Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
12:51 (GMT +7)

Khám phá những kiệt tác từ đá basalt

VNTN - Những trận núi lửa bao giờ cũng để lại trên mặt đất những khối đá basalt nứt nẻ kỳ thú, và là kết quả của những dòng nham thạch nguội lạnh cực nhanh, đã tạo ra nhiều tầng lớp mỏng khô, chồng chất, rạn vỡ theo thớ ở cạnh nhau. Một hình dạng hay gặp nhất của chúng là các cột đá nhọn cao lêu đêu đứng liên tiếp, và kế tới là các tảng đá to nhiều cạnh, gồm từ ba tới 12 mặt trở lên nằm san sát. Dù ở hình thái nào, đá basalt cũng cho phong cảnh rất tráng lệ - trữ tình, nhất là tại ven biển, sông suối với sự nhấp nhô - trùng điệp, làm mọi người nhầm tưởng nước biển đang bào mòn song không phải. 

Tự nhiên đã khiến chúng như vậy với cách kết tủa, đeo bám như tinh thể, và về nguyên lý thì có thể hiểu như sau: Do chứa ít silica, nên nham thạch đá basalt có độ sệt, dính rất thấp, vì thế nó dễ dàng tạo thành nhiều dòng nhỏ, chia tách, chảy rất xa, và khi nhiệt độ giảm xuống bất ngờ từng dòng ấy cũng khô luôn, nứt gãy theo một số kiểu. Ở các đá basalt dạng cột, độ lạnh càng nhanh, càng có nhiều cột nhỏ mà thường là dưới một centimét (cm), và độ lạnh càng chậm, tức nguội chậm thì cột càng to đến cả mét (m). Với những dòng mác ma, la va tuôn trào dưới biển, gặp lạnh nhanh chúng lại lập hình dạng gối, thớt đĩa, to từ 10 cm tới 2 - 3 m.

 

Los Organos Tây Ban Nha

Theo tiếng La tinh, basalt có nghĩa là đá cứng và thường xuất hiện ở dưới biển lên tới mặt nước, lập nên các quả núi hay bãi đá đen xám hoặc cũng có thể là xanh lá, nâu vàng nhờ chứa nhiều khoáng chất plagioclase. Vì quen thuộc, dễ tìm, dân gian hay dùng đá basalt để xây dựng nhà cửa, tận dụng những phiến đá nứt vỡ từ trước làm gạch to nhỏ, ngẫu hứng, đẹp mắt.

Có thể gặp các khối đá basalt ở khắp nơi, song lôi cuốn nhất có lẽ là một số địa điểm sau: Đầu tiên là Ghềnh Đá Đĩa ở Việt Nam, như đã nói là những dòng chảy la va dạng cột/ hình nón khi phun lên mặt đất đã đông cứng thành ghềnh đá, cụ thể là ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên với diện tích tới 25 nghìn m2 và gồm hơn 35 nghìn cột đá màu xám, vàng nhạt, phẳng mặt, mang nhiều hình thù như tròn, vuông, ngũ giác, lục giác, bát giác, ngôi sao… Mỗi cột đá cao khoảng 60 - 80 cm và to 20 - 30 cm, nhìn từ xa cứ như một đống bát đĩa khổng lồ, chềnh ềnh ven biển. Chúng đã xuất hiện từ hàng triệu năm trước trong các trận núi lửa phun trào và gặp nước biển lạnh, cứng lại, nứt vỡ theo mạch do phản ứng co vì nhiệt. Vào năm 1998, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã công nhận kỳ quan thiên nhiên này là di sản quốc gia.

 

Ghềnh Đá Đĩa ở Phú Yên, Việt Nam

Gần giống Ghềnh Đá Đĩa Việt Nam, nhưng vươn cao thành vách và có thác nước chảy qua, là Thác Litlanesfoss ở Iceland. Thác này nằm cách thị trấn Egilsstadir 30 km và có sự đặc biệt nhờ những cột đá basalt bao bọc. Thác cao 30 m, chia hai tầng, từ một vách núi basalt đổ xuống một bãi đá lô xô phía dưới. Cũng vì lý do này, những cột đá trên đã trở thành những cột đá basalt cao nhất châu Âu, và nhìn từ trên cao cứ như những viên đất nặn cắm quanh một tổ ong lỗ rỗ sáu cạnh, và giả lập một bức mành dày, che giấu vẻ quyến rũ lẫn huyền bí của dòng nước.

Vách núi Jusangjeolli - Hàn Quốc cũng là một cảnh đẹp ngoạn mục bằng đá basalt tạo tác. Vươn mình khoảng 2 km, cao 20 m bên bờ biển phía nam đảo Jeju, với những cột đá lục giác đều, nó được dân địa phương gọi là hòn Jisatgae, và hay tìm tới đây để thưởng ngoạn cảnh biển, nhất là về chiều khi sóng đánh rất cao lên vách, bật lại và vỡ òa trên các “thớt” đá. Theo các nhà địa chất, vào kỷ Pleistocene, một trận hỏa sơn đã làm la va từ núi Hallasan tràn xuống biển Jungmun, và đóng thành một vách đá sừng sững. Dưới tác động của thủy triều, mỗi năm nó lại lộ thiên thêm nhiều cột đá basalt đẹp mắt.

Đến Đèo Garni - Armenia, về phía đông thủ đô Yerevan 23 km, bạn cũng gặp một cảnh tượng khó quên vì sự hoành tráng, hùng vĩ. Đó là một quả núi dưới dạng của hàng triệu triệu những chiếc sào hay que đũa basalt, và ở trên cùng là một ngôi đền từ thế kỷ I vươn mình lên bầu trời, cho cảm tưởng móng của nó được gia cố từ cả tỷ cái cọc. Tất cả lao xuống đầu người qua lại, cứ như thể một cuộc tấn công chông đạn như trút. Thế nhưng, chẳng ai sợ hãi, mà còn đến sờ tay vào các cột đá trông cũng giống các phím đàn dương cầm mà đặt tên nó là Bản giao hưởng của đá.

Hơi ngược trên, Los Organos, đảo Canary - Tây Ban Nha lại cho cảm nghĩ về một trận Bạch Đằng Giang bằng đá, khi một diện tích rất lớn bên bờ biển phía bắc La Gomera và dưới những vách đá cao 800 m, rộng 200 m có những bãi đá basalt kìn kịt như chông, song với người dân đảo Canary là những ống sáo của trời. Hàng triệu nhạc khí vĩ đại này nhô lên khỏi bờ Đại Tây Dương, và khi có sóng biển dữ dội, bọt bắn tung tóe cũng “phát” ra những tiếng nhạc bổng trầm da diết. Vì vách đá dốc thẳng xuống biển, muốn ngắm nhìn thật kỹ từng góc của bãi đá cũng như vách đá basalt, mọi người phải đi thuyền câu nhỏ, luồn lách trên vùng nước cạn.

Ghé Vương quốc Anh, mà chưa đến Giant, Causeway, con đường của người khổng lồ, là chưa phải tới Anh. Do đây là một cảnh đẹp nức tiếng và là Di sản UNESCO từ năm 1986. Cũng là một ghềnh đá đĩa bên biển ở hạt Antrim, đông bắc Northern Iceland, song nó còn có nhiều điểm độc đáo khác, như ngoài 40 nghìn cột đá công kênh, đá ở đây còn có bốn cạnh, năm cạnh, bảy cạnh… xếp thành đống dạng kim tự tháp, như các “lâu đài cát” vĩ đại. Là tác phẩm của một đợt phun trào la va cổ đại, nó cũng là một vách đá basalt bị nước biển phá đổ và giờ chỉ còn một nền móng ở đâu đó xa bờ, cùng nhiều ụ cao 12 m, rộng 28 m. Vào năm 2005, theo bình bầu của bạn nghe đài, Giant, Causeway đã được xem là kỳ quan thiên nhiên lớn thứ tư Anh.

 

Hẻm núi Takachiho - Nhật Bản

Một kỳ quan địa chất nữa cũng của Anh là Fingal, Cave ở hòn đảo không người Staffa, Scotland. Đây là một hang động có cấu tạo hoàn toàn bằng đá basalt chia thớ, hơn thế còn rất cân đối, lại sâu hút, nhờ thế phát ra những âm thanh rất vui tai, như tiếng chuông nhà thờ. Cao 69 m và có cửa hang hình vòm ngập chìm trong nước biển, nó cũng là một động biển đẹp nhất xưa nay và lôi cuốn thuyền bè dạo chơi, nhất là mùa nước lên từ tháng tư đến tháng 9. Theo kết quả đo đạc, Hang Fingal đã ra đời từ 60 triệu năm trước, cùng thời và bằng chính dòng la va tạo nên Giant , Causeway, và gồm hàng tỷ những cột đá basalt hình lục giác đều đặn. Truyền thuyết cũng kể rằng, Giant, Causeway Fingal , Cave là hai đầu của một đại lộ bằng đá tảng, do chính người khổng lồ Ireland Fionn mac Cumhail dựng lên để tới Scotland tỷ thí với người bạn khổng lồ Fingal. Không rõ thực hư nhưng nhờ vòm động đăng đối, những khi sóng biển dạt vào, nó ngân lên những tiếng vọng cực kỳ trong trẻo.

Vì có những hình lục lăng đồ sộ, nên vách đá basalt ở hẻm núi Alcholoya - Mexico được gọi là Prismas Basalticos (các lăng kính) và là một cảnh đẹp biểu tượng của quốc gia. Thêm vào đó, từ trên cao 50 m của nó, còn tuôn trào hai dòng thác ấn tượng và có một con đập cung cấp nước cho cả vùng - Đập San Antonio. Từ hai phía, nước chảy xuống róc rách qua những “bậc đá” như đánh đàn, và trên đường đi đã chảy qua không biết bao nhiêu là những mỏm đá basalt lởm chởm, có từ năm tới sáu cạnh. Người phát hiện và giới thiệu hẻm núi và các thác nước này ra thế giới đầu tiên, là nhà thám hiểm Prussia Alexander von Humboldt, khi ông thực hiện một tua vòng quanh Mexico năm 1803. Các du khách quốc tế nữa trực tiếp biết tới nó là Francois Mathurin Adelbert, Johann Moritz Rugendas, William Henry Bishop và Hubert H. Bancroft… Vào năm 2007, Ủy ban phát triển du lịch của Mexico đã ghi nhận Prismas Basalticos là một trong 13 kỳ quan nhiên tạo tráng lệ nhất toàn quốc.

Svartifoss - Iceland cũng là một kiến tạo địa chất muôn người thán phục, gồm có núi - thác và đặc biệt ở một đất nước lừng danh về băng tuyết. Tên của nó có nghĩa là Thác đen, ý chỉ màu đen của những cột đá basalt tầng tầng lớp lớp, xếp thành một bức tường cho nước băng qua; và như đá ở đèo Garni- Armenia, chúng cũng phi từ trên trời xuống ngang lưng thác, làm ra một tấm áo choàng cổ riềm đăng ten bồng bềnh, khoác lên mình dòng nước bạc. Mỗi năm, do sự bào mòn tự nhiên, những cột đá lại rơi xuống lã chã và thu hút rất nhiều người tới công viên quốc gia Skaftafell, xem đá lăn. Nhìn hình dạng như bay giữa khung trời của Svartifoss, nhiều kiến trúc sư đã nảy sinh cảm hứng sáng tác nên nhiều công trình thơ mộng, như Nhà hát quốc gia và Thánh đường Hallgrimskirkja…

Hẻm núi Takachiho - Nhật Bản cũng có những lằn đá khoét sâu và cho ra hình ảnh của các trụ gạch nhà cửa nâu đỏ cùng ngói ống thâm đen. Riêng phần đá trên cao, được hiểu như mái của một ngôi nhà, do nhăn nheo và xù xì còn được ví với những vảy rồng. Cụ thể, nó là một khe núi có hình chữ V, được tạo bởi sông Gokase-gawa khi dòng nham thạch Aso lan tới đây, và vì dòng sông chảy ở giữa nên hai bên hẻm là những bức tường đá basalt rất cao, thẳng đứng, dài khoảng 600 m và cao 17 m. Về một bên, còn có một thác nước tóa lan nhiều mạch, đổ từ đỉnh núi xanh rì và rực rỡ các loài hoa như phong lan, anh đào, đỗ quyên… Hàng ngày, thấy rất đông người đi thuyền qua lại khe núi ngắm cảnh.

Ngoài ra, còn thấy rất nhiều kỳ quan đá basalt đặc sắc khác như kiến tạo địa chất ở Cape Stolbchaty - Nga, Bazaltove - Ukraine, Bazalt Kayaliklari Sinop - Thổ Nhĩ Kỳ, Detunata Goala - Romania, Rhone North Bavaria - Đức, đảo Porto Santo - Bồ Đào Nha, hẻm Studlagil Jokuldalur - Iceland, Cape Raoul Tasmania - Úc, Blackhead Dunedin - New Zealand, Devils Postpile California - Mỹ, Kavadia Dewas - Ấn Độ…

Thủy Trường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy