Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
07:54 (GMT +7)

Ké Ngàng

VNTN - Mặt trời như vung nồi đỏ rực mang hơi lửa chui vào dãy Tam Đảo, nhưng mặt đất vẫn nóng hầm hập. Không khí đặc quánh, ngột ngạt, oi nồng. Ké Ngàng, mặt chằng chịt vết khứa, đỏ như đồng hun, thả mắt về mỏ Núi Hồng thở dài. Tiếng thở của ké bắc bứ, giật cục. Ké thở mà như là người ta đánh vật. Ừ, muốn thở nhẹ nhàng mà không thể. Trong bụng ké lúc thì như có lửa cháy, khi lại nặng trịch tựa đeo đá… thế nên nhịp thở dồn nén, đầy ứ ở ngực, thoát ra thật khó. Chân tay bứt dứt, đứng ngồi không yên …

Ké biết, không riêng gì mấy chục nóc nhà ở xóm Mới này, mà xóm Ỏm, Chiến Thắng… quanh Núi Hồng, người dân giỏng tai nghe ngóng, gióng con mắt dõi theo, dò xét ké đấy. Họ xem nhà ké có động tĩnh không? Chẳng gì thì ké cũng là đảng viên, cựu công nhân mỏ than Núi Hồng… Gia đình ké người Tày, cắm rễ nhiều đời ở vạt đất này. Theo gia phả, cụ tổ họ Lý của ké, cùng cụ tổ họ Nông, họ Bế khai phá vùng đất hoang vu dưới chân Núi Hồng, lập nên bản làng trù phú. Không ai hay, trong bụng đất có vựa than khổng lồ. Bây giờ, chính quyền xã, huyện và lãnh đạo mỏ than họp dân, tiến hành đền bù đất đai, giải tỏa mở rộng lòng moong khai thác.

Từ mấy tháng nay, người dân xóm Mới, ai cũng như ngồi trong chảo mỡ sôi sùng sục bắc trên bếp đỏ lửa. Nhốn nháo. Hậm hực. Tụ tập từng tốp, từng nhóm bàn ra, tán vào, lời nhiều như nước suối chảy dưới khe. Ai cũng như ăn phải củ dáy, lá han. Lời hay thì ít, nói câu dở thì nhiều. Hễ mở miệng là nói khó nghe. Họ trách móc chính quyền huyện chán chê, lại quay sang trút lời giận dữ vào lãnh đạo mỏ than Núi Hồng.

 

Ô hay, vùng này vẫn truyền khẩu, dân xóm Mới hiền lành, chân chất… thế mà bây giờ ngoại trừ tụi trẻ con ra, còn thì từ lũ thanh niên thau tháu, đến các ông bà già, ai cũng mặt mũi xưng đỏ. Vẫn biết ngoài đền bù, giải phóng mặt bằng, mở rộng sản xuất khai thác than, lãnh đạo mỏ còn hỗ trợ con em các hộ dân trong diện di dời đi đào tạo học nghề, rồi về mỏ làm việc. Tốt quá đi chứ, thế nhưng cái bực tức vẫn dồn ứ, chảy dần dần trong máu, dâng lên rồi tràn ra ngoài.

Mà, suy cho cùng, bao đời nay gắn với mảnh đất này, bỗng dưng bây giờ phải di dời ai mà không tiếc của, xót xa? Mồ hôi, nước mắt đổ xuống để đổi lấy nhà sàn vững chãi, nhà xây kiên cố, ruộng vườn tốt tươi. Giờ di dời nhà cửa thì khổ. Đang yên ổn làm ăn bỗng dưng bị xáo trộn, ai mà không lo? Sợ nhất là cầm nắm tiền đền bù, làm nhà xong biết lấy gì mà ăn? Ruộng nương không nhiều, có mỗi cái xác nhà thì lo cái đói chạy vào gõ cửa.

Nghĩ thế, nói lời ác khẩu vậy cho sướng cái miệng thôi, để rồi xả những tức bực cho nhẹ người, nhưng nhà nọ nhìn nhà kia xem thế nào. Vốn bản tính thật thà mọc rễ trong bụng, nếu nhà hàng xóm nhận tiền, đến nơi ở mới thì nhà mình cũng làm theo thôi.

Nhanh thế, vừa mới hôm nào lãnh đạo các ban, ngành địa phương và mỏ than họp dân, triển khai dự án di dời, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của từng người, thế mà đã hơn một năm qua rồi. Ầy! Còn chưa đầy mười năm giờ kim đồng hồ quay nữa là đến thời khắc mỏ than hẹn dân trả tiền đền bù. Nhanh quá đi thôi. Thế nhưng ké Ngàng vẫn bình thản. Ké không muốn mọi người nghĩ sai, hiểu sai. Điều ké lo bây giờ không phải là nhà cửa, đất đai hương hỏa tổ tiên, mà là chuyện khác, chuyện này ké đã nén trong bụng mấy chục năm rồi. Vợ ké cũng mang theo bí mật ấy về với ông bà tiên tổ nơi niết bàn xa xăm…

***

Gió bấc mang cái giá lạnh réo ù ù, hun hút. Sau tiếng gáy oai vệ gọi sáng của con trống tía đầu đàn thì lũ gà trống choai thi nhau gáy ran ran. Bản trên, xóm dưới rền vang thanh âm giục mặt trời thức giấc. Sương từng bầy, từng đám tràn vào nhà sàn. Ẩm ướt. Buốt giá. Ngàng cho gộc củi to vào bếp để thêm hơi ấm cho Xính cùng con trai. Mẹ con Xính vẫn thở đều trong chăn ấm.

Ba mươi hai tuổi Ngàng mới có con. Quanh xã này, bằng tuổi Ngàng thì họ đã có lũ con trứng gà, trứng vịt lốc nhốc rồi. Ngàng còn mê mải khoác ba lô đi bộ đội. Cái chân chắc nịch rảo bước theo nhịp hành quân khắp biên giới Tây Nam, sang nước bạn Campuchia, rồi quày quả ngược ra biên giới phía Bắc. Đất nước im tiếng súng, Ngàng chuyển ngành về mỏ than Núi Hồng làm thợ lò. Ngày Ngàng về thì mỏ vừa đi vào hoạt động khai thác. Ngàng tự hào là tốp thợ lò đầu tiên của vùng mỏ Việt Bắc.

Không biết có phải vì đôi mắt to, trong như nước hồ mùa thu, hay vì đôi má hồng rực như trái táo đến độ chín của Xính, mà một lần bất chợt gặp Xính ở cổng mỏ làm hồn vía Ngàng như bị trói. Lạ thế! Đi làm không sao, chứ lúc rảnh, Ngàng loay hoay, đi đi, lại lại rồi cái chân tự khắc tìm đường sang tổ phục vụ nấu ăn cho công nhân mỏ để gặp Xính. Nhìn Xính cười là tim Ngàng rộn ràng như thể muốn nhảy ra khỏi lồng ngực.

Chuyện Ngàng ngỏ lời lấy Xính thì cả mỏ biết. Chuyện thật mà như nói dối. Cái đêm Ngàng làm ca ba, vừa độn thổ từ hầm lò ra, mặt mũi, chân tay nhem nhuốc dính đầy than, chưa kịp rửa, Ngàng đã vội chạy ra nhà ăn, đứng như trời trồng trước bếp lò rực lửa nhìn Xính lấy cơm cho vào khay sứ. Xính lúng túng giục: - Anh…anh…rửa mặt mũi rồi ăn cơm cho nóng.

Chẳng biết Ngàng có nghe thấy lời Xính không, nhưng anh bỗng chộp tay Xính, nói trong hơi thở gấp gáp: - Em…em về làm vợ anh nhá.

Đấy, có lẽ chỉ mình Ngàng hỏi lấy vợ như thế. Chuyện này làm mọi người trong mỏ cười chảy nước mắt. Khi ấy Ngàng làm thợ lò được ba năm.

Giờ thì Xính sinh thằng cu giống hệt Ngàng từ khuôn mặt chữ điền, đến nước da màu đồng hun, cái môi dưới hơi trễ ra độ lượng…Trộm vía, thằng bé mới hơn tháng tuổi mà xểnh xang như con nhà người ta mấy tháng rồi ấy.

Sương mù lạnh giá, bưng kín mắt. Gió bấc từng cơn lùa qua nóc nhà réo u u như thể có một bầy khỉ chu chéo. Bỗng có tiếng chân thậm thịch lên cầu thang. Ai? Ai đến vào lúc trời chưa tỏ thế này? Mắt Ngàng nhìn sững vào người phụ nữ, thân mỏng tựa màng tre, ôm khư khư bọc chăn nhỏ trước ngực. Đôi mắt đen như hạt mần tang, gương mặt trắng xanh này Ngàng gặp ở đâu đó rồi. Chịu Ngàng không nhớ ra.

Xính đã dậy từ lúc nào không biết. Ngạc nhiên, Xính thốt lên: - Ô, Di! Gió lạnh thế này, đi bằng gì mà sang đây sớm thế?

- Đi… bằng chân thôi.

- Ầy, từ Chợ Rã xuống đây hơn trăm cây số mà đi bằng chân ư? Sao tao tin được?

Di ậm ừ: - Chiều qua tao đi nhờ xe tải. Đến nhà mày thì…đêm rồi, tao ngồi dưới gầm sàn chờ sáng.

Xính xót xa, cuống quít giục bạn: -Mày ngồi gần bếp lửa cho ấm người lên!

Bất chợt từ cái bọc Di ôm trong lòng phát ra tiếng kêu ọ ẹ của đứa trẻ con. Xính tròn mắt, hỏi dồn dập: - Mày…mày có con từ bao giờ thế? Hôm cưới tao vẫn… chưa gì. Còn đi cùng đoàn đưa dâu xuống đây mà. Ô! Thế bố nó đâu? Sao đi một mình?

Gương mặt tím tái vì giá rét của Di tràn nước mắt. Di bảo đây là con của Di, chỉ của Di thôi. Di nghẹn ngào nấc lên từng hồi…

Dường như lửa ấm làm cho Di lấy lại chút hồng hào trên gương mặt sầu muộn. Di ngậm ngùi nói, Di không muốn cha, mé xấu hổ vì miệng lưỡi người bản. Di khắc làm khắc chịu. Di xin đi làm công nhân trong miền Nam, có giấy báo nhận làm việc rồi. Chưa biết chỗ ăn ở thế nào, Di xuống đây nhờ vợ chồng Xính nuôi thằng bé một thời gian, ổn định chỗ ăn, ở Di sẽ về đón con.

Ngàng và Xính còn biết nói thế nào nữa? Ngàng lo cho Xính thôi, sợ không đủ sữa cho hai thằng cu bú thì khổ.

Di ấn vào tay Xính gói nhỏ. Xính gạt ra: - Mày làm gì thế? Tao với mày như một thôi. Con mày cũng là con tao. Cầm lấy đi đường, vào trong ấy xa xôi biết thế nào.

Ngồi bên lửa ấm chỗ, cho thằng bé bú no, lăn ra ngủ thì Di gạt nước mắt, quày quả ra đi.

Vợ chồng Ngàng chưa kịp hỏi tên thằng bé.

Xính đặt tên cho hai thằng bé, con của Di là Thái, con của mình là Dương. Thằng con của Di mang họ Lý của Ngàng. Xính bảo, thái dương là mặt trời. Đây là vầng sáng của gia đình.

Gia đình của Ngàng chưa kịp vui, vì có hai thằng con thì cái buồn ập tới. Nếu như thằng Dương hay ăn, chóng lớn, khỏe như cây gặp đất tốt, thì thằng Thái quặt quẹo, còi cọc, thi thoảng nó co người lại giống con sâu, lúc ấy lồng ngực phát ra tiếng rít, mồm trào đầy dớt dãi.

Vất vả vì phải chăm bẵm, thuốc thang cho thằng Thái, nhưng miệng Xính tươi như hoa, không biết nói lời ca thán. Ngàng thương vợ quá đi thôi.

Thời gian thổi theo mỗi mùa nắng, gió. Con người cũng cuốn theo mà lớn lên hay già đi. Thằng Dương phổng phao, cái chân tung tăng đến lớp học chữ, còn thằng Thái vẫn mãi là bé con. Gương mặt thằng Thái xanh xao, duy có đôi mắt trong veo như thủy tinh thì sáng lạ lùng. Mồm nó không biết nói. Chân bé như que tăm gắn vào người, oặt ẹo, mềm nhũn.

Vợ chồng Ngàng đôn đáo lo thuốc thang, chạy chữa nay bệnh viện này, mai bệnh viện khác, nhưng bác sĩ lắc đầu, bảo nó bị bệnh bẩm sinh, không chữa được. Nhìn thằng Thái miệng méo xệch, trào đầy dãi dớt mà đau lòng.

Dường như số kiếp của Ngàng khổ. Tai họa từ đâu đó rình rập rồi đổ ập vào nhà Ngàng như một định mệnh. Khi thằng Dương học lớp ba, thằng Thái mềm oặt bò lê khắp nhà, thì Xính bỏ con với Ngàng để đi vào cõi không cùng. Xính bị khối u ác tính. Lúc ấy Xính hai mươi tám tuổi…

Ngàng ngơ ngác bên hai con như cái xác không hồn vía. Hình bóng Xính hiền thục hiển hiện, như thể Xính chưa bỏ Ngàng với con mà ra đi… hơi ấm của Xính vương vấn, lan tỏa trên cơ thể, da thịt của hai con đấy thôi. Thằng Thái đau là Xính đau, thằng Dương cười là Xính cười...

***

Đôi mắt ké Ngàng khô khốc từ sau lần rơi cạn kiệt nước xuống mộ vợ, bỗng hôm nay đỏ ậng, rưng rưng… Những năm tháng gà trống nuôi con, lương công nhân mỏ đủ ba cha con chi tiêu tằn tiện. Được cái thằng Dương học giỏi, chăm chỉ giúp ké trồng rau, nuôi gà cải thiện thêm mâm cơm cho tươm tất. Nó giúp ké chăm thằng Thái, mãi là trẻ con từ hình hài đến nếp nghĩ ấy.

Nhiều lần Dương ve vuốt bàn tay chai sần, rắn như gỗ lũa của ké, thủ thỉ bảo, con muốn trở thành người lính như cha ngày xưa. Con muốn làm lính Hải quân, vẫy vùng thỏa thuê nơi biển mặn mòi cha ạ. Con sẽ lên những con tàu ra khơi xa, nơi có quần đảo Trường Sa nghìn trùng sóng vỗ, canh giữ biển trời đất nước… nó nói nhiều lắm, ké lặng im nghe rồi se sẽ thở dài.

Nó đâu biết ước mơ của nó làm ké đau như dao cắt ruột ra trăm khúc, nghìn mảnh. Nó đi xa thì hương hỏa mộ phần sau này sẽ sao nhãng mất thôi. Nhà ké năm nào cũng tảo mộ vào Tết Thanh minh. Bởi, dân tộc Tày của ké coi trọng ngày này lắm, đây là ngày cửa mả mở rộng, âm dương giao hòa. Người sống được gặp mặt người âm thế. Con cháu giãi bày nỗi nhớ thương với ông, bà, cha, mẹ khuất núi. Ngược lại người âm về quây quần thu nạp mong ước của con cháu để phù hộ cho dòng họ lớn rộng, làm ăn thuận lợi.

Ké Ngàng biết thằng Dương thương ké. Năm cuối cấp ba, nó thay đổi nếp nghĩ, nói với ké: - Cha à, con sẽ thi vào Trường đại học Mỏ - Địa chất.

Ké rất đỗi ngạc nhiên rồi thở dài, giọng lạc đi: - Đã chọn nghề rồi thì phải yêu nó cả cuộc đời, con nghĩ kỹ chưa?

Dương cười hồ hởi: - Con quyết rồi cha ạ. Con yêu cha, yêu vùng mỏ! Đôi mắt Dương bỗng nhìn xa xăm, giọng nó trầm xuống: - Cha bây giờ già rồi, anh Thái thì bệnh tật…

Cái thằng nó giống ké đến lạ. Biết nén cái ham thích vào trong bụng để nghĩ đến người khác. Mà thằng Dương nhà ké nói chắc chắn, học xong nó về mỏ làm việc khiến cho ké mừng quá.

Bao năm nay, nó đâu biết chuyện của người lớn? Ké dấu biệt chuyện Thái là con nuôi. Thật ra, ké vừa mong mỏi, lại vừa lo mẹ thằng Thái trở về đón nó đi. Hai thằng con giờ như hai tay, hai chân của ké. Thế nhưng, nếu Di về đón nó thì ké làm sao mà giữ được???

Di để con lại tính theo vết khắc của mùa ngô cho bắp đã hơn ba mươi năm trôi qua. Chẳng lẽ Di không nhớ nó hay sao? Có việc gì xảy ra với Di không? Những câu hỏi thư thoảng lại len vào nếp nghĩ, khiến cho cái đầu ké Ngàng nặng thêm.

Những năm tháng xưa, dường như hồn vía Xính luôn quẩn quanh để an ủi ké cùng hai con, thế nên ké không gục ngã trước vô số lời nói độc của người trong xóm, ngoài làng. Họ xì xầm rỉ tai nhau, ké là kẻ lừa lọc, đốn mạt nên người tình của ké mang thằng Thái đến trả. Xính ra đi không phải bị căn bệnh nan y, mà do suy nghĩ quá rồi ốm chết thôi. Trời quả báo nên cái thằng con hoang của ké bị dị dạng… nhiều chuyện lắm, ké không muốn nhắc lại làm gì cho thêm chảy máu trong gan ruột. Ké không thanh minh, không giãi bày. Việc vợ chồng ké nuôi thằng Thái cắm rễ trong bụng. Không để lộ ra ngoài. Ké muốn hai thằng con vô tư, sống trong sự yêu thương, đùm bọc, chở che của ké. Ké vừa làm cha, vừa làm mẹ.

Vẫn biết, ké coi thằng Thái là giọt máu của ké, nhưng sự thật về cha mẹ nó thì không thể chối bỏ. Tâm can ké vẫn ngóng mẹ nó về để biết gốc gác, cội nguồn. Cái cây còn có gốc rễ nữa là con người.

Ké không biết phải nói thế nào với các con? Thằng Thái thì ngô nghê, ké nói ra thì nó có biết nghe không? Nhưng thằng Dương nhạy cảm, ké lo nó trách ké dấu chuyện. Vả lại ké sợ, sau này ké mất đi, thằng Thái là gánh nặng của thằng Dương, nếu nó biết không phải là anh ruột, thì liệu nó có đối xử tốt với thằng Thái không?

Đầu ké căng ra, bùng nhùng, ngổn ngang những câu hỏi không đầu, không kết.

Thằng Dương giờ làm kỹ sư mỏ than Núi Hồng. Nó khỏe mạnh như cây cao, cột chắc. Lạ thế, nó chưa chịu lấy vợ để ké có cháu. Mới đây, nó được đề bạt làm phó phòng kế hoạch nên bận lắm. Ké biết, đây là phòng “hoạch định chiến lược”. Sản lượng khai thác nhiều hay ít, mức tiêu thụ than lớn hay nhỏ… là do kỹ sư phòng “vẽ” ra định mức, trình ban giám đốc. Lần này, việc giải phóng mặt bằng, đền bù đất các hộ dân cư quanh Núi Hồng, mở rộng sản xuất khai thác từ phòng kế hoạch đấy thôi.

Thật ra, việc di dời chỗ ở đối với ké thật sự nhẹ nhàng. Chuyện này ké nói như dao chém gỗ với thằng Dương trong dịp tết vừa qua rồi. Ké bảo, mình không gương mẫu đi đầu thì xóm làng mượn cớ thêm phần ì ra, như thế ảnh hưởng lớn đến mỏ than rồi.

Giờ thì bụng ké quặn thắt nỗi niềm. Ké lo, nếu đi nơi khác, vùng đất này là moong than, vậy thì mẹ thằng Thái về không biết hỏi ai để tìm ra nó. Như thế thì ké nặng tội với vợ rồi. Ké hứa với Xính, nếu Di về thì trao thằng Thái lại cho Di. Lời hứa với người vợ khuất núi, ké chưa làm nổi bởi Di không về tìm con.

Mấy chục mùa mưa, nắng qua đi, ké đã nghỉ hưu dăm năm nay, tuổi trượt ngang con dốc rồi, nhưng ké không mở miệng nói sự thật với hai con. Ké không muốn xáo trộn cuộc sống êm đềm. Vả lại, nếu Di không về thì ké sẽ mang bí mật này theo ông bà xuống dưới âm thế giống như vợ ké thôi.

Mí mắt ké nặng trĩu, cay xè, rịn ra những giọt nước hiếm hoi, nóng sực, tan chảy theo dòng mồ hôi mặn chát, lăn dài trên gò má nhăn nheo, ăm ắp nỗi niềm…

Không biết thằng Dương về nhà từ bao giờ, nó cõng thằng Thái chồm hổm trên lưng, đứng sát người ké. Bàn tay yếu ớt của thằng Thái bíu vạt áo ké như chân con thằn lằn bám vào khe đá. Từ trên những khối mây màu tím cuồn cuộn trôi trong chiều hoàng hôn, bỗng hiện ra gương mặt phúc hậu, hiền từ cùng nụ cười rạng rỡ của vợ ké.

Trong mái đầu trắng màu bông lau, bông chít của ké trỗi dậy ý nghĩ, ngay bây giờ, ké thắp đuốc nứa đến nhà bí thư, trưởng xóm và mấy bạn toồng… rủ các ông ấy, tối nay chong đuốc đi quanh xóm, vào chơi từng nếp nhà, rồi hồ hởi đi trên những thửa ruộng ướt đẫm sương, thơm mùi bùn đất ngai ngái, nồng nồng bao đời gắn bó dưới chân Núi Hồng, nhẹ nhàng chào từ biệt…

** *

Đêm. Thinh không ăm ắp tiếng côn trùng. Trời tràn gió. Những ngọn gió nồm nam ào ạt thổi xua tan oi nồng. Xung quanh ké Ngàng, từng bầy đom đóm thắp lửa xanh lập lòe, lúc chụm lại, khi tản ra như ngàn ngàn bông hoa hoang dã, kỳ ảo, mải mê bay lượn trước không gian vời vợi. Kìa! Giữa bạt ngàn rừng hoa đom đóm bay bỗng rực sáng bởi biết bao bó đuốc, trôi trong ngàn ngàn bước chân rộn ràng, vẽ vào trời đêm dưới chân Núi Hồng dáng hình trăn lửa. Xa xa, từ vùng mỏ, tiếng máy xúc than reo vang, vọng vào vách đá, miên man dâng tít lên vòm mây, vằng vặc ánh sao trời.

Truyện ngắn. Bùi Thị Như Lan

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước