Huế: Thành phố xe đạp
VNTN -Vào những năm 1990, giống như một số thành phố khác trên cả nước, lúc đó đường phố ở Huế rất ít xe máy và rất nhiều xe đạp. Thời đó, cây xanh cũng còn nhiều hơn, khi đi ra đường người dân có thể tự do hít thở không khí trong lành.
Lùi xa hơn, thế hệ của những người Huế xưa càng có diễm phúc hít thở không khí thanh sạch đó. Xin chỉ nêu một trường hợp. Đó là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939 - 2001), dù sinh ra ở Đắk Lắk nhưng từ 4 tuổi, ông đã theo gia đình ra Huế sinh sống. Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã nhận định: “Những năm tháng tuổi thơ ở Huế là những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời của Trịnh. Ông sống giữa tình yêu thương của gia đình, hít thở thiên nhiên Huế vàng son và thơ mộng...”.
Vừa qua, bộ phim “Mắt biếc” của đạo diễn Victor Vũ đã giới thiệu những tà áo dài Huế bên cạnh những chiếc xe đạp vô cùng tinh tế. Để tái hiện lại cảnh trường Trung học kiểu mẫu Huế thời quá khứ, đoàn làm phim cũng đã tổ chức casting 2000 ứng viên ở khắp các trường trung học và các trường Đại học ở Huế và đã chọn ra 200 diễn viên quần chúng ở địa điểm này. Sau đó, đoàn làm phim đã may hơn 200 bộ áo dài và đồng phục, tìm kiếm và tỉ mỉ phục dựng hàng trăm chiếc xe đạp và cặp xách cũ theo phong cách thập niên 60 - 70.
Xe đạp ở Huế cũng thật lạ. Có lẽ Huế là nơi duy nhất ở Việt Nam hiện còn có xe đạp thồ. Những chiếc xe đạp thồ như vậy hiện chỉ còn tồn tại ở các chợ đầu mối Bãi Dâu, chợ Đông Ba… Và chắc hẳn nhiều người dân Huế vẫn còn nhớ: Năm 2015, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã xây dựng hình ảnh người chiến sĩ công an rất đẹp và thân thiện trong mắt người dân khi các chiến sĩ công an khu vực đi tuần bằng xe đạp. Huế cũng có Giải đua Xe đạp thể thao Coupe de Huế được nhiều người biết đến. Đặc biệt, Coupe de Huế 2019 được xem là giải đua xe đạp mạo hiểm, gian khổ nhất Việt Nam và tương đương với Tour de France nổi tiếng thế giới khi các vận động viên phải chinh phục đỉnh Bạch Mã ở độ cao 1.260m và A Lưới với độ cao 1.800m. Ngoài tranh tài thể thao, Coupe de Huế 2019 còn góp phần giới thiệu, quảng bá các danh lam, thắng cảnh, các di tích lịch sử nổi tiếng của địa phương đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.
Vào tháng 5/2019, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế cũng phát động phong trào “đạp xe vì sức khỏe và môi trường”. Phong trào nhằm mục đích vận động người dân, các tổ chức đoàn thể và cán bộ công nhân viên chức trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế dành ít nhất một ngày trong tuần đi làm bằng xe đạp nhằm góp phần tăng cường sức khỏe, bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí khi tham gia giao thông. Thời gian phát động phong trào bắt đầu từ ngày 31/5 đến ngày 31/12/2019.
Lợi ích của đi xe đạp thì thấy rõ, những thành phố sạch sẽ văn minh trên thế giới hầu hết đều đi xe đạp như Amsterdam (Hà Lan), Copenhagen (Đan Mạch), Paris (Pháp), Berlin (Đức), Barcelona (Tây Ban Nha), Tel Aviv (Israel). Đặc biệt nhất là tại thủ đô Amsterdam của Hà Lan với đường dành cho xe đạp trải dài hơn 400km. Trong thành phố này, hơn 60% người dân và du khách đi dạo bằng xe đạp. Thậm chí, cảnh sát cũng dùng xe đạp để đi tuần tra. Ước tính, Amsterdam có tới trên 1,2 triệu xe đạp, nhiều hơn cả số dân trong thành phố. Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch cũng được biết đến là thành phố thân thiện với môi trường bậc nhất thế giới. Có tới hơn 400km là đường bằng phẳng dành riêng cho xe đạp. Khoảng 50% người dân ở Copenhagen đi học hoặc đi làm bằng xe đạp hàng ngày.
Ở nước ta, thành phố Hội An (Quảng Nam) cũng đang tới gần hơn với ý tưởng “thành phố xe đạp, thành phố không động cơ”. Do đó, thành phố xe đạp là một ý tưởng hay dành cho Huế. Thành phố Huế đã đạt được các danh hiệu cao quý như “Thành phố du lịch sạch ASEAN” (2018 - 2020, 2020 - 2022), “Thành phố Xanh quốc gia” (2016), bởi vậy, cần giữ mãi cho Huế là thành phố xanh, sạch và không có sự ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, ở Huế hiện đang có số lượng xe máy, xe ô tô khá nhiều trong khi số lượng người đi xe đạp ngày càng giảm dần. Xe đạp hầu như chỉ được người rèn luyện thể chất chọn làm phương tiện để rèn luyện. Và điều đáng buồn nhất là lứa tuổi học sinh, sinh viên lúc trước thường sử dụng xe đạp thì nay cũng chuyển sang sử dụng xe đạp điện hoặc đi xe máy.
Những chiếc xe đạp trong phim “Mắt biếc”.
Mới đây, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Công ty cổ phần Ashui Việt Nam, đã tổ chức Hội thảo xây dựng kế hoạch tổ chức “Huế, thành phố xe đạp - bản sắc cộng đồng và hình ảnh thành phố đạp xe thân thiện với môi trường”. Theo ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, trong tháng 8/2020, sẽ xây dựng mô hình thí điểm, đầu tư 1.000 chiếc xe đạp ở các điểm công cộng để phục vụ người dân và khách du lịch. Bên cạnh đó sẽ xây dựng kế hoạch cung cấp một hành lang pháp lý và định hướng chính sách nhằm giúp TP. Huế xây dựng môi trường an toàn cho việc đi xe đạp. Trước đó, vào tháng 10/2019, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông báo về dự án xe đạp thông minh với 2.400 chiếc (nội thành 400 chiếc, ngoại thành 2.000 chiếc). Mục đích của dự án nhằm giúp người dân và du khách đạp xe đi dạo ngắm cảnh dọc sông Hương hay tham quan các di tích.
Nếu thành công, trở thành “Thành phố xe đạp”, chắc chắn Huế sẽ thu hút nhiều hơn những du khách ưa thích loại hình khám phá này. Chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra những du khách nước ngoài vẫn thường chọn xe đạp để tham quan nội thành Huế và các vùng phụ cận. Cái thú của việc đi xe đạp lòng vòng quanh Huế là chỉ cần một tấm bản đồ song ngữ, du khách có thể hỏi đường và tìm đến bất cứ địa điểm nào và dừng bất cứ nơi nào tùy ý để ngắm cảnh, chụp ảnh kỷ niệm cũng như thưởng thức những món ăn dân dã nhưng rất ngon miệng của Huế. ở Huế, hiện việc thuê xe đạp để đi du lịch với bạn bè, gia đình rất dễ dàng bởi các công ty lữ hành và các khách sạn đều có dịch vụ thuộc loại này.
Huế là một thành phố cổ kính, các ngã ba, ngã tư nhỏ hẹp, nếu như khách du lịch đi bằng taxi hoặc các loại xe hơi thì khó chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của xứ sở này. Và do đó, ở Huế bên cạnh việc xây dựng mô hình thành phố xe đạp vẫn duy trì phương tiện di chuyển là xích lô.
Dạo phố bằng xích lô là một nét đẹp trong du lịch cố đô Huế. Ngồi trên những chiếc xích lô bình dị, từ từ qua từng con phố, khám phá sinh hoạt cuộc sống người dân, cảm nhận nét văn hóa là điều mà du khách rất thích thú.
Ngoài ra, để giữ cho bầu không khí trong lành và làm mới cảm giác du lịch, phục vụ nhu cầu của nhiều du khách (nhất là đối với người lớn tuổi và trẻ nhỏ), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các công ty dịch vụ du lịch cũng đã thêm dịch vụ xe ngựa đón khách đi đến các di tích Hoàng thành, các lăng tẩm, chùa chiền và các danh lam thắng cảnh theo yêu cầu của khách.
Nguyễn Văn Toàn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...