Hương đồng
VNTN - Lại nữa! Vẫn cái lưng dài thòng dọc với những đốt là đốt trông như con rắn đồ chơi trẻ con. Đúng là hết thuốc trị rồi. Người đã gầy, răng đã trống huơ trống hoác, miệng hút thuốc lào trông cứ như hang Cắc Cớ, tóc lại còn lơ thơ, lất thất vài cọng. Thật chẳng giống ai. Đã không ít lần Thùy vừa ném cho Hách bộ quần áo vừa gắt: "Nhờ ông anh che lại bộ khung dùm tui kẻo người ta lại bảo ở với nhau tui ăn mất phần của ông anh". Những lúc như thế Hách chỉ cười, ngoan ngoãn mặc vào bộ quần áo rồi lại chí thú ngồi bên bàn máy, cái lưng cần vó lại cong gầm gập cho cặp mắt cận dí sát bàn phím. Nhưng y như rằng cứ Thùy khuất lưng là đâu lại vào đấy. Hôm nay cũng vậy, biết tính Hách trước khi đi Thùy dặn: - Mọi hôm sao cũng được, hôm nay họ đến, ấn tượng ban đầu là quan trọng lắm. - Hay là thôi Thùy nhỉ... mình... mình mới viết. -Anh buồn cười... - Họ lớn rồi, họ trả lời với thiên hạ mình là ai rồi... còn tớ mới tập tọng, chỉ sợ viết văn thành báo mà viết báo lại giống văn, tốn giấy.
-Muốn gì thì muốn, trước tiên phải sống đã anh Hách ạ. Bọn mình đều là người nhà quê cả, cố viết kiếm đồng tiền, sống úi xùi quá người ta khinh, - Thùy thống thiết - đường nào rồi cũng tới đích. Thôi không bàn nữa, kiếm được mối này không phải dễ, đừng để mất. -Ừ mình sẽ cố... nhưng cái nghề mõ làng e không hợp. Thế mà giờ Thùy về vẫn thấy Hách đang ngồi bên bàn máy, vẫn cái lưng dài quá khổ với toàn đốt là đốt chắn ngay cửa. Nhìn đồng hồ đã tám giờ sáng. Thùy giục: - Anh buồn cười đã bảo... - Rồi, rồi, tí xong liền mà. - Cái điếu cày kìa, lại còn xì cả bã thuốc ra nhà. Thôi dẹp mấy thứ lại… Ngậm vào ngụm chè khô, nhằn cho nhỏ, át bớt mùi thuốc lào đi. Khiếp chị Lành thế mà chịu được… - Không những chịu mà xa còn nhớ ấy chứ. Mấy năm nay vắng mình bà ấy luôn dựng cái điếu đầu giường… - Rồi, rồi, nhưng người ta không phải là vợ anh. Người ta là người thành phố… Khử mùi đi, khi nói chuyện ngồi xa xa tí. Nhanh lên, trưa trật rồi. Khi Thùy phát cáu lên Hách mới lảo đảo đứng dậy mặc vội quần áo, rồi cùng Thùy dọn dẹp nhà cửa. Đúng là cái ổ của hai thằng độc thân, trăm thứ hầm bà rằn cần được tống khứ. Khi đã tàm tạm ổn, Thùy bảo Hách đứng nghiêm trước mặt mình rồi ngó nghiêng, vần qua, vần lại. Chưa bằng lòng với bộ quần áo Hách đang mặc, Thùy vào tủ lấy bộ mới của mình bảo Hách thay. Nhà sạch, người quần áo mới, trông Hách cũng không đến nỗi nào. Thùy nhìn Hách như vừa lạ vừa quen. Chỉ hơn Thuỳ có hai tuổi mà Hách đã kịp làm xong tập một và đã kịp cho ra lò đến ba tác phẩm. Trong túi áo ngực Thùy đang cồm cộm lá thư của tập một Hách gửi. Thật thương! Lành tâm sự hoàn cảnh gia đình. Thằng lớn bị thấp tim, học trường xa không được, chị phải xin chuyển nó về gần. Còn hai thằng sau cũng ốm đau quặt quẹo luôn. Chị viết là chỉ tâm sự với Thùy cho khuây khoả vậy thôi chứ tuyệt đối không được nói với Hách. Chị muốn anh không bận lòng để còn lo sáng tác. Ngày Hách một mình từ giã đất Cần Thơ ra đây nhận công tác, Thùy đã thấy cảm phục Lành lắm rồi. Một nách ba con - đứa cuối do sơ ý sinh ra. Lương tháng của Hách lưng lửng triệu bạc. Giữa thủ đô, anh sống như một thầy tu khổ hạnh, tháng nào có bài đăng mới gửi về được dăm trăm bạc. Dăm trăm bạc với bốn con người giữa thành phố miền Tây. Cầm đồng tiền thấy chóng mặt khi giá cả như con ngựa chứng hằng ngày phi nước đại. Nhiều lần Thùy bàn anh viết á văn học, anh ngắc ngứ ậm ự rồi thôi. May sao tuần rồi đi chơi cùng mấy người bạn làm đầu nậu sách, họ nói có mấy mối thuê viết hồi ký. Nằm ngủ gặp chiếu manh. Người đầu tiên Thùy nghĩ đến là Hách. Đó là lý do Thùy tổ chức buổi gặp mặt hôm nay. Nhưng thói đời khi mình cần đến người thì người thường đủng đỉnh. Mặt trời lên đã nhon nhỏn vài cây sào Hiên vẫn chưa đến. Vậy mà hẹn người ta đầu giờ làm việc! Chắc cái đầu giờ của những người tự cho mình cái quyền được quy định giờ?! Nắng đổ tròn bóng đại trước sân Hiên mới xèo nẹo cưỡi trên chiếc xe ga phanh kịch trước cửa. Gớm! Cứ như đi hội diễn không bằng. Đúng là tướng tá của người đang ở nơi ăn nên làm ra, người thành phố có khác. Cái quyền uy, cái sang trọng nó cứ toát cả ra ngoài. Chẳng có sự tương phản nào bằng khi Hiên ngồi xuống gần Hách! Trời sao khéo trêu ngươi. Một quê một phố. Mới trông đã thấy sự khập khiễng. Tội anh Hách quá! Cái tội đi theo cái tướng người. Xấu thế thì tài hoa làm chi cho khổ. Mấy cái thằng đầu nậu nữa, cử chi cô nhân viên trẻ đẹp thế đến làm việc với Hách, bên đó thiếu gì mấy ả nạ dòng, xấu tí cũng được, nhàu tí cũng được. Mà cũng chả cần thơm tho như thế. Thơm tho chỉ tổ động tâm, động tính, động lung tung rồi chỉ muốn cùng nhau sáng tác tác phẩm để đời thôi. Nhưng mà thôi, với cái đầu gối khô không khốc như hai đốt tre cằn của Hách thì chắc không có việc gì xẩy ra. *** Thùy ý tứ rút lui cho hai người tiện làm việc, bóng chiều xế mới mò về. Hách vẫn đang ngồi bên bàn viết. Thấy Thùy, anh ngửng lên, vẻ mặt thoả mãn. - Cũng may, vớ được thằng cha chiến đấu ở chiến trường miền Tây. Các địa danh với phiên hiệu đơn vị tớ đều biết, chắc viết được. - Chúc mừng anh, gắng nhé. Thằng lớn nhà anh mới điện cho em, nó đạt học sinh giỏi thành phố. Tập một và hai tác phẩm sau khoẻ - Thùy nói dối trơn tru - Nhất anh rồi còn gì. Vì tập một, vì những tác phẩm để đời mà giương cao ngọn cờ hy sinh. Vợ con muôn năm… Văn chương ngàn năm… Tổ quốc tỷ tỷ năm… Anh còn có người để mà hy sinh, chứ em đây muốn hy sinh cũng chả có ai cần. Lận đận mãi chưa làm xong tập một. Chán bỏ mẹ. - Thế Ngàn thì sao? Lượn lờ con cá vàng hoài. Cưới quách đi còn có trách nhiệm với nhau. Mẹ nó! Sinh voi, ắt sinh cỏ thôi mà. - Nhưng khổ! Người thành phố như Ngàn không quen ăn cỏ. Mẹ Ngàn không muốn con gái cưng phải ăn cỏ. - Hả! Thế lại có chuyện hả. Đa đoan, cậu đa đoan về đường tình quá đấy... Dưng mà cậu... Cậu nhát bỏ mẹ. Nó chết cậu thế, cứ làm cho cái, việc đã rồi... Cậu phải biết cách rủ nó sáng tác chứ lỵ. Sáng tác xong thế là cưới tuốt... Có ai chết đói đâu mà lo. Tớ quen nhà tớ vỏn vẹn mười lăm ngày phép. Đêm cuối chia tay để tớ về đơn vị, cũng hò hẹn thề bồi nhưng nhà tớ dát, đứng gần tớ người cứ run cầm cập. Yêu không chịu nổi, tớ mới dắt nàng ra cây rơm cạnh thềm và… sáng tác. Khi ấy nàng cũng có chịu đâu nhưng tớ ép. Nàng không dám kêu, sợ mẹ biết. Thế là xong... à mà này, cậu đưa nó đến giới thiệu một lần đi để tớ xem mặt mũi tròn méo thế nào. Tớ là tớ coi tướng được đấy. - Thể nào anh chả gặp, Ngàn nó cũng đang muốn gặp anh xem ngoài đời có tăng thêm được mấy chân kính không. Còn trong ảnh thì… - Tớ chả cần em Ngàn khen. Tập một, mái xề nhà tớ không chê là được rồi. Mà này, có chuyện thật à? - Chuyện gì đâu… Thùy không trả lời Hách. Mỗi người mỗi cảnh khó nói với nhau lắm. Thùy và Ngàn quen nhau đã năm năm. Ngày đó Thùy mới chỉ có một vài bài thơ, một vài truyện ngắn đầu tay in ở các báo và Ngàn còn là cô nữ sinh trường y mơ mộng, yêu văn Thùy rồi yêu Thùy. Ra trường Ngàn về làm việc ở bệnh viện phụ sản. Từ đó đến nay Ngàn đã đón biết bao nhiêu tác phẩm lớn, những tác phẩm cố ý, những tác phẩm của tình yêu, hạnh phúc và hy vọng. Và cũng không ít những tác phẩm do sơ ý sinh ra, những bản nháp trước hôn nhân họ đến nhờ Ngàn xé hộ. Tất nhiên đằng sau những bản nháp bị xé đó là những thân phận, những cuộc tình, những cuộc mua bán đổi trao, những cuộc phối hợp sáng tác không xuất phát từ tình yêu, không có cơ sở để xuất bản thành tập... Nhưng không biết vì lý do gì, năm năm yêu đương, chưa một lần Ngàn mời Thùy về nhà mình chơi, chưa một lần Thùy được gặp những người trong gia đình Ngàn. Đã nhiều lần Thùy thắc mắc, Ngàn khóc và nói đi nói lại chỉ một câu: “Tình cảm em như thế nào anh đã biết, nhưng em khổ lắm… đến một lúc nào đó em sẽ kể hết với anh… nếu tin em anh hãy chờ…”. Vì yêu Thùy đã chờ, nhưng đã năm năm qua, liệu còn chờ đến bao giờ? Đôi khi Thùy lại thấy thèm cái vị trí của Hách. Anh đã kịp làm xong cái việc khó làm nhất trên đời. Anh đã hoàn thành tập một một cách hoàn hảo với ba tác phẩm lớn. Thời gian còn lại anh tha hồ mà sáng tác những tác phẩm văn chương. *** Muốn để Hách yên tĩnh sớm hoàn thành hợp đồng với Hiên, Thùy rủ Ngàn về quê mình chơi. Thùy đã quyết, lần này Ngàn phải nói hết, đến được với nhau thì đến, không được đành thôi, dền dứ mãi khổ cả hai người. Khi chuẩn bị leo lên ngồi sau xe Thùy, Ngàn nói: - Em rất sợ mẹ biết anh em mình về quê. - Sao vậy? - Mẹ không thích, nhắc đến quê mẹ dị ứng lắm. Anh thấy nhà em có bao giờ tiếp khách quê đâu. - Hình như có lần em kể, quê ngoại em ở gần quê anh mà. - Chuyện dài lắm. Cũng vì điều đó… Thôi khi có dịp em sẽ kể. Thùy không hỏi tiếp nhưng thoáng buồn và lờ mờ nhận ra, có phải Ngàn không cho Thùy về nhà vì Thùy là người nhà quê? Nếu đã khinh nhau đến thế thì đành… Nhưng liệu Ngàn có nghĩ như mẹ? Chắc là không, nếu nghĩ vậy chắc đã không gắn bó với Thùy những năm năm nay, đã không cùng Thùy về quê. Nhưng không biết những người nhà quê chân đất phận cỏ đã làm gì nên tội để mẹ Ngàn thề không thèm tiếp xúc, để mẹ Ngàn đoạn tuyệt và bắt cả gia đình Ngàn đoạn tuyệt với nhà quê? Thùy cứ suy nghĩ vẩn vơ một lúc, đã về đến đầu đường vào làng. Bỏ đường nhựa, Thùy chở Ngàn đi tắt qua đường đồng. Khi gần đến ruộng lúa, Thùy nói với Ngàn. - Em bỏ khẩu trang với mũ bảo hiểm ra đi. - Để làm gì anh? Vừa hỏi Ngàn vừa tháo khẩu trang. - Để người nhà quê được thấy… mặt người thành phố và… - Thuỳ chưa nói hết câu thì Ngàn đã reo lên. - Ôi anh ơi! Có mùi hương gì thoảng mà thơm lắm, ngọt nữa. - Hương đồng đó em, lúa đang xấp xoi trổ cờ… - Anh dừng xe lại đi, em muốn được ngồi xuống đây một lát. Đúng là hương đồng, em đọc thơ Nguyễn Bính từ nhỏ, giờ mới được biết. Hèn gì có lần mẹ buột miệng nói nhớ hương đồng. - Hình như ai xa làng quê cũng vậy em ạ. Thùy và Ngàn dựng xe ngồi xuống ngay rệ cỏ ven ruộng. Nắng ửng rọi những hạt sương ngủ muộn đầu chót lá lúa long lanh sắc cầu vồng. Lúa đủ nước ấm chân đang thì thầm lời đồng ruộng, những chú rô đồng mình tròn lẳn nhảy lên đớp cào cào bị rớt mắc kẹt trong khóm lúa giãy xèn xẹt thoát thân. Xa xa những con cò trắng thỉnh thoảng lại chao lên rồi đáp ngay xuống chơi trò trốn tìm trong ruộng lúa. Ngàn ngồi ngơ ngẩn nhìn, miên man nghĩ rồi buột miệng. - Lâu nay em đang cố thuyết phục mẹ. Mẹ cấm bọn em tiếp xúc với người nhà quê là có nguyên nhân. Mẹ không kể nhưng có một lần tình cờ em biết. Cụ ngoại em gốc ở phố nhưng cáo quan về quê ở ẩn. Nơi cụ đến khi đó còn hoang vu lắm. Phẫn chí, bẻ bút nghiên cụ đào đất lật cỏ lập trang trại, cưu mang những người thất cơ lỡ vận rồi lập nên làng. Tưởng làng sẽ ghi ơn cụ suốt đời nhưng không. Cụ ngoại mất để lại toàn bộ ruộng nương cho ông ngoại em. Vì những mảnh ruộng và ngôi nhà lim năm gian to lừng lững giữa làng mà ông ngoại em bị chính con cháu của những người cụ em đã cưu mang chất lên đầu những tội lỗi ông em không có. Cuối cùng ông em bị kéo ra dựa ở gốc đa do cụ em trồng ngày mới về lập làng. Bây giờ nghe nói trong thân cây đó vẫn còn đầu đạn. Khi ấy bà ngoại đang có mang gặp cú sốc lớn đã đẻ non. Cậu em ra đời khi mới nằm trong bụng bà được sáu tháng. Nếu là bây giờ em có thể cứu được cậu… Như các anh thường nói là…là bản thảo sẽ không bị xé. Được vậy thì chắc bi kịch không đến nỗi. Nhưng ngày đó… Cậu chết rồi bà phát điên, mấy năm sau cũng đi theo ông ngoại nốt. Tuổi thơ mẹ sống trong sự ghẻ lạnh, cơ cực, nhục nhằn của làng quê. Bước lưu lạc đưa mẹ về phố rồi mẹ được cha cưu mang.
- Thế mà bây giờ anh mới biết. Anh thông cảm với mẹ nhưng… Hận thù một mình mẹ mang đã nặng lắm rồi, chất lên vai các em nữa càng thêm nặng. Biết để thay đổi chứ không phải để đào sâu thêm hận thù. - Em cũng nghĩ vậy và đang dần thuyết phục mẹ. Yêu em thì chờ anh nhé, chắc không lâu nữa đâu… Thùy không trả lời Ngàn nhưng hai người lại nhìn sâu vào mắt nhau như thầm hứa là họ sẽ vượt qua, sẽ đợi chờ. Nắng bắt đầu ửng, con chim chiền chiện bị cá rô đồng nhảy lên đớp hụt chân, giật mình hốt hoảng bay vút lên kêu lanh lảnh rồi lại nhanh chóng sà xuống ruộng lúa kế bên. Nó bay lên trời để khoe tiếng hót nhưng ruộng lúa cho nó cái ăn. Nó có đôi cánh để chinh phục bầu trời nhưng mặt đất, ruộng lúa vẫn là nơi ở chính, nơi ở vĩnh hằng. Non trưa Thùy và Ngàn lững thững dắt bộ xe về làng.
*** Hết kỳ nghỉ, về lại thành phố, khi Thùy mới bước vào cửa Hách đã hí hửng khoe: - Xong rồi, ngon ăn quá, cậu điện Hiên đến lấy hộ mình. Chiều đó Hiên đến, vẫn dáng sang của con nhà lắm tiền. Hiên cũng mừng không kém Hách. Khi đút tập bản thảo vào túi, Hiên còn long lanh mắt đưa tình với Hách. Khi ấy trông mặt Hách cứ nghệt ra như mặt ngỗng ỉa. Thùy thoáng chạnh lòng và thầm trách Hiên. Đong đưa làm chi không biết, chỉ tổ làm khổ Hách thôi, nhà văn là chúa thật thà và hay ngộ nhận. Chỉ đong đưa thế thôi rồi Hiên lên xe máy vù đi. Thùy ớ người hỏi Hách: - Thế không có tiền à?- Hách thoáng đỏ mặt lúng túng: - Ừ nhỉ! Không nghe Hiên nói gì cả, mình ngại không dám đòi. - Thôi được! Để ít ngày nữa nếu Hiên không đưa lại thì em điện thoại cho. Mấy ngày sau chưa cần điện thì Hiên trở lại thật. Nhưng không phải để trả tiền mà trả bản thảo cho Hách. Thùy lại phải sơ tán cho hai người tiện nói chuyện. Đang vẩn vẩn vơ vơ lơ lơ đãng đãng hút thuốc thì bỗng nghe Hách to tiếng: - Nhưng hắn không tham gia trận đánh đó. Anh nghiên cứu kỹ rồi, người cầm cờ xông lên trước đã hy sinh tại trận. Cũng may anh ấy chỉ gục xuống khi quân ta đã tràn ngập trận địa. Anh còn biết rõ người hy sinh là con của một địa chủ. - Anh thật thà - tiếng Hiên - Có sao thì họ mới nhờ đến tài bịa của các nhà văn, chứ cứ người thật việc thật như anh viết thì ông ấy cần gì phải mất tiền. - Nhưng đây là hồi ký, phải tôn trọng sự thật. Cảnh mây bay gió thoảng thì có thể tôi hư cấu cho thêm không khí được. Còn những chiến công... tôi không thể hư cấu... Cô thấy không được thì thôi. Tôi cũng chán viết cái kiểu này lắm rồi... - Anh Hách - Hiên bắt đầu năn nỉ - Anh thương em mà, thì có mất gì đâu, ông ấy cũng gần về hưu rồi. Ông ấy là thành phần cơ bản… Với lại có phát hành rộng rãi đâu mà anh sợ... - Già rồi lại cần phải thành thật Hiên ạ! Con cháu không cần một người ông, người cha thổi phồng chiến công của mình... Tôi không viết nữa đâu... Thấy căng thẳng, có cơ đổ vỡ, Thùy làm như vô tình đi vào, đùa tếu táo: - Làm gì mà để cho người đẹp sướt mướt thế. Từ chối một cuộc tình à? Từ chối hợp đồng sáng tác à. Thôi anh Hách không chịu thì để anh. Anh đang thiếu đối tác đây. Hiên nhìn Thùy cầu cứu, nói trong nước mắt. - Anh Thùy, nhờ anh nói hộ, anh Hách mà không viết nữa thì em chết, hợp đồng đã ký cả với người ta... liên quan đến cả công việc của em... Thùy nháy mắt cho Hiên im lặng. Biết ý, Hiên chuyển qua nói chuyện khác một lúc rồi đứng dậy chào hai người ra về. Thùy lại ngọt nhạt, phân tích nhưng Hách vẫn một mực không chịu viết. Cũng là dân viết, hơn ai hết Thùy hiểu nỗi lòng của Hách. Nhưng biết làm sao được, con đường của những người đi trước cũng có khác gì Thùy và Hách đâu. Có mấy ai không phải lấy ngắn nuôi dài? Thâm tâm ai chả muốn viết những tác phẩm văn chương, những tác phẩm có tính nhân văn cao cả, những tác phẩm để cho muôn đời. Nhưng thử hỏi có mấy ai cầm bút mà chưa một lần viết cái á văn chương để kiếm sống? Bàn mãi rồi cuối cùng Hách cũng chịu viết. Nhưng với một điều kiện là Hiên phải thường xuyên đến ngồi một bên để có gì Hách hỏi và sửa chữa kịp thời. Vậy là Thùy lại tiếp tục phải sơ tán khỏi ổ của mình để nhường không gian cho họ làm việc. *** Hơn tháng sau, một chiều sau khi cơm nước xong, thấy Hách cứ xu xu, xoa xoa như có điều gì khó nói. Thùy hỏi: - Hình như mấy ngày nay anh có chuyện gì, mấy tác phẩm trong ấy ốm à? - Không - hỏi đến con mắt Hách sáng rỡ - Thằng đầu vừa thi tỉnh xong, hai thằng cuối nghịch như giặc cỏ, đá bóng suốt ngày, roi gãy liên tục. - Thế chuyện gì? Hách lại nhìn Thùy ấp a ấp úng như cúm núm gặp mưa, mặt cứ đỏ rần lên rồi tái rồi đỏ, thỉnh thoảng lại kéo thuốc lào sòng sọc. Bực mình Thùy gắt: - Anh buồn cười, anh em ở với nhau, có gì cứ nói, tôi có phải là sếp đâu mà anh sợ dữ vậy? - Mình… mình… cần ít tiền. - Thế mà cứ ấp úng mãi. Em còn mấy cái nhuận bút chiều lấy em đưa. Tập một lại gửi trát ra thúc tiền à? - Không phải… dưng mà… dưng mà cũng phải gửi về cho bà ấy nuôi con… không biết có cần nhiều không nữa… - Thì có nhiêu gửi nhiêu, thế mà anh cứ lăn tăn. Mấy ngày sau Thùy đi chơi với Ngàn, buột miệng Ngàn khen: - Anh Hách nhà anh trông thế mà có cô vợ trẻ và xinh ghê - Thùy giật thót mình hỏi lại. - Sao em biết anh Hách, lại cả vợ nữa? - Anh không nhớ đã cho em xem ảnh anh Hách à, hôm trước gặp là em nhận ra liền, nhưng sợ anh ấy ngại nên em không nói em là người yêu anh. - Sao lại ngại, anh Hách cũng đang muốn gặp em lắm đó. - Hôm đó anh đưa chị đi… đi gì nhỉ… như các anh nhà văn thường nói ấy… đi nhờ em can thiệp xé hộ bản thảo. - Hả! Anh Hách… đến chỗ em làm… nhờ… xé bản thảo…? - Thì có gì đâu mà anh hốt hoảng thế, ngoài kế hoạch thì phải giải quyết thôi. Ngày nào em chả phải làm mấy chục ca. Cũng tội, rất nhiều em từ quê mới ra thành phố, choáng ngợp lại không có kinh nghiệm, bập vào dính bầu ngay, cũng không ít sinh viên ra trường không muốn trở lại quê, bằng mọi giá bám trụ rồi phải trả giá… - Chết thật… ừ… ừ… không có gì… ừ… tự nhiên anh thấy nhức đầu quá… Hôm nay mình về sớm nhé. Chở Ngàn về đầu ngõ, không kịp hôn từ giã, Thùy tức tốc phóng xe về phòng gặp Hách để hỏi cho ra nhẽ. Cửa im ỉm khoá, đấm liền mấy phát mới thấy Hách loẹt quẹt quờ dép ra mở cửa. Thùy đang tính mở mồm hỏi thì thấy Hiên đang ngồi trên giường Hách, tóc tai rối bời, mặt nhoè nhoẹt nước mắt. Hách đứng lòng khòng, hai đầu gối như hai ống tre khô nhô ra dưới chiếc quần lửng run cầm cập. Hách nói lý nhí những câu vô nghĩa: - Hiên mới đến… thằng ấy bị bắt… bản thảo xé… - Biết rồi, nhờ người xé bản thảo rồi. Nhưng thằng nào bị bắt… ai bắt… sao bắt… thằng lớn hay thằng bé? - Không phải mấy thằng con mình… Thằng hồi ký ấy… tham nhũng bị bắt rồi, hồi ký mình tự xé rồi, không nhờ ai cả, công cốc. Đúng là sướng như hạt đỗ, khổ như cái chum. Chó cắn bị ăn mày. Hiên vẫn ngồi im trên giường Hách với tay lấy khăn lau mặt. Bây giờ Thùy mới để ý, da Hiên xanh lớt như người mới trải qua một trận ốm đói. Thế là đã rõ rồi. Đúng là Thùy quá ngây thơ, cả tin. Thùy quên mất mấy tháng trước trong một lần đi uống rượu, Hách bị ngã, đầu gối vẫn chảy máu cơ mà. *** - …Chắc cậu biết cả rồi. Không phải là mình thanh minh nhưng cậu tính. Ngồi viết nó cứ đứng sau lưng mà nô tỳ thì bố ai chịu nổi - Hách nói - Mà Hiên nó cũng tội lắm. - Tội… tội gì… cái dân… cái dân… thành phố nhà giàu, ăn no rửng mỡ… - Không phải vậy đâu. Hiên cũng con nhà nông thôn như anh em mình cả thôi. Xong đại học không muốn về lại ruộng đồng. Hiên nói ở quê giờ cũng bát nháo lắm, họ này họ kia, người theo đạo kẻ không có đạo, rồi chuyện xa lắc xa lơ mấy đời bị xới lại… cứ rối mù cả lên, làng xóm vỡ toang hoác cả rồi. Thà ở thành phố chả ai biết ai, dễ đối xử… Toàn đồ đi mượn cả đấy, xe, điện thoại, quần áo. Mối đầu tiên hợp đồng thử việc đã không thành. Mẹ nó, thằng cha kia chưa kịp thanh toán đã chui vào tù trốn mới đau chứ. Mà nó vào trong đó dư thời gian để mà viết, cần đếch gì thuê?! - Hiên cần gì phải loè người như vậy… - Thì cái vẻ bề ngoài cũng quyết định nhiều điều chứ. Liệu Hiên úi xùi đến mình có nhiệt tình như vậy không? - Nhiệt tình quá mức đấy. Anh giết tôi không bằng. Thiếu gì nơi mà lại đưa đến chỗ Ngàn? - Hả! Ngàn làm ở đó hả? Chết cha tôi rồi. Đúng điều này thì mình không ngờ thật… - Anh… anh… vợ ba con rồi mà không biết phòng tránh… Biết đánh thì phải biết phòng tránh chứ. - Ai ngờ… ai ngờ… mình biết gì… ở… ở… nhà bà ấy luôn chủ động… Mình tưởng… Hiên biết… Thấy sành điệu thế tưởng biết… ai dè cũng quê kiểng cả thôi… Bây giờ thì cậu nói gì mình cũng đành chịu… chuyện vậy rồi… - Mà thôi, ừ việc cũng đã rồi, trước sau gì Ngàn cũng biết sự thật. Chính em sẽ nói cho cô ấy biết. Chấp nhận được thì đến, không thì thôi. Em cũng chán lắm rồi, cứ quê quê, phố phố. Cha nó, xứ mình làm chó gì có phố mà mãi khinh nhau… Nhà văn cũng chỉ là con người, tránh sao khỏi… Quan trọng là trách nhiệm sau đó đối với nhau như thế nào. Anh cũng không phải nặng nề quá về chuyện này. Em tin là anh không lừa dối Hiên. Còn Hiên, cô ấy thừa thông minh để hiểu rằng, chả bao giờ anh lại bỏ cả gia đình, vợ con để đến với cô ấy. Mến đến rồi đi, hoàn cảnh thôi mà, có ai lừa dối ai đâu... Bây giờ anh xem, có chỗ nào xin cho Hiên nó đi làm. Âu đó cũng là cái giá… - Xin được việc đâu có dễ. Cha nó, gây chiến tranh thì dễ mà kết thúc chiến tranh sao khó ghê. Mẹ kiếp, cắt vứt quách đi cho rồi… Nghe Hách than, Thùy không thể cười nổi, cả hai đều thở dài nhìn nắng đã quái chiều. Hình như xa xăm lắm đang có tiếng sấm rền báo hiệu một cơn giông. Ừ thì giông đi cho phố hạ nhiệt. Ừ thì giông đi cho lúa khỏi nghẹn đòng. Truyện ngắn. Nguyễn Thế Hùng0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...