Hương hoa dẻ
VNTN - Mở cuốn sổ tay mực đã nhòe theo năm tháng, tay bà run run đặt những cánh hoa khô quắt vào mẩu cuống còn sót lại. Bỗng bà như thấy đâu đó mùi hương thơm ngào ngạt, thơm đến nao lòng của vạt đồi hoa dẻ nơi trận địa pháo phòng không năm nào. Ồ! Đã gần 50 năm rồi mà bà vẫn không quên được mùi hương hoa dẻ cùng những năm tháng chiến tranh, khi bà còn là một nữ dân quân tải đạn cho trận địa pháo phòng không.
Ngày ấy, trận địa pháo đặt trên đỉnh một ngọn đồi thoai thoải. Con đường đi lên trận địa mọc đầy cây hoa dẻ. Hình như những cây hoa dẻ không hề biết đến bom đạn, chúng vẫn vô tư đua nhau xanh tốt, cứ vào đầu tháng tư hoa lại nở những bông trắng như sứ treo kín cành từ gốc đến ngọn. Sắc hoa dẻ không rực rỡ nhưng hương thơm thì ngào ngạt, mùi hương như phủ kín cả trận địa. Sau mỗi trận đánh, hương hoa dẻ như xua đi mùi khét lẹt của khói súng, khói bom. Và có một điều làm cánh lính pháo rất thích là hương hoa dẻ làm tan đi cả mùi mồ hôi trên quân phục của các chiến sỹ sau những trận chiến đấu ác liệt với máy bay địch. Mấy anh lính trẻ thường thì thầm với nhau “Nhờ có hương hoa dẻ nên lúc ngồi gần tán chuyện với các em dân quân tải đạn thấy tự tin lắm, chẳng lo gì quân phục ám mùi mồ hôi và mùi thuốc súng”. Hương hoa dẻ làm người ta quên đi chiến tranh. Ngày ấy, có một anh lính trẻ đã ví bông hoa dẻ là “sơn nữ”, cũng không hề quá…
* * *
…Bầu trời trong vắt.
Khẩu đội trưởng nhìn lên trời rồi quay sang nói với các chiến sỹ:
- Hôm nay trời đẹp thế này chắc bọn quạ sắt kéo ra đông đấy. Tranh thủ cơm nước, đợi chúng đến còn “chăm sóc”.
Thằng Lành pháo thủ số 1 ngẩng lên cười, nói to:
- Khẩu đội trưởng ơi! Cho em tranh thủ chạy đi chặt mấy cành hoa dẻ cắm lên mâm pháo làm lá ngụy trang tăng thêm phần lãng mạn nhé.
Cả khẩu đội cười ầm lên:
- Thôi… ông ơi! Ai chẳng biết ông tranh thủ đi tìm hoa dẻ chín để tối tặng cho cái Nguyệt, chúng tôi biết tỏng rồi.
Mọi người cười ngất làm Lành đỏ bừng hai tai.
Cả khẩu đội ai cũng biết tình yêu đến với Lành và Nguyệt chính từ mùi hương hoa dẻ, hay nói đúng hơn, hương hoa dẻ đã đưa hai con tim tìm đến nhau. Hôm ấy, vào đầu tuần trăng, Nguyệt cùng đoàn dân quân vác đạn pháo lên trận địa. Đi đến lưng chừng đồi, một làn gió ào đến, Nguyệt ngây ngất vì mùi hương hoa dẻ. Nguyệt yêu mùi hương ấy từ thủa còn cùng đám bạn thả trâu trên đồi và đã bao lần bị đòn vì để trâu ăn lúa hợp tác khi mải mê đi hết vạt đồi này đến vạt đồi khác tìm hái hoa dẻ chín mang về kẹp vào từng trang sách. Nghe thoảng mùi hương, Nguyệt biết quanh đây có hoa dẻ chín. Đặt vội hòm đạn xuống, Nguyệt nghếch mặt mải mê bước theo mùi hương. Do không để ý, Nguyệt trượt theo sườn dốc ngã lăn mấy vòng. Lúc dừng lại thấy chân đau đến mức không sao đứng dậy được. Vô cùng hốt hoảng, Nguyệt ngoái nhìn xung quanh, rồi giật mình khi thấy cách mình không xa, một người lính đang mải mê chọn hái từng bông hoa dẻ chín. Lấy bình tĩnh Nguyệt cất tiếng gọi:
- Anh… Anh bộ đội gì ơi! Giúp em với.
- Ai… Ai gọi đấy?
- Em… Em bị trượt chân ngã xuống đây, chân em đau quá không đứng dậy được.
Anh lính vội vã chạy đến đỡ Nguyệt ngồi dậy:
- Cô đi đâu mà bị ngã xuống đây, chân cô bị đau chỗ nào?
- Dạ, em bị đau ở chỗ cổ chân này.
Nắn nắn cổ chân Nguyệt, anh bộ đội nhẹ nhàng:
- May quá cô chỉ bị trật khớp thôi, gắng chịu đau một chút nhé.
Vừa nói anh vừa bất thần lắc mạnh làm Nguyệt đau điếng người.
- Được rồi! Cô ngồi nghỉ một lát.
Cơn đau bỗng đỡ hẳn. Lúc này Nguyệt mới nhìn anh bộ đội. Dưới ánh trăng, một khuôn mặt trắng trẻo thư sinh. Nguyệt thẹn thùng nói nhỏ:
- Em …Em cám ơn anh! Em là dân quân của huyện bên được tăng cường sang để vận tải đạn cho trận địa pháo.
Anh lính cũng không giấu được sự lúng túng:
- Vâng… tôi là Lành, là pháo thủ của trận địa pháo. Cô đi vận tải đạn sao lại bị ngã xuống đây?
- Lúc nẫy vác đạn đi ngang qua sườn đồi em thấy có mùi hoa dẻ chín, định tìm theo mùi hương hái mấy bông mang về ép vào sổ tay, không may bị trượt chân ngã xuống đây, không gặp được anh chắc đêm nay em nằm ở đây rồi.
Anh lính sửng sốt:
- Cô….Cô cũng thích hương hoa dẻ à?
- Vâng, em thích từ thủa nhỏ.
Tối hôm ấy Lành đã cõng Nguyệt ngược dốc về trận địa pháo. Và cũng từ ngày ấy, với Lành, hương hoa dẻ trên trận địa pháo như nồng nàn ấm áp hơn.
* * *
Khẩu đội trưởng đã nhận định chính xác. Trưa hôm ấy, từ phía chân trời trong vắt, lũ máy bay địch ùn ùn kéo tới xả bom xuống trận địa. Những khẩu pháo phòng không của ta cũng đáp trả dữ dội. Loạt bom vừa dứt, cả đại đội nữ dân quân cùng lao lên trận địa pháo. Nguyệt vừa chạy vừa gọi trong nước mắt:
- Các anh ơi! Các anh có làm sao không?
Trận địa bị cày xới, những cành hoa dẻ vương vãi khắp nơi. Hơn chục chiến sỹ bị bom hất khỏi mâm pháo. Lành nằm sấp trên mặt đất, chiếc mũ sắt văng đi đâu mất. Vết thương trên đầu anh máu chảy ướt đẫm vai áo. Nguyệt ôm chặt anh vào ngực nức nở gọi:
- Anh…..Anh Lành ơi!....Anh Lành ơi!..
Tất cả thương binh được đưa xuống chân đồi để xe đón đi. Chiếc xe cứu thương khuất sau đoạn đường cong, Nguyệt gục vào gốc cây ven đường nức nở.
Sau ngày ấy, Nguyệt cùng đại đội nữ dân quân ra nhập vào đoàn thanh niên xung phong Trường Sơn. Lành cũng bặt tin từ đấy.
Ngày giải phóng, Nguyệt trở về quê và đã rất nhiều lần cất công sang huyện bên, nơi trận địa pháo năm xưa để tìm hỏi về Lành nhưng không ai rõ. Nguyệt chỉ biết một điều duy nhất là Lành quê ở Hà Tây. Có lẽ anh ấy đã hy sinh. Trong chiến tranh thì chuyện đó là quá bình thường. Năm sau, Nguyệt rời quê vào công tác tại thành phố Hồ Chí Minh, rồi xây dựng gia đình với một người cùng đơn vị cũ sinh sống ở một quận ven đô.
* * *
Lần này được tháp tùng bà ra Bắc thăm quê ngoại, tôi mừng lắm. Đang xăng xái xếp đồ dùng của bà vào va ly, tôi thấy một cuốn sổ tay rơi xuống đất. Từ trong cuốn sổ một vật văng ra. Nhìn kĩ, tôi thấy hình như là một cánh hoa đã quắt queo. Bà ngồi thụp xuống, nhẹ nhàng nhặt cánh hoa khô héo, đặt vào lòng bàn tay rồi giở cuốn sổ nâng niu ép vào giữa trang giấy. Tôi hốt hoảng:
- Bà… Bà ơi! Cháu xin lỗi! Cháu có làm hỏng của bà không ạ?
- Không sao đâu cháu. Đấy là bông hoa dẻ, một kỷ niệm của bà thời trẻ.
Tôi tò mò hỏi bà:
- Hoa dẻ trông nó như thế nào hả bà? Hạt dẻ thì cháu ăn nhiều rồi nhưng hoa dẻ thì chưa được nhìn thấy bao giờ.
Bà cười bảo tôi:
- Đây là hoa dẻ, hoa này không ra quả. Hoa có sáu cánh, cánh hoa mong manh, không có màu sắc rực rỡ nhưng hương của nó làm ngây ngất lòng người. Người ta ví hoa dẻ như sơn nữ. Còn loại dẻ ra quả cho cháu ăn hạt có nhiều ở Trùng Khánh, Cao Bằng, người ta tính năng suất hạt bằng tạ, bằng tấn, hàng năm, giá bán mỗi cân bao nhiêu tiền thì không phải là loại hoa này, không thể là sơn nữ được.
Tôi ngớ người.
- Bà ơi, chắc quê ngoại mình có nhiều hoa dẻ lắm bà nhỉ?
- Đúng thế. Giờ là tháng tư, đang vào mùa hoa dẻ nở. Nhưng lần này, trước khi về quê ngoại, cháu với bà sẽ đến một vùng đất thuộc huyện bên, trước đây từng là trận địa của bà và các chiến sĩ pháo phòng không. Bông hoa dẻ bà ép trong cuốn sổ chính là được hái từ một quả đồi của vùng đất ấy.
Thế rồi, suốt dọc chuyến tầu Nam - Bắc, tôi đã được bà kể về mối tình ngắn ngủi và đầy lãng mạn của bà với ông Lành. Điều làm tôi khó hiểu là sao giữa nơi bom đạn, sự sống và cái chết không có ranh giới ấy lại có một tình yêu đẹp như trong huyền thoại vậy? Chỉ có vài đêm trăng suông thôi, và không một lời hẹn ước nhưng lúc này nhìn vào ánh mắt bà, tôi biết cái mối tình đã trôi qua hơn năm mươi năm nhưng trong bà vẫn chưa hề phai nhạt. Nghe hết câu chuyện tình của bà, tôi bỗng cồn cào một cảm giác được nhìn thấy và được thưởng thức hương thơm của hoa dẻ chín. Chừng như hiểu được tâm trạng ấy của tôi, bà buồn bã khẽ lắc đầu:
- Nhiều năm xa cách rồi, không hiểu người ta có chặt hết những cây hoa dẻ để trồng keo, trồng xoan lấy gỗ không?
Nói xong, bà khẽ giấu một tiếng thở dài.
Hai bà cháu lên đường bằng chiếc xe máy thuê ở thị trấn để trở về vùng trận địa pháo mà hơn năm mươi năm về trước bà đã từng chiến đấu. Cảnh tượng đã thay đổi quá nhiều nên bà phải mấy lần hỏi đường mới tới nơi. Khác hẳn với sự mường tượng có phần hơi mơ mộng của tôi là khi đặt chân đến nơi ấy tâm hồn sẽ được thả trong mùi hương hoa dẻ. Buồn thay, trước mặt hai bà cháu tôi chỉ là những đồi cây trồng lấy gỗ đang được khai thác nham nhở. Thân gỗ ngổn ngang, những ngọn lá héo vàng, bốc lên một mùi nồng nồng ngai ngái. Không còn bóng dáng một bông hoa dẻ. Tôi nhìn thấy rõ sự thất vọng của bà.
Từ xa, có một chàng thanh niên đi tới, trên vai vác một chiếc cưa lốc, bà tôi hỏi một cách vớt vát:
- Cháu ơi, ở đây có chỗ nào còn cây hoa dẻ không?
Chàng thanh niên nhìn bà cháu tôi một hồi rồi nhoẻn miệng cười nói:
- Bà với em muốn tìm dẻ thì phải lên Trùng Khánh, Cao Bằng, chứ đất này làm gì có.
Mắt bà đượm buồn, sự thất vọng làm bà như muốn đổ sụp:
- Trời đất! Cháu người vùng này mà không biết hoa dẻ ư?
Tôi vội nắm lấy tay bà, cố làm vui:
- Bà ơi! Lát nữa mình hỏi những người lớn tuổi, chắc họ biết, còn thanh niên chúng cháu bây giờ chỉ có Facebook là nhanh thôi, chứ còn hoa dẻ thì...
Bà cháu tôi lên xe quay vào làng. Đang đi trên con đường bê tông, bà bỗng vỗ vào lưng tôi nói giật giọng:
- Dừng lại! Dừng lại cháu,…hình như… mùi hương hoa dẻ.
Tôi vội tạt xe vào vệ đường rồi ngẩng đầu hít thật sâu. Một mùi hương thơm kỳ lạ, đúng như lời bà nói, hương thơm đến nao lòng. Hai bà cháu tôi lần tìm theo mùi hương. Rẽ vào cổng một căn nhà nhỏ, mùi hương mỗi lúc càng ngào ngạt. Bà thốt lên, chẳng biết nói với tôi hay nói cùng những kỷ niệm xưa:
- Hoa dẻ chín… Hương hoa dẻ chín!
Tôi chạy theo bà vào căn nhà nhỏ ấy. Một cô gái tầm tuổi tôi bước ra.
- Cháu chào bà! Em chào chị.
Cô gái chưa kịp nói gì thêm, bà tôi đã vội hỏi:
- Nhà cháu trồng cây hoa dẻ ở đâu mà hương thơm thế?
Cô gái chừng như đã hiểu sự viếng thăm đường đột của bà cháu tôi, tươi cười nói:
- Bà hỏi hoa dẻ ạ! Nhà cháu không có cây hoa ấy đâu ạ.
Bà tôi sửng sốt:
- Thế mùi hương ở đâu mà thơm thế?
- Dạ, đấy là mùi hương từ vườn của nhà ông Lành bay sang đấy ạ!
Tôi thấy bà giật mình:
- Cháu nói sao? Ông Lành ư?
- Vâng! Cả làng này chỉ mỗi nhà ông Lành trồng hoa dẻ thôi. Cháu nghe bà cháu kể ông ấy ở tận Hà Tây lên đây. Ngày trước ông là bộ đội pháo binh chiến đấu ở trên đồi hoa dẻ. Hồi ông ấy mới lên đây, cứ tha thẩn lên đồi pháo tìm những cây hoa dẻ mang về trồng đầy vườn nhà. Nhưng không hiểu vì sao chỉ có một cây sống được đến ngày hôm nay thôi. Buồn cười, ai cũng bảo ông ấy bị hâm. Ai lại đi đánh cây ở rừng về nhà trồng bao giờ. Nhưng đến bây giờ, cứ vào mùa hoa dẻ nở, hương thơm bay khắp cả làng, ai cũng thích.
Bà tôi hơi cúi xuống như để giấu một nỗi buồn. Ừ, mà bà không buồn thì mới lạ.
Tạm biệt cô gái, tôi cùng bà sang nhà ông Lành. Đến cổng, tôi cứ nghĩ bà sẽ chạy ào vào mà ôm lấy ông trong một nỗi mừng vui khôn xiết cùng bao kí ức ùa về. Nhưng bà đã đột ngột dừng lại trước hàng rào râm bụt. Nhìn vào bên trong, tôi thoáng thấy một ông già đang cặm cụi dưới tán cây hoa dẻ. Thỉnh thoảng ông lại đứng lên vít một cành hoa xuống hái một bông, rồi nâng niu thả vào túi ngực bên trái của chiếc áo quân phục đã bạc màu. Bà tôi đang dõi theo ông, bỗng ngẩn mặt:
- Hoa dẻ… Đúng là hoa dẻ chín…
Nhìn ông nâng niu và ánh mắt đăm đăm khi cầm bông hoa, tôi tin rằng tình yêu của ông với bà tôi vẫn nguyên vẹn như mùa hoa dẻ đầu tiên hai người gặp mặt. Tôi nghĩ bà sẽ không cầm được lòng mình mà sẽ gọi tên ông. Nhưng bà tôi lại từ từ ngồi xuống. Tôi khẽ nói:
- Bà… bà vào gặp ông đi, cháu tin ông cũng nhớ bà lắm.
Nhưng bà khẽ lắc đầu.
Một lát, từ phía đầu hồi ngôi nhà, một bà trạc tuổi bà tôi bước ra gọi:
- Trưa rồi, ông nghỉ tay vào ăn cơm, chiều làm tiếp.
Trước lúc bước vào nhà, ông Lành còn đứng lại ngắm cây hoa dẻ. Ông sờ tay lên túi ngực rồi chậm rãi bước đi.
Ngồi lại một lúc, bà tôi đứng dậy, đập nhẹ vào vai tôi:
- Mình về thôi cháu.
Tôi vô cùng sửng sốt:
- Sao lại về hả bà? Hơn 50 năm rồi… mà bà nỡ bỏ về thế này sao?
Bà không nói, lặng lẽ lê từng bước.
* * *
Ngồi trên tầu trở về thành phố Hồ chí Minh, suốt dọc đường, bà không nói với tôi một lời.
Tôi lo lắng, an ủi:
- Bà cũng đừng buồn nhiều như thế bà ạ. Dù sao, cháu với bà đã có một chuyến đi thật tuyệt.
Lúc này bà mới quay sang, khẽ nói:
- Đúng vậy! Nhưng sao cháu lại nghĩ bà buồn. Bà đang rất vui mà!
- Vui? Nhưng sao bà lại cứ ngồi lặng lẽ như thế?
- Tuổi của bà, niềm vui không phải là nụ cười đâu cháu ạ. Bà rất vui vì đã biết rằng, thế là trải qua bao nhiêu sự tàn phá, thiên tai địch họa, và cả của chính con người nữa, nhưng hương hoa dẻ không bao giờ mất. Tuy mang vẻ cô đơn nhưng nó vẫn âm thầm tỏa hương trong cõi đời này. Bà vui lắm cháu ạ.
Bà khẽ thở dài rồi lại đưa ánh mắt âm thầm qua cửa sổ toa tầu, nhìn về phía một chân trời nào đó. Cái chân trời ấy hình như tuổi chúng tôi không nhìn thấy.
Truyện ngắn. Đào Nguyên Hải
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...