Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
13:08 (GMT +7)

Hương của núi rừng

Xóm Đồi năm 2020.

Chiều muộn. Cái Hiên từ đồi chè nhà bà Toản men theo lối mòn về nhà, nó dừng lại bên dòng suối nhỏ khuất dưới những lùm cây tươi tốt. Nước suối trong vắt, mát rượi! Gió cõng theo hơi nước, quyện mùi hương của bạt ngàn hoa lá núi đồi thơm ngái thoảng qua. Hiên ngửa mặt từ từ hít thật sâu, mùi hương thân thuộc tràn ngập trong lồng ngực. Hồi còn bé lẫm chẫm theo mẹ qua đây, Hiên đã ngửi thấy mùi hương này rồi. Mẹ bảo: “Hương của đất, của rừng đấy, tắt mặt trời là hương đất sẽ tỏa lên...”. Hiên túm cao mái tóc đang bắt đầu dài mượt, dấu hiệu trổ mã của tuổi mười lăm, nó thả bắp chân trần trắng nõn xuống suối, vốc dòng nước mát lạnh vã lên mặt lên cổ, rồi lại rảo bước. Bố ở nhà đang đợi!

                                    1-1691570741.jpg
Minh họa: Đ.T

Xóm Đồi lác đác những mái nhà lẫn trong đồi chè xanh thẫm, cách xa đường lớn và thị trấn dăm sáu cây số. Ngôi nhà nhỏ của bố con Hiên nằm sâu cuối xóm, xa xa là những rặng núi mờ xám trải dài về phía tây. Từ ngày vào lớp 10 trường huyện, buổi sáng Hiên đi học, chiều về nó sang phụ hái chè cho nhà bà Toản.

Bước qua khoảng sân trống trải, nhìn trong nhà thấy mờ mờ tối, Hiên lách qua khe cửa nhỏ với tay bật công tắc điện. Gian nhà nhỏ sáng bừng lên, mâm cơm úp lồng bàn đặt trên cái bàn uống nước cũ. Thấy con về, bố Toại nó xách nồi cơm điện khập khiễng từ góc nhà ra.

- Bố nấu cơm rồi à? - Mồm hỏi, tay nó thoăn thoắt sắp bát xới cơm - Bố mệt cứ nghỉ đi, con về nấu tí là xong mà.

- Ừ! Bố nấu được mà. Ăn cơm đi rồi học bài.

- À bố ơi, hôm nay ở thị trấn có người bị Covid rồi đấy. Con nghe mấy bác hái chè nói chuyện thế…

- Thế à! Con đi học nhớ giữ gìn cẩn thận nhé! Bố nó trầm ngâm - Lâu rồi mẹ có nhắn tin về cho con không?

Hiên liếc nhanh bố, nó giả vờ bận rộn xới xới lại nồi cơm, xếp lại đôi đũa trên mâm…

Mẹ Hà nó đi vào làm việc ở khu công nghiệp Bình Dương cách đây ba năm, hồi nó mới vào lớp 7. Mùa hè năm ấy để lại trong lòng Hiên biết bao nỗi buồn và sợ hãi... Bố đi làm bị tai nạn. Trước khi mẹ vào Bình Dương, thấy bảo còn vay tiền lãi suất cao của tín dụng đen nữa. Những ngày ấy, nó thấy chuông điện thoại của bố reo liên tục, bố nghe điện thoại mặt cứ tái đi, thất thần… Rồi nó thấy bác tổ trưởng đến nhà chỉ cho bố cách chặn số những cuộc gọi đe dọa ấy. Chuyện qua lâu rồi mà bây giờ, mỗi lần thấy bố nghe điện thoại, nét mặt khang khác là Hiên lại thấy dấy lên nỗi sợ hãi… 

Tháng tám năm nay, lúc nó thi được vào lớp 10 trường huyện. Trường xa nhà quá, nó định không đi học nữa để ở nhà chăm sóc bố, thì mẹ nhắn tin về: “Con không được bỏ học nhé. Mẹ trả nợ xong rồi, sẽ cố gắng làm gửi tiền về cho hai bố con…”. Thế nhưng vừa mấy hôm trước, nó lại nhận được tin nhắn của mẹ: “Trong này dịch bắt đầu bùng phát, công ty lúc nghỉ lúc làm thất thường lắm. Con và bố giữ gìn sức khỏe nhé...”. Mẹ bỏ lửng tin nhắn, không nhắc đến chuyện học hành của Hiên nữa. Chắc công ty nghỉ vì dịch nên mẹ gặp khó khăn. Nó nghĩ thế, nhưng sợ bố buồn nên nó giấu...

Nó gắp nhanh miếng cá kho bỏ vào bát của bố rồi thận trọng trả lời:

- Mẹ có nhắn bố ạ, mẹ bảo bố cứ yên tâm, trong đó họ vẫn phòng dịch tốt, công ty vẫn làm việc đều. Mẹ nhắc bố sắc thuốc đều để uống…

 Bố nó gật đầu hài lòng:

- Con ăn cơm xong đi rồi học bài. - Rồi ông nhìn con gái ngập ngừng - Bố biết là con vất vả, nhưng con phải cố gắng, đừng bỏ học nhé!

Hiên cười xòa, nó dùng mấy đầu ngón tay còn đen nhựa chè, gạt những sợi tóc đang lòa xòa xuống cái má đã bắt đầu phúng phính, hồng hồng:

- Bố đừng lo, con không bỏ học đâu. Bố cứ uống thuốc đều cho khỏe lên, con còn quyết tâm để vào được đại học nữa cơ mà.

Toại nhìn con bé thấy trong lòng ấm áp. Giữa bao nhiêu tai ương đổ xuống mái nhà bé nhỏ này, con bé là chỗ dựa, là nguồn hi vọng của Toại, của cả gia đình này…

Đó là năm 2017, cuộc sống của hai vợ chồng Toại cũng bình yên như bao gia đình khác ở xóm Đồi. Hà chăm chỉ trên những đồi chè, Toại theo anh em trong xóm ra thị trấn làm thợ xây. Rồi vào một ngày hè oi bức ngột ngạt, tai ương ập đến với gia đình. Toại bị ngã giàn giáo nằm viện mấy tháng trời, rồi về nhà với cái chân khập khiễng và một bên phổi suy yếu. Nhà có được ít tiền dành dụm thì dồn cả vào tiền thuốc men…

Cũng đợt ấy, các khu công nghiệp trong Bình Dương đang tuyển lao động, mấy chị em trong xóm rủ nhau vào trong đó làm ăn. Hà cũng muốn đi theo để thoát khỏi sự bí bách cùng quẫn, nhưng lúc đó Toại còn yếu lắm, cứ khập khễnh lê cái nạng đi lại quanh nhà. Con Hiên thì còn bé, giờ Hà đi Bình Dương thì sẽ ra sao? Rồi lấy tiền đâu để lo cho bố con Toại ở nhà? Tiền đâu để ăn ở những ngày mới vào trong đó? Vợ chồng bàn tính nát óc. Sau cùng, Hà nghe bà chị họ mách, vay tín dụng qua chứng minh thư, kê khai dăm bảy số điện thoại của chồng và mấy người thân vào hồ sơ để làm thủ tục vay… Rồi Hà theo chị em vào Bình Dương làm ăn.

Ngày Hà mới vào Bình Dương, cũng may có người quen là mấy chị em trong xóm đi từ đợt trước giới thiệu, nên kiếm ngay được việc làm. Hàng tháng, Hà có tiền để gửi về cho hai bố con và trả món nợ vay tín dụng. Rồi Hà bị một trận ốm nặng, khoản tiền vay tháng đó chưa kịp trả. Bên đòi nợ thúc giục gọi điện suốt ngày. Hà tắt điện thoại để không phải nghe những lời đe dọa từ tín dụng, và cả những cuộc gọi điện réo rắt từ những người thân.

Qua đợt ốm, mấy tháng trả nợ chậm bị tính thêm tiền phạt cao chất ngất. Mấy chị em cùng phòng bàn nhau dồn cho Hà một khoản tiền, tính chuyện trả một lần cho hết nợ, nào ngờ lúc gọi điện cho tín dụng thì nhận được những lời đe dọa: “Phải trả được ít nhất tám tháng nợ thì mới được thanh lí hợp đồng, nếu không sẽ phải chịu tiền phạt phá hợp đồng!”. Thế là lại nai lưng ra làm, suốt hai năm trả cả gốc lẫn lãi, số tiền phải trả gấp nhiều lần số tiền vay…

Mùa hè năm 2020. Hà nằm bẹp trong căn nhà trọ mái tôn ở Bình Dương. Nắng nóng, sức ép công việc làm Hà kiệt sức, đợt ốm năm đó dễ làm người ta nghĩ đến Covid. "Sốt Covid thì mồm miệng khô ran, không chảy nước mắt, nước mũi giàn giụa như mày đâu, mày bị cảm thôi". Chị cùng phòng nói rồi đưa cho Hà thanh test: “Thử đi cho chắc ăn, ngoài kia đang dồn người vào khu cách li, vách tôn cao hai, ba mét, dây chăng khắp nơi rồi đấy…”. Trong cơn sốt chòng chành với những lo âu, Hà nhận được tin nhắn của con bé Hiên: "Con thi được vào lớp 10 rồi, trường xa mãi ngoài thị trấn. Tiền đóng học đầu năm nhiều khoản lắm, bố đợt này nắng nóng nên cũng không được khỏe..." . Nó bỏ lửng tin nhắn.

Hà biết sau dấu chấm lửng ấy là một khoảng trống khó khăn, quá sức của hai bố con Toại. Những hình ảnh lại chập chờn ẩn hiện trong cơn sốt mê man… Con bé Hiên mỏng manh gầy guộc so với cái tuổi mười lăm... Cái chân khập khiễng của Toại quanh quẩn trên vườn chè sau nhà... Hà ngồi dậy lau những giọt mồ hôi toát ra đầm đìa do tác dụng của thuốc hạ sốt, lắc lắc cái đầu nặng trĩu, rồi nhắn tin cho con: "Con nhất định phải đi học tiếp. Không được bỏ học! Mẹ đã trả xong nợ rồi, giờ sẽ cố gắng làm để gửi tiền về lo cho bố và con.".

Hà thả rơi điện thoại rồi thiếp đi trong cái nóng nồng nực, oi bức của gian nhà trọ mái tôn. Trong cơn sốt, cô mơ thấy bồng bềnh một vùng đồi núi trập trùng, xanh sẫm khi mặt trời khuất sau rặng núi, mơ thấy thấp thoáng ẩn hiện giữa đồi chè có một ngôi nhà nhỏ, văng vẳng tiếng nói cười của hai bố con…

***

Xóm Đồi năm 2023.

Chiều muộn. Cái Hiên từ hợp tác xã chè đi men theo lối mòn, xuống đoạn suối quen thuộc để về nhà.

Cứ mỗi lần qua đoạn suối nhỏ này, vội đến mấy cái Hiên cũng đều nấn ná lại. Nó khum hai bàn tay vốc dòng nước trong vắt, mát lạnh lên mặt. Bàn chân nó khùa khùa dưới lòng suối, tìm cái cảm giác buồn buồn từ những viên đá trơn nhẫy rong rêu, tìm lại cái cảm giác ngày còn bé, lũn cũn bước chân theo mẹ lội suối lên đồi chè. Hồi thơ bé ấy, bước chân còn bé xíu nên thấy suối sao mà rộng, đường sao mà dài đến thế! Những tháng năm đơn độc thiếu vắng mẹ dần qua, đôi chân Hiên mỗi ngày thêm cứng cáp. Suối vẫn trong nhưng không còn thấy rộng, đường ngắn dần qua năm tháng lớn khôn…

Chiều nay, suối ngỡ ngàng làm gương soi mái tóc dài đen mượt, nước đùa nghịch bắp chân tròn trịa, nõn nà của người con gái mười tám tuổi, đang trầm tư bên suối với bao điều suy nghĩ băn khoăn…

Mẹ rời khỏi khu công nghiệp Bình Dương về xóm Đồi từ đầu năm ngoái. Mẹ lại trắng tay sau những đợt phong tỏa cách li trong miền Nam. Xóm Đồi bây giờ cũng đã có nhiều thay đổi. Mẹ xin vào làm trong một hợp tác xã chè mới mở. Không biết có phải vì làm việc trên những đồi chè xanh mát, không khí dìu dịu đẫm hương rừng, hương đất, hay là do về gần bên Hiên và bố mà mẹ cũng khác xưa. Da mẹ hồng hào tươi tắn, tay mẹ thoăn thoắt trên những đồi chè ríu rít tiếng nói, tiếng cười. Bố cũng khỏe hơn từ ngày mẹ về, và nhiều khi Hiên bắt gặp nụ cười hiếm hoi trên khuôn mặt khắc khổ của bố.

Hiên đã biết được điểm xét tuyển vào đại học, cái số điểm đã làm Hiên phân vân suy nghĩ suốt hai ngày nay. Hiên sợ sẽ lại mất đi những ngày tháng êm đềm này của chính mình và của bố mẹ! Mình sẽ đi làm? Mình sẽ kiếm tiền để mổ chân cho bố? Mình sẽ không để bố mẹ phải lo lắng thêm một ngày nào nữa! Hiên khua mạnh hai bàn chân dưới lòng suối, thở một hơi thật sâu, rồi bước những bước chân dứt khoát trên lối mòn về nhà.

Cả nhà ngồi quây quần bên mâm cơm. Bố trầm ngâm như đang nghĩ. Mẹ nôn nóng điều gì mà lập cập làm sóng sánh bát canh, rồi như không ghìm được, mẹ buột miệng hỏi:

- Con đã biết điểm thi đại học chưa?

Hiên giật mình nhìn mẹ rồi ngập ngừng lắc đầu không nói, nó cúi xuống trầm ngâm.

Toại nhìn Hà ra hiệu không hỏi nữa. Nhìn thái độ con bé là biết rồi! Toại xót xa. Từ ngày con bé vào lớp 10, buổi sáng thì đi học, buổi chiều về lại đi làm thêm, làm gì còn thời gian để tập trung vào học hành thi cử. Toại cũng sốt ruột mong chờ kết quả thi đại học của con lắm chứ. Nhưng rồi lại nghĩ, nếu Hiên đủ điểm vào đại học, thì với hoàn cảnh bây giờ, hai vợ chồng sẽ phải tính ra sao? Thấy mọi người bảo học đại học bây giờ tốn kém lắm!

- Sáng nay bà Thoan khoe con Liễu nhà bà ấy đỗ đại học sư phạm rồi... 

Hà lại buột miệng, trong giọng nói ẩn chứa một chút tủi thân, khao khát...

Toại bất chợt buông đũa:

- Kệ con nhà người ta! Con người ta có phải sáng đi học, chiều về đi hái chè thuê cụt cả móng tay không? Con nhà người ta có phải vừa sắc thuốc cho bố uống, vừa học bài đến nửa đêm về sáng không? Con nhà người ta có ông bố què cụt như thế này không?

Tiếng Toại to dần lên, ánh mắt đỏ hoe. Hà giật mình chợt hiểu vì cái mong muốn khát khao, ích kỉ của mình mà đã làm con bé tổn thương, cô nhìn Toại cuống quýt nói:

- Em… em chỉ đang kể chuyện ở chỗ làm thôi mà. Chứ còn... chứ còn... Em nói thật, cứ đổi dăm kĩ sư, mười bác sĩ lấy con gái mình em cũng không đổi, chứ em mong gì đến cái việc ấy đâu...

Hà nhìn sang con, hai giọt nước mắt của nó đang lăn chầm chậm trên gò má:

- Mẹ xin lỗi... Mẹ nói thật đấy, mẹ cũng không cần con phải vào đại học đâu. Việc con sinh ra và có mặt trong ngôi nhà này đã là món quà ông trời ban tặng bố mẹ, quý gấp trăm nghìn lần cái giấy báo vào đại học rồi. Mẹ không cần nhé! - Hà ôm lấy vai con bé thủ thỉ - Mẹ không cần, mẹ chỉ cần con thôi! - Cô quay sang Toại - Anh nhỉ! Anh cũng không cần đúng không?

Toại quay hướng khác, dụi mắt, gật đầu.

Hiên nhẹ nhàng gỡ tay mẹ khỏi bờ vai, nó đứng dậy, tay với chiếc điện thoại rồi ngồi xen vào giữa bố và mẹ:

Bố… Mẹ! Sao bố mẹ lại buồn thế? Có phải bố mẹ buồn vì con không đỗ đại học không? Con chẳng thích bố mẹ buồn như thế này đâu, con đang vui đây này! - Nó giơ chiếc điện thoại ra, khuôn mặt rạng rỡ - Con có quà tặng bố mẹ nhé. Con đủ điểm vào đại học rồi. À không, con thừa điểm vào đại học rồi, bố mẹ ạ!

Hà dụi mắt nhìn kĩ vào màn hình điện thoại, rồi ôm chầm lấy vai con bé lắc lắc - Ôi con đỗ thật rồi! Con mình đỗ đại học rồi anh này! Mà sao con lại giấu bố mẹ thế? Cái con bé này…

Hiên nhìn bố rồi nhìn mẹ, nó ấp úng nghẹn ngào:

- Vì… là vì nếu như con đi học đại học, bố mẹ sẽ lại phải tiếp tục lo lắng cho con… Con sợ mất đi cái không khí êm đềm này. Vì con không muốn bố nén tiếng thở dài, con cũng không muốn đi học bằng những đồng tiền từ tín dụng đen lãi cao cắt cổ, khiến bố mẹ phải suy sụp. Con muốn đi làm! Là quyết định của con. Con vui vẻ, con tự nguyện.

Hà và Toại ngơ ngẩn nhìn con bé. Ôi, con bé đã lớn từ bao giờ không biết. Trong mắt hai người long lanh những giọt nước mắt hạnh phúc. Ngôi nhà nhỏ òa vỡ trong niềm vui bất ngờ…

Nhưng rồi không khí bất chợt lắng xuống, một thoáng lặng im vì niềm vui đến cùng với những suy nghĩ lo toan...

- Cả nhà làm gì mà khách vào nhà cũng không biết thế này? - Tiếng ông tổ trưởng sang sảng vang lên. Hà quệt vội những giọt nước mắt, đứng dậy mời ông tổ trưởng ngồi.

- Thôi, cả nhà cứ tự nhiên. Tôi đến để báo tin thế này: Xã vừa rà soát danh sách các cháu sinh viên đỗ đại học có hoàn cảnh khó khăn, xin vay vốn từ quỹ hỗ trợ sinh viên. Hôm nay tôi vừa lên xã để đăng kí cho cháu Hiên nhà mình…

- Ôi! Sao… Sao bác tổ trưởng lại biết ạ? - Hà hỏi dồn.

 - Thì biết chứ. - Ông nhìn Hiên cười - Cái con bé này nó chả khoe với tôi từ hôm qua rồi. Nó vừa khoe vừa rơm rớm nước mắt đấy. Nó khoe là đỗ đại học rồi, nhưng lại lo lắng vì bố mẹ phải vất vả nuôi nó mấy năm. Con bé này, thật là... Tôi cũng đã động viên cháu: Bây giờ xóm mình cũng thay đổi nhiều rồi, mẹ Hà cũng xin vào làm trong hợp tác xã chè, thu nhập ổn định, đừng lo nghĩ gì nữa, cháu quyết tâm đi học đi! - Ông cười khà khà - Thế thôi. Chúc mừng cả nhà nhé.

Bước chân ông tổ trưởng xa dần trong cái im lặng ngỡ ngàng của cả nhà... Im lặng vì những bất ngờ dồn dập đến, im lặng để chuẩn bị bùng nổ khối hạnh phúc ngập tràn trong lồng ngực mỗi người…

Hiên xoay người chạy ào ra khỏi nhà. Hà giật mình định chạy theo, Toại giữ tay Hà lại: “Kệ con bé đi em!”.

Hiên chạy lên đồi chè phía trước. Mặt trời đã lặn sâu sau những dãy núi mờ xám phía tây, một màu xanh sâm sẫm trải dài trên nhấp nhô đồi núi. Gió! Đồi chè lồng lộng thổi tung bay mái tóc, dang rộng đôi tay, Hiên ưỡn căng lồng ngực cho những buồn vui từ lòng mình thoát ra cùng gió… “À ơi, giọt nước mắt của mẹ, lời dạy mắng của cha, chắt chiu lên thịt da tâm hồn con từ ấy...”.

Gió vẫn tràn về từ hẻm núi phía xa xa, gió lướt qua những đồi chè xanh mướt mát nhặt thêm những chát ngọt của búp lá đầu cành. Hương của đất, gió của trời cứ lìm lịm tỏa lan mênh mông một vùng đồi núi.

Truyện ngắn. Trần Giáp

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 4 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 5 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 5 ngày trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 1 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước