Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
02:44 (GMT +7)

Kẽo cà đòn gánh nuôi tôi

VNTN - Khi nhận thức được thế giới quanh mình là tôi biết về cái rét. Đêm cuối tháng Chạp, cả nhà tôi co ro trong tấm chăn dạ mỏng. Gió như lưỡi dao lách nan chiếu cào vào lưng vào bụng. Mẹ ủ hai bàn chân bé bỏng của tôi vào cặp đùi xương xẩu, khom tấm thân còm cõi, áp má mẹ vào má tôi truyền hơi ấm. Tôi ngửi mùi quết trầu thơm thơm trên môi mẹ, chìm vào giấc ngủ thơ ngây, không còn nghe gió rít ù ù và những sợi rơm trên mái nhà đu đưa xào xạc.

 

Sáng sớm, mặt đất phủ sương trắng mờ, con đường trước nhà còn om sẫm trong bóng tre ngả dầy, mẹ đã quầy quả lên đường. Tôi hé mắt nhìn theo lưng áo bông đen sờn rách, mùi trầu nhạt dần theo chân mẹ ra ngõ. Tôi bật khóc, hấm hức gọi: Mẹ ơi…

Mẹ tôi làm nghề gánh vã. Gia sản của mẹ là đôi quang mây và chiếc đòn gánh tre óng mồ hôi. Ngày ấy, phương tiện chuyên chở chỉ bằng đôi vai người. Vai mẹ tôi xương xương, đôi chân bé nhỏ xỏ trong dép mỏng. Chủ hàng khoác tay nải vắt vẻo đi trước, mẹ tôi gánh hàng lặc lè theo sau. Hôm thóc, hôm ngô, hôm là đôi lợn giống ngọ ngoạy quẫy đạp trong rọ tre… Đôi quang thúng trĩu cong hai đầu đòn gánh kẽo kẹt. Hơi thở mệt nhọc của mẹ phả trắng mặt. Bước chân thiếu ngủ đôi lúc loạng quạng. Mẹ đổi vai, cố bước, cố đến chỗ giao hàng là mẹ có vài xu tiền công, nhà tôi trông cả vào đấy. Chặng về quang gánh nhẹ tênh, mẹ tạt vào chợ mua đấu gạo, cái bánh đa đón tay con. Mẹ mua cho chồng thang thuốc chữa bệnh dạ dày, mua cho mình khẩu vỏ đỏ cỡ gang tay, mấy lá trầu quế vàng thơm.

Tầm xế chiều mẹ về đến nhà. Mùi trầu theo gió về trước, mũi tôi phập phồng ngóng bước chân mong nhớ. Bố tôi ôm bụng cố chui khỏi đám chăn chiếu, tóc dính vài cọng rơm gầy guộc, nhoẻn cười méo mó. “Nhà em mệt lắm phải không?”. “Mệt gì đâu, mình cố uống thuốc cho khỏe”. Mẹ vội vàng nhóm lửa sắc thuốc, nấu cơm, đôi gò má nhọn nghiêng nghiêng, đôi môi cắn chỉ đỏ quết trầu chúm thổi cho ngọn lửa bén vào nùi rơm, khói bếp cay xè nhưng ấm sực.

Bố tôi mất vào một đêm rét thật là rét. Tôi chợt thấy mình nằm chơ vơ, không ngửi mùi trầu thơm bên má. Mẹ quỳ bên ổ rơm rối bời, vừa khóc vừa lay bố. Tiếng gọi cửa lao xao. Tiếng thở dài xót thương người chết trẻ. Mùi trầu, mùi vôi xộc nhức sống mũi.

Lo cho bố xong mẹ ở nhà với tôi hai ngày. Tôi không rời cái lưng gồ xương lục cục, má áp vào cặp môi nẻ thơm trầu quế. Sang ngày thứ ba, mẹ dặn: Con ở nhà chơi ngoan mẹ đi kiếm cái Tết. Mẹ nấu sẵn cơm, con đói thì ăn, chỉ một nhoáng là mẹ về. Tôi nằm chán dậy lấy que nứa vạch hình xuống nền nhà nhặt sỏi chơi ô ăn quan. Cứ rải quân bên này lại chạy sang rải quân bên kia. Chơi chán, tôi mang cơi trầu của mẹ ra nghịch. Cơi đan bằng tre đen óng, cầm lên tay trơn nhẵn, mát lạnh. Tôi giở tấm buồm đậy cơi trầu lôi ra con dao bổ cau sắc lẻm, cán gỗ, lưỡi dài hai đốt ngón tay; cái bình vôi bằng ngón chân cái, treo tòng teng trên nắp đậy cái chìa vôi to bằng mấy cái tăm chập lại; một quả cau xanh bóng bổ khuyết góc, vài lá trầu heo héo, túi ni lông đựng nhúm thuốc lào. Thường ngày tôi không được phép đụng vào cơi trầu của mẹ, vì mẹ sợ tôi nghịch dao đứt tay. Nhưng hôm nay tôi thoải mái sờ nắn từng thứ. Tôi ấp cơi trầu lên mặt hít hà mùi mẹ. Nước mắt tôi nhỏ vào trầu cau, nhỏ vào ổ rơm, nhỏ vào mùa đông lạnh thấu cùng nỗi mong chờ.

Từ ngày 27 tháng Chạp đến mùng 5 Tết không ai thuê gánh gồng, mẹ được ở nhà với tôi. Mẹ ra chợ mua cho tôi tấm áo hoa, tệp trầu quế bọc trong bẹ chuối, nhánh cau chừng mươi quả. Đêm Ba mươi mẹ bày trầu cau và chén nước ra sân lầm rầm khấn vái. Thời khắc Giao thừa, mẹ cẩn thận têm miếng trầu đầu tiên của Năm Mới. Rồi vừa phúng phính nhai trầu mẹ vừa lấy ra một đồng xu trắng tinh mừng tuổi, chúc con gái yêu của mẹ hay ăn chóng lớn, học giỏi nên người. Tôi mặc áo hoa thơm mùi hồ, vùi mặt vào tóc mẹ. Hương cau, hương trầu sánh đặc không gian, bao quyện tuổi thơ khốn khó mà ấp iu đến thế.

Tôi nay đã về già, không đủ giàu để lập bảo tàng tưởng nhớ cha mẹ. Nhưng tôi vẫn giữ đôi quang gánh vẹt mòn, giữ cơi trầu với con dao bổ cau, bình vôi, chìa vôi và nhúm thuốc lào sẫm màu năm tháng. Mỗi lần cúng Giao thừa tôi lại mang cơi trầu đặt bên đồ lễ. Làn hương gầy thoảng lên như hơi mẹ sưởi tôi thuở nào. Tôi ấp mặt vào cơi trầu mà thì thào: Mẹ ơi, mẹ ơi, con thương mẹ!!!

Tản văn. Minh Hằng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 1 ngày trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước