Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
17:59 (GMT +7)

Kết nối và truyền thụ tri thức cho nhà báo trong thời đại số

VNTN - Chưa bao giờ tôi được tham gia một lớp tập huấn nghiệp vụ báo chí đặc biệt như thế. Sự đặc biệt mà chắc hẳn khi tôi kể ra đây ai cũng sẽ đồng tình.


Quang cảnh điểm cầu chính tại Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên.

Lớp học đặc biệt

Những diễn biến khủng khiếp của dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, không ngoại trừ những người ở Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Thái Nguyên. Song Covid lại không thể làm chúng tôi dừng lại hay ngăn cản sự sáng tạo của chính mình. Lớp tập huấn nghiệp vụ báo chí do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh chủ trì tổ chức đã phần nào chứng mình điều đó.

Một lớp học không những “khủng” về quy mô, đa dạng về đối tượng tham gia mà còn “đình đám” vì sự nổi tiếng của các giảng viên. Ở đó có sự cầu thị hiếm thấy của người học và sự tận tâm như “rút hết ruột gan” để trao truyền kiến thức của thầy. Và, tất cả đều được diễn ra trên nền tảng số - một lớp học online.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng truyền giảng qua ứng dụng Google Meet

Với hình thức đan xen giữa học lý thuyết và thực hành, lớp học diễn ra trong vòng 15 ngày (từ 26/9 đến 10/10). Đơn vị chủ trì tổ chức là Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên, Hội Nhà báo tỉnh và Khoa báo chí - Truyền thông (Trường Đại học Khoa học, ĐH Thái Nguyên) phối hợp tổ chức. Thế nhưng, học viên của lớp thì lại không chỉ nằm ở địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Kỳ vọng mà Ban tổ chức Lớp đặt ra là: thông qua các kiến thức được các giảng viên truyền đạt sẽ góp phần đưa Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên đáp ứng yêu cầu của một tòa soạn điện tử, bắt kịp xu thế 4.0. Đồng thời, tạo thêm cơ hội để những người làm báo trên địa bàn tỉnh, những người yêu Văn nghệ Thái Nguyên và các đồng nghiệp có chung mô hình tổ chức tòa soạn có thêm cơ hội tiếp cận với những kỹ năng làm báo hiện đại. Bởi thế, lớp học đã kết nối được các thành viên không những xuyên Việt mà còn xuyên biên giới Quốc gia.

Lớp tập huấn thu hút nhiều Nhà báo, Cộng tác viên quan tâm tham gia

Số lượng và thành phần tham gia lớp học tăng lên nhanh chóng, với hơn 100 học viên đăng ký ngay từ những ngày đầu tiên thông báo mở lớp. Sức hấp dẫn của lớp tập huấn càng trở “nóng” hơn khi tên các giảng viên được công bố, gồm: Thạc sĩ Vũ Thế Cường (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) người đã có nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy về làm báo hiện đại và Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Dân Việt/Nông thôn ngày nay) người nổi danh với các loạt bài phóng sự điều tra bảo vệ công lý thấm đẫm chất nhân văn. Còn một điều tạo nên sự đặc biệt từ lớp học này, đó là lịch giảng dạy, tham gia triển lãm, hội thảo của 2 giảng viên gần như dày đặc. Nhưng, vì tình yêu đặc biệt với mảnh đất và con người Thái Nguyên nên cả 2 giảng viên đã xếp lớp học ở Thái Nguyên lên vị trí ưu tiên.

Theo kế hoạch ban đầu của Ban tổ chức, số lượng học viên tham gia lớp chỉ khoảng 60 - 70 người, nhưng ngay trong buổi khai mạc, số người tham gia, theo dõi lớp đã lên đến con số 150 (Nhóm nội bộ được Ban Tổ chức lập trên mạng xã hội). Trong đó, có các cán bộ, hội viên, nhân viên của các Hội VHNT tỉnh: Hải Dương, Hải Phòng, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu và có cả cộng tác viên của Văn nghệ Thái Nguyên đang sinh sống và làm việc tại Pháp.

Quy mô “khủng” về số lượng và vị trí địa lý cũng khiến Ban tổ chức lớp học gặp những khó khăn nhất định. Song, rất nhanh chóng, những sự cố về kỹ thuật đã được xử lý và lớp học diễn ra đúng kế hoạch. Ngoài ra, không ít các học viên cũng đã tự rút ra cho mình được những bài học riêng về việc sử dụng các ứng dụng trên nền tảng công nghệ. Bởi trong số học viên có những người lần đầu tiên tham gia học tập ở một lớp học mà thầy và trò ngồi cách xa nhau cả trăm cho đến hàng nghìn ki-lô-mét.

Bài giảng mới lạ

Thạc sỹ Vũ Thế Cường mở đầu bài giảng của mình bằng một câu chuyện diễn ra từ năm 2009 tại Mỹ. Một chiếc máy bay chở khách trục trặc động cơ, buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống dòng sông. Một nữ du khách người Thụy Điển tình cờ dùng điện thoại ghi lại hình ảnh đó và đăng tải lên mạng xã hội Twitter. Hai tiếng sau, bức ảnh đã trở thành hiện tượng, được lan tỏa nhiều nhất trên mạng xã hội nhưng không một cơ quan báo chí chính thống nào có được… Một câu chuyện tưởng chừng ở quá xa xôi và không liên quan ấy lại chính là cách anh nhấn mạnh về sự khốc liệt mà báo chí chính thống đang phải cạnh tranh với “gã khổng lồ” mạng xã hội. Cách mở đầu bài giảng có vẻ “lạ lùng” ấy đã khiến các học viên khắc sâu được điều giảng viên truyền giảng. Yêu cầu của độc giả ngày càng cao, một tác phẩm báo chí ngoài đáp ứng các tiêu chí nhanh, chính xác thì còn phải hấp dẫn mới mong thu hút được người đọc. Báo chí đa phương tiện (Multimedia) là giải pháp tối ưu giải quyết vấn đề này. Và, tất nhiên đó cũng là sự “sống còn” của mỗi tờ báo, tạp chí.

Nhưng trên thực tế, đến nay hầu như chỉ các tòa soạn báo ở trung ương, tòa soạn lớn mới thường xuyên sử dụng loại hình này. Còn các tờ báo tỉnh, nhất là tạp chí của các Hội VHNT thì gần như chưa áp dụng. Điều này đã khơi ra trăn trở, nhưng đồng thời cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt đối với các học viên (trong đó có không ít người là lãnh đạo của các tòa soạn). Xuyên suốt các bài giảng của mình, thạc sỹ Vũ Thế Cường đã gợi mở về cách thức sáng tạo các tác phẩm “hút” bạn đọc cho phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên và tòa soạn.

Các học viên đang thực hành trên máy

Dù là lớp học với hình thức online song không khí lớp học lại không hề nhàm chán. Bài giảng được thực hiện một cách khoa học bằng slide show, biểu đồ giúp các học viên dễ dàng tiếp thu. Trong thời gian 4 ngày, những nội dung cơ bản về báo chí đa phương tiện đã được thạc sĩ Vũ Thế Cường truyền đạt đến lớp gồm: Thế nào là một tác phẩm báo chí đa phương tiện; các loại hình tác phẩm báo chí đa phương tiện phổ biến như E-magazine, Longform, Megastory; quy trình thực hiện, yêu cầu đối với từng thành phần trong tác phẩm. Bên cạnh đó, anh đã dành thêm thời gian để chia sẻ với các học viên về xu thế làm báo trên thế giới cũng như sự tất yếu mà báo chí Việt Nam không thể tách rời như Podcast. Cách tạo ra những chương trình Podcast hấp dẫn…

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Di tích lịch sử Quốc gia Nơi thành lập cơ sở Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (1936) La Bằng - Đại Từ

Với mỗi loại hình, cùng với học lý thuyết các học viên đều được giảng viên cung cấp các công cụ để trực tiếp sáng tạo lên các tác phẩm phù hợp với loại hình và hướng dẫn thực hành… 8 tác phẩm đa phương tiện hoàn chỉnh đã được các nhóm thực hiện vỏn vẹn chỉ trong 2 ngày, với chất lượng được giảng viên đánh giá khá tốt là thước đo đầu tiên về tính hiệu quả của lớp học.

Nếu như thạc sĩ Vũ Thế Cường mang đến cho học viên sự thích thú khi có thể làm chủ được các công cụ góp phần tạo ra các tác phẩm báo chí đa phương tiện thì phần giảng dạy của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng lại thổi bùng lên nhiệt huyết muốn dấn thân, đi và viết của người cầm bút.

Thực tế tại huyện Định Hóa. Trong ảnh, tác nghiệp tại Di tích Nhà tù Chợ Chu

Tất cả chúng tôi, những thành viên tham gia lớp tập huấn không một ai không bị lôi cuốn bởi cách kể chuyện dí dỏm vô cùng có duyên của anh. Các tình tiết trong từng bài viết của anh như ly kỳ mà đời thực. Anh đã dẫn dắt chúng tôi đi tìm đề tài, cùng chúng tôi nhập vai và cuối cùng là “hóa thân” vào bài viết… Kiến thức phong phú về đông, tây, kim, cổ như không có giới hạn; cách nhập vai biến hóa và những pha thoát hiểm ngoạn mục của anh khiến chúng tôi có cảm giác thời gian trôi nhanh hơn mỗi khi nghe anh giảng.

To tát mà chi tiết, vĩ mô mà cụ thể là phong cách khiến học viên chúng tôi “mê” bài giảng của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. Dù có lúc anh “dẫn” chúng tôi đến đất nước Tây Tạng xa xôi để thưởng lãm thiên nhiên hùng vĩ hay khi về xóm núi để cảm thương và cứu dỗi thân phận của một người đàn bà bé nhỏ, thì tìm kiếm và “nhặt nhạnh” từng chi tiết nhỏ nhất là điều anh luôn nhắc nhở học viên. Sự cần cù, tinh tế ấy của người “phu chữ” khiến các tác phẩm của anh luôn chân thật, sống động nhưng vẫn đầy ắp tính nghệ thuật trong đó. “Con chữ bầu nên nhà văn và với nhà báo cũng thế”… chúng tôi đã ghi nhớ bài học ấy từ anh.

Gắn với bài giảng, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã đưa ra những dẫn chứng thú vị, câu chuyện li kỳ - đó là những trải nghiệm của chính anh để làm nên các tác phẩm gây “chấn động”. Mọi bí quyết có thể coi là “thâm cung bí sử” trong quá trình tác nghiệp đều được anh chia sẻ cởi mở. Học viên sẽ thật khó để quên đi gương mặt của bà cụ người Dao Triệu Mùi Chài ở Cao Bằng phải đeo khối u nặng gần 7kg trên mặt trong suốt hơn 20 năm. Hay, những chú hổ lầm lũi trong cũi sắt chỉ chờ ngày bị xẻ thịt, những con tê giác bị cắt sừng, moi mắt, máu tươi vẫn đang ròng ròng chảy, những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi bị bọn lâm tặc đốn ngã… tất cả đều đã được anh cùng đồng nghiệp giải cứu bằng “vũ khí” là ngòi bút. Để có được những trang viết này, họ đã phải đánh đổi rất nhiều, đó là nếm mật nằm gai, là mồ hôi, là máu để “truy sát” đến tận cùng của sự thật, sự công bằng.

Trong bài giảng, anh không hề đề cao vai trò của bản thân mà khẳng định đó là trách nhiệm của nghiệp báo mình đang theo đuổi. Trên hết, mỗi học viên đều cảm nhận được trái tim rực lửa, luôn khao khát để bảo vệ công lý, bảo vệ những số phận yếu thế, trừng trị kẻ ác của anh chàng “Đôn - ki - hô - tê” Đỗ Doãn Hoàng. Và, tất cả những điều đó anh tận tâm truyền lại cho học viên của mình.

Tiếp thu tri thức giá trị

Sau khi lớp tập huấn kết thúc, mỗi học viên đều đã tiếp thu được những kiến thức riêng, mới lạ và vô cùng bổ ích. Ban tổ chức đã nhận được những phản hồi tích cực từ các học viên và cả giảng viên.

Sinh viên Khoa Báo chí - Truyền thông K17 thực hành tại đồi chè La Bằng, Đại Từ

Giảng viên Vũ Thế Cường bộc bạch: “Tôi chưa từng giảng dạy một lớp học online có số lượng học viên đông, đa vùng miền như vậy nên ban đầu còn bị chút áp lực. Đây cũng là lần đầu tôi thấy một lớp có học viên tham gia nhiệt tình, đầy đủ, hăng hái thực hành, trao đổi thân tình, cởi mở đến thế. Bản thân tôi cũng cảm ơn các học viên đã cho tôi có thêm kỉ niệm đẹp về Thái Nguyên, thêm đam mê với nghề nghiệp và có được những người bạn vô cùng trân quý”.

Gần 2h sáng, cô trò Khoa Báo chí -Truyền thông (Đại học Khoa học) vẫn cặm cụi làm bài tập thực hành để nộp cho thầy. Em Vũ Thanh Phương (sinh viên K19, khoa BC-TT) hào hứng cho biết: “May mắn được tham gia lớp tập huấn này, chúng em không những thu hái được những kiến thức “nóng hổi” về báo điện tử mà còn được học hỏi kỹ năng tác nghiệp quý giá từ các diễn giả và những người đi trước. Đó là động lực đầu đời vô cùng quý giá, thôi thúc em cần nỗ lực thật nhiều trong những năm học tới cũng như tình yêu với báo chí”.

Hội VHNT các tỉnh bạn cũng đã thu về những kiến thức hữu ích, bài học, nhận thức mới cho đơn vị mình. Bà Đặng Thị Thúy (Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT thành phố Hải Phòng) chia sẻ: “Qua lớp tập huấn, chúng tôi nhận biết được trình độ, vị trí của mình vẫn còn hạn chế cần phải tích cực học tập để thích ứng với môi trường báo chí hiện đại. Lớp tập huấn là mô hình mà Hội chúng tôi đáng học hỏi và rất có thể sẽ triển khai một hoạt động tương tự trong thời gian tới”. Về phía Hội Đắk Lắk, nhà văn Niê Thanh Mai - Chủ tịch Hội cho biết: “Hội Đắk Lắk chưa xây dựng được trang thông tin điện tử, hoạt động báo chí còn hạn chế. Hội đang tham mưu với UBND tỉnh làm tập san về cà phê. Kiến thức của lớp đã giúp ích nhiều trong việc lên ý tưởng và triển khai thực hiện. Qua lớp học, Hội cũng được giao lưu với các văn nghệ sĩ, nhà báo ở khắp mọi miền đất nước. Đây sẽ là một kỉ niệm thật khó quên”.

Kết thúc lớp tập huấn, nhà báo Trần Văn Thép, Tổng Biên tập Tạp chí VNTN đánh giá: Khóa tập huấn đã thành công ngoài mong đợi. Đối với Tòa soạn, không chỉ dung nạp thêm kiến thức mới, bồi dưỡng thêm những kĩ năng để làm tốt hơn, mà quan trọng là tạo sự thống nhất về nhận thức, từ lãnh đạo đến các BTV, PV. Như vậy, khi triển khai ý tưởng, nội dung, phương pháp thực hiện… sẽ rất thuận lợi.

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh (Chủ tịch Hội VHNT Thái Nguyên) cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Chúng tôi đã học được nhiều điều mới mẻ, đồng thời biết nhiều hơn về hạn chế, giới hạn của mình, nhất là ở mảng báo chí đa phương tiện. Điều này cũng đặt ra thách thức lớn với chúng tôi. Ngay sau lớp học, chúng tôi cần phải có những kế hoạch cụ thể cho từng loại hình để Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên không bị thụt lùi lại. Đó là trách nhiệm của cả tập thể và cần có sự góp sức của từng cá nhân”.

Những lời động viên, phản hồi tích cực trên là nguồn động viên lớn với những người làm công tác tổ chức chúng tôi. Vui vì ngay trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang “tác oai tác quái”, nhưng Hội VHNT vẫn có cách để mang lại cho các cán bộ, nhân viên của Tòa soạn, cả những phóng viên, cộng tác viên, các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ nhiếp ảnh… trong và ngoài tỉnh nhiều kiến thức thực tế vô cùng bổ ích, tinh thần giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và tình đoàn kết, gắn bó. Và chúng tôi biết rằng, đây sẽ lại là một khởi đầu mới về sự thích ứng với mọi trường hợp để những người làm báo có trách nhiệm được bồi đắp kiến thức, kinh nghiệm và nhiệt huyết với nghề.

Kim Anh.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy