Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
10:19 (GMT +7)

Huyền bí vũ điệu dân gian Mỹ

VNTN - Với người Indians, những dân tộc bản địa đầu tiên của nước Mỹ, nhảy múa là một nghệ thuật hết sức đặc biệt, gắn liền với các sự kiện gia đình và xã hội. Các điệu múa đều đã ra đời từ xưa khi các bộ lạc mới hình thành và có các nghi lễ tôn giáo. Người ta xem múa là một hình thức chính yếu để chuyển tải những lời cầu xin đến thần thánh, cũng là cách trực tiếp thể hiện niềm vui - nỗi buồn của cá nhân và cộng đồng trong đời sống hàng ngày và là phương pháp màu nhiệm đưa con người hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp.

Nguồn: Internet

Từ ngàn xưa, người Indians đã có thói quen nhảy múa quanh bếp lửa nhà sàn hoặc một không gian rộng lớn của bản làng. Ở đó, qua tiếng trống, tiếng lục lạc - nhịp đập trái tim đất mẹ và các động tác mô phỏng đánh thức mọi sinh linh và bằng hành trình ngôn ngữ tới khám phá từng vùng đất trên đảo Rùa (trái đất) đón nhận những món quà quý từ thiên nhiên, rồi trở lại cảm ơn, bày tỏ tình yêu đối với thiên nhiên. Người dân do đó thường đặt tên điệu múa theo các loài vật, có cái gì hay, thú vị quanh môi trường sống đều đưa vào trong điệu múa. Đa số các vũ điệu đều do nam giới thực hiện (nữ giới chỉ đứng ngoài hát đệm) song cũng có lúc họ không thể bước vào sân khấu nếu thiếu bạn diễn nữ, và đặc biệt trẻ con luôn múa với nữ. Nếu điệu múa có cả nam lẫn nữ, nó được gọi là múa giao tế hay múa phồn thực để gia đình, bản làng chào đón người thân, khách quý hoặc ăn mừng sau mỗi đợt săn bắn, hái lượm, chuyển giao mùa vụ. Qua đây, mọi người cũng tạo lập các mối quan hệ thân thiết và đưa những người ngoài hòa nhập vào cuộc sống dân tộc. Nói chung, người ta múa theo vòng tròn bởi quan niệm vạn vật không có mở đầu kết thúc, mọi thứ trước, trong và sau sự sống đều liên hệ với nhau và để nối kết gia đình với các truyền thống lâu đời.

Do có nhiều tộc người ở các vùng địa lý và tập quán khác nhau nên mỗi nơi xây dựng một điệu múa có mục đích riêng. Người ta múa để giải trí, song cũng có lúc múa để chữa bệnh, như người Chickasaw và nhiều bộ lạc ở phía đông nam Mỹ. Với niềm tin bệnh tật cũng là một dạng linh hồn và thầy lang Aliktce có thể chữa khỏi nó. Nhằm tống khứ con bệnh, thầy liền chế ra một loại thuốc cho bệnh nhân uống và rồi nhảy múa quanh người ấy ba vòng giả làm con quạ đánh thức linh hồn bật dậy, làm con cá đưa nước rửa sạch mọi điều tệ hại và làm chim ưng bay lên trời đem về sự sảng khoái, minh mẫn.

Cũng ở đông nam Mỹ, người Powhatan lại nhảy múa khi chứng nhận sự trưởng thành của nam giới. Trong nghi lễ huskanaw, các cậu bé sẽ dành cả buổi sáng để hát và múa kêu gọi các vị thần tối cao đến phù trợ và chạy ba lần qua một hàng trai tráng cho họ đánh tới tấp. Với ý nghĩa trận đánh đã giết chết con người yếu đuối trong mình, ai nấy bỏ ra ở riêng chín tháng ngoài rừng trước khi trở thành một người đàn ông đích thực.

Người Creek luôn dùng các điệu múa chào đón người thân hay du khách đến chơi. Và đặc biệt là điệu múa cá tiếp đón đoàn thợ săn từ xa mới về. Vũ công bước vào sân khấu vuông với một cây gậy đẽo hình con cá - biểu tượng về sự thịnh vượng - vừa hát các bài ngư ca vừa nhảy múa theo nhịp trống. Sau đó mọi người cùng ăn một bữa thịnh soạn và kết thúc buổi lễ với điệu nhảy giậm đất, một điệu múa dân dã nhí nhảnh, ai tham gia cũng được, miễn là nối thành một vòng quanh đống lửa, đi đầu là một ca sĩ, kế đến là vũ công và sau cùng là ban nhạc chơi lục lạc bằng mu rùa đựng sỏi. Trong tiếng nhạc rộn ràng, họ vừa đi vừa nhảy, thỉnh thoảng lại đổi chỗ cho nhau, ai mệt thì nghỉ lúc sau múa tiếp, khiến cho điệu múa kéo dài thâu đêm. Nhiều dân tộc cũng múa nhằm khai mở các trò chơi. Như người Creek, trước mỗi trận đấu bóng rổ, nam nữ đều múa một điệu múa có tính phồn thực là điệu chim cút cho phép nam nữ có những đụng chạm trong một vòng tròn với những động tác của bầy chim làm tổ. Khi trống gióng lên, họ sẽ hát và múa quanh sân bốn lần cầu mong mọi sự tốt lành.

Múa luôn nằm trong các hoạt động ngày Tết của các bộ lạc. Trong lễ mừng Ngô xanh boskika diễn ra đầu vụ thu hoạch ngô mùa thu, người Creek sẽ tiễn đưa những điều xấu của năm cũ mở đầu bằng ba điệu múa giậm chân. Trong khi nam giới đeo mặt nạ, quấn đuôi ngựa, đội sừng trâu, tay cầm thịt thú vừa săn được đi qua đi lại thì phụ nữ cũng mặc diêm dúa, bưng những cái rổ đầy bánh ngô lẽo đẽo theo sau. Cùng điệu múa giậm chân, họ cũng thực hiện vũ sói, trong đó thanh niên tới những nhà hàng xóm quấy nhiễu đàn ngựa và múa quanh nhà của họ, hú lên những tiếng kêu mê hoặc của bầy sói. Chỉ khi gia chủ ra tiếp, cho thức ăn thì cả đám mới chuyển sang nhà khác. Nam nữ sau đó gặp gỡ giao duyên ở một sân vuông sau nhà dài suốt đêm trong điệu múa say rượu.

Các tộc người đồng bằng như người Blackfoot, Lakota và Crow có một điệu múa trứ danh là điệu powwow. Ngày xưa người ta dùng điệu này phục vụ cho các buổi tế, song nay đã tổ chức như một bữa tiệc vui, hội ngộ gia đình với nhiều màn diễn thú vị, gồm có rước cờ, trình diễn trang phục và múa hát các làn điệu bí ẩn. Các tộc người ở phía tây Washington cũng có điệu múa vui tinh vũ (linh hồn nhảy múa) vào ngày đầu năm. Khi ấy, nam nữ nhảy múa khoe diễn vị thần bảo hộ cho mình. Trong giấc mơ nhiều đêm trước, họ bắt lấy một linh hồn, giữ nó làm vị thần riêng và đến ngày lễ thì đem ra biểu diễn bằng cách hóa trang thành thần. Không chỉ đóng vai những thần linh hùng mạnh, người ta còn hóa thành các con thú quen thuộc. Cuối buổi, gia chủ tặng khách một món quà có ý nhắc họ nhớ đến điệu múa này vào năm sau. Các dân tộc ở phía tây nam Mỹ lại có vũ điệu nông nghiệp liên quan đến việc trồng trọt và dùng nước. Một điệu múa tiêu biểu của người Pueblo là múa ngô xanh, trong đó diễn tả lại việc cấy trồng, chăm sóc và thu hoạch ngô. Người Hopi lại có múa rắn, kéo dài bốn ngày đầu mùa mưa. Sau khi bắt rắn, họ tổ chức hát nhảy. Những người có kinh nghiệm với rắn sẽ ngậm rắn trong miệng nhảy múa quanh làng và cuối cùng thả chúng đi với ước vọng cầu xin mưa xuống.

Nguồn: Internet

Một trong các điệu múa cổ đại nhất còn tồn tại ở cả nam lẫn bắc Mỹ là điệu múa cỏ. Có người xem đó là một điệu múa để thể hiện những chuyển động mềm mại của cỏ trong gió. Có người lại coi điệu múa là sự mô phỏng việc phạt bằng những đồng cỏ chuẩn bị sân khấu trước kỳ lễ hội. Một số khác xem đây là các động tác nhằm chào mừng những chiến binh thắng trận. Điểm đặc sắc ở điệu múa này là nghệ sĩ mặc trên người rất nhiều tua sợi giống như bụi cỏ và nhờ thế cử động khi múa cũng trở nên uyển chuyển, tha thướt. Tương tự múa cỏ, múa đi săn là điệu múa truyền thống gợi nhớ các cuộc đi săn hay ăn mừng sau chiến trận. Vũ công luôn ở thế săn mồi, khi thấy con vật và đường chạy của nó thì hò reo đuổi bắt. Tùy nơi, họ sẽ ăn mặc khác nhau song thường thấy một cái mũ lông nhím, một cái áo tua rua và một cái đuôi rái cá buông thõng sau lưng. Phụ họa cho điệu múa là các bài hát cổ tuổi đời hàng trăm năm. Nếu nam giới có vũ săn bắn thì nữ giới có vũ khăn, áo cho thấy vẻ đẹp duyên dáng, thông minh. Với những cử động nhịp nhàng ở thân trên và hai cánh tay, các thiếu nữ làm cho chiếc khăn rộng vắt vai và bộ áo cánh nhiều tà sặc sỡ tung bay huyền ảo theo gió.

Minh Khang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy