Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
03:36 (GMT +7)

Khám phá bí ẩn của “HÒN NGỌC ẤN ĐỘ DƯƠNG”

VNTN - Được coi là trung tâm văn hóa Phật giáo cổ đại, Sri Lanka còn được biết đến với tên gọi “Hòn ngọc Ấn Độ Dương”, nổi tiếng với những di tích hàng ngàn năm tuổi, cũng như khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ tạo nên vẻ đẹp quyến rũ du khách gần xa. Hầu hết các di sản cổ xưa của Sri Lanka đã trải qua thử thách của thời gian, từng phải chịu đựng sự tàn phá khủng khiếp của thảm họa thiên nhiên và chiến tranh, nhưng hiện nay, Sri Lanka vẫn là một trong những quốc gia thu hút nhiều khách du lịch đến thăm nhất thế giới.


Pháo đài đá (Sigiriya Rock) 

Pháo đài đá Sigiriya Rock (Đá Sư tử) là một thành cổ và cung điện bằng đá ở miền Trung Matale, một di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Năm 447 trước Công nguyên, đức vua Kashyapa đệ nhất thuộc xứ Anuradhapuran cảm thấy bất yên, nên Ngài quyết định cho xây dựng pháo đài ở trên đỉnh ngọn núi đá khổng lồ cao gần 200 m, chính vì vậy, Sigiriya Rock còn có tên gọi khác là “Pháo đài trên không”. Xung quanh di tích này còn có một hệ thống hào nước, ao hồ, vườn hoa cây cảnh cùng các công trình kiến trúc tráng lệ, đặc biệt, các bức bích họa tiên nữ bằng các chất màu lấy từ đất vẽ trên vách đá giống như trong hang động Ajanta, Ấn Độ. Đường lên pháo đài cổ gồm 1.200 bậc đá. Vào thế kỷ 13, pháo đài được sử dụng như một tu viện Phật giáo. Đến thế kỷ 14 thì quần thể danh thắng này bị bỏ hoang. Năm 1907, John Still một nhà thám hiểm người Anh đã phát hiện và cho khai quật. Ngày nay, di tích này được UNESCO bảo vệ khá nghiêm ngặt và là một trong những địa điểm thu hút du khách hành hương nhiều nhất ở Sri Lanka.

Cây bồ đề (Jaya Sri Maha Bodhi)

 

Cây bồ đề Jaya Sri Maha Bodhi ở Anuradhapura, Sri Lanka, được tách chiết từ cây bồ đề Sri Maya Bodhi ở Bodh Gaya (Bồ đề đạo tràng), Bihar, Ấn Độ, nơi Đức Phật thiền tịnh và đắc đạo, tính đến nay là 2304 tuổi. Vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, một nhánh của cây bồ đề tại Bodh Gaya đã được đưa đến Sri Lanka bởi công chúa Sanghamitra, con gái của đức vua, người sáng lập Phật giáo ở Sri Lanka. Nhánh cây này được trồng vào năm 288 trước Công nguyên và được đặt trên sân cao 6,5m so với mặt đất trong vườn thượng uyển của nhà vua trong thành phố cổ đại Anuradhapura và được bao quanh bởi một hàng rào. Cây bồ đề Jaya Sri Maha Bodhi được coi là cây trồng sống lâu nhất trên thế giới cho đến nay. Cây bồ đề ở Bodh Gaya, Ấn Độ hiện nay là nhánh của cây bồ đề Jaya Sri Maha Bodhi. Cây bồ đề ở Bodh Gaya bị hủy diệt do cuộc chiến tranh tôn giáo, nên các tu sĩ Phật giáo đã phải lặn lội sang Sri Lanka để chiết một nhánh từ nhánh cây đã mang sang Sri Lanka. Ngày nay, cây bồ đề Jaya Sri Maha Bodhi tại Sri Lanka được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Người hành lễ và khách tham quan chỉ được phép làm lễ phía dưới cây, bên trên khu vực có cây bồ đề được bảo vệ bằng hàng rào. Khu di tích này hiện nay là một trong những di tích thiêng liêng nhất của Phật giáo tại Sri Lanka.

Đỉnh Adam Peak

 

Tọa lạc trên ngọn núi cao 2243m ở miền Trung Sri Lanka, Đỉnh Adam Peak chứa đựng nhiều bí ẩn chưa có lời giải đáp. Giới Phật giáo gọi đó là Sri Pada và tin rằng, đó là dấu ấn bàn chân Đức Phật. Vào năm thứ 8 sau khi đắc đạo, Đức Phật cùng 500 tu sĩ đã đến thăm Kelaniya. Sau khi tạm trú ở Kelaniya, Đức Phật còn viếng thăm nhiều nơi khác, trong đó có Digavaapi và đã để lại dấu vết của bàn chân trái trên nền đá hoa cương trước khi Người rời đi. Trong khi đó, người theo đạo Hindu lại cho rằng đây chính là dấu chân của Thần Shiva, vị Thần hủy diệt (do đó núi còn được gọi là Sivan Adi Padham hoặc Sivanolipatha Malai), còn người theo Kito giáo lại cho rằng “dấu chân” trong đá trên đỉnh núi là dấu chân đầu tiên của Adam trên Trái đất khi bị trục xuất khỏi vườn địa đàng… Cho dù cách lý giải về dấu chân Thánh trên Đỉnh Adam Peak vẫn còn nhiều tranh cãi, song trong suốt hơn 1000 năm qua, nơi này đã trở thành điểm hành hương tỏ lòng tôn kính các vị hiền triết và thu hút hàng triệu người Sri Lanka và khách du lịch trên khắp thế giới.

Ngọn núi thiêng Mihintale

Còn được coi là cái nôi Phật giáo của Sri Lanka, là thánh địa Phật giáo quan trọng bậc nhất, nơi mà thánh tăng Mahinda đã chọn làm điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình truyền pháp, thánh tăng đã dành những năm còn lại của cuộc đời mình ở trên núi Mihintale và viên tịch ở đây năm 202 trước Công nguyên. Đường lên núi Mihintale dài hơn 300 m và có đến 1840 bậc thang. Đây là một trong những bậc thang lớn nhất và hiếm thấy trên thế giới. Phía bên trái của đường lên núi có rất nhiều cột trụ của các tu viện bị đổ nát còn sót lại. Trên núi Mihintale hiện còn lại dấu tích của một bệnh viện cổ để chăm sóc và điều dưỡng cho chư tăng và những người làm việc trong các tu viện ở đó. Di tích kiến trúc của bệnh viện cổ còn lại đến ngày nay là cổng vào bệnh viện nằm ở phía Nam, các bồn tắm nước nóng hoặc xông hơi. Bệnh viện này có 27 phòng bệnh nhân và bốn phòng lớn hơn được sử dụng vào các mục đích khác được xây dựng xung quanh một cái sân nhỏ, một ngôi điện Phật nhỏ ở chính giữa sân. Trong phòng lớn ở phía Đông Bắc là một bồn trị liệu bằng dược thạch.

Tượng Đức Phật Samadhi

Ẩn mình trong rừng cây rậm rạp của công viên Mahamevnawa ở Anuradhapura, tượng Đức Phật Samadhi là một bức tượng trong tư thế thiền định đắc đạo (Dhyana Mudra) của Đức Phật. Tùy theo đức tin của các phật tử, tư thế của Đức Phật khi thiền tịnh về kỹ thuật gọi là Samadhi, song nơi đây đã trở thành nơi quy tụ của hàng nghìn phật tử mỗi ngày. Đặc biệt, xung quanh nơi Ngài thiền tịnh, hàng ngày có hàng trăm nữ phật tử trong trang phục quần áo vàng ngồi thiền, mắt nhắm nghiền, đầu cúi thấp, môi mấp máy cầu xin Đức Phật. Trong tư thế “Dhyana Mudra”, Đức Phật ngồi chéo chân với hai lòng bàn tay ngửa đặt trên đùi. Tư thế ngồi thiền này được phổ biến rộng rãi trong giới phật tử trên toàn thế giới và do đó bức tượng này là một trong những tư thế đặc trưng nhất của điêu khắc tượng Phật.

Đại Bảo tháp Ruwanweliseya

Được coi là công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo và linh thiêng nhất trên toàn thế giới, Đại Bảo tháp Ruwanweliseya được xây dựng dưới triều đại của vua Dutugemunu vào năm 140 trước Công nguyên. Đây là nơi lưu giữ hài cốt của các vị cao tăng đắc đạo ở Sri Lanka. Công trình này kết hợp độc đáo kiến trúc mang triết lý Phật giáo vì nhìn bề ngoài bảo tháp trông giống như hình bọt nước nổi lên, tượng trưng cho cuộc sống mong manh và vô thường của con người. Mái vòm đồ sộ tượng trưng cho đạo pháp vô biên và 4 mặt trên đỉnh tháp tượng trưng cho Tứ diệu đế, 4 chân lý cao cả trong Phật pháp và những vòng tròn đồng tâm tượng trưng cho Bát chính đạo, 8 con đường thoát khổ và giúp con người giác ngộ.

Đền thờ động Dambulla

Tranh và tượng Phật bên trong hang động Dambulla

Đền thờ động Dambulla còn được gọi là Đền vàng Dambulla là một di sản văn hóa thế giới, nằm ở trung tâm của Sri Lanka, cách thủ đô Colombo 148 km về phía Đông, cách Kandy 72 km về phía Bắc. Đây là ngôi đền hang động lớn nhất và được bảo tồn tốt nhất ở Sri Lanka. Đền được xây dựng ở độ cao 160m so với đồng bằng. Xung quanh đền có hơn 80 hang động. Có 5 hang động được coi là nơi hấp dẫn nhất, có các bức tượng và tranh. Những tranh tượng này chủ yếu miêu tả Đức Phật và cuộc sống của Ngài với tổng số 153 bức tượng Phật, 3 bức tượng của đức Vua Sri Lanka và 4 bức tượng của các vị thần và nữ thần. Các bức tranh tường có diện tích 2.100m2, miêu tả sự cám dỗ của quỷ Mara và bài giảng đầu tiên của Đức Phật. Người Sri Lanka thời tiền sử sống trong những hang động trước khi Phật giáo xuất hiện. Tại đây, người ta đã tìm thấy bãi chôn lấp những bộ xương người cách đây khoảng 2700 năm

Vũ Khanh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy