thuật, diễn viên thực hiện “Vườn âm nhạc”- dự án được kỳ vọng sẽ tạo đột phá mới cho các loại hình nghệ thuật dân tộc bước lên một tầm cao mới, trong chiến lược chấn hưng và phát triền nền văn hóa  Việt Nam.

 Hành trình tìm khán giả

Được xem là một quốc gia có nền văn hóa đa dạng, được phản ánh qua những giá trị truyền thống, lễ hội và nghệ thuật dân gian, Việt Nam không chỉ trở thành điểm đến mà còn là thỏi nam châm hút du lịch thế giới. Mô hình “Sân khấu du lịch”; “Sân khấu hóa học đường” hay “Vườn âm nhạc” không chỉ là nơi trình diễn những điệu múa truyền thống, những bộ trang phục cổ truyền mà còn là không gian tận hưởng các màn biểu diễn nghệ thuật đương đại trong và ngoài nước, tạo nên sự đa dạng và hấp dẫn cho công chúng yêu nghệ thuật.

Ở mô hình “Sân khấu du lịch” hay “Vườn âm nhạc” nghệ thuật nói chung, người biểu diễn nghệ thuật nói riêng không chỉ đóng vai trò trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống mà còn là sứ giả góp phần quảng bá giá trị nghệ thuật khi trực tiếp tương tác với khán giả, người xem. Và trong một chừng mực cụ thể, “Sân khấu du lịch” còn là cơ hội giúp nghệ thuật truyền thống giao thoa với nghệ thuật đương đại và thậm chí là nghệ thuật đối thoại nhằm tạo ra những trải nghiệm du lịch độc đáo và đầy màu sắc văn hóa, truyền thống riêng có tại Việt Nam. Đây cũng chính là những giá trị văn hóa truyền thống được coi như  báu vật vô giá mà tổ tiên để lại cho hậu thế.

Khoác áo mới cho nghệ thuật biểu diễn: Sự phát triển của nghệ thuật và tư duy sáng tạo
Một buổi diễn Tuồng cổ trên phố Mã Mây - Hà Nội 

Không chọn nơi trú ẩn an toàn là các Nhà hát, xuống đường và hòa mình vào cuộc sống, những loại hình nghệ thuật truyền thống đang cho thấy sự nỗ lực đến với từng khán giả, truyền đi giá trị nghệ thuật tới mọi thế hệ, đối tượng người nghe. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc đã khẳng định, sân khấu truyền thống phải đi bằng hai chân, một phần là phải bảo tồn nguyên gốc những giá trị đã có, khán giả có phông văn hóa thì mới thưởng thức được, và đó chính là di sản. Bởi vì di sản của sân khấu không phải là di sản chết. Di sản của sân khấu là di sản sống, việc bảo tồn những kiệt tác của sân khấu truyền thống là một hướng đi không bao giờ người ta bỏ được.

Hướng thứ hai là sân khấu phải tương thích với đời sống ngày hôm nay, phải thích ứng với khán giả hiện đại. Thời đại mới, sáng tác mới nhưng phải trên nguyên lý của âm nhạc truyền thống Việt Nam chứ không phải nhạc Âu Mỹ. Một điệu nhạc, một câu ca cất lên là người ta biết đâu là Tuồng, Chèo, Cải lương, không có chuyện lai tạp. Vẫn là những tích Tuồng cổ, trong dự án “Tuồng kể”; “ Chuyện nhạc phố cổ”… nhưng những âm hưởng mới, cách bài trí sân khấu mới… đã mang lại cho người nghe, xem những trải nghiệm thú vị.

Tuy nhiên, để có sự thay đổi trong tiếp nhận của người xem, nghe, từ thụ động (đến rạp theo giấy mời) sang chủ động (mua vé)  thì việc đào tạo khán giả đang trở thành bài toán khó mà các cơ sở giáo dục đào tạo nói chung, lĩnh vực nghệ thuật và các nhà hát nói chung chưa tìm ra lời giải. Hiện, để đào tạo khán giả trẻ, nâng cao hiểu biết kiến thức về nghề cổ, nhằm giảm dần khoảng cách của khán giả trẻ đến với nghệ thuật truyền thống, các đơn vị nghệ thuật, cơ sở đào tạo đã và đang xây dựng các dự án đưa nghệ thuật truyền thống đến với học đường, mở ra nhưng tour du lịch trải nghiệm với nghệ thuật truyền thống.

Việc bắt tay với các trường học, xây dựng những chương trình nghệ thuật đặt hàng riêng cho từng loại đối tượng được các nhà hát triển khai rộng rãi. Bước đầu đã có được những kết quả khả quan. Song để giải quyết tận gốc vấn đề, ngoài việc thực hiện tốt các mô hình, dự án “Sân khấu du lịch”; “ Vườn âm nhạc”,… cần đẩy mạnh khâu sáng tạo kịch bản. Hiện nay, số lượng tác giả viết riêng kịch bản sân khấu nói chung, từng lĩnh vực ngành trên cả nước còn quá khiêm tốn, nếu như không muốn nói là nhiều lĩnh vực chuyên ngành không có người viết.

Có nhiều lý do để giải thích sự trống vắng trong đội ngũ những người viết kịch bản sân khấu, nhưng chúng nhất vẫn là sự đòi hỏi khắt khe về thể loại, thù lao thấp, khả năng được dàn dựng kịch không nhiều do chi phí dàn dựng lớn. Thông thường, để viết được một vở kịch hay, tác giả cần phải có hiểu biết sâu về văn học cổ cùng các thể thức trong nghệ thuật, phải thuộc các làn điệu, bố cục, kết cấu của sân khấu… nhưng kết quả thu được lại không như kỳ vọng. Chính vì vậy, khát kịch bản luôn là căn bệnh trầm kha của chuyên ngành sân khấu.

Để gỡ những nút thắt của nghệ thuật truyền thống, sự chủ động tìm khán giả và tự làm mới mình đã trở thành yếu tố đầu tiên mang tính chất sống còn của các nhà hát. Những buổi biểu diễn đường phố đã ngày một nhiều hơn. Ở đó, người xem không phải mua vé, và cũng không có pano, áp phích giới thiệu rầm rộ, nhưng lại thu hút được đông đảo người xem, đủ mọi lứa tuổi. Sự háo hức, niềm vui và những tràng pháo tay đã trở thành động lực để nghệ sĩ tiếp tục nhen lên ngọn lửa nhiệt huyết với nghề.

Thiết nghĩ, những buổi biểu diễn như vậy chính là con đường ngắn nhất để nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với công chúng. Và đây cũng chính là cách tốt nhất để bảo tồn và lan tỏa những giá trị văn hóa lâu đời mà ông cha ta đã hết mình nuôi dưỡng và trân trọng, trên hành trình kết hợp văn hóa và tư duy sáng tạo của người làm nghệ thuật hôm nay.

Quỳnh Hoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy