Thứ bảy, ngày 11 tháng 01 năm 2025
10:02 (GMT +7)

Khi Tết vào nhà

Khi những mầm mai trước sân nhà bung biêng hé nụ rồi từng ngày xoè ra những chiếc cánh mỏng tang màu nắng. Cái lạnh bớt se sắt cho những chồi non trong vườn cựa mình thức dậy. Vậy là ta biết mùa xuân hạnh phúc đang về.

Khi Tết vào nhà
Ảnh: Q.K

Người quê tôi vội gác lại công công việc đồng áng để sửa soạn cửa nhà khang trang đón Tết. Bao nhiêu tinh túy, ngọt ngào của một năm lao động, bao nhiêu sự chân thành, tận tụy của con tim dành cho tổ ấm đều dốc hết vào những ngày cuối năm này nên bận rộn mà vui.

Bắt đầu từ ngày hai mươi tháng Chạp, bố đã ra ngắm khóm tre đầu ngõ, chọn một cây vừa thẳng vừa dài để vài hôm nữa làm cây nêu đón Tết. Tôi băn khoăn hỏi bố cây bạch đàn sau vườn chẳng phải đẹp và dễ chặt hơn sao, cớ chi lại chọn cây tre lòng thòng gai góc cho cực vậy. Bố mỉm cười và bảo: vì cây tre khi già thì măng sẽ mọc, tre được chia làm từng đốt là biểu tượng cho sự mực thước trong gia đình và ruột rỗng nhưng dẻo dai bền chắc là biểu tượng của sự can trường, mạnh mẽ trước mọi bão giông. Bố muốn mọi người trong gia đình mình hội tụ được đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của cây tre và muốn xua đi những điều không vui trong năm cũ nên dồn hết sự nghiêm cẩn vào việc dựng nêu với tất cả tình yêu thương bố dành cho tổ ấm. Nêu được dựng xong là tụi nhỏ chúng tôi hò reo sung sướng: Tết đã vào nhà.

Như một sự mặc định hằng năm, cánh đàn ông thì lo sửa soạn ban thờ, dọn dẹp, trang trí nhà cửa, còn phụ nữ thì lo chuyện chợ búa, bếp núc. Khung cảnh ấy vẫn giống thường khi nhưng sao tôi cảm giác những ngày này thiêng liêng chi lạ. Từng việc làm của bố được sắp xếp logic, khoa học và cẩn thận nhất. Đầu tiên là quét lại trần nhà, sơn ve cho những bức tường trở nên tươi sáng. Tiếp đến là lau dọn, sắp xếp lại nơi thờ tự tổ tiên, ông bà. Bố bảo, chiếc khăn lau, chiếc chổi quét ban thờ phải tinh sạch và riêng biệt, nước lấy từ bể chứa nước mưa tinh khiết nhất. Sửa soạn xong, thì bố ra vườn chọn cành đào đẹp nhất, cắt những trái cây đã dành dụm bao ngày rồi mua thêm hoa, quả, bóng đèn trang trí. Tôi nhìn tay bố nâng niu lau từng khung ảnh, từng vật dụng như thế sợ mình sơ ý làm rơi vỡ, trầy xước, sợ làm sót lại hạt bụi nào trên đó thì làm lễ sẽ mất thiêng, nhìn cách bố sắp đi, sắp lại đĩa trái cây hay nắn nót cắm bình hoa mà lòng rưng rưng xúc động. Là bố đang thể hiện sự hiếu thuận với ông bà, là bố làm gương để dạy chúng tôi lòng biết ơn tổ tiên, nguồn cội, là niềm khao khát bình yên cho tổ ấm của mình nên tất cả lòng thành bố gửi trọn vào đây.

Còn mẹ tôi, sáng nào cũng dậy từ rất sớm, lục tục quang gánh lên chợ huyện xa. Mẹ bảo phải lên đó mới có đầy đủ những thứ mình cần và tha hồ chọn lựa. Mỗi ngày mẹ sắm một ít. Khi thì chén bát, xoong nồi, khi thì rổ rá, thúng mủng, khi lại áo quần cho mấy đứa con. Sát ngày ba mươi thì mẹ mua thực phẩm, hoa quả, kẹo bánh để bày mâm, soạn cỗ. Tôi không biết mẹ đã chắt chiu dành dụm bao ngày để có tiền mua sắm, đã tỉ mỉ chọn lựa ra sao nhưng mọi thứ mẹ mua đều thật là bắt mắt. Nhất là đồ lễ dâng lên ban thờ tổ tiên. Rồi khâu nấu nướng, chế biến ở nhà cũng vậy. Nào là bánh chưng, bánh tét, giò chả, nào là mứt gừng, mứt đậu, hũ dưa, hũ kiệu, hũ hành, nồi thịt nấu đông, nồi bò hầm, bò rim đậm vị... Tất cả được mẹ kì công chuẩn bị tỉ mỉ từ nguyên liệu đến gia vị, cẩn thận làm từng khâu, từng bước trong quá trình chế biến để mỗi thành phẩm tạo ra đều đảm bảo sạch, ngon và đẹp mắt. Có những thứ mẹ đã loay hoay chuẩn bị suốt mấy tháng ròng.

Ví như bánh chưng chẳng hạn. Từ khi gieo hạt nếp trên nương, mẹ đã kiên trì loại bỏ bằng hết những cây giống gạo tẻ pha lẫn vào trong đó, công việc làm cỏ, bón phân, điều tiết nước cũng được mẹ chăm chút hơn những đám ruộng trồng lúa khác. Bởi muốn có gạo nếp dẻo thì cây phải no nước, tốt xanh cho hạt thóc chắc mẩy. Rồi khi phơi khô mẹ cũng phơi lúc nắng nhẹ để làm khô từ từ và không cất khi lúa chưa nguội hẳn. Chiếc chum sành của ông bà để lại mẹ xem như báu vật được dùng riêng cho chức năng bảo quản lúa nếp trong những ngày đông mưa lạnh. Đậu xanh để làm nhân mẹ cũng cầu kì như thế. Khóm lá dong trong vườn mẹ dặn mấy chị em tôi không được đổ nước bẩn mà chỉ tưới nước sạch, nước vo gạo. Chú heo béo múp, đàn gà cục tác, vườn rau mướt xanh mẹ chăm sóc chưa một ngày sao nhãng. Mẹ muốn tự tay mình chế biến các món ăn từ nguyên liệu sạch sẽ, tinh khiết nhất, trước là để dâng lên ông bà, tổ tiên, sau là cả nhà cùng anh em bè bạn có dịp quây quần được thưởng thức món ngon và an toàn trong dịp Tết. Vậy là tôi hiểu, vì sao con người ta dù đi đâu, ở đâu, cuộc sống thế nào thì mỗi khi Tết đến cũng khao khát trở về bên mẹ mà thôi.

Không khí Tết nhộn nhịp và tưng bừng nhất là ngày cuối cùng của năm. Hôm ấy mọi sinh hoạt thường ngày gần như bị xáo trộn hết cả. Bố sắp lễ xong thì dẫn anh trai đi dâng hương ở những nơi có liên quan đến cội nguồn đã sinh ra ông bà tổ tiên ở hai bên nội ngoại. Còn mẹ và các cô, các thím lại lục tục sửa soạn mâm cỗ cúng tất niên. Mấy chị em tôi thì xúng xính quần áo mới, miệng nhai chóp chép bánh mứt, hoa quả, thổi bong bóng và tụ tập reo hò, chạy nhảy quanh sân. Anh chị lớn hơn bị mẹ sai làm việc vặt từ trong bếp cứ nhấp nhổm không yên nhìn ngó ra ngoài. Mùi hương hoà quyện cùng mùi đặc trưng của những món ăn ngày Tết ướp trọn không gian. Cô chú đi làm ăn xa đã trở về đông đủ, niềm vui sum vầy ngời lên trong mắt, trong những cái ôm và tiếng nói, cười. Món ăn tinh thần vô giá ấy càng làm cho hương vị ngày Tết thêm đậm đà, ý nghĩa, thiêng liêng.

Đi qua những mùa Xuân, tôi càng yêu hơn những ngày Tết đến, những ngày bận rộn mà vui, những ngày cho tôi hiểu hơn tấm lòng cha mẹ, cảm nhận sâu sắc hơn sự thiêng liêng của mái ấm gia đình... Với tôi, mỗi một phút giây khi Tết vào nhà là một hoài niệm đẹp, là bức tranh đa sắc, đa màu nhưng toát lên vẻ đẹp của tâm hồn con người là tình yêu thương họ dành cho tổ ấm, là sự bao dung, nhân ái, nghĩa tình, là tấm lòng hiếu thảo với tổ tiên, ông bà cha mẹ và đức hy sinh dành cho con cái, là sự bao dung trước mọi lỗi lầm ai đó gây nên. Niềm vui của lòng người khiến cả đất trời vui theo mà bừng dậy, mà hoà reo bản nhạc rộn ràng bằng tiếng hót của chim muông, mà tô vẽ bức tranh rực rỡ sắc màu bằng muôn hoa tươi thắm, mà dệt ước mơ cho muôn triệu trái tim hồng.

Lê Thị Xuân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bão chiều

Văn xuôi 5 ngày trước

Tiết học cuối cùng

Văn xuôi 6 ngày trước

Những mùa đông…

Văn xuôi 1 tuần trước

Câu chuyện dang dở

Văn xuôi 1 tuần trước

Những luống rau xanh

Văn xuôi 3 tuần trước

Chuyện ngày xưa…

Văn xuôi 3 tuần trước

Mùa nắng pha lê

Văn xuôi 3 tuần trước