Hồn quê
VNTN - A lô! Tôi xây xong cái nhà ở quê rồi, về ở trước Tết đấy! Hôm nào về quê đến chơi nhé!
Tôi bị bất ngờ vì cái thông tin ấy. Vừa đầu năm cùng về quê dự đám cưới, Dần bảo đã mua mảnh đất ở làng rồi. Dần cứ xuýt xoa khen rộng, toàn cây lâu niên trong vườn, thật là của hiếm thời nay. Tôi nói đùa: Lại đón lõng cái dự án năm mười năm nữa chắc. Dần cười: Dự án này đến lúc đầu bạc rồi mới ngộ ra đấy ông ạ! Nghe thế, tôi nghĩ Dần có tiền thấy đất ở quê đẹp, lại rẻ nên mua để đấy giữ tiền tính chuyện mai sau. Ai dè, Dần xây nhà và về quê ở thật. Sao lại có bước ngoặt bất ngờ với Dần thế nhỉ?
*
Ai thì có thể bảo tôi chưa rõ chứ tính Dần tôi còn lạ gì. Hiểu nhau từ thời quần cộc, chăn trâu, củ khoai mót được cũng chia đôi, phát hiện một tổ chim sáo chờ ngày chim nở cũng chung nhau. Chúng tôi cùng có bao kỷ niệm bên một làng quê hoang sơ giữa miền đồi trung du ngập tràn cây cối. Miền quê mùa nào thì cũng có những trò chơi cho bọn trẻ, nhưng bọn tôi thích nhất mùa hè. Vùng quê ấy, chỗ nào chả có bàn chân của tôi và Dần nhảy nhót, sục sạo, vui chơi nghịch ngợm. Khi không gian ra rả tiếng ve là bắt đầu những ngày nghỉ học. Ba tháng hè chẳng phải động vào sách vở đứa nào cũng như chim sổ lồng. Tôi và Dần lúc nào cổ cũng đeo chiếc bật cao su để bắn chim, túi luôn phồng căng những viên bi đủ các màu. Lúc này đang vụ cày cấy nên buổi sáng hai thằng thường phải ở nhà băm bèo, nấu cơm. Buổi trưa, không chơi bi dưới bóng mát đường làng thì hai thằng cũng ngồi vắt vẻo trên cành si ở cổng làng, hai tay hai ống sắt, có mấy cỡ lỗ luôn xoay cót két để làm ra những hòn bi đá tròn xoe, nhẵn bóng. Có trưa, hùa theo bầy trẻ trong làng giữa nắng lao ra suối thùm thùm bơi lội. Trưa nào nắng dữ, cua ngôm lên bờ, cả làng xách giỏ đi bắt cua ngôm. Tôi và Dần mặt đỏ phừng phừng xông pha tận những ngách đồng xa tít, rồi khệ nệ khiêng giỏ cua đầy ắp về dạng cẳng chia nhau. Chiều đến, lại cùng nhau cưỡi trâu ra đồi. Vùng đồi hoang vu, bát ngát mới là nơi tung hoành của tụi trẻ. Đầu hè, mùa của cây cối đâm chồi, ra hoa kết quả. Cái kho bao thứ ăn được của những thằng háu đói chúng tôi là đây. Cả bọn len lỏi, chui rúc đi tìm những mầm cây cậm cang còn non mỡn. Những chiếc mầm có gai non, vị của nó hơi chua pha chát nhưng là đặc sản vùng đồi. Tôi và Dần chiều nào tay cũng cầm một nắm mầm cây. Giữa hè, cả vùng đồi quê tôi bát ngát màu hoa sim tím. Tôi chỉ biết ngắm và kêu lên là thấy đẹp vô cùng. Nó lẳng lặng ngắm kỹ bông hoa, mai đã cho tôi xem hình vẽ trong quyển sổ tay bông hoa sim màu phớt hồng tuyệt đẹp. Khi những quả sim chín rộ thì những cây tầu tấu quả cũng chín vàng, những chùm cậm cang chín đỏ, những dây quả quẫy chín đen. Quả thì ngọt, quả chua chua, quả hơi ngọt chát. Bụng tôi và Dần có đủ vị các loại quả ấy, lúc nào cũng no. Vậy mà nhiều buổi ở nhà, nấu xong nồi cám lợn mẹ nó khoán, nó vù sang tôi. Tôi vơ xong mớ củi mẹ giao, tôi vù sang nó. Hai thằng thay nhau sục sạo quả ổi, vỗ mít ở cả hai nhà, ăn xong có lần phủi nền nhà lăn ra ngủ tít. Khi nghe tiếng mẹ gọi mới vội vã chạy về. Suốt dịp hè, tối nào bọn tôi cũng ra sân kho Hợp tác sinh hoạt thiếu nhi. Ngày ấy chưa có điện, lại có chiến tranh mà sao vui thế. Trăng sáng vằng vặc, tuổi thơ của tôi và Dần cứ rung lên cùng tiếng trống dập dình. Dần giữ trống cái, tôi trống con. Hôm nào nó ăn cơm trước, ra khua vào trống mấy dùi đã làm tôi nhấp nhổm, và vội bát cơm để lao ra hòa nhịp. Điệu múa sạp sòn sòn sòn đô sòn ngày ấy vẫn nhớ đến bây giờ. Sinh hoạt xong khi về, hai thằng còn vỗ tay đuổi bắt đom đóm lập lòe khắp cánh đồng. Về đến vườn nhà tôi cùng cởi trần truồng, ào ào giội vài gầu nước cho mát rồi mới thằng nào về nhà thằng ấy.
Bước sang mùa thu, sáng tôi và Dần phải đến trường, chiều vẫn cưỡi trâu ra đồi, vẫn mê mải với bao trò con trẻ. Cánh đồng làng tôi lúa đã rực vàng trong nắng hanh hao và gió heo may. Đây là mùa no ấm của làng. Mùi hương lúa chín. Mùi rạ rơm thoảng thơm khắp các ngõ ngách làng quê. Vùng đồi bây giờ cây lá cũng chớm đổi màu. Những vạt lau đang thi nhau xõa những mớ tóc màu hung, để ít ngày nữa thôi, đồng loạt chuyển sang màu trắng khi gió mùa về. Bọn trẻ chăn trâu chúng tôi nằm trên lưng trâu, bên những bờ cỏ mới gặt, mồm thổi cây kèn tự làm từ cây lau hay từ ống rạ, mắt hướng lên bầu trời xanh biếc đếm những con chim cắt lượn tít trên cao. Tôi chỉ mải chơi chẳng để ý gì. Dần bảo, trong tiếng gặm cỏ sồn sột của con trâu luôn bật lên mùi cỏ mật thơm lừng. Thì ra nó hay để ý những điều xung quanh hơn tôi. Tôi chỉ khoái nhất trò nú đi tìm buổi tối. Trăng sáng, được nhào lộn trên rơm, phủ kín người trốn nhau đến tận khuya quên cả học hành. Cứ mỗi dịp Lễ Quốc khánh 2-9 mỗi thằng được bố mẹ cho vài đồng. Hai thằng hăm hở cuốc bộ ra thành phố, đi diễu hết chợ đến Bảo tàng. Gần trưa, chén vài que kem, rồi mỗi thằng toòng teng xách mấy chiếc bánh mỳ về giữa trưa nắng. Lần nào Dần cũng bảo: Ở thành phố vui thật mày ạ! Lớn lên tao nhất định sẽ ra thành phố.
Hết cấp hai, tôi và Dần nghỉ học, nhẹ nhõm như con trâu được tháo khỏi vai cày. Sự gắn bó giữa tôi và Dần cũng bắt đầu giãn dần ra. Chỉ vài năm sau Dần đi học nghề mộc cùng ông chú chuyên đóng bàn ghế giường tủ. Những năm ấy, tôi vẫn loanh quanh bên mấy thửa ruộng đồng làng thì Dần đã làm ra tiền. Nhà Dần cũng khá giả nên khuyến khích con đi làm, được đồng nào bố mẹ giữ riêng cho làm vốn. Mấy năm sau, đã thấy Dần sắm đồ nghề tách khỏi ông chú thuê đất trên phố làm riêng. Đang thời chuyển kinh tế thị trường, kinh tế vẫn còn khó khăn, vậy mà Dần làm ăn lên vù vù từ đóng bàn ghế học sinh cải tiến, đóng gác măng giê. Gỗ thì toàn mua loại tạp, phế phẩm của các xưởng cưa rẻ như giá củi. Dựng lên thành phẩm lãi gấp mấy lần. Thời ấy, nhà nào cũng phải có cái gác măng giê kê ở góc bếp để bát đũa và cất thức ăn. Rồi góc học của con cái phải có một hai cái bàn cải tiến. Xưởng mộc của Dần làm ra bao nhiêu hết bằng ấy. Cá nhân đặt, các quầy bán đồ gỗ đặt, Dần phải tuyển thêm mấy thợ làm ngày làm đêm. Gặp Dần lúc nào cũng thấy đầu tóc nó bù xù, râu ria lởm chởm, lúc nào nó cũng khuyên tôi: Phải tiến ra thành phố! Phải tiến ra thành phố! Chỉ có nơi ấy mới nên người mày ạ!
Cuộc sống đổi thay, nhu cầu con người đổi thay. Cái xưởng mộc của Dần cũng luôn thay đổi tung ra các sản phẩm cao cấp trên thị trường. Tôi thấy nó đã đúng. Nó đã mua được đất thành phố. Nó đã xây được ngôi nhà ba tầng khang trang. Con cái nó đang học hành thành đạt. Tôi cũng nghe lời khuyên của Dần, cũng nhoai ra phố, cũng lăn lộn kiếm ăn quanh cái chợ, cũng góp nhặt xây được cái nhà trong ngõ. Tưởng rằng con đường làm ăn của nó cứ thế mà lên, vậy mà có dịp bỗng lao đao vì có người kèn cựa, tung tin nó buôn gỗ lậu. Mua được ít gỗ nào về thì hết người này đến người khác kiểm tra. Dù đủ giấy tờ, nguồn gốc đàng hoàng vẫn có bao điều phiền toái. Tính Dần lại thẳng thắn, một anh nông dân ra phố không biết luồn lách, lót tay kẻ này kẻ khác. Dần chỉ muốn lấy sức mình ra ăn thật, làm thật mà chẳng được yên. Nó chán, định buông xuôi trước bao ngang trái bon chen, bỏ nghề mộc tìm nghề khác kiếm sống. Dịp ấy nó hay rủ tôi về quê liên tục. Hình như về quê, tâm hồn nó vơi nhẹ những buồn phiền, ấm ức. Rồi Dần chuyển sang chuyên chạm khắc tranh gỗ. Việc này đòi hỏi óc thẩm mỹ và đôi tay khéo léo nhưng thu nhập rất cao, nguyên liệu lại không cần nhiều. Dần lại vốn có hoa tay từ nhỏ nên chuyển dịch như vậy là một sự nhạy bén. Cuộc sống của Dần lại trở về êm đềm từ đấy. Giờ tuổi không còn trẻ, nghĩ là hai thằng cứ thế yên phận được rồi, ai dè nó lại đùng đùng về quê.
*
Tôi đến, Dần mừng lắm, bởi từ khi bố mẹ không còn, anh em sống mỗi người một nơi nên tôi cũng ít dịp về quê.
-Hôm nay phải ở đây uống rượi với tôi đấy! Không khí làng quê tuyệt luôn! Đã lâu bận lo nhà cửa không chuyện trò gì với ông được.
-Ô hay! Ông nói cứ như tôi ở vùng khác đến không bằng. Rồi! Ngủ luôn với ông một đêm. Phạt ông về tội vào nhà mới không có nhời. Hết rượu tôi mới về.
-Ôi trời! Bây giờ còn giở nhà mới, nhà miếc làm gì nữa. Đấy ông xem, căn nhà cấp bốn thôi, chắc chắn, sạch sẽ, rộng rãi là được. Tôi khoái nhất có cái sân, cái vườn, có hoa, có trái.
Dần dẫn tôi đi xem toàn bộ căn nhà rồi sân vườn. Tôi mê ly luôn. Căn nhà cấp bốn mái ngói không lừng lững như nhà tầng nhưng nó lại xinh xắn thoáng mát, hài hòa với mảnh sân rộng và khu vườn xanh tươi cây cối. Những điều đã quá quen với tôi một thời mà sao bây giờ như mới lạ thế.
Buổi chiều tối, tôi và Dần lững thững trên cánh đồng làng. Đang dịp đầu hè, lúa đang thì con gái, gió nam nhè nhẹ từng cơn, tôi phanh hết hàng cúc áo để hưởng cái mát dịu của cơn gió đồng.
-Ông có còn nhận ra mùi hương lúa nữa không?
Bất ngờ Dần hỏi tôi. Tôi cố hít thở để tìm ra cái hương vị đặc sản đồng làng.
-Cứ gân cổ lên thế thì về phố mà hít hà hóa mỹ phẩm nhá! Nói để ông biết, hương lúa nó thơm từ lòng thơm ra đấy!
Tôi chẳng hiểu được ý tứ trong câu nói của Dần, chỉ thấy như da thịt được giãn nở ra trước cơn gió mát, trước những sóng lúa mềm mại, xanh mỡn, mênh mang trong buổi chiều tà. Tôi bảo:
-Thì vẫn đang hít tìm đây! Đã thấy gì đâu!
-Phải để cái tâm mình thật tĩnh lặng ông ạ! Hương lúa chỉ thoảng qua thôi! Gió cũng phải nhẹ thôi! Nó nhẹ và mỏng tang, chợt đến, chợt đi trong gió như chơi trốn tìm ấy. Nó không ngào ngạt, không đọng ở mũi mà tan luôn vào tận ruột non ruột già của ông cơ.
Giọng Dần say sưa, lại hứng lên văn vẻ nữa, làm tôi cũng cảm thấy tâm hồn mình nhẹ nhõm, mặc dù tôi chưa bao giờ để ý nhận ra hương lúa, ngay cả những ngày còn quần quật trên ruộng đồng. Nghĩ lại từ thời còn bé ở quê, sao cái ao ước vượt ra thành phố của Dần nó khát khao, cháy bỏng đến thế. Hình như sự nghèo khó, thua thiệt ở nông thôn đã gieo vào tâm hồn Dần một nỗi buồn, một sự muốn vượt thoát lúc nào cũng nung nấu trong lòng. Vậy mà bây giờ tôi sững sờ khi Dần vẫn tiếp tục cái suy nghĩ như đi trên mây mà tôi chưa bao giờ nghĩ Dần để tâm đến cả:
-Có những lần về quê giữa lúc gặt mùa, đi trên con đường làng ngổn ngang rơm rạ. Tôi lại nhớ ngày nào bọn mình còn lăn lộn trên rơm rạ chơi đi nú, đi tìm. Giờ về, đi trên thảm rơm cứ thấy bồng bềnh như được rạ rơm mừng rỡ, tung nâng. Lúc đi, lại thấy như nó quấn níu lấy bàn chân mình.
Ánh mắt vẫn nhìn xa xăm, giọng Dần vẫn như thì thầm bên tai tôi:
-Ông ạ! Xa ruộng đồng mình mới để ý cả đến những dấu chân trên mặt ruộng đồng làng. Đấy! Ông nhìn đi, những nhọc nhằn bao đời làng mình nó khắc lại trên mặt ruộng kia kìa.
Tôi chăm chú nhìn những dấu chân trên bùn. Nó méo mó, cái thì như dấu hỏi, cái lại như dấu ngã, khác gì con người luôn thất bát long đong. Tôi chợt nhớ ra điều thắc mắc chuyện về quê của Dần:
-Chính thế! Tôi với ông mới nhoai ra thành phố. Tôi đang định hôm nay phải hỏi ông cho rõ lý do ông quay về.
-Cứ ngủ ở đây một đêm rồi ông sẽ rõ, đơn giản thôi mà.
Chúng tôi quay về cùng nhau dạo trên đường làng. Đến đoạn cổng làng tôi lại nao nao vì Dần nhắc lại những kỷ niệm xưa.
-Đoạn cổng làng này một thời tôi và ông hay đánh bi, đánh đáo đây. Ông còn nhớ cái cảm giác vừa cõng em, vừa chạy, vừa reo hò khi thấy dáng mẹ về chợ của ngày xưa không?
-Quên thế quái nào được. Tôi vẫn nhớ cả cái mùi kẹo vừng, kẹo bi gion gion được mẹ chia nữa cơ.
Hai con người có mái đầu đã bạc cùng lặng lẽ nhìn về phía xa như tìm kiếm một điều gì đã xa xăm. Tối ấy, cơm nước xong Dần trải chiếc chiếu ra ngoài hè bảo ngồi chuyện trò cho thoáng. Đã mấy chục năm ngoài phố, chỉ trong gian phòng sáng trưng ánh điện và gió từ chiếc quạt. Nay tôi sững sờ khi nhìn thấy bầu trời đầy sao và mặt trăng tròn vành vạnh, sáng quắc, huyền ảo mênh mang soi rọi khắp muôn nơi. Những cơn gió đồng thổi từng cơn mát rượi. Những con đom đóm lập lòe như một tín hiệu dẫn về những kỷ niệm ấu thơ. Dần bảo vợ bê thêm rổ ngô luộc ra rồi nói đùa: Thổi sáo đi ông, khúc nhạc đồng quê đấy! Tôi chợt nhớ mùa này là mùa ngô. Ngày xưa, mùa này cả làng í ới gọi nhau khi có nồi ngô luộc. Làng quê ví von hay thật, tôi nhẩn nha “thổi sáo” và thấy rõ sự ngọt ngào, thảo thơm dân dã luôn có ở làng đang ngân nga tận đáy lòng mình.
Đêm ấy, ngủ bên nhau một giường, tôi và Dần vẫn tiếp tục chuyện trò. Dần bảo: Ông có biết từ khi tôi chuyển sang sản xuất tranh gỗ nó đòi hỏi gì không? Ngoài sự khéo léo của đôi tay còn đòi hỏi con mắt sáng tạo nghệ thuật nữa. Nếu cứ học mót một số mẫu có sẵn thì tay nghề nhiều người giỏi hơn mình nhiều, không cạnh tranh được. Vả lại, khách hàng bây giờ họ tinh lắm, đa phần họ thích những cái có hồn gắn bó với kỷ niệm của họ. Những con đại bàng, sư tử, voi, rồng hay cảnh chùa chiền bão hòa rồi. Vậy là tôi phải vắt óc ra tự tìm mẫu mới. Ông biết không, ngồi nhà cả tuần ngoài phố vẫn tắc tị, nhưng cứ lần nào mò về quê tôi cũng nghĩ ra một mẫu mới. Toàn cảnh sắc chân quê mà nhiều người lại thích mới lạ chứ. Tôi đã xem đôi bức treo trong nhà Dần. Quả thực bức tranh gỗ chạm cảnh ngôi nhà mái rạ, có cây rơm cạnh sân, một góc có cây mít lúc lỉu chùm quả non. Bên cạnh đống rơm gà mẹ đang dẫn đàn gà con kiếm mồi được đánh sơn dầu ánh lên vẻ đẹp làng quê gần gũi. Có bức vẫn cảnh ấy nhưng thay cây mít bằng cây bưởi trĩu cành mấy quả căng tròn. Tóm lại Dần đã luôn tìm cách đưa cái hồn quê vào trong tranh gỗ của mình. Dần bảo với tôi: Cảnh quê thì cũng chẳng có gì mới lạ, nhiều người chạm dựng lên được. Cái khó là bức tranh chỉ có một màu, phải để cho nó nguyên thớ gỗ, nhưng các đường nét lại tôn lên sự sống động bức tranh. Tôi chẳng được học cơ bản về họa, nhưng hình như hồn quê nó thấm vào mình từ lúc nhỏ rồi, cái cây cái lá mình thuộc từ đường gân, dáng lá, lộc trời cho đấy ông ạ! À, thì ra vậy, có lẽ Dần về là tạo một cơ sở chân rết cho cái cửa hàng tranh gỗ ngoài phố thôi. Tôi nghĩ bụng nhưng vẫn nằm im vì biết Dần còn đang tiếp mạch chuyện của mình: Tôi đã giao xưởng mộc cho thằng con, thi thoảng cố vấn cho vài cái mẫu mới để nó làm. Học họa ra đấy mà chỉ thấy cảnh vật trên giấy thì còn lâu mới làm ra tranh đẹp.
-Thế là giải nghệ thật à? Tôi thấy bất ngờ nên hỏi lại.
-Vẫn lao động thật lực nhưng là trồng cây cối cho vui thôi! Bây giờ có cháu nội ngoại, trông chúng nó ông thấy thế nào? Dần lại bỗng chuyển sang chuyện cháu con.
-Trông cháu vất vả hơn khi trước trông con nhiều, mệt lắm.
-Chúng nó bây giờ sướng về vật chất nhưng luôn bị giam giữ trong bốn bức tường với một đống các đồ chơi bằng nhựa. Còn lâu mới được tung tăng như mình ngày xưa ông ạ! Tôi thấy thương chúng nó lắm.
Có tí hơi rượu, lại chuyện trò quá khuya, tôi thiếp đi lúc nào chẳng rõ. Sáng hôm sau chào nhau ra về, đến ngang đường mới chợt nhớ ra, vậy là chuyện trò với nhau từ hôm qua đến giờ vẫn chưa rõ Dần về quê ở vì lý do gì.
*
Một năm sau nữa, một hôm Dần gọi điện hỏi cuối tuần có rỗi thì về chơi. Tôi bảo còn phải trông thằng cháu ngoại. Vậy thì cho cả thằng cháu về quê chơi đi. Nó lại còn thích gấp vạn lần bốn bức tường nhà ông ấy. Ừ thì về.
Tôi lại ngỡ ngàng trước sự cải tạo khu vườn của Dần chẳng khác gì một công viên nhỏ. Nó còn như bảo tàng của các loài cây ở làng quê tôi mà nhiều loài đang biến mất do sự đua chen của con người. Dưới những rặng cây mát rượi có những chiếc đu, cầu trượt cho trẻ vui chơi. Mấy đứa trẻ các nhà bên đang ríu rít chơi trong vườn. Thằng cháu ngoại tôi thích thú nhập cuộc ngay. Dần và tôi ngồi bên chiếc bàn ở góc sân chuyện trò. Lúc này, tôi mới để ý ngắm nhìn kỹ hơn quang cảnh khu vườn. Góc vườn, vài rặng tre mà Dần mua và giữ lại vẫn kẽo kẹt trong gió hè. Con chim chích chòe đang véo von trên ngọn. Tiếng nó trong trẻo vang ngân thế. Hình như khi đậu trên ngọn tre đủ độ cao, đôi mắt nó được nhìn ra bao la cánh đồng, giọng hót nó say sưa và trong trẻo hơn con chim trong lồng tôi vẫn thấy nơi thành phố. Mấy cây xoan thi thoảng buông trong không gian những cánh li ti màu tím. Rồi những cây mít, cây nhãn đang chi chít những quả non. Mấy cây bưởi đang nở những cánh hoa trắng muốt. Rồi khế, hồng, ổi, na sum suê cành lá. Giáp với nhà bên là hàng cây sim, cây mua Dần trồng cũng đang bật những cánh hoa màu tím. Đang mùa ra hoa kết trái, khu vườn ngào ngạt mùi thơm. Đã lâu lắm tôi mới được ngắm nhìn những bông hoa hoang dại một thời tím khắp đồi quê. Một màu tím chắt ra từ vùng đất cỗi cằn mà làm thẫn thờ, xáo động tâm hồn, mà như đóng dấu vào thời thơ ấu của tôi. Cũng lâu lắm rồi cái màu trắng trinh khiết cùng hương thơm lạ kỳ của hoa bưởi lại đánh thức những cồn cào xa xăm và man mác buồn của một thời tôi yêu. Những con chim đu mình trên chùm quả kia. Những con ong cong mình hút mật trên chùm hoa kia. Mấy chục năm nay, giờ tôi mới được ngồi yên, lặng ngắm cái hồn nhiên, hoang dã mà gần gũi vô cùng. Tôi bỗng thấy Dần như vừa tặng tôi một món quà mà tưởng như nó đã bị lãng quên từ lâu trong tâm hồn. Giờ, cái hồn quê ấy đang ngấm từ ngoài vào. Cái hồn quê ấy lại đang tỏa ra từ trong sâu thẳm lòng tôi.
Khi về, thằng cháu cứ mặc cả tuần sau ông lại cho cháu về chơi, cháu thích lắm. Tôi cứ ước gì mình cũng có một khu vườn như thế để mấy đứa cháu chơi đùa, quên cái trò suốt ngày cắm mặt vào điện thoại đi. Lúc nào cũng bấm bấm, gạt gạt thế rồi chúng như một cái máy rô bốt mất thôi. Lạ nhỉ, mấy chục năm về trước điều ấy ở trong tầm tay, ở ngay trước mặt mà bây giờ là điều ước mất rồi. Mải nghĩ vẩn vơ, tôi lại quên khuấy hỏi Dần cái lý do chuyển nhà.
Truyện ngắn. Phạm Quý
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...