Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
13:41 (GMT +7)

Hồi ức hoàng kim

VNTN - Tại Festival Huế tháng 6-2004, lần đầu tiên du khách đã có dịp nhìn ngắm, thưởng ngoạn một số những báu vật quốc gia mới sưu tập được tại hai cuộc triển lãm “Báu vật bang giao thời Nguyễn” và “Cổ vật hoàng cung thời Nguyễn”. Những báu vật cổ được trưng bày chỉ là một phần ít ỏi trong vô vàn châu báu, ngọc ngà của triều đại phong kiến Việt Nam cuối cùng đã bị mai một. Nó nhắc nhớ rằng, đất nước đã từng có thời hoàng kim với vàng thoi, bạc nén.


Thời vàng kho bạc đụn 

Đơn vị thanh toán phổ biến nhất từ xưa đến nay vẫn là tiền đồng. Dù vậy, vàng và bạc vẫn là thứ “dữ tệ” được vua chúa, vương tôn quí tộc, các đại Thương gia hào phú ưa chuộng, tích lũy và cất giữ đem ra ban thưởng hay trao đổi trong các vụ thanh toán lớn.

Thời xưa, mỗi trang viên, phủ đệ hay các trung tâm mậu dịch đều có lò đúc vàng, bạc thành nén riêng. Trọng lượng, chất lượng và hình dạng các thoi vàng, nén bạc được quy định khá tùy tiện theo từng lò đúc, có dấu hiệu riêng. Trong dân gian, để tiện thanh toán, người ta vẫn thường phân định giá trị vàng bạc theo trọng lượng. Phổ biến có hai dạng đúc là hình thỏi và hình viên. Nén vàng, bạc nặng 1 lượng được gọi là đĩnh; loại 10 lượng đến 20 lượng, vàng thì gọi là thoi, bạc thì gọi là nén. Lớn hơn nữa, từ trên 20 lượng đến 100 lượng được gọi là khối (vàng khối, bạc khối).

Ở Việt Nam, năm 1803, một năm sau ngày Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, vị quan coi Bắc thành tiền cục là Thượng Thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Khiêm đã có tờ tấu phản ánh rằng: “Bạc nén thời Tây Sơn quá xấu, pha trộn kẽm thiếc quá nhiều, phân lượng lại không đủ. Nay triều ta đúc nén, xin ghi chữ làm tin”.

Vua Gia Long chuẩn tấu, buộc các cơ sở đúc vàng bạc trong cả nước phải đóng dấu hai chữ “Trung Bình” vào thoi vàng, nén bạc trước khi đưa ra lưu hành hay cất kho tích trữ. Cùng một trọng lượng, bạc nén có dấu trên thị trường được tính giá cao hơn bạc nén không dấu.

Năm 1812, Gia Long lại cho đúc đỉnh bạc nặng 1 lượng, có dạng hình thỏi. Ngoài hai chữ “Trung Bình” đóng bên hông, mặt trên đỉnh bạc còn có ghi bốn chữ “Gia Long niên tạo”, mặt dưới đề “trinh ngân nhất lượng”. Đến đời Minh Mạng, hoàng đế lại tiếp tục cho đúc các nén vàng, bạc nặng 10 lượng theo khuôn mẫu, mặt trên tùy theo thời điểm được đóng nổi ba dấu để phân biệt Đế hiệu, năm đúc và nơi đúc.

Từ Dũ Thái Hoàng Thái hậu chi bảo; vàng 8,5; cao 7,91 cm, cạnh 11,75 x 11,75 cm, dầy 1,28 cm; trọng lượng 86,48 lạng; đúc vào tháng 3, năm Hàm Nghi thứ 1, 1885

Năm 1858, đại bác Pháp bắt đầu rót vào cửa biển Đà Nẵng. Quốc gia bị đặt trước hiểm họa xâm lăng, khiến triều Nguyễn phải tăng cường “dự trữ quốc gia” để đề phòng biến động. Theo lệnh của vua Tự Đức, vàng bạc trong nước được gom về quốc khố và đúc thành những khối tinh chất có trọng lượng 30, 50 và 100 lượng, mặt trước đúc nổi 4 chữ “Tự Đức thông bảo”, mặt sau ghi “Tinh kim bách (hoặc tam  ngũ thập) lượng, xung quanh đắp nổi hình lưỡng long triều nhật. Tuy nhiên, cho đến nay, lượng vàng, bạc được triều Tự Đức gom về quốc khố là bao nhiêu thì vẫn chưa ai xác định được cụ thể.

Giá trị của vàng thoi, bạc nén so với tiền đồng biến thiên tùy thời điểm. Năm 1812 vua Gia Long định giá 1 lạng bạc bằng 2,8 quan tiền, 1 lạng vàng bằng 10 lạng bạc. Các triều đại sau định giá 1 lạng vàng bằng 17 lạng bạc. Năm 1867, triều Tự Đức định giá 1 lạng bạc bằng 10 quan tiền. Năm 1884, đĩnh vàng 1 lượng đúng 10 tuổi được tính 300 quan tiền, cứ non đi 1 tuổi (hàm lượng vàng giảm 1%), đĩnh vàng bị bớt giá 15 quan tiền.

Hồi quang vương đế 

Thực chất, ngọc tỷ hay Kim ấn (thời nhà Nguyễn gọi là Kim bảo tỷ) đều là ấn chương, ấn triện, tức con dấu của các bậc vua chúa để đóng vào các chiếu, chỉ, dụ... truyền xuống thiên hạ. Ngọc tỷ được chế tác bằng các loại ngọc quí, còn kim ấn thì được đúc bằng vàng khối.

Tương truyền, hình thức “ấn chương” (đóng dấu) và các loại tỷ, ấn bắt đầu xuất hiện tại Trung Quốc cổ đại từ 2.500 năm trước Công nguyên. Sách Xuân Thu vận đẩu khu chép: “Hoàng Đế thời hoàng long phụ đồ trung hữu tỉ chương” (thời Hoàng Đế có con rồng vàng đội hòm đồ thư trong có tỷ chương). Từ “truyền thuyết” này, các loại ngọc tỷ, kim ấn của Trung Quốc, Việt Nam đều được chế tạo theo  hình thức có núm (tay cầm) mang hình rồng cuộn (lưỡng long hoặc độc long). Phần đáy của tỷ, ấn thường có dạng hình vuông, viền ngoài, bên trong khắc chữ theo lối chữ triện, chữ “tỷ” là chữ đứng cuối cùng trong những chữ được khắc.

Lưu ý, chỉ có ấn của hoàng thân quốc thích lên đến Hoàng Đế mới gọi là bảo. Từ Quận vương trở xuống gọi là ấn. Ấn của quan lại nhỏ gọi là kiềm ký. Ấn của khâm sai đại thân (thay mặt vua đi kinh lý, điều hành công việc)  gọi là quan phòng. Người bình thường muốn đóng dấu hiệu riêng cũng không ai cấm, nhưng thường được gọi chung là đồ chương.

Từng thời cũng có cách gọi khác nhau. Nhà Tần gọi là tỷ, nhà Đường đổi lại là bảo. Sang Việt Nam, đến thời chúa Nguyễn, ấn của vua  chúa được gọi gộp là bảo tỷ

Ngay từ khi kéo quân vào hùng cứ phương Nam bắt đầu cuộc giao tranh hàng trăm năm với họ Trịnh, chúa Nguyễn Hoàng đã cho khắc kim bảo truyền quốc “Đại Việt quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo” làm bảo vật truyền ngôi cho toàn bộ các dòng vua  chúa nhà Nguyễn về sau. 9 đời chúa Nguyễn đều sử dụng Kim Bảo này.

Khi vừa lên ngôi (1802), Gia Long đã cho đúc ngay kim ấn “Ngự tiền chi bảo”, mặt triện hình bầu dục kích thước 2,5 x 3 cm, sử dụng như “con dấu chính thức” của vương triều. “Ngự tiền chi bảo” không khắc lối chữ triện mà khắc chữ chân, nét khắc đậm, nhạt như phóng bút trên giấy.

Vào năm Minh Mệnh thứ 9 (1828), một người học trò là Nguyễn Đăng Khoa ở Quảng Trị tình cờ đào được và dâng lên hoàng đế một ngọc tỷ xanh biếc rất đẹp, mặt triện ghi 4 chữ “Vạn thọ vô cương”. Minh Mạng rất quí, thường dùng nó đóng lên các ấn chiếu, cáo văn nhân lễ vạn thọ, dù ngọc tỷ này được khắc vào thời nào thì vẫn chưa được xác định.

“Hoàng đế chi tỷ” được khắc bằng bạch ngọc năm 1835, dùng đóng triện các chiếu văn cải niên hiệu, đại xá, ban ân, phong quan tước. “Hành tại chi tỷ” cũng được khắc bằng bạch ngọc vào năm 1837, được sử dụng trong các chuyến hoàng đế vi hành tuần thú. Năm 1839, Minh Mạng đổi quốc hiệu thành Đại Nam và cho khắc “Đại Nam thiên tử chi tỷ” bằng bích ngọc, dùng đóng trên các sắc thảo chỉ dụ cho người nước ngoài hoặc dùng khi tuần thú.

Năm 1844, vua Thiệu Trị đã cho khắc 2 chiếc 1 lúc, một lớn một nhỏ. Chiếc lớn là “Đại Nam hoàng đế chi tỷ”, được dùng như Ngọc tỷ “Đại Nam thiên tử chi tỷ” của Minh Mệnh”, chiếc nhỏ “Thần hàn chi tỷ” để đóng các chỉ dụ trong cung.

Lớn và đẹp nhất trong các Ngọc tỷ triều Nguyễn là “Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ” được khắc vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846). Ngọc tỷ quí giá này sau đó đã được xem như ấn triện truyền ngôi, mang biểu trương quyền lực cao nhất của nhà Nguyễn, rất ít khi được đem ra sử dụng.

Đời Khải Định, thêm 2 quốc tỷ nữa đã được khắc là “Khải Định hoàng đế ngọc tỷ” và “Khải Định hoàng đế chi tỷ”.

Ngoài ra, còn hàng chục loại ngọc tỷ khác, ít quan trọng hơn, được dùng có tính chất đóng dấu riêng tư ở mỗi triều vua Nguyễn cũng đã được khắc với kích thước nhỏ hơn, chất liệu ngọc cũng ít quí hơn.

Đoan Huy Hoàng Thái hậu bảo, bạc mạ vàng, cao 7,50 cm, cạnh 09,65 x 09,65 cm,

dầy 1,87 cm; trọng lượng 55,00 cm; đúc vào tháng 2, năm Bảo Đại thứ 8, 1933.

Ba lần tản thất “Quốc gia chi bảo” 

Lần thứ nhất diễn ra năm 1862. Mang tư tưởng chủ hòa, đồng nghĩa với thủ bại, triều đình Tự Đức đã ký hòa ước Nhâm Tuất, dâng 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ cho Pháp, đồng thời phải “bồi thường cho liên quân Pháp - Tây Ban Nha 4 triệu đôla, trả trong - 10 năm, hóa giá mỗi đôla bằng 0,72 lạng bạc, tổng cộng khoản chiến phí là gần 2,88 triệu lạng bạc. Ngày 15-6-1864, từ Băng Cốc, trung tá Aubaret, đặc sứ của Napoleon III đến Huế, ép triều đình nhà Nguyễn phải ký Hòa ước Giáp Tý, chấp nhận bỏ ra 2 triệu Frăng, tương đương 13,3333 triệu đồng tiền Việt (khoảng 2,6 triệu lạng bạc),  trả trong 40 năm để chuộc  lại 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ. Nhà Nguyễn đã phải thu gom trong dân chúng 920 lạng vàng, 2.200 lạng bạc, 10.500 đồng bạc Mexicana (mỗi đồng nặng 0,72 lạng bạc) và vét quốc khố ra 72.000 lạng bạc nữa đem nộp cho Pháp nhưng vẫn không đủ. Khoản chiến phí đã khiến quốc khố trống rỗng, nhưng lòng tham thực dân vẫn không chịu dừng lại. Viện cớ “tái lập sự an bình và sự an toàn cho thuộc địa”, ngày 26-6-1867, Pháp lại chiếm thêm 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ là Vĩnh Long, Hà Tiên và Châu, trong khi nhà Nguyễn vẫn phải tiếp tục gom vàng ròng bạc khối để trả nợ khoản chiến phí cũ!

Lần thứ hai diễn ra vào dịp kinh đô thất thủ, tháng 7-1885. Đưa ông hoàng trẻ tuổi Nguyễn Phúc Ưng Lịch lên làm vua, lấy hiệu Hàm Nghi, phe chủ chiến do Tôn Thất Thuyết đã tích cực lập chiến khu kháng chiến tại vùng Cùa (Cam Lộ, Quảng Trị). Theo kế hoạch, 1 triệu lượng vàng khối, bạc nén sẽ được phe kháng chiến chuyển từ kho của Phủ Nội vụ ở Huế lên Tân Sở, Quảng Trị. Nhưng mới chuyển được 300.000 lượng (khoảng 11 tấn) ngày 25-3-1885, Tôn Thất Thuyết đã ra lệnh đánh úp quân Pháp tại Kinh thành. Âm mưu thất bại, sau gần 1 tháng rưỡi cầm cự, đêm 7-7-1885, Tôn Thất Thuyết đã đem Vua Hàm Nghi và Kim ấn “Ngự Tiền” rời kinh, bắt đầu cuộc bôn tẩu.

Vạn Thọ vô cương bích ngọc cao 6,80 cm, cạnh 7,30 x 7,30 cm,

dầy 3,20 cm đúc vào thế kỷ 18 chúa Nguyễn 2 

Tướng Pháp De Courcy đã cho binh lính lục soát khắp hoàng thành, đào tung cả nền kho Phủ Nội vụ để vơ vét bạc vàng châu báu, ngọc tỉ kim ấn chuyển về mẫu quốc. Ngày 24-7-1885, De Courcy đánh điện về Pháp: “Trị giá vàng bạc thu giấu trong hầm kho Phủ Nội vụ lên đến 9 triệu frăng. Cũng đang khám phá thêm nhiều ấn tín, kim sách và báu vật... đáng giá bạc triệu. Xin cho một tàu lớn cùng nhiều chuyên viên thành thạo qua kiểm xét mang về...”.

Cuộc cướp cạn hủy diệt văn minh này kéo dài gần 2 tháng. Theo ghi nhận của Pène Siefert, một linh mục Pháp thời đó thì quân lính của De Courcy đã cướp khỏi hoàng cung một kho tàng trị giá tới 24 triệu frăng!

Phần còn lại, theo bước chân bôn tẩu của Hàm Nghi và nghĩa quân Cần Vương kháng chiến cũng mai một trên vùng thượng đạo Quảng Trị - Quảng Bình - Hà Tĩnh. Riêng Kim ấn “Ngự Tiền chi bảo” đã theo Tôn Thất Thuyết lưu lạc sang Trung Quốc để làm tin cầu viện Vua Thanh, cho đến ngày Thuyết mất (năm 1913) thì vĩnh viễn bặt vô âm tín.

Những gì còn sót lại của một quốc gia, một vương triều lại tiếp tục bị Nhật  - Pháp vơ vét nốt vào giai đoạn cuối Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Chỉ một phần rất nhỏ những báu vật quốc gia được Bảo Đại giao lại cho Chính phủ Lâm thời trong lễ thoái vị vào chiều 30-8-1945. Trong số đó có tất cả 85 kim ấn ngọc tỷ, hiện vẫn đang được lưu giữ và bảo quản tại  Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Hà Nội.

Những bảo vật thật sự còn sót lại, giờ đây đang nằm rải rác ở một số bảo tàng của nước Pháp và châu Âu. Tại Bảo tàng Viện Versaille của nước Pháp, những khối vàng nặng 30, 50 và 100 lượng có khắc chữ “Tự Đức thông bảo” đắp nổi hình lưỡng long triều nhật vẫn đang được đặt trên gấm điều thêu kim tuyến cho du khách chiêm ngưỡng như một loại báu vật hấp dẫn.

Với chúng ta, đó chính là hiển chứng của một giai đoạn vong quốc bi thương, xem hay nhắc lại cũng chỉ mà để ngậm ngùi.

 

Nguyễn Hồng Lam

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy