Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
02:15 (GMT +7)

Hội xuân làng Hồ

VNTN - Làng Hồ có tên chữ là Lạc Thổ: đất vui! Có lẽ vì vậy mà dân tình luôn có vẻ ung dung thư thái, cây cối tươi tốt, ứng với câu cầu chúc, nhân khang vật thịnh. Thủa còn sống, nhà thơ Hoàng Cầm, một người con lừng lẫy của làng hay kể: Làng tao xưa phong lưu lắm! Chả thế mà thời Nguyễn, ông vua Tự Đức đã ban cho làng bốn chữ: “Mỹ tục khả phong.”

Mỹ tục đầu tiên phải kể đến chính là cái tục nuôi gà và thi gà ở hôm hội làng. Gà Hồ là một giống gà nổi tiếng từ lâu. Các nhà trong làng đua nhau nuôi giống gà này. Họ sẽ chọn một cặp gà trống- mái nuôi vỗ để đi thi. Gà trống phải chọn con mào sít, lông màu mận, chân cao vảy đều tăm tắp màu vàng nhạt của đậu nành. Con mái màu thó (đất sét) hoặc màu sẻ (giống màu lông con chim sẻ). Mỗi cặp gà trống mái ấy muốn vào giải thường phải nặng con trống cỡ trên 5 kg, con mái trên 4 kg! Tiết lộ cho các bạn biết là thịt gà Hồ ăn ngon tuyệt. Con gà luộc vừa chín tới, chặt miếng bày đĩa bưng lên vẫn bốc hơi nghi ngút, thơm điếc mũi. Và người viết thì thích nhất món da gà luộc: dày, béo, nhai giòn sần sật.

Mỹ tục thứ hai của làng đó là đánh cờ người! Dân làng Hồ từ xa xưa cho đến nay có nhiều tay cao cờ nổi tiếng. Bàn cờ hội làng Hồ vốn vang lừng khắp vùng Kinh Bắc cho tới tận xứ Đông, xứ Đoài. Rất nhiều cao thủ các nơi đến đọ cờ hội làng Hồ không mấy khi thắng giải mà thường âm thầm cay đắng ra về. Bởi cờ hội, nhất là cờ người nhiều lúc khác xa khi ta đánh vài ván lúc trà dư tửu hậu. Ra sân cờ người, xung quanh là cả ngàn người xem, là cả tiếng trống chiêng, tiếng hò reo bình phẩm. Người chơi cờ điều binh khiển tướng, đứng trước tướng sĩ tượng xe là những chàng trai cô gái thật, mặc quần áo trang phục như quân cờ... Thật đòi hỏi phải có bản lĩnh cao cường. Thắng được giải cờ hội làng Hồ luôn là niềm vinh hạnh của mọi cao thủ.

Dân trong vùng có câu ca dao: “Đi qua Lạc Thổ chớ đánh bạc/ Mất quần mất áo thật như chơi”. Để nói lên rằng, dân làng nơi đây rất thạo những môn bài bạc. Thế nên cái mỹ tục thứ ba của làng cũng liên quan đến bài bạc là: Tổ tôm điếm! Chơi tổ tôm giải trí lúc nhàn rỗi hoặc là những hôm đám xá cần phải thức đêm trông là một thú vui tao nhã nhiều nơi có. Thế nhưng việc chơi cái môn có tới 120 quân bài này mà ngồi trong năm cái điếm (chòi nhỏ) và, lại nghe xướng quân bài bằng ca dao, bằng lảy Kiều thì thật phải thông thuộc không những luật bài tổ tôm chắn cạ mà còn phải làu thông cả thơ phú ca dao hò vè! Thật là một thú chơi phong lưu tao nhã phải không các bạn?

Kể về mỹ tục làng Hồ thì quả là còn nhiều. Nếu kể hết thì có lẽ phải là một chuyên luận! Bởi làng Hồ là một trong những làng cổ của huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành, trấn Kinh Bắc xưa. Cổ từ tận đời nào thì nay qua bao cơn biến loạn của lịch sử chả ai còn nhớ rõ nữa. Những bộ gia phả xa xưa nhất của các dòng họ trong làng cũng chỉ còn loáng thoáng từ đời Lê- Trịnh, bởi cú tận diệt văn hóa Việt của triều Minh thế kỷ mười bốn chắc đã làm tiêu tan khá nhiều di sản văn hóa vật thể của làng của nước. Thế nhưng trong ký ức của người dân truyền từ đời nọ sang đời kia, vẫn nói là làng ta xưa lắm, chuyện kể là... Đó chính là mạch nguồn văn hóa Việt: Văn hóa làng xã vẫn còn sống mãi, trường tồn bất diệt.

Mùa xuân mở hội là để tế thành hoàng làng. Và rước nước từ sông Thiên Đức (Sông Đuống) về đình làm lễ cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, muôn loài tốt tươi, nhà nhà no đủ. Người gốc Lạc Thổ, con cháu đi làm ăn xa các nơi nhằm ngày hội làng đổ về dự lễ. Đông vui lắm. Rồi thì hội thi gà Hồ, hội cờ tướng được mở ra. Nhưng chắc vui nhất vẫn là hội cờ người: Những quân tướng sĩ tượng tốt đen tốt đỏ là trai thanh gái lịch, áo nón xanh đỏ tím vàng, “Xe anh bắt con mã nàng/ long lanh mắt biếc biết làm sao đây...”. Rồi trong đình làng, không thể thiếu là những cuộc đàm đạo của các bậc trưởng thượng, lão niên về câu chuyện lịch sử thành hoàng làng ta...

Theo như các văn bản chữ Hán Nôm còn lại đến ngày nay thì chính ông vua bán nước nổi tiếng trong lịch sử Lê Chiêu Thống đã ra lệnh: “Triều đình vô hữu Lạc Thổ”- nghĩa là làng Lạc Thổ bị xóa sổ! Người bị giết, đốt sạch, phá sạch... Dân Lạc Thổ khi ấy vội vàng trong đêm âm thầm bồng bế nhau, ly hương, chạy xa mảnh “đất vui” của mình. Càng xa càng tốt. Nguyên bởi trong cuộc tranh giành quyền lực thế kỷ mười tám giữa hai thế lực Lê- Trịnh, dân làng Lạc Thổ đã đứng về phía Trịnh. Trong một cuộc giao tranh với quân của Nguyễn Hữu Chỉnh lúc đó đang phò vua Lê, đã giết Nghè Hành là em Chỉnh. Nguyễn Hữu Chỉnh đem lòng thù hận, tâu với Lê Chiêu Thống ban ra lệnh kia để trả thù cho em. Làng Lạc Thổ tạm thời mất tên một dịp. May sao vật đổi sao dời, vua Lê - chúa Trịnh tan. Nhà Tây Sơn cùng nhân vật Nguyễn Hữu Chỉnh nổi tiếng phản trắc cũng tan. Làng Lạc Thổ nhờ công của một phu nhân mang tên Tá Thị Hoa đã kêu cầu lên triều đình xóa cái án “Triều đình vô hữu Lạc Thổ” xưa. Cho lập cầu chiêu dân làng ly tán các nơi về lại đất cũ, để làng xóm lại dần đông vui như xưa. Lạc Thổ, làng Hồ lại trở thành đất vui. Nhưng di tích Cầu Chiêu nay vẫn còn. Năm 1805 triều Nguyễn đã sắc phong cho Lý Phật Tử làm thành hoàng làng Lạc Thổ. Dân làng từ bấy đến nay vẫn vâng mệnh vua thờ Lý Phật Tử tại đình làng. Xuân thu nhị kỳ vẫn mở hội cúng tế trọng thể. Thế nhưng câu hỏi tại sao Lý Phật Tử lại được thờ là thành hoàng làng thì vẫn chưa có lời đáp rõ ràng. Nước thờ quốc tổ, làng thờ thành hoàng, gia đình thờ tổ tiên... Cái lệ thờ cúng tổ tiên, những người có công với làng với nước của dân tộc Việt vốn có từ ngàn xưa. Người được thờ là thành hoàng làng thì hoặc là phải có công với nước, hoặc là khai đất lập làng hoặc có công tích gì đó để lại ân đức cho dân làng nên mới được ghi ơn để thờ... Có thể trước khi dính nạn, “Triều đình vô hữu Lạc Thổ”, thì làng đã thờ Lý Phật Tử làm thành hoàng rồi. Sắc phong của triều Nguyễn chỉ là một sự tiếp nối. Cũng có thể không phải vậy, bởi theo một vài câu chuyện truyền khẩu trong làng thì xưa làng Hồ ta thờ ngài Triệu Quang Phục là thành hoàng kia! Vậy tại sao triều Nguyễn lại sắc phong cho dân làng thờ Lý Phật Tử? Thật là một nan đề.

Trong bộ sử nổi tiếng và tin cậy nhất của nước Việt thời cổ, trung đại còn đến ngày nay là Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, thì đã định danh rõ cho Lý Phật Tử là một vị đế ươn hèn, giặc phương Bắc sang chưa đánh trận nào đã mang sổ sách quân dân ra đầu hàng. Nhưng triều Nguyễn khi mới lên ngôi đã sắc phong Lý Phật Tử, vậy không có công với nước thì Lý Phật Tử đã có công tích gì với người Lạc Thổ - làng Hồ - đất vui? Cho đến bây giờ những cuộc tranh luận, những câu hỏi kia vẫn không có lời giải đáp thấu đáo rõ ràng...

Nhưng mà trong tiết xuân phân, trời không rét cũng không quá nồm. Trong tiếng rộn ràng của trống hội mùa xuân, trong men say của rượu và mắt biếc má đào của thiếu nữ đang ríu rít dắt nhau trẩy hội. Còn bọn quan họ thì xúng xính áo năm thân, nón quai thao chuẩn bị cho canh hát cửa đình hầu thánh đêm nay. Ta cứ băn khoăn mãi những câu chuyện lịch sử làm gì. Bởi lịch sử là cái đã diễn ra rồi. Ta hãy sống với cái mùa xuân đang hiện hữu đi. Xét cho cùng thì đời người thật ngắn, có được bao nhiêu lần hội xuân đâu? Vậy sao bạn không về làng Hồ - Lạc Thổ - Đất vui quê tôi dự hội, để được hòa mình trong không khí rộn rã xuân thì. Uống chén rượu nồng, ăn miếng thịt con gà Hồ vừa cúng thánh. Rồi đi xem đánh cờ người, ngắm cô thôn nữ má đỏ môi hồng sắm vai con mã cho chàng xe pháo lại ngẩn ngơ...

Trần Thanh Cảnh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy