Huyết rồng
Truyện ngắn. Nguyệt Chu
1. Dưới ánh đèn flash, những hạt gỗ đỏ như máu. Chầm chậm. Từng giọt, từng giọt rỏ qua ngón tay trắng ngà, mảnh dẻ của chị. Màu đỏ nhức nhối loang ra theo những thớ nu. Những giọt máu của loài rồng linh thiêng. Đau đớn. Cựa quậy. Khai phóng mùi hương trầm mặc và huyền bí. Chị hít một hơi thật sâu, lồng ngực căng tràn, ngây ngất. Rồi nhẹ bẫng, như được trút bỏ, siêu thoát.
Đèn tắt. Chị đã lựa xong những hạt vòng nu huyết long đẹp nhất để vào trong chiếc hộp gấm.
Chị cầm một hạt lên ngắm nghía. Hạt gỗ tròn căng bóng, màu vàng đậm xen lẫn những vệt ánh nâu, có chỗ những vân xoắn lại như hoa. Những bông hoa nở từ thớ gỗ, ngậm tinh túy, linh khí của đất trời. Hữu xạ tự nhiên hương. Từng hạt mộc, không sơn bóng, đẹp trầm lặng, bình thản từ trong lòng gỗ…
Huyền thoại kể rằng: “Ngày xửa ngày xưa, trên đảo Socotra của nước Yemen, Đấng tối cao đã tạo ra một thế giới tươi đẹp từ hư không nằm giữa đại dương mênh mông cách xa với thế giới bình thường rồi đưa các sinh vật tươi đẹp đến đây để sống. Nhưng đặc biệt hơn tất cả là loài rồng vừa mạnh mẽ vừa tao nhã. Phần trên cơ thể nó có một lớp vảy cứng với các gai nhọn hình quạt chạy dọc theo cột sống. Cái đầu đầy gai và đôi mắt màu xanh da trời sâu thẳm long lanh. Nhưng ngược với vẻ ngoài hăm dọa đáng sợ thì nó lại trầm tĩnh, hiền lành và duyên dáng hoặc nó tỏ ra vẻ như thế. Cả ngày nó chỉ nằm phơi nắng trên những tảng đá lớn và khoan khoái ngủ. Đó là cách nó nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống và có lúc đôi mắt xanh sâu thẳm lim dim ngắm đường chân trời xa xăm. Đấng tối cao thấy loài vật này mạnh mẽ mà lại hòa bình như thế nên ngài đã cho nó làm chúa tể của muôn loài sống ở đây và là người bảo vệ nơi này khi ông vắng mặt. Nhưng rồi sau khi vắng mặt nhiều năm, Đấng tối cao quay lại nơi này thì ngài không còn nhìn thấy một thế giới đẹp đẽ, tráng lệ như lúc ngài rời đi nữa. Mà thay vào đó là một đống hoang tàn đổ nát cháy rụi. Còn con rồng thì vẫn nằm ngủ trên tảng đá cao nhất đó, thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Đấng tối cao tức giận và đã nghĩ con rồng chắc hẳn đã ăn thịt hết và hủy hoại các sinh vật nơi đây, hủy hoại thiên đường của ngài. Vậy nên ngài đã biến con rồng thành một cái cây và bắt nó phải chịu tội. Mỗi khi vỏ cây bị cắt con rồng sẽ phải chịu đau đớn. Và loài cây đó chính là cây huyết rồng”.
Chị gấp cuốn sách lại. Mỗi khi đọc những dòng này, chị thấy da thịt mình như rỉ máu rồi cô đặc lại thành từng giọt, bầm lại, long lanh. Chị đã từng đến Yemen, ngồi dưới gốc cây huyết long mà tưởng như con rồng khổng lồ đang vặn xoắn và trùm bóng xuống thân thể chị. Những bông hoa trắng như những chiếc kèn nhỏ xíu tinh khôi rụng từng loạt một, phát ra thứ âm thanh kì bí từ một thế giới khác. Trầm mặc, linh thiêng, không gợn chút bụi trần. Chị đã từng nghĩ những giọt máu rồng nhỏ xuống để cứu rỗi thế giới tươi đẹp này, đã đau đớn thay cho muôn loài để rồi kết thành những đóa hoa kiêu hãnh và cao khiết. Như Chúa nguyện bị câu rút để chuộc lỗi cho cả thế gian, loài rồng thiêng liêng đã chấp nhận ngủ giấc ngủ triệu năm trong từng thớ gỗ. Chị đã từng đưa tay rờ vào những khối nu xù xì, đùn lên từ thân cây. Rõ ràng là vết thương sâu đến nhường nào, đau đớn đến nhường nào, bao nhiêu máu và nước mắt của loài rồng mới bồi tụ được để hàn gắn vết thương ấy thành khối nu lớn và rắn chắc.
Chị gọi những cây huyết long ở Yemen là những con rồng đang ngủ say trong lời nguyền. Chị chẳng biết lời nguyền ấy có nên được giải hay không? Cứ trầm mặc, linh thiêng giữa đất trời với nguồn ánh sáng vĩnh hằng và hương thơm giải thoát hay quẫy đuôi sống dậy một kiếp rồng đầy sức mạnh hủy diệt và tái sinh? Nỗi băn khoăn trở đi trở lại trong những giấc mơ huyết rồng. Tỉnh giấc, chị cười, nếu là thời xưa, có lẽ chị đã hạ sinh dòng giống của rồng - hoàng tử.
2. Chị cũng đã từng sinh con nhưng đó không phải là dòng giống của rồng. Đó là giọt máu của một kẻ sở khanh đã hủy hoại cả tuổi hoa niên của chị. Chị đã thấy mình quằn quại và đau đớn như con rồng chịu những đòn tra tấn, của lầm lỗi, của thị phi mà không thể nào hóa giải. Ngày ấy, giấc mơ vào giảng đường đại học đã đóng sập lại trước mắt chị khi tình yêu mới chớm đã hoài thai trong bụng cô bé 17 tuổi, kèm theo bao nhục nhã, đắng cay. Người con trai hứa hẹn đưa chị lên thành phố, vào đại học lặn không tăm tích như một trò đùa tàn nhẫn. Đã từng muốn chấm dứt tất cả nhưng mẹ dang rộng vòng tay ôm chị vào lòng. Như cây lúa cúi đầu mà ôm trọn cả mầm sống, chị nhẫn nhục sinh con khi chưa kịp đi hết những con đường học trò.
Nhà chỉ bám vào vài mảnh ruộng. Bố đi phụ hồ. Không may, sập giàn giáo, chết. Nhà chao đảo trong cơn giông gió. Tiếng ru hời trẻ thơ nấc nghẹn.
À ơi, thân cò khuya sớm nuôi cò
Cò thơ cò bé cò lo tủi đời
Về bên bà, mẹ nằm nôi
Khóc theo cha để cho rơi cuộc tình.
Con bé đầy tuổi, chị để nó ở nhà với mẹ rồi lên thành phố tìm việc với hi vọng đổi đời. Không thể sống mãi kiếp cò mẹ cò con mò mẫm trên ruộng sâu đồng cạn. Con bé khát sữa gọi mẹ. Bà ấp ủ cháu trong bầu ngực nhão với những giọt mồ hôi chua chát, mặn mòi. Chị chịu những cơn đau căng sữa, nhức nhối, rần rật, bầu ngực cứng nặng như hai hòn đá tảng, những đường gân nổi lên, xanh lét, ngoằn ngoèo. Rồi cắn răng vắt bỏ dòng sữa trắng ngọt ngào. Nặn bóp. Bầm đỏ. Tê tái. Rút kiệt. Rỗng tuếch.
Nếu đã muốn chối bỏ thì có thể làm bằng mọi cách.
Chị xin được một chân rửa bát thuê cho một quán ăn đêm. Thực khách nhồm nhoàm. Tấp nập ồn ào. Chén bát la liệt. Từng chồng cao ngất. Cái lưng nhức mỏi, đôi bàn chân tê dại và đôi tay như mòn đi, rũa ra vì ngâm nước xà phòng.
Quán gần chợ. Đủ các loại thực khách. Từ những người ăn vận tinh tươm đến những chú thợ xây, chị phụ hồ, bác xe ôm hay những người buôn bán. Chốc chốc lại có những cậu bé đánh giày vào cửa ngác ngơ tìm kiếm khách hay những đứa trẻ lang thang vào xin ăn. Đứa nào cũng gầy guộc, đen nhẻm, quần áo tả tơi, trên khuôn mặt chỉ thấy hai con mắt. Và những lúc ấy, bà chủ béo với hai cánh tay trắng phốp pháp lại đứng chống nạnh mà tru tréo để đuổi bọn chúng.
Đêm ấy, chị lén mang chút đồ ăn thừa ra lều chợ cho Phan. Cậu bé bị lạc mẹ lang thang vạ vật khắp nơi. Nhìn Phan ngấu nghiến ăn miếng thịt thừa, chị rớt nước mắt nghĩ về đứa con gái nhỏ nơi quê nhà.
Khi trở lại quán thì bà chủ đã đứng ngay trước cửa. Bỗng “bốp”!, bà thẳng tay giáng một cái tát vào mặt chị khiến chị quay cuồng. Một bên má rát bỏng. Chị khụy xuống, run rẩy, sợ hãi. Bà đứng đó, giơ tay xỉa xói vào mặt chị. Quân trộm cắp, lấy đồ của tao mang đi đâu? Tiếng bà rít qua kẽ răng. Mày cút ngay, cút ngay, quân phá hoại! Bà vớ lấy cái chổi nện vào người chị rồi lồng lộn lên như một mụ điên. Mấy người hàng xóm chạy sang can nhưng bà vẫn tiếp tục đuổi đánh chị. Chị lao vào màn đêm, khóc tức tưởi. Đúng là nuôi ong tay áo mà, bà nói với mọi người như để thanh minh, tôi đã theo dõi nhiều lần rồi, đêm nào cũng lén trộm đồ ăn của tôi. Giống gì mặt mũi đẹp đẽ mà hóa ra phường trộm cắp.
Chị lê lết trên con đường quạnh quẽ. Sương rơi thấm ướt áo. Vầng trăng mỏng như một sợi chỉ mờ. Chị hướng về phía quán chợ. Nơi đó, cũng có một kẻ lạc loài như chị. Ánh trăng không đủ sáng để soi rõ những góc khuất của kiếp đời tăm tối.
Bỗng có một bóng người xồ ra ôm lấy chị rồi ấp một chiếc khăn vào mặt chị. Một mùi gì đó rất lạ xộc mạnh lên mũi, vào miệng. Chị giãy giụa một hồi rồi lịm dần, lịm dần…
Một chiếc xe máy rồ tới, người đó xốc chị lên xe. Chiếc xe vụt qua, tan vào màn đêm.
Ở góc khuất nơi quán chợ, cậu bé co ro giữa những chiếc bao tải như con thú hoang nằm liếm vết thương mình.
3. Cô giáo của Mộc Trà gọi điện đến khiến chị lặng người đi. Cô nói con gái chị sẽ phải tham dự hội nghị giáo dục đạo đức học sinh của nhà trường vì nó vi phạm nội quy của trường nhiều lần. Chị bùng nhùng trong mớ âm thanh hỗn độn phát ra từ đầu máy bên kia, chỉ cảm nhận được những lời nói ấy lạnh như những lưỡi dao mà chẳng thể nhớ nổi tội lỗi của con mình. Giáo dục đạo đức học sinh! Nghe có gì đó ghê gớm, khủng khiếp lắm. Hình như là nhuộm tóc và trang điểm đến trường, hình như là mặc quần bò rách te tua, hình như là nghỉ học không phép… Còn gì nữa nhỉ? Chị không thể nhớ nổi lời cô. Những lúc Mộc Trà như thế, chị đã ở đâu? Sao chị cũng không thể nhớ nổi? Chị chỉ nhớ đến nụ cười tươi tắn của nó mỗi sớm tạm biệt chị để đến trường, trên vai không quên mang theo ống vẽ. Chỉ nhớ cứ vài ba hôm nó lại cho chị xem những bức tranh với những vũ điệu của sắc màu, để rồi có những lúc chị mê đắm cùng những mảng màu hay lạc lối trong những đường nét mờ ảo… Chỉ nhớ được vậy, trong thời gian gần đây. Chị không hỏi con về điểm số những môn học ở trường. Chị muốn con theo đuổi đến tận cùng đam mê.
Chị không hề biết Mộc Trà đang đứng nép bên cánh cửa nhìn mẹ, bằng một ánh mắt bình thản. Đôi mắt mở to, trong suốt giữa bóng tối âm thầm bủa vây. Có lẽ mẹ sẽ nổi giận, cô bé nghĩ và yên lặng chờ đợi.
Chị vẫn đứng quay lưng về phía Mộc Trà. Tay bám vào cửa sổ. Lơ đãng. Gió thổi tung những sợi tóc bay lòa xòa trên vầng trán chị.
Mộc Trà vẫn hướng về phía mẹ. Đôi mắt không chớp. Cô bé không nhìn thấy khuôn mặt mẹ.
Hai mẹ con không nhìn thấy khuôn mặt nhau. Lặng lẽ trong thế giới của bóng đêm.
Mộc Trà quay lưng, đi về phòng.
Chị quay lại, thấy bóng con dường như vừa lướt qua. Chị bước lên, nhưng đôi chân ngập ngừng. Rồi dừng lại, ngồi xuống, ngả lưng vào thành ghế, nhắm mắt, hít một hơi thật sâu. Đôi tay chị chạm vào chuỗi tràng hạt gỗ. Hương thơm huyết long trầm ấm. 108 hạt hay 108 phiền não của đời người từ tiền kiếp đến hiện tại và cả tương lai? Những tham, sân, si luân lưu trong vòng sống chết. Biết bao giờ rũ được?
Chợt chị thấy tràng hạt trong tay mình động đậy. Những hạt gỗ phát sáng như những giọt máu đỏ, long lanh. Rồi bay lên trong dáng điệu một con rồng. Tay chị với theo, không trọng lượng, nhẹ bẫng rồi rơi xuống biến thành những bông hoa cánh trắng ngà ướt đẫm sương. Toàn thân chị như đông cứng lại. Chị giãy giụa nhưng không thể được. Đôi chân ngập sâu trong đất. Và hóa rễ. Lao đi vun vút trong lòng đất sa mạc khô cằn, để tìm đến những mạch nguồn nước mát. Chị hóa thành cây, những khối nu xù xì, gân guốc, vặn xoắn trong đau đớn, đang ôm chứa những giọt máu rồng.
Chuỗi tràng hạt - con rồng bay xuống phủ lên những khối nu. Ôm ấp. Xoa dịu. Những giọt máu đỏ bỗng chốc chỉ còn là giọt nước mắt trong suốt. Những cánh hoa trắng tan tác. Chị chớp mắt. Quờ tay về phía trước. Tất cả tan biến. Như một ảo ảnh.
Trước mắt chị vẫn là chuỗi tràng hạt nâu bóng. Những giọt máu đã lặn sâu vào trong thớ gỗ, ngủ yên.
4. Chị bước vào phòng của Mộc Trà. Ngổn ngang toan, màu vẽ, sách vở, quần áo. Có lẽ vì chị không nghiêm khắc với con gái nên con bé không bao giờ gọn gàng, ngăn nắp được cả. Chị biết nó là một đứa cá tính và ngang ngạnh, nên phải chấp nhận vào khuôn phép là một điều rất khó. Nhưng dù sao, nó vẫn chỉ là một học sinh trung học, nó cần phải vào khuôn phép. Nó đã phải tham gia vào hội nghị giáo dục đạo đức học sinh. Nó không thể như chị. Nghĩ đến đó, chị lại thấy hoang mang và run sợ. Không! Nó sẽ tỉnh táo và bản lĩnh hơn chị! Hết năm nay nó sẽ tốt nghiệp, nó sẽ được tung cánh trên bầu trời tự do. Dù phải chịu muôn vàn tội lỗi đau đớn như con rồng ngủ say trong thớ gỗ ngàn năm thì chị cũng chấp nhận, để cho đứa con chị sinh ra không phải chịu kiếp đọa đày như chị.
Chị nhớ về buổi sớm tinh mơ ngày hôm ấy, tỉnh dậy trong một ngôi nhà lạ lẫm. Ánh sáng mờ xám chưa đủ soi rõ mặt người. Chị giật mình kinh hãi, có lẽ nào lại rơi vào tay bọn xấu lần thứ hai. Bỗng tiếng chuông đồng hồ điểm lên năm tiếng. Từ tốn, nhẹ nhàng. Một mùi hương thoang thoảng vương trong không gian. Hương thơm lan theo tiếng chuông, xoa dịu mọi giác quan của chị. Một cảm giác dịu dàng và bình yên đến lạ. Và ngỡ ngàng khi trước mắt là một cặp vợ chồng già không hề quen biết. Có ai ngờ đó lại là giây phút chị được sinh ra lần thứ hai. Cặp vợ chồng bán gỗ quý thấy chị ngất ngoài cửa đã dìu vào nhà rồi cho chị chỗ nương nhờ, nhận làm phụ việc. Càng về sau, tình nghĩa càng gắn bó, vì không có con nên nhận chị làm con nuôi, cũng tìm về quê đón mẹ và con gái chị lên để tiện đường chăm sóc. Đến khi chết, họ giao lại cửa hàng đồ gỗ cho chị. Sau đó, nhờ sự cố gắng, linh hoạt, chị mở rộng cửa hàng và bán thêm vòng gỗ phong thủy. Những ân tình mà họ đã dành cho chị, có phải chịu đau đớn cả ba kiếp luân hồi cũng không thể nào trả được…
Tay chị vô tình chạm phải một bức tranh của Mộc Trà. Một khuôn mặt quen thuộc đâu đó. Nhưng càng nhìn xoáy sâu vào khuôn mặt ấy, chị chỉ còn thấy hai màu đen trắng, hai mảng tối sáng nhập nhằng đan vào nhau.
Chị thở dài rồi đứng dậy dọn dẹp lại đống đồ trong phòng của con gái. Chị biết nó sẽ không thích điều này. Nó không thích không gian tự do của mình bị xáo trộn. Nhưng chị vẫn cứ làm. Tại sao? Chị cũng không rõ nữa. Có thể chị cho rằng đó là cách đơn giản thể hiện sự chăm sóc của chị đối với con. Nhưng có cần thiết với nó hay không? Thái độ của nó đã nói lên câu trả lời. Nhưng không sao! Chỉ hết năm nay thôi, chính xác là hết năm học này thôi, chị sẽ trả lại không gian hoàn toàn tự do cho nó.
5. Phan nhìn những hạt gỗ tròn ánh nâu với những đường vân như hoa trôi qua từng ngón tay trắng ngà và mảnh dẻ của chị. Những hạt rời rạc, nếu tãi ra thì lăn qua nhau, tan tác mỗi phương, giờ tụ lại 108 hạt thành một chuỗi hóa giải não phiền. Chẳng phải là chúng có duyên hội ngộ với nhau lắm sao? Cũng như Phan và chị. Nếu cứ lướt qua nhau, ắt hẳn sẽ không có duyên kì ngộ.
Phan ngồi đó, lặng lẽ đếm từng hạt gỗ được chị xâu vào sợi dây đỏ. Từng hạt, từng hạt ngẫu nhiên được xô đẩy vào nhau, để cùng nhau tỏa hương tịnh độ.
Chị ngồi đó, lặng lẽ xâu từng hạt gỗ vào sợi dây đỏ trước mắt Phan. Nhưng tâm chị dường như thoát đến một cõi nào. Chị bảo, mỗi hạt là một nỗi đớn đau, là một dòng máu chảy nhưng cũng là một sự cứu rỗi cho thế giới mà ta đang sống. Tại sao là 108 hạt, Phan có biết không? Phan lắc đầu, cười. Lời chị thoảng bên tai Phan như một cánh bướm non, dịu dàng và nhẹ bẫng. Nhưng những gì chị nói, Phan chỉ nhớ được loáng thoáng, hình như là tam sinh tam thế, đoạn trường sinh tử không cùng tận với thanh tịnh sáu căn gì đó. Nó quá mơ hồ với Phan. Anh chỉ cần biết, niệm tràng hạt để xua đi những muộn phiền nên muốn tặng mẹ một chuỗi cho lòng bà được thanh thản. Và còn cả người đàn bà trước mặt anh…
Có lẽ đó cũng là đêm mùa thu như thế này của nhiều năm về trước, Phan ngồi gục trong một góc khuất nơi cuối chợ. Chỉ còn tiếng chuột sục sạo trong đống rác rưởi. Chị bất chợt đến, khẽ đặt tay lên vai Phan. Mùi thức ăn xộc ngay vào cái dạ dày rỗng tuếch. Phan ngẩng đầu lên, nhìn chị bằng ánh mắt mừng rỡ. Một nụ cười bừng lên giữa khuôn mặt gầy guộc đen nhẻm.
Phan nhặt rác ở ven chợ để kiếm ăn. Cậu không biết phải tìm mẹ ở chốn nào. Chỉ nhớ có lần thấy cái xe tải đậu trước ngõ, đã nhảy lên chơi rồi ngủ quên. Cuối cùng, khi tỉnh dậy, không biết mình đang ở đâu. Cậu gào khóc trong hoảng loạn nhưng cũng chẳng thể lần tìm về nhà. Có lần Phan đến quán mà chị rửa bát để xin ăn. Bị bà chủ đuổi mắng. Lâu sau, chị đến, vội vã và lấm lét, dúi vào tay Phan chút thức ăn thừa. Chị chỉ kịp nói, ăn đi, rồi lại hớt hải chạy về quán. Từ dạo ấy, cứ vài bữa, đợi khi đêm xuống, chị lại lẻn ra cuối chợ mang chút đồ ăn cho cậu. Chỉ là chút cơm thừa, canh cặn còn sót lại từ những bàn ăn mà người ta bỏ lại, nhưng Phan cũng được ấm lòng.
Vậy mà Phan không hề biết rằng, chính đêm ấy, bà chủ phát hiện ra việc làm của chị, đã đuổi đánh chị để đến nỗi chị rơi vào cảnh đời lưu lạc. Phan chỉ biết rằng, từ sau lần ấy, không thấy chị ra tìm Phan nữa. Phan có đi qua quán thì cũng không thấy chị. Chị đột ngột biến mất, không tăm tích.
Một thời gian sau, Phan bất ngờ tìm lại được gia đình. Và những kí ức về chị cũng dần dần chỉ còn là một màn sương mỏng.
Phan! Tiếng chị kéo anh về thực tại. Anh ngẩng lên, ngỡ ngàng, như thấy chị từ quá khứ bước ra, vào cái đêm cuối cùng chị đến cho anh chút đồ ăn khi anh đang đói lả. Nhưng chị lại đặt vào tay Phan một tràng hạt gỗ được xâu bằng một sợi dây màu đỏ, phía cuối được thắt nơ khéo léo và kèm thêm những đoạn tua rua. Bàn tay chị nằm gọn trong tay Phan. Phan nắm lấy, rụt rè. Một thứ cảm xúc lạ lẫm ùa đến, chị thảng thốt rút tay ra. Phan ngẩn ngơ nhìn chị. Chị đưa cho Phan một chiếc hộp gấm với những đường vân ánh bạc. Phan nhẹ nhàng đặt tràng hạt vào đó. Hương thơm dịu dàng phảng phất. Phan cứ như mê đi trong một cõi mơ hồ.
6. Chị cũng đã nghĩ đến việc sẽ giới thiệu Phan cho Mộc Trà với tư cách là một họa sĩ mà nó có thể học hỏi thêm. Hôm nay là sinh nhật chị, chị mời Phan qua nhà vì việc đó. Con bé sẽ về sớm, tất nhiên, từ khi chị ổn định được cuộc sống và đón nó về, chẳng năm nào nó quên sinh nhật chị. Chị cũng từng nói với anh rằng con bé đã đi học ở trung tâm một thời gian khá dài, tuy nhiên, chị cũng không biết người dạy nó là ai. Phan nhún vai, lè lưỡi. Chị cười, với hành động này chắc cậu cho rằng tôi là một bà mẹ tồi? Phan lắc đầu. Chỉ cần Mộc Trà đam mê và tiến bộ là được.
Phan giúp chị treo từng bức tranh lên tường phòng ngủ. Những mảng kí ức sáng tối chập chờn, góc chợ tồi tàn, ánh mắt loang loáng đêm mưa, dáng đi vội vã tan vào bóng tối… lần lượt hiện ra để kể một kí ức buồn. Đáng lẽ cần phải quên nhưng cả chị và Phan đều không thể. Mà đã không thể thì cố nén trong lòng làm chi? Thà để nó thoát xác nơi đầu cọ cho lòng vơi đi mà thanh thản.
Chị nhìn những mảng màu sáng tối dưới ánh đèn nhợt nhạt. Như luồng ánh sáng chị nhìn thấy đầu tiên khi mở mắt ra, sau cái đêm định mệnh, cái đêm cuối cùng khi chị dúi vào tay Phan một chút đồ ăn để từ đó bặt tin nhau. Chị không biết Phan có nhớ gì về chị nữa hay không, khi chị đột nhiên biến mất. Sau khi bị người ta đánh thuốc mê và bắt đi, tỉnh lại, chị thấy mình cùng 2 người đàn bà khác đang đi trên một chiếc xe, chân tay bị trói và miệng bị nhét giẻ. Muốn giằng ra, muốn la hét, cầu cứu mà không thể. Chị và họ nhìn nhau, tuyệt vọng. Xe nhấp nhô trên những con đường đèo dốc đầy đá sỏi. Hai người đàn ông lực lưỡng, xăm trổ đầy mình nhìn họ một cách dữ dằn.
Chị không thể ngờ mình cùng những người phụ nữ ấy lại bị bắt cóc bán sang Trung Quốc để làm vợ cho những người đàn ông nghèo miền núi.
Chị đã trở thành người vợ chung cho ba bố con trong một gia đình giữa nơi mà suốt năm chỉ thấy mùa đông với bao la tuyết trắng. Những mầm sống không vươn lên được. Chị thèm khát nắng phương nam, cay đắng nhớ quê nhà, đau đớn nhớ mẹ già con trẻ. Nước mắt rớt xuống như tuyết trắng, loang lổ phủ lên những vết thương chằng chịt, trên da thịt và trong lòng chị.
Hai năm sau, vô tình chị gặp một nhóm người Việt Nam và được họ giải cứu, chị mới tin là mình còn sống. Trở về nước, bỏ lại vĩnh viễn núm ruột của mình trong lòng đất khách bởi một lần chị mang bầu mà bị những người đàn ông đó hành hạ đến trụy thai. Chị lang thang mấy ngày liền, kiệt sức rồi ngã xuống trước cửa một ngôi nhà trong bóng tối nhá nhem.
Phan đặt tay lên vai chị làm chị choàng tỉnh. Tranh của Phan với những mảng màu trầm buồn vẽ một phần khuôn mặt của kí ức. Còn một phần khuôn mặt ấy trong bóng tối sầu tủi, Phan không thể cất bút. Bởi chị giữ nỗi đau ấy cho riêng mình. Nỗi đau ấy như từng giọt máu lăn qua kẽ tay thời gian, khi chị ngồi lần từng hạt gỗ huyết long u trầm. Không lý gì Phan phải san sẻ nỗi đau ấy cùng chị. Như thế sẽ thật là tàn nhẫn. Chợt Phan vòng tay ra sau ôm lấy chị. Hơi bất ngờ, chị sững lại nhưng vẫn để yên trong vòng tay Phan nóng hổi. Tim chị run lên từng hồi và đôi chân như muốn khụy xuống.
Bỗng tiếng chuông điện thoại vang lên làm cả chị và Phan cùng bối rối. Chị ngượng ngùng gỡ tay Phan ra, bấm nút nghe điện. Phan bước ra ngoài phòng khách. Bóng tối trùm phủ. Một cảm xúc mê đắm, mơ hồ.
Có tiếng mở cửa đột ngột. Mộc Trà lao vào nhà rồi sững lại khi nhìn thấy anh ở đó. Chị cũng vừa bước ra…
7. Chị mở cửa vào phòng của Mộc Trà. Lúc này chị đã rất tỉnh táo để nhận ra khuôn mặt phảng phất khói sương trong bức tranh đó là Phan, cũng chính là thầy giáo dạy vẽ của con gái mà chị không hề hay biết. Cũng như đã tỉnh táo để nhận ra những thay đổi của nó từ buổi sinh nhật chị. Lẽ nào từ trước tới giờ chị đã quá vô tâm?
Chị run rẩy lật từng trang nhật kí của con gái.
Ngày …tháng…năm…
Mình chưa bao giờ nói với các bạn về tuổi của mẹ. Mình cũng không muốn mẹ đi cùng mình trong buổi đi dã ngoại với các bạn. Mọi người sẽ xì xào về chuyện mẹ sinh mình sớm thế.
Mình nói với các bạn rằng cha mình mất lâu rồi. Mình cũng hi vọng là ông ấy đã chết thật. Mẹ và bà ngoại khi còn sống chưa bao giờ nói cho mình về cha. Ngày xưa mình muốn hỏi nhưng không dám. Giờ mình không bao giờ còn muốn hỏi. Mình muốn quá khứ ngủ yên.
Những giọt nước mắt chị rơi xuống trang giấy. Chị luống cuống lau đi. Nét chữ đã ướt nhòe. Chị vội gấp lại. Định rời đi. Nhưng không hiểu sao, chị lại ngồi xuống, tiếp tục mở cuốn sổ ra. Những nét chữ tròn trịa của Mộc Trà hiện lên trước mắt chị.
Ngày… tháng …năm
Hôm nay mình gặp thầy, một cảm giác thật Yomost!
Ngày… tháng… năm
Không hiểu sao, tim mình cứ đập rộn lên mỗi lần thầy đứng bên cạnh mình. Mình ước gì ngày nào cũng được thầy cầm tay nắn những nét cọ.
Chị thấy hồi hộp quá. Nó đã viết gần kín quyển sổ. Chị hấp tấp lật đến những trang gần cuối. Có lẽ chị đã không đủ kiên nhẫn.
Ngày… tháng… năm
Mình sốc thật sự khi mẹ và thầy lại là cố nhân của nhau. Họ đã có chung kí ức cay đắng. Họ đã có duyên kì ngộ sau những tháng năm lưu lạc. Có còn chỗ nào cho mình đâu, khi mình chỉ là một kẻ ngoài rìa?
Những dòng chữ của Mộc Trà như những nhát dao đâm vào tim chị. Chị không thể đọc tiếp được nữa. Những trang nhật kí nhòe nhoẹt trong nước mắt. Con gái chị đã yêu một tình yêu tôn thờ như chị giữa tuổi hoa niên. Nhưng tại sao lại là Phan? Trong đầu chị ùa về những kí ức xa xưa, khi trái tim con gái lần đầu lỗi nhịp với những hạnh phúc ngọt ngào và kết ngay trái đắng. Để rồi bây giờ, tim chị như bị ai bóp lại rồi vụn vỡ thành từng mảnh. Máu nhỏ xuống như những giọt máu rồng bị cứa khỏi thân cây.
8. Chị tỉnh lại. Căn phòng trắng.
Phan và Mộc Trà ngồi bên.
Phan cuống quýt nắm lấy bàn tay chị.
Chị ngước mắt lên nhìn con. Đôi mắt nó u buồn. Hai hàng nước mắt nhỏ xuống lặng lẽ.
Phan nhìn sang Mộc Trà. Anh đưa tay lau nước mắt cho cô bé. Thôi nào, nín đi, mẹ em đã tỉnh.
Khuôn mặt chị thoáng chút bối rối.
Hai mẹ con tránh nhìn vào mắt nhau. Mỗi người đều đau nỗi đau riêng mình. Chỉ có Phan vẫn không hề hay biết nỗi đau của họ.
Đến ngày chị xuất viện, Mộc Trà thông báo đã giành được học bổng du học của Mỹ. Chị lặng người đi vì hạnh phúc. Vậy là từ giờ, không còn những hội nghị giáo dục đạo đức, không còn những kìm tỏa, nó có thể tự do theo đuổi tình yêu và khát vọng của riêng mình. Nó đã như một cánh chim đủ rộng để sải cánh bay dưới bầu trời dù cả khi bình yên cũng như giông bão.
Chị cũng đã đến lúc phải thu xếp lại cho mình…
Chị kéo va ly ra sân bay. Quay đầu nhìn lại. Những chiếc lá thu phai sắp sửa rớt khỏi cành. Những ràng buộc, giằng giữ cũng chỉ như sợi chỉ đỏ xâu những hạt gỗ tròn, chỉ cần cắt bỏ sợi dây là chúng sẽ tách nhau ra và lặn không tăm tích. Chị nhìn về phía trước và bước những bước chắc chắn. Lướt qua một sợi chỉ đỏ vô hình. Tiếng nhạc phát ra từ đâu đó, nhỏ dần, nhỏ dần rồi như tan vào quá khứ hư vô.
Về thu xếp lại
Ngày trong nếp ngày
Vội vàng thêm những lúc yêu người
Cuồng phong cánh mỏi
Về bên núi đợi
Ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay.(1)
9. Nhiều năm sau.
Tại một ngôi chùa cổ xứ Yemen, có một vị nữ tu hằng ngày lần tràng hạt huyết long. Khuôn mặt thanh thản không gợn chút bụi trần.
Bà vẫn thường đọc lại câu chuyện truyền thuyết về loài rồng say ngủ ngàn năm trong những thớ gỗ huyết rồng, chịu lời nguyền để cứu chuộc tội lỗi cho muôn loài. Máu rồng nhỏ xuống cho thế giới hồi sinh.
Bên ngoài, giữa một vùng sa mạc mênh mông, những cây huyết rồng nở hàng loạt bông hoa trắng tinh khôi và thanh sạch
-----------
(1) Lời bài hát “Chiếc lá thu phai” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...