Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
09:02 (GMT +7)

Khám phá lều dân gian châu Phi

VNTN - Là một lục địa có nhiều dân tộc, bộ lạc sinh sống nhất thế giới, châu Phi cũng có nhiều kiểu nhà dân gian đặc sắc, trong đó ở vùng nông thôn- nơi khí hậu khắc nghiệt, ngày nóng đêm lạnh, không có máy điều hòa nhiệt độ, người dân ở trong những túp lều bằng đất, gỗ, đá, que quẽ, lợp rơm, lá. Sở dĩ như vậy vì chỉ có kiểu nhà với cấu tạo tự nhiên này mới chịu được nắng lửa, mưa giông và nhiều yếu tố khắc nghiệt cùng cực. Không chỉ có thế, nhờ dễ làm, dễ kết hợp, di chuyển, lại rẻ, nhanh, có lợi cho sức khỏe, môi trường, nhiều túp lều mộc mạc vẫn có thể tồn tại lâu bền, bất chấp sự hiện đại và đô thị hóa. Và đi tới đâu, người ta vẫn gặp chúng, và lều trở thành một biểu tượng về vẻ đẹp độc đáo của châu Phi, cũng như tài năng, trí tuệ người dân. 

 

Lều Maasai do những người phụ nữ làm

Lều Maasai Tanzania

Tuy giản dị, mỗi túp lều luôn là một tác phẩm nghệ thuật có sự đầu tư công sức lẫn tình cảm rất lớn của người chủ. Do không có máy móc, thậm chí công cụ phổ biến như bào, đục, cưa, cắt, cũng không sẵn vật liệu đổ đống, thổ dân ở đây, cụ thể là dân du mục phải tận dụng tất cả những gì họ có xung quanh như bùn, đất, cát, đá, sỏi, que củi, vỏ cây, lá cây, lông chim, da thú, nước hồ, nước mưa, nước tiểu, phân và nhựa của loài vật và dùng tay hay phương pháp thủ công để dựng nhà. Song rất nhanh, chỉ trong ít ngày, họ đã làm xong một chỗ ở chắc chắn. Nhiều công trình lớn và gắn kết tốt như nhà đắp (nhà đất) có thể chịu được mưa bão, nứt nẻ, kiến mối từ 30 đến 80 năm. Thậm chí lều có yếu, người ta vẫn luôn có cách chống đỡ và hài lòng với nó bởi vì đây là một phần không thể thiếu trong đời sống chăn thả, săn bắn, lang thang. Ví dụ như người San là một bộ lạc ở miền Đông Congo, hàng ngày phải di chuyển liên tục trên sa mạc, nên họ dựng lều siêu giỏi, và có thể mang theo cả lều hay vật liệu khi cần thiết.

Về ý nghĩa văn hóa, lều dân gian châu Phi cũng giữ một vị trí quan trọng trong các phong tục tập quán. Gọi là lều song nhiều khi chúng là lâu đài, cung điện, nhà thờ hay nơi chôn cất, tổ chức các lễ hội, cưới hỏi, ma chay… của người dân. Dù to hay nhỏ, giữa lều luôn có một bếp lửa để gia đình, làng xóm quây quần vui vẻ. Và nó không khác gì một dinh thự châu Âu tiện nghi nào, thậm chí còn ấm cúng hơn. Theo huyền thoại Shangaan, lều của người Tsonga (Mozambique) còn có thể đem lại hòa bình vì khiến cho tâm hồn hiền lành, thánh thiện hơn. Chuyện kể rằng, vua Shaka của bộ lạc Zulu (ngày nay ở Nam Phi), muốn thôn tính phương bắc, nên đã sai chiến binh Soshangana đi chinh phục. Tuy nhiên, khi đến bộ lạc Tsonga, thấy người dân chất phác và những túp lều hình tròn, lợp cỏ sơn vẽ đẹp mắt, anh đã quyết định ở lại, cùng xây đắp xứ sở này, rồi thành vua Tsonga, thay vì gây chiến, vơ vét của cải về nước.

Nói chung, mỗi quốc gia Phi châu đều có một số kiểu nhà dân gian đặc trưng. Tiêu biểu ở Ethiopia là lều Dorze của người Dorze, vùng Gemu-Gwefa trên cao nguyên phía nam. Tại đây, từ xưa người dân đã nổi tiếng đan lát khéo tay; ngoài rổ rá, trang phục, họ còn đan tết dựng nhà. Với vật liệu là tre và rơm, thời gian thi công từ 5 đến 22 ngày, họ bắt đầu dựng lều bằng cách dùng một cột gỗ to buộc dây, làm compass vẽ lên đất một vòng tròn, đường kính từ 7 đến 8m. Đây chính là bề rộng của căn nhà. Sau đó họ cắm que tre đã chẻ nhỏ đều đặn quanh vòng tròn ấy, cách nhau 10cm và dựng đai, đan các thanh ngang vào thanh dọc từ dưới lên trên, cho đến chạm đỉnh. Kết quả là một bộ khung đồ sộ, cao từ 6 đến 8m. Do tre cắm vào nền đất nhiều năm có thể mục, nên cứ bốn năm gia chủ sẽ cắt ngắn chiều cao của lều đi 20cm nhằm loại bỏ phần oải. Và cứ thế, họ sinh sống đến lúc nào cảm thấy ngôi nhà quá thấp và cần xây mới. Chưa dừng lại, thợ xây tiếp tục làm thêm một mái che có cấu tạo giống mũi hếch lên trên bộ khung. Ở lều nhỏ thì đơn giản là một cái mũ lưỡi trai áp trên phần cửa che mưa, song ở lều đại thì làm một gian buồng chứa bảy, tám người. Nhìn từ xa cứ như một heo vòi. Lều nhỏ thường để trống cửa cổng, nhưng lều lớn sẽ gắn một cánh cửa gỗ, thường khóa từ bên trong. Sau đó, họ lợp rơm toàn bộ khung, kết hợp lá chuối và măng tre. Trong 0,1m2 mái sẽ có khoảng 24 cái măng khô, và nhờ độ dẻo dai chống được nhiều điều kiện thời tiết. Tại đỉnh của mái, họ sẽ buộc chéo các thanh tre với nhau, để chúng nhấp nhô giống như những chiếc lá của một búp măng vĩ đại, theo tín ngưỡng bản địa là biểu tượng của sự an sinh, phát triển. Tại đây, họ cũng treo một cành cây có tác dụng chống tà. Cả công trình thường chỉ có hai tầng. Tầng một cao 2m, được dùng làm kho chứa, nơi nấu nướng. Chính giữa đặt một bếp lửa, và cho khói thoát ra ngoài qua các lỗ thông hơi trên tường và hai lỗ mũi hếch trên. Như đã nói, gia chủ có thể cắt ngắn túp lều một cách dễ dàng như một cái rổ, và chỉ cần đào nó lên khi cần, cũng như di chuyển tùy ý.

Lều Musgum của người Musgum, tỉnh Far North-Cameroon lại là một nhà bùn được nén chặt và vuốt tròn tao nhã. Do tại địa phương, không có nhiều cây cối lớn, ngoại trừ cỏ sậy rậm rạp ven sông, nên từ thế kỷ 19, người dân đã lấy sậy dựng khung, rồi đắp bùn, vỗ chặt, phơi khô, tạo ra một nơi ở cực kỳ cứng rắn, thoáng mát. Lều có hình tổ ong, hoặc con sò do trên bề mặt trổ nhiều rãnh gồ ghề tựa vỏ sò. Bước đầu, thợ xây cũng tạo một vòng tròn trên nền đất, song từ đó đắp bùn theo kiểu xoắn ốc lên cao. Vì đặt trực tiếp trên mặt đất, không có móng, để công trình vững chãi, cố định nên chân tường phải đắp rất dày nhưng càng lên đỉnh càng mỏng, dưới dạng những vòm cung liên tiếp, nhằm đảm bảo tải trọng lớn (nặng) song tốn ít vật liệu. Tuy không đóng cọc trụ, song mỗi túp lều có thể ngoi cực cao, trung bình từ 3 đến 9m. Vì thế, vừa xây họ vừa phải đắp các đường gân, là những gờ chữ V lộn ngược hoặc sọc thẳng đứt quãng trên tường, đợi chúng khô để dẫm chân lên xây tiếp hoặc sửa sang. Và những sọc này cũng là những hoa văn trang trí ngôi nhà và là đường dẫn nước mưa, phân tán áp lực. Thoạt nhìn, những túp lều trông như những quả đồi hùng vĩ, nhất là khi chúng tụ hợp thành làng. Lều ở mỗi làng thường tập trung từ 5 đến 15 cái và đều thuộc một gia đình. Có nghĩa là họ một lúc có nhiều chỗ trú ẩn. Tất cả sắp vòng tròn, nối tiếp bởi một tường dài khép kín, và chỉ chứa một cổng ra vào, giúp giữ gìn an ninh - trật tự. Ở đây lúc nào cũng mát dịu, sảng khoái nhờ tường cao che nắng cùng mùi hương đất nồng nàn và tiếng gió vui tai thổi từ lỗ tròn trên mái xuống. Lỗ này có tác dụng rất lớn, như làm nguội luồng khí nóng, thông hơi đảm bảo sự trong lành trong nhà, tiêu khói cùng mùi khi đun nấu và nếu mưa lũ thì cho phép trèo lên, thoát hiểm.

Lều Dorze

Đơn thuần chỉ là que quẽ, bùn đất ốp nhẹ, cũng không trang trí mấy, song lều Maasai là một tổ ấm hết sức thú vị của người Maasai, một tộc chiến binh kết hợp du cư, chăn thả tại Tanzania, Kenya và Uganda. Từ xưa, người Maasai rất giỏi chiến đấu, lăn lộn trong sa mạc và hiện nay thì nay đây mai đó, dắt bò, dê, cừu đi gặm cỏ ở các thung lũng xa. Để phục vụ việc ăn ở mau lẹ, họ đã dựng lên những túp lều thấp, và từ bằng bất cứ loại cây cỏ nào bắt gặp. Tuy nhiên, nam giới rất ít khi đụng tay xây nhà, mà thường để cho phụ nữ, vợ con làm. Có lẽ bởi nó quá dễ chăng, hay cũng có thể do các quý ông bận việc? Lều Maasai hay manyatta là một nhà ôvan hoặc tròn, cao khoảng 1,5m, rộng 3 tới 5m, với các khu ăn ngủ, cất trữ và thậm chí nuôi gia súc. Để nhốt gia súc vào đêm, họ sẽ quây rào gai trong nhà tránh thú dữ xâm nhập. Sau khi gom đủ các loại que củi, người vợ hay con gái sẽ cắm chúng xuống đất, chằng buộc thật dày, rồi trát một hỗn hợp đặc biệt, gọi là bomba gồm nước, bùn, cỏ dại, phân bò, nước tiểu. Kế đó làm nóc cũng bằng que quẽ song mềm, nhỏ hơn và tiếp tục trát bomba, có tác dụng bít kín, chống thấm, chống kiến mối. Lều thường có hình trứng thuôn dài, chia thành các gian. Vì nhỏ và để tạo sự kín đáo, nên nó rất ít cửa sổ, và phần cổng không nằm chính tâm, cũng không nhìn thẳng vào nhà, mà lệch ra một bên, bẻ cong chữ L. Tại đó, người lạ phải bước qua, rẽ phải hoặc trái mới vào bên trong. Nội thất thường khá mộc mạc, chỉ có hai giường, một cho cha mẹ và một của con cái. Tuy thấp và nhỏ, nhưng lều luôn mát rượi vào hè, ấm áp vào đông tùy vào độ dày của vách, tường. Dù được trát bằng phân bò, nước tiểu nhưng nó thường không nhiều mùi hôi vì gia chủ luôn làm sẵn và để hả hơi trong nắng cháy nhiều ngày mới vào ở.

Cũng tương tự bằng củi đắp đất, song đã ra dáng một ngôi nhà lớn hình nấm là lều Oroma của người Oroma-Kenya. Mỗi túp lều đều có khung gỗ, phủ chiếu cỏ. Đó là cây Danisa non, có cành rất dễ uốn, lá của cây cọ doum mềm và nhiều loại cỏ dại. Có đến hai kiểu lều ở đây: bán cầu cao khoảng 2m và tổ ong 6m, với mái hoặc che phủ toàn bộ hoặc lưng lửng như mũ nấm. Hơn thế, còn có thể nhổ lên, chuyển đi tùy ý. Một điều ấn tượng nữa là người dân không sống lẻ tẻ, mà thường lập thành làng, nhỏ nhất cũng từ 10 đến 30 túp lều.

 

Lều Gabbra

Vừa là nhà đất khang trang, cái tròn, cái vuông hoặc chữ nhật…, có mái bằng hoặc mái lá, vừa như một gallery ngoài trời trưng bày những bích họa sặc sỡ, là lều Gurunsi của người Gurunsi-Burkina Faso. Nhìn những bức tranh trên tường nhà họ, ai nấy đều có cảm tưởng như bước vào thế giới tranh khắc, vẽ thành động nguyên thủy, do có những nét vẽ rất mộc mạc, thiên về các con vật. Cũng như người Musgum sau khi làm nhà bùn, dựng vách cực kỳ dày dặn, phụ nữ Gurunsi cũng trang trí cho nó, nhưng bằng nhiều màu sắc, hình vẽ có tính tương phản và tái lặp như một chu kỳ vòng đời. Trong các bức vẽ họ mượn nhiều họa tiết từ trang phục và tùy cảm hứng cũng như diện tích mặt tường mà sáng tác rất khác nhau, thành thử mỗi làng Gurunsi như một bảo tàng đa dạng bản sắc văn hóa.

Ngoài ra, còn thấy nhiều túp lều ấn tượng độc đáo nữa dưới những hình dạng, màu sắc, họa tiết nổi bật, ví dụ như lều Basotho, Ndebele và Zulu (Nam Phi), Gabbra và Turkana (Kenya), Borana (Ethiopia), Dogon (Mali), Lunda (Congo) và Tonga (Zimbabwe)…

Thủy Trường (Biên dịch từ African Travel Magazine)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy